Friday, March 29, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Chủ tịch TQ Tập Cận...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Chủ tịch TQ Tập Cận Bình

Thủ tướng chúc mừng những thành tựu của Trung Quốc và chúc Diễn đàn Vành đai và Con đường lần hai đạt thành công.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm nay hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi đang ở Bắc Kinh dự Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ hai. Thủ tướng chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới ông Tập, chúc mừng những thành tựu xây dựng và phát triển của Trung Quốc và chúc Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ hai thành công.

Thủ tướng đánh giá cao sự phát triển tích cực của quan hệ hai nước thời gian qua; khẳng định Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; luôn coi trọng thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc. Thủ tướng cũng hoan nghênh và ủng hộ sáng kiến Vành đai và Con đường bảo đảm các nguyên tắc hợp tác hòa bình, bình đẳng và cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên tăng cường hợp tác thực chất trong các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, an ninh; tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc. Thủ tướng hoan nghênh Trung Quốc triển khai các dự án lớn, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường tại Việt Nam; đề nghị hai bên tăng cường hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Kông và các dòng sông chung; gia hạn Thỏa thuận đường dây nóng nghề cá trên biển; hợp tác giám sát an toàn hạt nhân; tiếp tục phối hợp thực hiện tốt ba văn kiện biên giới trên đất liền Việt – Trung.

Về vấn đề trên biển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên tiếp tục tuân thủ nhận thức chung và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; kiên trì giải quyết vấn đề trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế; đạt tiến triển về phân định ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ vào năm 2020; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC); thúc đẩy đàm phán để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC) thực chất, có hiệu lực để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Chủ tịch Trung Quốc gửi lời thăm hỏi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, hoan nghênh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu Việt Nam dự Diễn đàn Vành đai và Con đường; khẳng định điều này thể hiện sự coi trọng của Đảng và nhà nước Việt Nam đối với quan hệ Trung – Việt.

Ông Tập khẳng định Trung Quốc coi trọng quan hệ với Việt Nam, nhất trí cùng Việt Nam duy trì tiếp xúc cấp cao, tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất, mở rộng giao lưu nhân dân, củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, kiểm soát tốt bất đồng, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung – Việt phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững. Ông khẳng định Trung Quốc ủng hộ Việt Nam phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, nhất là việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020.

Cùng ngày, Thủ tướng hội kiến Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Hộ Ninh. Thủ tướng cũng gặp các doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc và thế giới thuộc nhóm các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, năng lượng, tài chính – công nghệ và dự lễ kỷ niệm 5 năm Vietjet mở đường bay tới Trung Quốc, lễ ký Biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn TH True Milk và Công ty trách nhiệm hữu hạn thực phẩm quốc tế Vô Tích Kim Kiều.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng đến thăm, gặp gỡ nói chuyện với cán bộ Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam đang học tập và sinh sống tại Trung Quốc.

“Hợp tác Vành đai và Con đường: Định hình tương lai chung tươi sáng hơn” có sự tham dự của hơn 5.000 đại biểu, trong đó có lãnh đạo của hơn 90 tổ chức quốc tế và quan khách từ hơn 190 nước. Đặc biệt, diễn đàn có sự tham dự của nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ của 36 quốc gia, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế…

Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) được ông Tập Cận Bình công bố vào năm 2013. Đây là khuôn khổ thương mại và cơ sở hạ tầng khổng lồ nhằm liên kết Trung Quốc với châu Âu, châu Phi và châu Á thông qua một loạt các cảng, đường sắt và đường bộ được Bắc Kinh tài trợ dọc theo các hành lang giao thương đường bộ và đường biển. Trung Quốc năm ngoái cho biết hơn 80 nước đã là thành viên và Italy hôm 23/3 trở thành nước G7 đầu tiên tham gia sáng kiến này.

RELATED ARTICLES

Tin mới