Wednesday, October 9, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ ngừng miễn trừ trừng phạt Iran: TQ hưởng lợi?

Mỹ ngừng miễn trừ trừng phạt Iran: TQ hưởng lợi?

Việc Mỹ tuyên bố ngừng miễn trừ trừng phạt Iran đã gây ra một hiệu ứng liên hoàn đến các quốc gia châu Á.

Thông tin từ Reuters, Mỹ sẽ chính thức kết thúc việc miễn trừ trừng phạt Iran có hiệu lực vào ngày 2/5/2019. Tờ báo này cho rằng nguồn cung của thị trường sẽ bị tác động đáng kể và giá dầu thô có thể sẽ tăng thêm 3% .

Chấm dứt miễn trừ trừng phạt Iran sẽ tác động trực tiếp đến quyền lợi của 23 quốc gia đang có giao dịch nhập khẩu dầu Iran. Trong đó, 8 quốc gia và vùng lãnh thổ được miễn trừ trừng phạt sẽ phải quay trở lại với danh sách cấm của Washington bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, Hy Lạp.

Reuters cho biết giới quan sát lập tức khẳng định thị trường châu Á sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ quyết định này của Mỹ, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Thậm chí, nguồn tin của Reuters cho rằng các biện pháp vận động hành lang đã được thực hiện.

Chính phủ Hàn Quốc và Nhật Bản, những đồng minh thân cận của Mỹ hiện tại vẫn từ chối đưa ra bình luận. Tuy nhiên, Hàn Quốc là một trong những người mua chính của Iran với một dạng dầu thô siêu nhẹ mà ngành công nghiệp tinh chế của Hàn Quốc đang dựa vào để sản xuất hóa dầu. Trong khi Iran là một nguồn cung quan trọng với an ninh năng lượng của Nhật Bản.

Thực tế, hồi tháng 11/2018, Mỹ đưa ra bản danh sách 8 nước và vùng lãnh thổ được miễn trừ. Quan điểm của Washington khi đó nhằm giúp các quốc gia này từng bước tìm kiếm sự thay thế cho nguồn cung Iran. Kết quả, đến tháng 1/2019, Italy và Hy Lạp đã ngừng toàn bộ việc nhập khẩu dầu từ Iran.

Nhiều nguồn tin cho rằng Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đang tìm cách tiếp cận các nguồn cung khác. Ví dụ như việc cung cấp dầu thô siêu nhẹ, Seoul đã xúc tiến các hoạt động mua bán với chính Mỹ. Sau khi các doanh nghiệp của Mỹ ngừng xuất khẩu dầu thô siêu nhẹ cho Venezuela khi Washington tiến hành áp đặt trừng phạt vào quốc gia Mỹ Latinh này, họ đã tiếp cận đến thị trường Hàn Quốc và hai bên nhanh chóng đạt được nhiều thỏa thuận.

Tuy nhiên, câu chuyện sẽ phức tạp hơn với trường hợp của Ấn Độ và Trung Quốc. Ấn Độ đã nhượng bộ Mỹ khi tuyên bố cắt giảm mua dầu của Venezuela theo đề nghị của Washington. Nhưng Iran là vấn đề khác. Iran là nguồn cung lớn nhất của năng lượng Ấn Độ. Iran cũng có lợi thế về vị trí địa lý khi là nhà cung cấp có tuyến đường biển đến Ấn Độ gần nhất.

Nói cách khác, Iran đảm bảo đầy đủ nhu cầu cho thị trường Ấn Độ với chi phí thực sự rẻ, cạnh tranh hiệu quả hơn hẳn các quốc gia khác. Thực tế, các nước vùng Vịnh có thể thay thế nguồn cung của Iran vào Ấn Độ, tuy nhiên New Delhi không có thói quen chịu sự áp đặt hay chi phối từ một quốc gia khác.

Với trường hợp này, nếu quả thực muốn đẩy ngành công nghiệp năng lượng của Iran về con số không, Mỹ sẽ phải thuyết phục hòn đá tảng Ấn Độ xoay chuyển. Tuy nhiên, Mỹ và Ấn đang có nhiều hợp tác tốt và Washington không phải không có cơ hội tác động vào New Delhi để chính quyền này thay đổi quan điểm về nguồn cung.

Còn với Trung Quốc, để Bắc Kinh ngừng hợp tác với Tehran dường như là một nhiệm vụ bất khả thi. Bởi đây không đơn thuần là bài toán lợi ích kinh tế, mà còn bao gồm cả chiến lược địa chính trị của Trung Quốc trong khu vực Trung Đông, và giữa cuộc đối đầu thương mại Trung – Mỹ hiện tại.

My ngung mien tru trung phat Iran: Trung Quoc huong loi?
Dự án hợp tác hóa dầu giữa Iran và Trung Quốc

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng trong cuộc họp báo thường nhật tại Bắc Kinh hôm 22/4 cho biết nước này phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ đối với Iran, đồng thời khẳng định việc hợp tác song phương của Bắc Kinh – Tehran là phù hợp với luật pháp. Tuy nhiên, ông Cảnh Sảng đã không trả lời liệu Trung Quốc có để tâm đến lời kêu gọi của Washington đối với việc cắt giảm nhập khẩu dầu của Iran xuống 0 hay không.

Sẽ có 2 kịch bản xảy ra với đối sách của Bắc Kinh trong câu chuyện này. Thứ nhất, họ sẽ cắt giảm một phần nhập khẩu từ Iran để đáp ứng một mức độ tuân thủ nhất định, chứ không bao giờ cắt giảm xuống con số 0.

Trung Quốc sẽ không cắt giảm ngay mà họ làm bằng một tiến độ từ tốn, bình thản. Mỗi đợt cắt giảm là một lần sức ép nhằm vào Washington trên bàn đàm phán của cuộc chiến thương mại. Nói cách khác, Bắc Kinh sẽ dùng chính Iran để đặt lên bàn đàm phán với Mỹ để mưu cầu các lợi ích cho mình.

Trường hợp thứ hai, khi các thị trường nhập khẩu dầu Iran ngày càng khan hiếm, thị trường nào trụ lại đến cuối cùng sẽ là người hưởng giá rẻ nhất và Bắc Kinh đương nhiên không thể bỏ qua món hời mà Mỹ đem lại cho họ.

Dù trong bất kỳ trường hợp nào, Trung Quốc đều có những toan tính lợi ích cho mình. Và Mỹ phải đối diện với thực tế rằng họ sẽ gặp khó thực sự trước Trung Quốc trong tham vọng đưa ngành công nghiệp năng lượng của Iran về số 0.

RELATED ARTICLES

Tin mới