Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mới'Một túi nguyện vọng' ông Kim Jong Un mang sang Nga gồm...

‘Một túi nguyện vọng’ ông Kim Jong Un mang sang Nga gồm những gì?

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đến Nga với ‘một túi nguyện vọng’ sau những cuộc gặp với lãnh đạo Mỹ – Trung – Hàn chưa đáp ứng được mong muốn của ông.

Sáng nay 24-4, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) tường thuật lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã lên đoàn tàu bọc thép rời Bình Nhưỡng, trên đường đến Nga để có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Cuộc hội đàm giữa 2 nhà lãnh đạo Nga – Triều dự sẽ diễn ra vào ngày mai 25-4 ở Vladivostok – thành phố cảng của Nga với cái tên mang ý nghĩa “người cai trị phương đông”.

Khi ông Kim một lần nữa ra nước ngoài để tìm làn gió mới, ông chắc chắn mang theo nhiều kỳ vọng và mong muốn tìm ra hướng đi tươi sáng hơn sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 – một cuộc gặp mà ông và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có được mối quan hệ “rất tốt” nhưng lại không đạt được thỏa thuận nào.

Những nguyện vọng mang theo

Theo Hãng tin AP, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có 2 lo ngại cấp bách khi ông tìm tới xứ sở bạch dương để gặp mặt Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Hiện hơn 10.000 lao động Triều Tiên đang được thuê làm việc tại Nga, với nhiều người làm trong ngành khai khác gỗ ở vùng Viễn Đông của Nga. Họ sẽ bị trục xuất về nước vào cuối năm nay khi một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đưa ra hồi năm 2017 có hiệu lực.

Các lao động Triều Tiên, trước đây có lúc tới 50.000 người, cung cấp nguồn thu quan trọng cho chính quyền Bình Nhưỡng mà theo ước tính của các quan chức Mỹ lên tới hàng trăm triệu USD.

Kế đến, nhà lãnh đạo Triều Tiên hiện cũng lo lắng về khả năng xảy ra tình trạng thiếu lương thực vào hè năm nay.

Về vấn đề này, Nga đã có động thái cho thấy sẵn sàng cung cấp viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên. Chỉ mới tháng trước, Matxcơva thông báo đã chuyển hơn 2.000 tấn lúa mì tới cảng Chongjin của Triều Tiên.

Tuy nhiên, quyết định lên đường tới Nga của ông Kim Jong Un còn ẩn chứa nhiều mong muốn hơn thế, đặc biệt khi cuộc gặp diễn ra chỉ 2 tháng sau thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 ở Hà Nội.

Thế bế tắc trong các cuộc đàm phán Mỹ – Triều có thể thấy luôn có sự hiện diện của câu chuyện lệnh trừng phạt quốc tế. Đây cũng là vấn đề khiến Bình Nhưỡng và Washington không thể đi đến một thỏa thuận tại thượng đỉnh lần 2.

Điều này cho thấy mối quan tâm chính của ông Kim Jong Un hiện nay là cải thiện nền kinh tế của Triều Tiên. Triều Tiên không thể ngồi đợi Mỹ tháo bỏ “vòng kim cô” trong khi nền kinh tế nước này đang hứng chịu nhiều hậu quả từ lệnh cấm vận quốc tế.

Trong khi đó, Triều Tiên từ lâu đã dựa vào sự hỗ trợ của Trung Quốc – đối tác thương mại chính của nước này. Tuy nhiên, sự nương tựa và sức ảnh hưởng quá lớn của Bắc Kinh cũng khiến các quan chức ở Bình Nhưỡng lo sợ, đặc biệt là viễn cảnh Mỹ gây sức ép Trung Quốc “quay lưng” với Triều Tiên.

 Do đó, với Triều Tiên, vào lúc này Nga có thể sẽ mang lại những cơn mưa tươi mát cho những vùng đất khô hạn thiếu thốn của ‘vương quốc ẩn sĩ’.

Theo các tài liệu nội bộ được một nhà nghiên cứu công bố trên báo Mainichi Shimbun của Nhật Bản tuần này, ông Kim hiện mong muốn tăng trao đổi thương mại với Nga lên gấp 10 lần mức hiện tại, đạt 1 tỉ USD vào năm 2020.

Không như Trung Quốc – với nhiều doanh nhân đang hoạt động ở Triều Tiên, Nga có dấu ấn kinh tế khá nhỏ tại Triều Tiên. Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu Tổng thống Putin sẽ đáp ứng được bao nhiêu nguyện mà ông Kim Jong Un mang tới Nga.

Tại sao vào lúc này?

Cuộc gặp Kim – Putin đến khá muộn giữa bối cảnh bán đảo Triều Tiên vận động mạnh trong vòng 1 năm rưỡi qua, khi Triều Tiên từ chỗ liên tục thử hạt nhân và tên lửa cho đến diễn biến mà không ai ngờ đến là cuộc gặp lịch sử Mỹ – Triều.

Cho đến nay, ông Kim đã có cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình 4 lần, với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In 3 lần, và với Tổng thống Mỹ Donald Trump 2 lần.

Tuy nhiên, đỉnh điểm của các cuộc gặp này và là lần gần nhất là cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 đã cho thấy những giới hạn mà Triều Tiên không thể vượt qua: Đàm phán vẫn tiếp tục nhưng trừng phạt không có dấu hiệu giảm nhẹ.

Theo Hãng tin AP, quyết định của ông Kim về việc gặp nhà lãnh đạo Nga Putin có thể cho thấy tâm trạng vỡ mộng của ông Kim hiện nay.

Một túi nguyện vọng ông Kim Jong Un mang sang Nga gồm những gì? - Ảnh 3.

Ông Putin trong một cuộc gặp với cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il – Ảnh: REUTERS

Tổng thống Nga Vladimir Putin có nhiều trải nghiệm với các nhà lãnh đạo Triều Tiên hơn ai hết. Ông đã thăm Bình Nhưỡng vào năm 2000, gặp mặt cha của ông Kim Jong Un – cố lãnh đạo Kim Jong Il – ở Matxcơva vào năm 2001 và ở Vladivostok vào năm 2011.

Tương tự ông Kim, ông Putin không phải là người ủng hộ việc Washington sử dụng lệnh cấm vận làm công cụ chính trị.

Trong khi đó, Matxcơva từng một thời gian dài sát cánh với Triều Tiên, hỗ trợ tái thiết nước này sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Chuyện gì kế tiếp?

Theo Hãng tin AP, nếu ông Putin lựa chọn cách tiếp cận gần gũi hơn và đẩy mạnh quan hệ với Triều Tiên, nỗ lực của Washington nhằm giữ Triều Tiên tập trung vào vấn đề phi hạt nhân hóa có thể sẽ phức tạp hơn nhiều.

Thậm chí, nếu Nga không đưa ra bất kỳ thay đổi nào trong chính sách với Bình Nhưỡng, cuộc gặp với ông Kim sẽ là cơ hội tốt để Nga khẳng định là một người chơi không thể thiếu trong sự vận động của bán đảo Triều Tiên.

RELATED ARTICLES

Tin mới