Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaChiến lược biển của một số nước có lợi ích, an ninh...

Chiến lược biển của một số nước có lợi ích, an ninh quốc gia ở châu Á – Thái Bình Dương

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương có vai trò, lợi ích, ảnh hưởng quan trọng về mặt kinh tế, an ninh quốc gia và chính trị xã hội và đối nhiều nước trên thế giới. Trước sự dịch chuyển địa chiến lược từ không gian đất liền ra không gian biển, nhiều quốc gia trong thời gian gần đây tiến hành hoạch định chiến lược biển của mình nhằm đảm bảo lợi ích và an ninh quốc gia ở trong vùng biển này.

Chiến lược biển của Mỹ

Khu vực biển Đông Á – Thái Bình Dương đang trở thành một trong những trọng tâm hàng đầu trong chiến lược toàn cầu, hội tụ các lợi ích sống còn về kinh tế và chiến lược của Mỹ, bởi: (i) Vùng biển này nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á và Trung Đông – Đông Á; (ii) Đây là nơi chu chuyển lượng vận tải thương mại lớn của thế giới (45%), riêng khu vực Biển Đông với lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD được lưu thông hằng năm thì 1/5 là hàng hóa của Mỹ ; (iii) Đây là nơi mà Mỹ có các mục tiêu an ninh quan trọng. Do vậy, lợi ích của Mỹ là bảo đảm quyền tự do hàng hải, hàng không cả khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông – những bản lề liên kết Đông Bắc Á và Đông Nam Á, rộng hơn là cả giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đây cũng là những địa bàn trực tiếp tác động đến chủ trương chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ. Tiếp cận các vùng biển này là một bảo đảm cho khả năng triển khai sức mạnh quân sự của Mỹ trên toàn thế giới. Chính vì vậy, Mỹ đã xây dựng chiến lược biển nhằm tạo ảnh hưởng và quyền lực của mình trên các vùng biển này.

Mặc dù không phải là quốc gia ven bờ Biển Đông nhưng do tầm quan trọng của Biển Đông nên Mỹ vẫn coi vùng này là con đường thông thương chiến lược chính của mình, lợi ích của Mỹ ở Biển Đông không kém phần quan trọng. Biển Đông được coi là “mắt xích” trọng yếu trong hệ thống quân sự ven biển của Mỹ ở châu Á.

Chính sách và mục tiêu chiến lược của Mỹ đối với tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông được thể hiện qua lập trường 4 điểm: (i) Mỹ thúc giục giải pháp tăng cường “hòa bình, thịnh vượng và an ninh” trong khu vực; (ii) Mỹ không đồng tình với việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để khẳng định yêu sách về chủ quyền của bất kỳ nhà nước nào ở Biển Đông và coi đây là một vấn đề nghiêm trọng; (iii) Mỹ sẵn sàng giúp đỡ bằng giải pháp hòa bình đối với các yêu sách đó nếu được các bên yêu cầu; (iv) Mỹ có lợi ích chiến lược trong việc duy trì sự an toàn và tự do đối với các tuyến đường giao thông trên Biển Đông và xem đó là vấn đề cơ bản để không đồng tình về bất kỳ yêu sách về chủ quyền biển của quốc gia nào không phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Theo đó, Mỹ xác định mục tiêu chiến lược ở Biển Đông là: Một là, không thừa nhận cơ sở pháp lý về các đòi hỏi chủ quyền đối với Biển Đông của bất kỳ nước nào, bởi sự thừa nhận này sẽ đẩy Mỹ vào thế bất lợi. Hai là, bảo đảm việc tự do đi lại trên các tuyến đường hàng hải quốc tế, ngăn cản việc giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông bằng vũ lực. Điều này giúp Mỹ có tiếng nói và vị trí nhất định trong khu vực. Ba là, Biển Đông là “lá bài” cần thiết để kiềm chế tham vọng độc chiếm khu vực này của Trung Quốc.

Chiến lược biển của Trung Quốc

Trung Quốc đang mở rộng không gian chiến lược hướng biển để duy trì sự phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc gia. Nghiên cứu chiến lược biển được Trung Quốc đặc biệt quan tâm, nhất là chiến lược khai thác phát triển Biển Đông. Trung Quốc coi khống chế được Biển Đông tức là khống chế được cả vùng Đông Nam Á và con đường giao lưu huyết mạch từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương. Giành được vị thế ở Biển Đông sẽ giúp nước này giành được thế chủ động để vươn ra các vùng biển khác, đồng thời giúp Trung Quốc tăng cường và mở rộng tầm ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực đối với các nước trong khu vực.

Tháng 4/2014, Viện Nghiên cứu chiến lược phát triển biển thuộc Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc công bố “Báo cáo phát triển chiến lược biển Trung Quốc năm 2014”. So với các năm trước, “Báo cáo” này đã tăng thêm phần “Xây dựng cường quốc biển”, có những ý mới, có đột phá, trình bày khá chi tiết về mục tiêu chiến lược xây dựng cường quốc biển, cung cấp tư liệu chi tiết cho công chúng tìm hiểu tình hình phát triển các chương mục của “Báo cáo” được sắp xếp chủ yếu dựa vào sự bố trí chiến lược xây dựng cường quốc biển nói trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc và các yêu cầu nêu ra trong Báo cáo công tác năm 2013 của chính phủ, kết hợp sự phát triển chính sách về biển, các sự kiện lớn về biển xảy ra trong năm 2013.

Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng, chiến lược biển phải bảo đảm ba yếu tố: (i) Các lợi ích chung về biển của Trung Quốc; (ii) Các lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc; (iii) Xây dựng một “xã hội hòa hợp” về biển, trong đó công nhận sự cạnh tranh toàn cầu trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên biển đang tăng lên.

Các nhiệm vụ chính về biển của Trung Quốc trong tương lai gồm: bảo vệ nguồn lực về biển của Trung Quốc đối với “các vùng nước liên quan”; phát triển kinh tế biển; tăng cường việc sử dụng biển và quản lý các đảo; duy trì môi trường biển; phát triển các ngành công nghiệp biển và khoa học về biển; nâng cao sự đóng góp của Trung Quốc vào hải dương học toàn cầu.

Mục tiêu chiến lược biển của Trung Quốc thời kỳ trước 1985 chỉ đơn thuần là phòng vệ bờ biển. Sau năm 1985, mục tiêu này được phát triển thành phòng vệ biển gần và từ giữa những năm 2000 cho đến nay là hoạt động biển xa. Sự điều chỉnh mục tiêu chiến lược biển như vậy gắn liền với sự mở rộng của nội hàm quan niệm về hải dương của Trung Quốc, từ chỗ coi hải dương chỉ là vùng biển gần bờ, vùng tiếp giáp và đặc quyền kinh tế, sau đó nhấn mạnh khả năng đi ra vùng biển quốc tế và phát triển tài nguyên đại dương, đến hiện nay là mở rộng sang quyền cho tàu bè quân sự tự do đi lại trên biển, khai thác tài nguyên biển, bảo vệ các tuyến hàng hải quan trọng trong trường hợp chiến tranh và cản trở khả năng hoạt động tự do của hải quân các nước đối thủ.

Trước cách hành xử của Trung Quốc gần đây nhằm hiện thực hóa đường lưỡi bò do Trung Quốc tự ý vẽ ra không dựa trên một cơ sở nào để độc chiếm biển Đông, có nhiều ý kiến cho rằng hoạt động biển xa ở ngoài khơi theo cách nhìn của Trung Quốc không giới hạn trong phạm vi không gian địa lý nào mà gắn liền với việc triển khai mục tiêu chiến lược của Trung Quốc, và mục tiêu chiến lược của Trung Quốc sẽ ngày càng lớn hơn, tương thích với mức độ trỗi dậy và tham vọng bá chủ của nước này. Theo đó, khi môi trường quốc tế thay đổi và Trung Quốc mạnh lên thì phạm vi hoạt động của hải quân Trung Quốc sẽ không chỉ ở vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc mà ở bất kỳ phạm vi vùng biển nào mà Trung Quốc muốn khai thác, kiểm soát và trong phạm vi mà đối thủ có thể sử dụng để tấn công Trung Quốc.

   Một số học giả cho rằng Trung Quốc cần có tư duy riêng về sức mạnh biển, phù hợp với hoàn cảnh của Trung Quốc, không dựa vào học thuyết của Alfred Mahan. Học giả Trung quốc Zhang Shiping cho rằng Trung Quốc cần thay đổi quan điểm về sức mạnh biển. Sức mạnh này không thể chỉ gồm hải quân mà phải là sức mạnh tổng hợp của năm lực lượng sau: (1) các tàu hải quân, bao gồm cả tàu sân bay; (2) các tàu dân sự; (3) tàu cá; (4) tàu thăm dò khai thác tài nguyên biển; (5) các lực lượng chấp pháp khác trên biển. Như vậy, sức mạnh biển không chỉ bao gồm khả năng đánh bại địch thủ trên biển mà còn là khả năng bảo vệ và khai thác nguồn lợi khác từ biển. Zhang cho rằng một trong những nhiệm vụ căn bản của hải quân phải là “bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên của quốc gia không bị lấy trộm hoặc hủy hoại”.

Qua đây có thể thấy quan niệm về sức mạnh biển của Trung Quốc vẫn đang trong quá trình phát triển với nhiều trường phái khác nhau và thiên về sức mạnh tổng hợp chứ không chỉ bao gồm sức mạnh quân sự trên biển. Tuy nhiên, các trường phái đều chú trọng vai trò của sức mạnh hải quân như một thành tố quan trọng của sức mạnh biển tổng hợp quốc gia.

Trong xây dựng chiến lược biển của Trung Quốc hiện nay, có hai trường phái tư duy nổi lên. Trường phái thứ nhất cho rằng hải quân là then chốt trong chiến lược biển. Tuy thừa nhận Trung Quốc vẫn cần sức mạnh biển toàn diện song trường phái này nhấn mạnh hải quân là lực lượng nòng cốt và then chốt trong việc đưa Trung Quốc thành một cường quốc về biển. Chỉ có một lực lượng lục quân và hải quân mạnh mới bảo đảm Trung Quốc đạt mục tiêu trở thành một “nước mạnh, toàn vẹn lãnh thổ và tương đối phát triển”. Trường phái thứ hai cho rằng chiến lược biển cần toàn diện, mặc dù vẫn thừa nhận hải quân là nhân tố rất quan trọng. Trường phái này cho rằng vấn đề an ninh biển đã trở nên rất phức tạp, vì vậy một chiến lược phòng vệ biển tốt cần phải có sự phối hợp liên ngành An ninh nội bộ, Truyền thông, Thuế, Hải quan, Ngư chính, Bảo vệ môi trường, và Y tế. Trường phái quan điểm này dựa trên nhận thức cho rằng lợi ích biển của Trung Quốc không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực quân sự mà còn bao hàm lợi ích chính trị, ngoại giao, kinh tế, môi trường và thông tin. Vì vậy, để bảo vệ các lợi ích này cần dựa vào nhiều công cụ và biện pháp.

Giới học giả Trung Quốc thì cho rằng, chiến lược biển của Trung Quốc cần xử lý được ba vấn đề cốt yếu với mục tiêu cuối cùng đặt ra là khả năng ảnh hưởng. Một là, sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên hải dương để trở thành cường quốc kinh tế biển. Hai là, khống chế, quản lý, phân phối hiệu quả đối với từng vùng biển, trở thành thế lực có sức mạnh trên biển mang tính khu vực. Ba là, có thực lực ngoại giao trong các vấn đề hải dương, có năng lực ảnh hưởng lớn tới các vấn đề hải dương của khu vực và thế giới.

Trong báo cáo chính trị được Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào đọc tại phiên bế mạc của Đại hội XVIII, diễn ra ngày 14/11/2012 tại Bắc Kinh đã đề cập; “ Trung Quốc cần đề cao khả năng khai thác tài nguyên hải dương, phát triển kinh tế hải dương, bảo hộ môi trường sinh thái hải dương, kiên quyết bảo vệ lợi ích hải dương quốc gia, để kiến thiết Trung Quốc trở thành một cường quốc hải dương ”. Theo đó, chiến lược phát triển sức mạnh biển của Trung Quốc hiện nay đang được triển khai trên ba khía cạnh chính, bao gồm: (1) Xây dựng năng lực trên biển một cách toàn diện, bao gồm sức mạnh kinh tế, quân sự, ngoại giao, khoa học công nghệ và văn hóa; (2) Mở rộng năng lực hoạt động của hải quân Trung Quốc tương ứng với các lợi ích về kinh tế và an ninh của Trung Quốc; (3) Chiến lược biển sẽ toàn diện, trong đó vai trò của Hải quân sẽ rất lớn và quan trọng, song không phải là lực lượng duy nhất, mà bên cạnh đó sẽ có lực lượng chấp pháp khác và hợp tác quốc tế.

Đáng chú ý, trong quá trình xây dựng Chiến lược biển hiện nay, Hải quân Trung Quốc muốn thúc đẩy vị trí trung tâm của mình bằng cách chứng minh vai trò của lực lượng này trong việc bảo đảm cho sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Các lập luận Hải quân Trung Quốc thường sử dụng để biện minh cho vai trò của mình là: (1) là lực lượng chủ đạo bảo vệ các nguồn tài nguyên biển của Trung Quốc; (2) là lực lượng bảo vệ khu vực ven biển duyên hải của Trung Quốc và các tuyến hàng hải huyết mạch đối với kinh tế vùng duyên hải; (3) phát triển một lực lượng hải quân mạnh sẽ góp phần kích thích phát triển kinh tế nội địa; (4) là lực lượng thực thi các nhiệm vụ quan trọng khác trong thời bình.

Chiến lược biển của Nga

Nhằm khôi phục và duy trì vị thế cường quốc biển của Nga trên phạm vi toàn thế giới, Nga đã công bố học thuyết biển mới vào năm 2015. Theo đó, nội dung của Học thuyết bao gồm: Phát triển vận tải; khai thác và bảo vệ tài nguyên đại dương; tiếp tục nghiên cứu khoa học biển; tiếp tục duy trì hoạt động của hải quân. Các nội dung này thể hiện chủ trương khôi phục và duy trì vị thế cường quốc biển của Nga trên phạm vi thế giới. Học thuyết biển mới của Nga xác định các hướng chiến lược trọng tâm mà ở đó Nga sẽ củng cố sức mạnh. Một là, khu vực Biển Đen, nơi Nga sẽ phát triển lực lượng Hạm đội Biển Đen, ngăn chặn sự mở rộng của NATO áp sát biên giới Nga; Hai là, khu vực Bắc Cực với tiềm năng dồi dào, buộc Nga phải có những điều chỉnh về chiến lược và tập trung lực lượng để khai thác phục vụ lợi ích quốc gia Nga; Ba là, khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, khu vực hội tụ các đại dương lớn và quan trọng của thế giới, bảo đảm lợi ích, mục tiêu phát triển và an ninh của Nga.

Theo đánh giá của các nhà phân tích, việc Nga công bố chiến lược biển mới ngay sau khi Mỹ thông qua một loạt văn kiện chiến lược quan trọng về hàng hải, như chiến lược sức mạnh trên biển, chiến lược an ninh hàng hải, chuyển trọng tâm sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương… cho thấy Nga bắt đầu tham gia một cuộc cạnh tranh chiến lược rộng lớn với Mỹ trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng và duy trì vị thế cường quốc biển hàng đầu thế giới.       

Chiến lược an ninh biển mới của Nhật Bản

Là quốc gia hải đảo, với đường bờ biển dài và hàng nghìn hòn đảo, phụ thuộc nhiều vào biển để phát triển kinh tế, Nhật Bản rất chú trọng phát triển chính sách biển. Trong các thập niên qua, Nhật Bản trở thành cường quốc số một trong khu vực về phát triển kinh tế biển bởi quốc gia này đã xây dựng và thực thi chiến lược kinh tế biển nhằm khai thác và quản lý các nguồn lực từ biển. Chính sách về biển của Nhật Bản chủ yếu tập trung phát triển tài nguyên biển, kết hợp hài hoà giữa khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; bảo đảm an toàn và an ninh trên biển; tăng cường nghiên cứu khoa học về biển, thúc đầy các hoạt động trong nghiên cứu và phát triển liên quan đến biển, tăng cường thăm dò đại dương ở những vùng có đủ dữ liệu; phát triển hợp lý các ngành kinh tế biển. Trong bối cảnh các nước trên thế giới đều chạy đua, hướng ra biển, lấy biển làm điều kiện sống tất yếu cho sự phát triển của quốc gia, Nhật Bản ngày càng chú trọng tăng cường đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cho kinh tế biển.  

Tuy nhiên, thời gian qua, bối cảnh tình hình khu vực và môi trường chiến lược của Nhật Bản đã có nhiều thay đổi sâu sắc, tác động đến an ninh đất nước. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản đã phê chuẩn chính sách mới về đại dương vào tháng 5/2018. Chính sách mới về đại dương của Nhật Bản nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự hợp tác giữa các lực lượng liên quan để ứng phó trước những thách thức mới trên biển. Để bảo đảm an toàn cho các tuyến hải lộ, chính sách mới này cũng quy định Chính phủ sẽ thúc đẩy “chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” để duy trì và củng cố trật tự trong khu vực.      

Chính sách biển của Indonesia

Tháng 11/2014 tại Hội nghị cấp cao Đông Á tại Naypidaw (Myanmar), Tổng thống Widodo công bố tầm nhìn phát triển đất nước của Indonesia với Học thuyết Trục biển toàn cầu, trong đó biển được coi là hướng mở rộng chính. Mục tiêu trung tâm của Học thuyết Trục biển toàn cầu là tối ưu hóa các nguồn lực và lợi thế sẵn có về biển của Indonesia để phát triển Indonesia thành một “quốc gia biển” giữa Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương. Học thuyết xác định năm trụ cột chính gồm: (1) Xây dựng văn hóa biển; (2) Quản lý tài nguyên; (3) Phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối biển; (4) Ngoại giao biển; (5) Phát triển hải quân.

Tuy nhiên, Trục biển toàn cầu chỉ đề ra các nguyên tắc chung, không nêu chi tiết các biện pháp triển khai cụ thể. Do đó, sau gần 4 năm từ khi Tổng thống Widodo công bố Trục biển toàn cầu, các bộ ngành và địa phương của Indonesia vẫn có các diễn giải và triển khai khác nhau, khiến họ phản ứng thiếu phối hợp về những vụ việc liên quan tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng biển của Indonesia. Nhánh ngoại giao chủ trương xử lý mềm mỏng vấn đề, nhánh nghề cá thể hiện sự hung hăng còn quân sự tăng cường khả năng răn đe. Nhánh ngoại giao Indonesia hành xử mềm mỏng vì tin rằng Indonesia sẽ được yên và chủ quyền xung quanh Natuna vẫn toàn vẹn nếu tiếp tục giữ lập trường không phải là nước yêu sách mà là “bên môi giới trung thực” và tránh mọi tình huống tạo ra tranh chấp với Trung Quốc. Trong khi đó, nhánh nghề cá dẫn đầu bởi Bộ trưởng Susi Pudjiastuti thể hiện quan điểm rất cứng rắn, lên án mạnh mẽ Trung Quốc ngăn cản trái phép hoạt động chống đánh bắt cá của Indonesia (IUU). Nhánh quốc phòng thể hiện sức mạnh, tăng cường khả năng răn đe trên thực địa. Tuy nhiên, giới quan sát hoài nghi về khả năng Indonesia điều lực lượng quân đội để đẩy tàu thuyền của Trung Quốc ra ngoài vùng biển Natuna vì hành động quân sự của Indonesia chủ yếu để phô diễn lực lượng hơn là sử dụng vũ lực chống Trung Quốc.

Tháng 2/2017, Tổng thống Widodo ban hành Sắc lệnh Tổng thống số 6/2017 về chính sách biển, nêu chi tiết các mục tiêu, nguyên tắc, biện pháp và kế hoạch hành động để triển khai Trục biển toàn cầu. Về mục tiêu, chính sách biển xác định Indonesia phấn đấu trở thành một quốc gia biển mạnh, phát triển, đảm bảo chủ quyền và độc lập, đóng góp tích cực cho hòa bình và an ninh ở khu vực và trên thế giới phù hợp với lợi ích quốc gia của Indonesia. Cụ thể, Chính sách Biển của Indonesia nhằm: Quản lý tối ưu và phát triển bền vững tài nguyên biển; phát triển chất lượng nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ biển; phát triển lực lượng an ninh quốc phòng biển mạnh; tăng cường chủ quyền, luật pháp và an toàn trên biển; quản trị đại dương tốt; đảm bảo phúc lợi xã hội công bằng cho người dân ở khu vực ven biển và các đảo nhỏ; gia tăng sức cạnh tranh và tăng trưởng của kinh tế và các ngành công nghiệp gắn với biển; xây dựng cơ sở hạ tầng biển chắc chắn; lên kế hoạch quản lý không gian biển; bảo vệ môi trường biển; ngoại giao biển; và xây dựng bản sắc văn hóa biển. Về nguyên tắc triển khai, chính sách biển tập trung tăng cường nhận thức coi Indonesia là quốc gia quần đảo thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; phát triển bền vững: khai thác tài nguyên sinh vật không vượt quá khả năng tái tạo và phục hồi; khai thác tài nguyên phi sinh vật không vượt quá khả năng phát triển của các tài nguyên thay thế; mức độ khai thác hiện tại không vượt quá nhu cầu sử dụng trong tương lai; dự liệu các tác động tiêu cực có thể xảy đến trong quá trình khai thác tài nguyên; phát triển kinh tế xanh: phát triển kinh tế biển đi đôi với bảo vệ môi trường; quản lý thống nhất và minh bạch: quản lý trong một hệ thống đồng nhất, xây dựng các quy định rõ ràng và minh bạch, cung cấp đầy đủ thông tin để người dân hiểu; khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan vào quá trình lên kế hoạch, quyết định, triển khai, giám sát, kiểm soát, tiếp cận thông tin và sử dụng tài nguyên; tạo sự bình đẳng và công bằng: mọi cá nhân, nhóm và tầng lớp dân cư từ các vùng miền và tôn giáo khác nhau đều được đối xử bình đẳng, cùng có lợi; tăng cường kết nối giữa các trung tâm kinh tế với các vùng miền, phát triển các dự án ở các đảo ngoài xa, ưu tiên cải thiện phúc lợi cho nhóm thu nhập thấp, đặc biệt là ngư dân. Về biện pháp triển khai, chính sách biển đề ra 76 biện pháp tập trung trong 7 trụ cột gồm quản lý tài nguyên biển và phát triển nguồn nhân lực; tăng cường quốc phòng an ninh từ biển, chấp pháp và an toàn trên biển; quản trị đại dương; phát triển kinh tế biển, cơ sở hạ tầng và phồn vinh cho người dân; quản lý không gian biển và bảo vệ môi trường biển; xây dựng văn hóa biển và xây dựng ngoại giao biển. Ngoài ra, chính sách biển đồng thời đề ra kế hoạch hành động 5 năm theo nhiệm kỳ tổng thống. Kế hoạch hành động hiện tại từ 2016-2019 đề ra 425 hoạt động được phân bổ trong 5 nhóm ưu tiên, gồm: Biên giới biển, không gian biển và ngoại giao biển do Bộ Ngoại giao, Quân đội, Bộ các vấn đề biển và nghề cá và Bộ Thông tin chủ trì thực hiện; Công nghiệp biển và kết nối do Bộ Công nghiệp, Bộ Giao thông, Bộ Việc làm và nhà ở, Cơ quan tìm kiếm cứu nạn chủ trì; Dịch vụ, tài nguyên biển và quản lý môi trường biển do Bộ các vấn đề biển và nghề cá, Bộ Năng lượng và khoáng sản, Bộ Công nghiệp, Bộ Môi trường và rừng chủ trì; Quốc phòng và an ninh biển do Quân đội, Bộ Quốc phòng, Cơ quan an ninh biển, Bộ Các vấn đề biển và nghề cá chủ trì; Văn hóa biển do Bộ Các vấn đề biển và nghề cá, Bộ Giao thông, Bộ Nghiên cứu khoa học và giáo dục và Bộ Nhân lực chủ trì thực hiện.

 Chiến lược biển của Thái Lan

Thái Lan không liên quan trực tiếp đến các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông nên Bangkok giữ quan điểm trung lập trong về vấn đề Biển Đông, ủng hộ các bên liên quan giải quyết hòa bình các tranh chấp, thông qua thương lượng và tuân thủ luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng trước đây, Thái Lan không muốn tham gia quá sâu vào vấn đề Biển Đông một phần là do quan hệ đối tác khá chặt chẽ về kinh tế lẫn quân sự với Trung Quốc, phần nữa là nước này vừa trải qua một giai đoạn nhiều biến động về chính trị cũng như phải đối phó bất ổn tại miền Nam. Tuy nhiên, tranh chấp Biển Đông ngày càng trở nên nổi cộm trong quan hệ ASEAN – Trung Quốc, đe doạ phá vỡ quan hệ hợp tác này nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, khiến Thái Lan phải có nhiều động thái tích cực, can dự sâu hơn vào vấn đề này. Thời gian tới, Thái Lan sẽ tích cực đóng vai trò trung gian, cùng tìm ra hướng giải quyết thích hợp nhất cho tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông dựa trên một số điểm cơ bản như: giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế; duy trì hòa bình, ổn định, đảm bảo an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông; thực hiện nghiêm túc Tuyên bố 6 điểm của ASEAN và DOC, sớm thúc đẩy xây dựng COC.

RELATED ARTICLES

Tin mới