Wednesday, April 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhìn nhận của Mỹ về TQ: Ảo tưởng và sai lầm

Nhìn nhận của Mỹ về TQ: Ảo tưởng và sai lầm

Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi quan hệ ngoại giao Mỹ – Trung được thiết lập dưới nhiệm kỳ Tổng thống Richard Nixon, Mỹ đã giúp Trung Quốc phát triển kinh tế, với niềm tin rằng sự nổi lên của Trung Quốc sẽ đem lại cho Mỹ những quan hệ đối tác có lợi, thúc đẩy thương mại tự do, và khẳng định vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ. Tuy nhiên, khi nhìn lại những gì mà Trung Quốc đã và đang thể hiện trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ, quan hệ quốc tế, quân sự và chính trị, các nhà hoạch định chính sách và các học giả Mỹ đã bắt đầu nhận ra rằng: Sự nổi lên của Trung Quốc không mang tính chất hòa bình và vô hại như họ thường nghĩ, mà nó ẩn giấu một tham vọng bí mật của Trung Quốc nhằm thế chân Mỹ trong vai trò lãnh đạo toàn cầu. Việc Mỹ khởi động Chiến tranh Thương mại với Trung Quốc vào năm 2018 có lẽ là bước đi quan trọng nhất thể hiện cách nhìn nhận mới của Mỹ về Trung Quốc.

Trong cuốn sách “The Hundred-Year Marathon: China’s Secret Strategy to Replace America as the Global Superpower” (Cuộc Marathon 100 năm: Chiến lược bí mật của Trung Quốc để thế chân Mỹ trong vai trò siêu cường toàn cầu),[1] tác giả Michael Pillsbury, một chuyên gia an ninh kỳ cựu đã làm việc cho chính phủ Mỹ kể từ nhiệm kỳ Tổng thống Nixon và Kissinger, cho rằng từ lâu Mỹ đã bị Trung Quốc đánh lừa, qua đó có những giả định sai lầm về Trung Quốc, dành cho Trung Quốc vô số hạng mục trợ giúp trên mọi lĩnh vực, để rồi cuối cùng Trung Quốc nổi lên mạnh mẽ và đe dọa vị thế của Mỹ.

Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với độc giả phần lược dịch chương Giới thiệu của cuốn sách này, trong đó tác giả Michael Pillsbury chỉ ra 5 lầm tưởng của Mỹ về Trung Quốc, mà ông đánh giá là “một thất bại tình báo nguy hiểm, nghiêm trọng và có tính hệ thống nhất trong lịch sử nước Mỹ.” Tạp chí Phương Đông hy vọng rằng chương sách này sẽ cung cấp thêm những thông tin và góc nhìn mới, để người Việt chúng ta suy ngẫm về đường hướng phát triển của Việt Nam trong mối tương quan với hai cường quốc này.

Người Mỹ chúng ta vẫn không nhìn Trung Quốc theo cách mà họ nhìn chúng ta – tình trạng này đã kéo dài hàng thập kỷ.

Nhiều người trong số chúng ta khi nghiên cứu Trung Quốc đã được dạy hãy nhìn nhận nước này như một nạn nhân tội nghiệp của các đế quốc phương Tây – một quan niệm mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc không chỉ tin mà còn tích cực tuyên truyền thúc đẩy. Khi tôi đang theo học chương trình Tiến sĩ tại Đại học Columbia năm 1967, các giáo sư ngành khoa học chính trị đã nhấn mạnh rằng phương Tây và Nhật Bản đã đối xử tệ với Trung Quốc, ám chỉ rằng thế hệ của chúng tôi có trách nhiệm sửa chữa sai lầm này. Nhiều sách giáo khoa của chúng tôi cũng đưa ra những lập luận tương tự.

Quan điểm này là nền tảng cho cách ứng xử của chính phủ Mỹ đối với Trung Quốc. Nó đã ảnh hưởng đến khuyến nghị mà các chuyên gia về Trung Quốc đề xuất với các tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo khác.

Kể từ khi Tổng thống Richard Nixon mở cửa với Trung Quốc vào năm 1971, chính sách của Mỹ đối với nước CHND Trung Hoa hầu như được tính toán bởi những người tìm kiếm “quan hệ mang tính xây dựng” với Trung Quốc, nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của Trung Quốc. Chính sách này vẫn còn có hiệu lực; hàng thập kỷ qua, trải qua 8 đời Tổng thống Mỹ, nó chỉ có những thay đổi rất nhỏ. Các tổng thống Dân chủ hay Cộng hòa có những tầm nhìn chính sách đối ngoại khác nhau, nhưng tất cả đều đồng thuận về tầm quan trọng của việc hợp tác với Trung Quốc và thúc đẩy sự nổi lên của nước này. Những người ủng hộ chính sách “quan hệ mang tính xây dựng”, chủ yếu là các học giả và nhà ngoại giao nổi tiếng và các cựu tổng thống, đã có ảnh hưởng rất lớn tới các nhà hoạch định chính sách và các nhà báo viết về Trung Quốc. Tôi nên biết rằng – tôi đã là thành viên của nhóm này trong nhiều thập kỷ. Thật ra, tôi là một trong những người đầu tiên cung cấp thông tin tình báo về Trung Quốc cho Nhà Trắng, ủng hộ việc mở cửa với Trung Quốc từ năm 1969. Trong nhiều thập kỷ, đôi lúc tôi đóng vai trò then chốt trong việc thuyết phục chính quyền hai đảng hỗ trợ cho Trung Quốc về quân sự và công nghệ. Chúng tôi tin rằng sự hỗ trợ của Mỹ dành cho một Trung Quốc yếu ớt, nơi các nhà lãnh đạo của họ cũng suy nghĩ như chúng tôi, sẽ giúp Trung Quốc trở thành một cường quốc dân chủ, hòa bình và không hề có tham vọng thống trị khu vực hay toàn cầu. Chúng tôi đã đánh giá quá thấp sức ảnh hưởng của những con diều hâu Trung Quốc.

Mỗi một giả định đằng sau niềm tin đó đều sai, và cái sai này cực kỳ nguy hiểm. Sai lầm của những giả định này ngày càng trở nên rõ ràng hơn, qua những gì Trung Quốc làm, và quan trọng không kém, qua những gì Trung Quốc không làm.

Ảnh 2. Theo dấu chân Nixon, Tổng thống Ford tiếp tục chính sách xoa dịu với Trung Quốc. Trong ảnh, Tổng thống Ford hút tẩu trong khi trò chuyện với lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình tại Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 12 năm 1975. Ảnh 3. Ngoại trưởng Henry Kissinger bắt tay với Chủ tịch Mao Trạch Đông, ngày 2/12 năm 1975. Đứng phía sau là Tổng thống Gerald Ford và con gái Susan.

Lầm tưởng thứ 1: Quan hệ sẽ đem lại hợp tác toàn diện

Trong 4 thập kỷ qua, các đồng nghiệp và tôi tin rằng “quan hệ” với người Trung Quốc sẽ khiến Trung Quốc hợp tác với phương Tây trong nhiều vấn đề chính sách. Nhưng thực tế không phải như vậy. Chúng tôi tưởng rằng thương mại và công nghệ sẽ khiến Trung Quốc và phương Tây nhất trí quan điểm về các vấn đề trật tự khu vực và quốc tế. Nhưng không. Nói tóm lại, Trung Quốc hầu như không đáp ứng bất kỳ kỳ vọng nào của chúng tôi.

Từ việc cản trở các nỗ lực tái thiết và phát triển kinh tế ở nước Afghanistan bị chiến tranh tàn phá, cho tới việc hỗ trợ cho các chính phủ chống phương Tây ở Sudan và Bắc Triều Tiên, Trung Quốc đã chống lại các hành động và mục tiêu của chính phủ Mỹ. Thật vậy, Trung Quốc đang xây dựng quan hệ riêng với các đồng minh và kẻ thù của Mỹ, đi ngược lại những kỳ vọng về một Trung Quốc hòa bình và tích cực.

Lấy vũ khí hủy diệt hàng loạt làm ví dụ. Đối với Mỹ và đồng minh, không có nguy cơ an ninh nào lại nguy hiểm hơn việc phổ biến loại vũ khí này. Nhưng Trung Quốc không giúp ích gì trong việc kiểm soát tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên và Iran.

Sau sự kiện ngày 11 tháng 9, một số nhà bình luận thể hiện niềm tin rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ đoàn kết chống lại hiểm họa khủng bố. Kỳ vọng về việc hợp tác để chống lại “mối đe dọa chung” là chủ nghĩa khủng bố bằng cách “xóa bỏ những hiềm khích cũ”,[1] như Tổng thống George W. Bush miêu tả trong bài Tuyên thệ Nhậm chức của mình vào tháng 1 năm 2002, không làm thay đổi thái độ của Trung Quốc. Hợp tác Trung – Mỹ về vấn đề này tỏ ra khá hạn chế về quy mô và cấp độ.

Ảnh 4. Tổng thống Jimmy Carter và nhà lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình ký văn bản thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Mỹ và Trung Quốc lần đầu tiên kể từ năm 1949. Ảnh 5. Hoàng Trấn, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, gặp Tổng thống  Jimmy Carter tại Phòng Bầu dục, Washington, 8/2 năm 1977. Từ trái sang phải: Huang, Hsu Shan Wei – phiên dịch, Zbigniew Brzezinski, cố vấn an ninh quốc gia, và TT Carter. Brzezinski là một trong những chính trị gia đặt nền móng cho quá trình bình thường hóa quan hệ Trung – Mỹ. (Ảnh: Harvey Georges/AP)

Lầm tưởng thứ 2: Trung Quốc đang trên con đường tiến tới dân chủ

Trong 30 năm qua, Trung Quốc chắc chắn đã thay đổi rất nhiều, nhưng hệ thống chính trị của nó đã không phát triển theo cách mà chúng tôi, những người ủng hộ quan hệ với Trung Quốc, đã hy vọng và dự đoán. Aaron Friedberg của Đại học Princeton đa quan sát thấy thay vì đứng trên bờ vực sụp đổ, Đảng Cộng sản Trung quốc có thể sẽ tồn tại hàng thập kỷ.[2] Tác giả James Mann, người đã viết về Trung Quốc trong hơn 30 năm, chỉ ra rằng điều mà ông gọi là “kịch bản xoa dịu”, với tiên đoán rằng Trung Quốc sẽ dần dần phát triển thành một nước dân chủ tự do, có thể chỉ là mơ hão.[3] Một bản đánh giá công bố năm 2009 của Hội đồng Đối ngoại Châu Âu, một think-tank hàng đầu theo cánh trung tả, đã gọi niềm tin rằng quan hệ với Liên minh Châu Âu sẽ khiến Trung Quốc “tự do hóa nền kinh tế, cải thiện pháp quyền và dân chủ hóa nền chính trị” là lỗi thời.[4] Thay cho sự nổi lên của một nền kinh tế thị trường tự do kiểu Mỹ, các học giả ngày càng thấy rõ sự nổi lên của một hệ thống tạm gọi là “chủ nghĩa tư bản chuyên chế.”[5]

Ảnh 6. Tổng thống George H. W. Bush (cha) và phu nhân Barbara Bush tại Quảng trường Thiên An Môn, tháng 2 năm 1989.

Lầm tưởng thứ 3: Trung Quốc là một bông hoa mong manh

Năm 1996, tôi là thành viên một phái đoàn Mỹ tới Trung Quốc, trong đó có Robert Ellsworth, cố vấn hàng đầu về chính sách đối ngoại cho ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa, Robert Dole. Tận dụng khả năng Dole có thể thắng cử và bổ nhiệm Ellsworth làm bộ trưởng ngoại giao, người Trung Quốc cung cấp cho chúng tôi một cơ hội chưa từng có để quan sát các hoạt động và vấn đề nội bộ của đất nước họ. Một số trong số những người hộ tống chúng tôi là các sĩ quan quân đội, họ tự gọi mình là diều hâu.

Trong một cuộc chia sẻ quan điểm với các học giả Trung Quốc, chúng tôi được cho biết Trung Quốc đang phải đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng về kinh tế và chính trị – và khả năng sụp đổ là rất cao. Các học giả danh tiếng này chỉ ra các vấn đề môi trường nghiêm trọng, dân tộc thiểu số bạo loạn, và các nhà lãnh đạo chính phủ tham nhũng và năng lực yếu kém, không có khả năng tiến hành những cải cách cần thiết. Xét đến đặc tính bí mật của Bộ Chính trị Trung Quốc, tôi ngạc nhiên trước sự thẳng thắn của các học giả này, và bất ngờ trước những dự báo của họ – các dự báo này càng động viên tôi tiếp tục ủng hộ cho những nỗ lực thúc đẩy Mỹ viện trợ cho một nước Trung Quốc có vẻ dễ vỡ.

Về sau tôi mới phát hiện ra người Trung Quốc còn hộ tống nhiều đoàn khách Mỹ khác bao gồm các học giả, doanh nhân, chuyên gia về chính sách trong những chuyến thăm “đặc biệt” này, trong đó họ cũng nhận được một thông điệp giống hệt về sự suy tàn sắp tới của Trung Quốc. Nhiều người trong số họ nhắc lại những “phát hiện” này trong cái bài báo, sách và bình luận tại Mỹ. Ví dụ, một nghiên cứu do Tập đoàn RAND công bố đã liệt kê 10 yếu tố sẽ khiến Trung Quốc suy yếu hoặc thậm chí sụp đổ trong tương lai gần.[6] Sau đó, xu hướng này tiếp tục đặc trưng cho các cuộc thảo luận về Trung Quốc. Tiêu đề một bài báo đăng trên tạp chí Commentary năm 2003 đề cập đến “căn bệnh” của Trung Quốc,[7] và một cuốn sách bán chạy xuất bản năm 2001 nói rằng Trung Quốc “sắp sụp đổ”.[8] Nhiều người thể hiện quan điểm lo ngại rằng nếu Mỹ tạo sức ép quá lớn buộc Trung Quốc tổ chức bầu cử, trả tự do cho những người bất đồng chính kiến, mở rộng pháp quyền, và đối xử công bằng với các dân tộc thiểu số, thì sức ép này sẽ dẫn tới sự sụp đổ của nhà nước Trung Quốc, gây hỗn loạn trên khắp Châu Á.

Trong hàng thập kỷ, chúng ta đã trông thấy các lập luận này trên những bài xã luận, tin tức, và sách. Nó chi phối hiểu biết của đất nước chúng ta về Trung Quốc. Nhưng sự thật là GDP của Trung Quốc, vốn đã tăng trưởng mạnh, được dự đoán sẽ tiếp tục tăng ít nhất 7 – 8 phần trăm, vượt qua GDP của Mỹ sớm nhất vào năm 2018, theo các nhà kinh tế học từ IMF, OECD và UN.[9] Không may, các chuyên gia về chính sách với Trung Quốc như tôi lại tin tưởng vào khả năng “Trung Quốc sắp sụp đổ”[10] đến mức không mấy ai tin vào các dự báo kia. Trong khi chúng tôi lo lắng về tai họa của Trung Quốc, thì nền kinh tế nước này đã tăng trưởng hơn gấp đôi.

Ảnh 7. Tổng thống Ronald Reagan và Thủ tướng Trung Quốc Triệu Tử Dương trong lễ tiếp đón tại Nhà Trắng, tháng 1 năm 1984.

Lầm tưởng thứ 4: Trung Quốc giống như chúng ta

Người Mỹ thường ngạo mạn tin rằng tất cả các nước đều mong muốn được như nước Mỹ. Trong những năm gần đây, thái độ này đã dẫn dắt cách tiếp cận của chúng ta đối với Iraq và Afghanistan. Chúng ta cũng nghĩ về Trung Quốc với thái độ tương tự.

Trong thập niên 1940, chính phủ Mỹ tài trợ cho một nỗ lực nhằm tìm hiểu tâm tính của người Trung Quốc. Nỗ lực này được cô đọng trong một số nghiên cứu, bao gồm một nghiên cứu trong đó 150 di dân Trung Quốc ở Chinatown, New York, làm trắc nghiệm Rorschach. Các nhà nghiên cứu, bao gồm các học giả như Nathan Leites, Ruth Benedict, và Margaret Mead, cũng phân tích các chủ đề của những cuốn sách và bộ phim nổi tiếng của Trung Quốc. Họ kết luận rằng người Trung Quốc không nhìn nhận chiến lược theo cách của người Mỹ. Trong khi người Mỹ có xu hướng ưa chuộng các hành động trực tiếp, những người gốc Trung Quốc lại ưa hành động gián tiếp hơn là trực tiếp, ưa sự mờ ám và lừa dối hơn là sự rõ ràng, minh bạch. Một kết luận nữa đó là các tác phẩm Trung Quốc viết về chiến lược thường nhấn mạnh và ca ngợi sự lừa gạt.

Kết quả của nghiên cứu năm 1940 đã gây tranh cãi và bị coi là sai về mặt chính trị, và nghiên cứu này không bao giờ được xuất bản. Văn bản duy nhất còn được lưu giữ nằm tại Thư viện Quốc hội [Mỹ]. Mãi tới năm 2000 tôi mới được biết từ các tướng lĩnh Trung Quốc rằng các kết luận của nghiên cứu này là chính xác. Người Trung Quốc đánh giá cao tầm quan trọng của các mưu kế đánh lừa. Họ tự hào về đặc điểm văn hóa độc đáo đó. Hai viên tướng diều hâu đã lập nên một “Hiệp hội Thúc đẩy Văn hóa Chiến lược Trung Hoa” để tuyên truyền cho quan điểm này. Sức ảnh hưởng của họ đối với truyền thông quốc gia đã gia tăng kể từ khi tôi gặp họ lần đầu tiên 20 năm trước. Các đồng nghiệp của tôi đã sai lầm khi phớt lờ họ, cho đến khi một số khuyến nghị của họ gần đây đã trở thành chính sách của Trung Quốc.

Ảnh 8. Tổng thống Bill Clinton cùng đi với Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân tới buổi chụp ảnh với các nhà lãnh đạo APEC bên ngoài Bảo tàng Nhân học ở Vancouver, Canada, ngày 25 tháng 11 năm 1997.

Lầm tưởng thứ 5: Diều hâu Trung Quốc rất yếu ớt

Cuối thập niên 1990, thời Tổng thống Clinton nắm quyền, tôi được Bộ Quốc phòng và CIA giao nhiệm vụ thực hiện một cuộc điều tra chưa từng có tiền lệ về năng lực của Trung Quốc trong việc đánh lừa nước Mỹ và những hành động nước này đã tiến hành theo âm mưu đó. Dựa trên các thông tin tình báo, các tài liệu chưa được công bố, các cuộc phỏng vấn với những người bất đồng chính kiến và các học giả Trung Quốc, cùng các tài liệu bằng tiếng Trung, tôi bắt đầu nhìn thấy những bí mật mà người Trung Quốc vẫn giấu giếm.

Tôi đã tìm ra các đề xuất mà giới diều hâu gửi cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhằm đánh lạc hướng và điều khiển các nhà hoạch định chính sách Mỹ, để giành được sự trợ giúp về tình báo, quân sự, công nghệ và kinh tế. Tôi phát hiện ra rằng những tay diều hâu này đã cố vấn cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc, bắt đầu từ Mao Trạch Đông, để trả đũa cho một thế kỷ nhục nhã, với tham vọng tới năm 2049 (kỷ niệm 100 năm cuộc Cách mạng Cộng sản) sẽ thế chân Mỹ trong vai trò lãnh đạo thế giới về kinh tế, quân sự và chính trị. Kế hoạch này được biết đến với tên gọi “Cuộc Marathon 100 năm”. Đó là một kế hoạch mà các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản đã thực thi từ khi bắt đầu quan hệ với Mỹ. Mục tiêu là để trả đũa hoặc để “rửa” các mối nhục cũ. Sau đó Trung Quốc sẽ thiết lập một trật tự thế giới công bằng với Trung Quốc, một thế giới nơi Mỹ không giữ vị trí thượng tôn, và sửa chữa trật tự kinh tế và địa chính trị thế giới do Mỹ thống trị thiết lập tại Hội nghị Bretton Woods và San Francisco vào cuối Thế Chiến II. Giới diều hâu lượng định rằng Trung Quốc chỉ có thể đạt được mục tiêu này thông qua các chiêu lừa gạt.

Khi tôi trình bày các phát hiện của mình về những đề xuất của giới diều hâu Trung Quốc liên quan đến tham vọng và chiến thuật đánh lừa của nước này, nhiều nhà phân tích tình báo và quan chức Mỹ ban đầu tỏ ra không tin. Họ chưa bao giờ trông thấy những bằng chứng mà tôi tìm được. (Rất may, George Tenet, Giám đốc Tình báo Trung ương, không nằm trong số họ, và năm 2001, ông đã trao cho tôi Giải thưởng Thành tựu Xuất sắc cho công trình này). Tôi có thể hiểu được sự nghi ngờ của các đồng nghiệp. Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã tự miêu tả mình như một quốc gia lạc hậu cần được trợ giúp để có thể “phát triển một cách hòa bình”. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc liên tục trấn an các quốc gia khác rằng “Trung Quốc sẽ không bao giờ trở thành bá chủ.”[13] Chúng ta chưa từng nhìn thấy một văn bản nào nói về kế hoạch đó. Thật vậy, người Trung Quốc nói rằng họ không có kế hoạch nào. Họ chỉ muốn tái lập vị thế toàn cầu của Trung Quốc như 300 năm trước đây, khi nước này điều khiển khoảng 1/3 nền kinh tế thế giới. Điều này có nghĩa là Trung Quốc muốn tới năm 2049 sẽ mạnh ít nhất gấp đôi Mỹ, giới diều hâu nói.

Qua hàng thập kỷ, hầu hết các chuyên gia về Trung Quốc của phương Tây đã duy trì quan niệm coi chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa chỉ là một tư tưởng thiểu số và lạc hậu. Điều này đã tạo ra một điểm mù có khả năng trở thành thách thức gai góc nhất đối với an ninh quốc gia của Mỹ trong 25 năm tới. Ở Trung Quốc có những người ôn hòa và những kẻ cứng rắn, có bồ câu và diều hâu, họ không ngừng tranh luận gay gắt về tương lai của Trung Quốc trong những cơ quan chính phủ ở Bắc Kinh và tại các hội nghị. Nhưng quan điểm cứng rắn và dân tộc chủ nghĩa ngày càng chiếm ưu thế và có ảnh hưởng lớn hơn trong đội ngũ thân tín của Chủ tịch Tập Cận Bình. Tờ báo bảo thủ do chính phủ tài trợ – Hoàn Cầu Thời Báo – đã trở thành nguồn tin tức phổ biến thứ hai hoặc thứ ba, và Tổng biên tập tờ báo này, ông Hồ Tích Tiến, đã nêu rõ giới diều hâu Trung Quốc nhìn nhận giới bồ câu ôn hòa như thế nào: họ là “những tế bào ung thư sẽ dẫn đến các chết của Trung Quốc.”[14]

Sau hàng thập kỷ nghiên cứu kỹ lưỡng về Trung Quốc, tôi tin rằng những quan điểm cứng rắn này không phải là thiểu số, mà thực sự có vị trí chủ đạo trong quan điểm địa chiến lược của Trung Quốc. Đó là những quan điểm công khai của các nhà hoạch định chính sách hàng đầu đại diện cho hàng trăm triệu người muốn thấy Trung Quốc chiếm ưu thế trên toàn cầu. Kể từ thời kỳ khởi đầu cuộc Cách mạng Văn hóa, chắc chắn cũng có rất nhiều nhà tư tưởng tự do muốn Trung Quốc hội nhập với thị trường tự do toàn cầu và phát triển một chế độ chính trị dân chủ hơn. Giống như Mỹ có các chính trị gia diều hâu và bồ câu, những người theo phái tân bảo thủ, phái can thiệp, phái hiện thực, hay phái cô lập, giới tinh hoa Trung Quốc cũng bị chia rẽ. Tất nhiên, điểm khác biệt là ở chỗ những cuộc tranh luận đó hiếm khi được công khai với người dân Trung Quốc và báo chí phương Tây. Không có một Quốc hội với những đại biểu dân cử hay một diễn đàn mở thực thụ nào để thảo luận về những vấn đề này. Thách thức cho các nhà hoạch định chính sách, nhà phân tích tình báo, hay các học giả phương Tây trong thập kỷ tới là làm sao để thâm nhập không gian bí mật nơi những cuộc tranh luận này diễn ra, và xác định tầm ảnh hưởng của từng phe phái khác nhau.

Ảnh 9. Tổng thống George W. Bush (con) và đệ nhất phu nhân Laura Bush đứng cạnh Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và phu nhân Vương Dã Bình tại tư gia của Tổng thống Bush, ngày 25 tháng 10 năm 2002, Crawford, Texas.

Cho đến nay, giới lãnh đạo phương Tây trong lĩnh vực chính sách và thương mại thường nghiễm nhiên công nhận rằng Trung Quốc muốn nổi lên một cách ôn hòa và dần dần sẽ phát triển theo hướng giống như Mỹ. Sự bùng nổ của những thương hiệu như Starbucks, McDonald’s, hay Apple ở Trung Quốc càng củng cố thêm cho quan điểm này. Mãi đến gần đây mới xuất hiện các dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang bành chướng hơn về mặt quân sự, khiến một số người đặt câu hỏi nghi vấn về cách nhìn tích cực đã chiếm ưu thế trong hơn 40 năm qua.

Điều không thể chối cãi được, kể cả với những người tiếp tục vận động cho quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa Mỹ và Trung Quốc, là không chỉ Trung Quốc đang nổi lên ngay trước mắt chúng ta, mà Mỹ, hay rộng hơn là cả phương Tây, ngay từ đầu đã giúp đỡ để Trung Quốc đạt được mục tiêu đó. Một nguồn tài trợ chính yếu đó là Ngân hàng Thế giới. Gặp gỡ Chủ tịch Đặng Tiểu Bình vào năm 1983, các nhà lãnh đạo Ngân hàng Thế giới đã bí mật đồng ý rằng một nhóm các nhà kinh tế sẽ nghiên cứu sâu về Trung Quốc, và đề xuất cách thức để Trung Quốc bắt kịp Mỹ.[15] Nhưng đó không phải là phương tiện trợ giúp duy nhất. Trong hàng thập kỷ, chính phủ Mỹ đã hào phóng trao cho trung Quốc những thông tin nhạy cảm, công nghệ, bí quyết quân sự, tình báo, và những lời khuyên từ các chuyên gia. Thật vậy, Mỹ đã trao cho Trung Quốc nhiều thứ đến nỗi vào năm 2005, Quốc hội than phiền rằng các khoản chi này đã không được hạch toán đầy đủ. Và thứ gì mà chúng ta không trao cho Trung Quốc, thì họ lại đánh cắp.

Ảnh 10. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại buổi lễ tiếp đón bên ngoài Đại Lễ Đường Nhân Dân, 12 tháng 11 năm 2014, Bắc Kinh, Trung Quốc.

Tôi quan sát thấy một sự chuyển dịch trong thái độ của Trung Quốc trong suốt ba chuyến thăm tới nước này vào năm 2012, 2013 và 2014. Theo thông lệ, tôi đã gặp gỡ các học giả đến từ các think-tank lớn của Trung Quốc, những người tôi đã biết rõ qua nhiều thập kỷ. Tôi hỏi thẳng họ về một “trật tự thế giới do Trung Quốc dẫn đầu” – một thuật ngữ mà chỉ một vài năm trước thôi, họ còn bác bỏ, hay ít nhất là không dám tuyên bố công khai. Tuy nhiên, lần này, nhiều người thẳng thắn nói rằng trật tự mới này đang đến, thậm chí còn nhanh hơn dự liệu. Khi nền kinh tế Mỹ bị suy sụp vì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, người Trung Quốc tin rằng sự suy tàn không thể đảo ngược của Mỹ mà họ đã tiên đoán từ lâu giờ đây đã bắt đầu.

Tôi được cho biết – từ chính những người từ lâu đã đảm bảo với tôi rằng Trung Quốc chỉ quan tâm đến một vị trí lãnh đạo khiêm tốn trong một thế giới đa cực – rằng Đảng Cộng sản đang hiện thực hóa mục tiêu dài hạn của họ trong việc đưa Trung Quốc trở về vị trí “phù hợp” trên thế giới. Thực ra, họ đang nói với tôi rằng họ đã đánh lừa tôi và chính phủ Mỹ. Với một chút hãnh diện, họ đang cho thấy một thất bại tình báo nguy hiểm, nghiêm trọng và có tính hệ thống nhất trong lịch sử nước Mỹ. Và bởi chúng ta không biết cuộc Marathon đang diễn ra, nước Mỹ đã thất bại.

***

Ảnh 11. Tổng thống Trump trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2017.

Như vậy, trong hơn 40 năm qua, Mỹ đã xây dựng quan hệ hợp tác đầy thiện chí và cung cấp nhiều hỗ trợ cho Trung Quốc, với kỳ vọng Trung Quốc sẽ phát triển theo các giá trị Mỹ và trở thành đối tác chiến lược của Mỹ. Tuy nhiên, khi đã phát triển vượt bậc và trở thành một siêu cường, Trung Quốc lại có những hành động đe dọa vị trí của Mỹ trên toàn cầu. Quan hệ Mỹ – Trung giống như một ván cờ, mà phải qua bao nhiêu năm, Mỹ mới nhận ra nước đi sai lầm của mình. Ngày nay, Mỹ đang bắt đầu thay đổi để sửa chữa sai lầm đó, với bước ngoặt rõ ràng nhất là những biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn nhằm vào Trung Quốc của Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, liệu những chính sách của Trump có dẫn nước Mỹ tới một sai lầm khác hay không vẫn còn là một câu hỏi mở.

RELATED ARTICLES

Tin mới