Thursday, April 18, 2024
Trang chủBiển nóngPhóng loạt vũ khí tầm ngắn, Triều Tiên có thể đang mất...

Phóng loạt vũ khí tầm ngắn, Triều Tiên có thể đang mất kiên nhẫn với Mỹ

Bình Nhưỡng dường như muốn nhắc nhở Washington về năng lực quân sự của mình, nhưng không muốn đẩy căng thẳng lên quá cao.

Bộ Tổng tham mưu Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết Triều Tiên sáng nay phóng “nhiều quả đạn tầm ngắn chưa xác định” từ bãi thử tại thành phố Wonsan, phía đông nước này về phía Biển Nhật Bản. Các quả đạn bay được 70-200 km và không rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Giới phân tích cho rằng đây là đợt bắn thử pháo phản lực phóng loạt của Triều Tiên chứ không phải tên lửa đạn đạo chiến thuật. Đợt thử vũ khí mới nhất này thể hiện sự mất kiên nhẫn của Bình Nhưỡng trong bối cảnh đàm phán hạt nhân với Washington lâm vào bế tắc và không có tiến triển trong quan hệ hợp tác kinh tế liên Triều.

“Động thái này dường như nhằm gây áp lực với Mỹ, cho thấy Triều Tiên bất mãn với các cuộc đàm phán không có kết quả. Bình Nhưỡng có thể sẽ gia tăng căng thẳng bằng các hoạt động quân sự trước khi trở lại đối thoại”, Park Won-gon, giáo sư chuyên ngành chính trị quốc tế thuộc đại học Handong Global của Hàn Quốc, nhận xét.

Triều Tiên nhiều khả năng đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho đợt thử nghiệm, nhằm tránh khiêu khích Mỹ đến mức chấm dứt hoàn toàn đối thoại. “Nếu căng thẳng leo thang khiến đối thoại rơi vào bế tắc, đó sẽ là đòn giáng nặng vào nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm giảm bớt các lệnh trừng phạt quốc tế và theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế”, giáo sư Park nói thêm.

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên gần đây có dấu hiệu phức tạp sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai không đạt được thỏa thuận. Tình báo Hàn Quốc và các chuyên gia Mỹ phát hiện Bình Nhưỡng có dấu hiệu khôi phục bãi phóng tên lửa Sohae và có hoạt động tối thiểu tại cơ sở hạt nhân Yongbyon.

Triều Tiên cũng đang thúc đẩy nhiều hoạt động quân sự quy mô nhỏ. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 16/4 chỉ đạo một cuộc diễn tập tại đơn vị không quân vận hành tiêm kích MiG-29 và cường kích Su-25, hai loại chiến đấu cơ hiện đại nhất trong biên chế nước này. Chỉ một ngày sau, Kim Jong-un giám sát đợt thử nghiệm “vũ khí dẫn đường chiến thuật mới”.

Kim Jong-un (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh cùng các phi công quân sự Triều Tiên. Ảnh: KCNA.

Kim Jong-un (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh cùng các phi công hôm 16/4. Ảnh: KCNA.

“Vũ khí chiến thuật với tầm bắn ngắn sẽ không bị coi là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng với Mỹ. Đây là dấu hiệu thể hiện Triều Tiên vẫn muốn duy trì đối thoại”, Park cho hay.

Washington và Bình Nhưỡng lâm vào bế tắc khi đàm phán về cách Triều Tiên từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình. Dù lãnh đạo hai nước gần đây khẳng định mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với nhau, nhiều quan chức Bình Nhưỡng đã bày tỏ nỗi giận dữ, thậm chí là kinh ngạc, trước những đòi hỏi phía Mỹ đưa ra về cam kết phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.

“Vụ phóng tên lửa tầm ngắn không vi phạm cam kết không thử tên lửa do Kim Jong-un đặt ra, do lãnh đạo Triều Tiên chỉ khẳng định sẽ ngừng các đợt phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Triều Tiên thường không thử vũ khí trong khi đối thoại với Mỹ. Nhiều khả năng đàm phán song phương đang ngừng trệ”, chuyên gia phân tích Triều Tiên Ankit Panda nhận định.

Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo khả năng căng thẳng vượt ngoài tầm kiểm soát, khiến những nỗ lực mang lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên bị “đổ sông đổ bể”.

“Kim Jong-un đã nhắc nhở thế giới, đặc biệt là Mỹ, rằng tiềm lực quân sự Triều Tiên đang ngày càng phát triển. Tôi sợ rằng chúng ta đang bắt đầu quay trở lại giai đoạn căng thẳng với nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân và xúc phạm cá nhân giữa các lãnh đạo. Đây là vòng luẩn quẩn nguy hiểm và cần được ngăn chặn bằng mọi giá”, Harry Kazianis, giám đốc dự án Nghiên cứu Triều Tiên thuộc Trung tâm Lợi ích Quốc gia (CNI) tại Mỹ, đánh giá.

Đường bay của tên lửa Triều Tiên sáng 4/5. Đồ họa: Yonhap.

Đường bay của tên lửa Triều Tiên sáng 4/5. Đồ họa: Yonhap.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới