Thursday, March 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTriển vọng triển khai chiến lược biển của TQ và tác động...

Triển vọng triển khai chiến lược biển của TQ và tác động đối với khu vực

Ngay sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, Trung Quốc đã từng bước đề ra chiến lược xây dựng cường quốc biển nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, phát triển kinh tế và thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”. Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp, luật hóa nhiều quy định, trong đó nổi bật là từng bước độc chiếm Biển Đông, phát triển lực lượng hải quân có khả năng tác chiến tại những vùng biển xa, đẩy mạnh khai thác tài nguyên biển…

Chiến lược cường quốc biển của Trung Quốc

Về chiến lược phát triển kinh tế biển của Trung Quốc: Thứ nhất, Trung Quốc chú trọng phát triển “toàn diện” kinh tế biển: (i) Thực hiện đồng thời hoạt động khai thác tài nguyên ở các khu vực ven biển với việc khai thác tại các vùng biển ngoài xa. Năm 1991, được sự cho phép của Cơ quan quyền lực đáy đại dương quốc tế, Trung Quốc đã thực hiện khai thác quặng ở khu vực biển rộng 150 ngàn km2. Hiện nay, Trung Quốc đang đề nghị được mở rộng phạm vi khai thác. Ngoài ra, Trung Quốc đã tiến hành 23 cuộc khảo sát tại vùng biển Nam cực và thiết lập các trạm khảo sát ở vùng biển Bắc cực. (ii) Trung Quốc cũng xây dựng và phát triển nhiều ngành, nghề kinh tế biển như nghề cá biển, giao thông vận tải biển, nghề khai thác dầu khí biển, nghề làm muối biển và hóa muối, phát triển nghề đóng tàu biển, nghề du lịch biển gần, phát triển nghề sử dụng nước biển.

Thứ hai, Trung Quốc phát triển kinh tế biển “hiệu quả cao”. (i) Tích cực xây dựng và phát triển những nghề mới về biển, tăng cường năng lực hoạt động của các nghề khai thác thủy sản truyền thống, nâng cao khả năng cạnh tranh của các nghề và sản phẩm biển trên thị trường trong và ngoài nước. (ii) Không ngừng hoàn thiện các chính sách và pháp luật về quản lý biển, tạo môi trường xã hội công bằng và công khai trong việc phát triển kinh tế biển. Thời gian qua, Trung Quốc đã lần lượt ban hành các chính sách, pháp luật về biển như: “Quy hoạch phát triển biển quốc gia”, “Đề cương quy hoạch phát triển biển toàn quốc”, “Luật Nghề cá nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”, “Quy tắc quản lý tầu thuyền nước ngoài của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”, “Điều lệ hợp tác, khai thác dầu mỏ biển với bên ngoài của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”. Những chính sách và quy định pháp luật này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển của Trung Quốc. (iii) Trung Quốc cũng dần kiện toàn, củng cố hệ thống cơ quan quản lý biển, tăng cường xây dựng cơ cấu quản lý hành chính biển, tạo điều kiện để phát triển mạnh kinh tế biển. Ngay từ năm 1949, Trung Quốc đã thành lập các cơ quan quản lý biển và các đơn vị kế hoạch kinh tế độc lập ở các tỉnh, thành phố ven biển trong cả nước. Cơ chế quản lý biển kết hợp giữa nhà nước trung ương và địa phương được xác lập nhằm tạo điều kiện phát triển lĩnh vực kinh tế biển.

Thứ ba, Trung Quốc chủ trương phát triển kinh tế biển bền vững: (i) Phòng ngừa và xử lý ô nhiễm biển. Để bảo vệ môi trường biển, khai thác sử dụng biển ngày càng có hiệu quả hơn, Trung Quốc hết sức coi trọng công tác phòng ngừa và xử lý ô nhiễm biển; đề ra chiến lược bảo vệ môi trường biển, quy định những quy tắc và căn cứ cơ bản trong việc bảo vệ môi trường biển, từng bước kiện toàn cơ chế quản lý, phân công trách nhiệm cụ thể giữa các ngành, các cấp và các địa phương để bảo vệ tốt môi trường biển. (ii) Bảo vệ tài nguyên sinh vật biển. Trung Quốc rất coi trọng và áp dụng các biện pháp nuôi dưỡng, bảo vệ tài nguyên sinh vật biển nhằm đảm bảo cho việc thực thi chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững; ban hành nhiều quy định về thời kỳ cấm đánh bắt cá, khu bảo vệ và chế độ cho cá nghỉ ngơi. (iii) Tăng cường xây dựng sinh thái biển. Trung Quốc đã xây dựng các chính sách, pháp luật về vấn đề này như: Đề cương công tác lập khu bảo vệ tự nhiên biển, Tiêu chuẩn chất lượng nước cho nghề cá, Đề cương quy hoạch phát triển kinh tế biển toàn quốc; trong đó có các quy định cụ thể, rõ ràng về việc xây dựng sinh thái biển. Những quy định này đã tạo sơ sở pháp lý cho việc quản lý sinh thải biển đi vào nền nếp… nhằm chấn chỉnh và xây dựng sinh thái biển là những biện pháp quan trọng giúp cải thiện chất lượng môi trường sinh thái, bảo vệ sinh vật và môi trường biển. (iv) Tăng cường quản lý, sử dụng vùng biển. Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật nhằm chuẩn hóa công tác quản lý và sử dụng vùng biển. Luật quản lý và sử dụng vùng biển nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã quy định việc quản lý chủ quyền vùng biển, phân vùng chức năng biển, sử dụng cơ chế bồi hoàn các vùng biển; quy định những căn cứ pháp lý cho việc quản lý, sử dụng các vùng biển.

Về chiến lược khoa học kỹ thuật biển: (i) Trung Quốc định ra phương châm, chính sách lấy kỹ thuật cao- mới làm hạt nhân, thực hiện qui hoạch “dựa vào khoa học-kỹ thuật chấn hưng biển”, thực hiện bước chuyển dịch chiến lược điều chỉnh hợp lý nghề biển và phát triển kinh tế biển. Phát triển khoa học kỹ thuật cao về biển phải phục vụ phương hướng phát triển trên, có trọng điểm. (ii) Phải nâng cao trình độ kỹ thuật thực dụng, nắm chắc cải tạo kỹ thuật. (iii) Trong khi đẩy mạnh khai thác biển, từng bước hình thành hệ thống phát triển kỹ thuật biển tương đối hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu kinh tế biển Trung Quốc phát triển nhanh, sớm thoát khỏi tình trạng kỹ thuật cao-mới chủ yếu dựa vào nhập khẩu.

Về mục tiêu: Mục tiêu của Trung Quốc là phấn đấu đến năm 2050 vươn lên trở thành siêu cường thế giới ngang hàng với Mỹ trên cơ sở ‘cải cách, mở cửa’ và ‘trỗi dậy hòa bình’. Trung Quốc cho rằng thời gian từ nay đến năm 2020 là cơ hội tốt nhất cho Trung Quốc phát triển. Vì vậy, xu thế chính trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong những năm tới là cố gắng giải quyết các mâu thuẫn bên trong và bên ngoài một cách hài hòa, tránh các biện pháp cực đoan, không đối đầu với Mỹ, phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước láng giềng, duy trì môi trường hòa bình, hòa dịu.

Những thuận lợi và khó khăn khi Trung Quốc triển khai chiến lược biển

Đầu tiên, Có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang và sẽ đi theo con đường phát triển truyền thống đã thành quy luật của các cường quốc trong lịch sử như Mỹ, Anh, Nhật Bản… Đó là phát triển sức mạnh biển với hải quân làm trung tâm theo tư tưởng của Alfred Mahan, nhưng có điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Trung Quốc hiện nay. Sự điều chỉnh rõ nét nhất của Trung Quốc là thúc đẩy phát triển chiến lược biển một cách toàn diện xét về cả mục tiêu, lĩnh vực và biện pháp thực hiện, chứ không chỉ tập trung vào mỗi hải quân và thương mại như các cường quốc thời kỳ trước. Trung Quốc xây dựng chiến lược biển toàn diện nhằm phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp trên biển, và để tạo vỏ bọc hòa bình cho chiến lược phát triển lực lượng nòng cốt là hải quân.

Điều kiện thuận lợi để Trung Quốc có thể theo đuổi được một chiến lược toàn diện là do đã có tích lũy sau nhiều năm tăng trưởng nhanh, có tốc độ phát triển trình độ khoa học và công nghệ cao trong lĩnh vực nghiên cứu biển và công nghệ quốc phòng liên quan đến biển, và do thể chế nhà nước cho phép Trung Quốc huy động nguồn lực đó một cách tập trung. Bên cạnh đó, nhận thức và quyết tâm chính trị của Trung Quốc trong việc phát triển thành cường quốc biển khá cao và thành quyết sách của lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc. Quyết sách này đã được thông qua tại Đại hội XVIII, sau đó lần lượt được cụ thể hóa bằng các biện pháp thực thi đồng bộ trong tất cả hệ thống chính quyền của Trung Quốc như Quốc hội, Quốc vụ viện, các bộ ngành. Trên cơ sở đó, sức mạnh biển tổng hợp của Trung Quốc đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, nhất là sức mạnh hải quân. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa đạt được vị thế của một cường quốc biển. Tính riêng về năng lực hải quân, vẫn thua Mỹ, Nga từ mười đến hai mươi năm. Ngay cả ở phạm vi khu vực, năng lực hải quân Trung Quốc vẫn thua xa Nhật Bản. Vì vậy, Trung Quốc mới ở tầm vóc của một cường quốc khu vực, với mục tiêu “phòng vệ biển gần”, hoạt động chủ yếu ở Biển Đông và phía bên trong phạm vi chuỗi đảo thứ nhất.

Việc triển khai chiến lược biển và phát triển sức mạnh biển của Trung Quốc hiện đứng trước một số hạn chế, thách thức nhất định. Một là nguy cơ suy giảm đầu tư cho quốc phòng và hải quân. Tuy được ưu tiên đầu tư một thời gian dài, hiện nay nền kinh tế của Trung Quốc có xu hướng bước vào giai đoạn phát triển chậm lại, đi kèm đó là nhiều những bất cập và thách thức về kinh tế. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc sớm hay muộn cũng sẽ phải dành nhiều tài nguyên, vật lực, con người, kinh tế cho các vấn đề an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững hơn thay vì chỉ tập trung cho phát triển quốc phòng, gia tăng tiềm lực quân sự bằng sức mạnh răn đe trên biển của hải quân.

Hai làphải căng mỏng lực lượng và dàn trải trên nhiều hướng phát triển. Trung Quốc phải chuẩn bị cho một kịch bản đối đầu với Mỹ tại eo biển Đài Loan, trong khi cũng muốn có năng lực hỗ trợ yêu sách trong các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, Hoàng Hải, Hoa Đông, vươn ra cạnh tranh ảnh hưởng tại các chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai. Điều này buộc họ phải căng mỏng lực lượng ra nhiều hướng, khó phát triển theo một học thuyết, chiến lược nhất quán vì dễ bị động với tình hình. 

Ba là hạn chế trong tiếp liệu và cung cấp thông tin tình báo, khả năng tích nhập công nghệ, năng lực viễn hải. Trung Quốc thiếu đồng minh hàng hải, thiếu các trạm trung chuyển, tiếp liệu, bảo dưỡng, sửa chữa và nghỉ ngơi cho thủy thủ đoàn trong quá trình vận hành bên ngoài lãnh thổ khiến cho khả năng hoạt động viễn dương của Trung Quốc bị hạn chế rất nhiều. Do đó, Trung Quốc sẽ phải tìm cách thiết lập một số điểm tiếp cận tại khu vực quanh Ấn Độ Dương như tại eo biển Malacca, eo biển Lomboc, eo biển Sunda. Ngoài ra, hải quân Trung Quốc cũng gặp khó khăn trong tích hợp công nghệ mới, các kỹ năng vận hành, thay thế, khả năng lựa chọn căn cứ, năng lực hải hành của quân nhân. Những điều kiện này có thể phải mất cả một thế hệ hoặc nhiều hơn để khắc phục, đặc biệt khi Trung Quốc tự mình xây dựng lực lượng hải quân nước xanh.

Bốn là tuy đầu tư lớn và tầm ảnh hưởng trên thực địa gia tăng nhanh, nhưng ảnh hưởng chính trị ở khu vực và quốc tế còn thấp. Tuy là nước lớn, đang gia tăng ảnh hưởng nhưng khả năng sáng tạo ra luật chơi mới ở tầm khu vực và toàn cầu của Trung Quốc còn gặp nhiều thách thức. Việc Trung Quốc gần đây tỏ ra bất chấp luật pháp quốc tế và các cam kết quốc tế, có những hành động đơn phương dựa vào sức mạnh để khẳng định vị thế nước lớn của mình trên các vùng biển có tranh chấp với các nước láng giềng đang làm giảm đáng kể uy tín quốc tế của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng thiếu khả năng tạo ảnh hưởng vượt trội trong các hoạt động hải dương quốc tế đa phương, và vẫn giữ tư duy thụ động trong việc giải quyết các vấn đề hải dương toàn cầu.

Năm là căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải khiến Trung Quốc khó triển khai hợp tác khu vực và quốc tế để phát triển kinh tế hải dương. Để vươn tới các vùng biển quốc tế, tiếp cận các thị trường thương mại, các nguồn tài nguyên khai thác và đánh bắt, các hạm tàu, thương thuyền của Trung Quốc đều cần vượt qua Biển Đông, Hoa Đông hoặc Hoàng Hải để ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đây là những vùng biển chật hẹp với các quần đảo trải rộng, có các nước láng giềng vẫn lo lắng về những tham vọng đằng sau các dự án hợp tác kinh tế của Trung Quốc, khiến cho việc hợp tác làm ăn kinh tế và đánh bắt, khai thác của Trung Quốc bị hạn chế dù là có nhiều tiềm năng.

Tác động tới khu vực và Việt Nam

Mặc dù còn nhiều hạn chế và thách thức, song quyết tâm phát triển sức mạnh biển của Trung Quốc là không thay đổi và chiến lược trở thành cường quốc biển là một chiến lược lâu dài mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang và sẽ tiếp tục theo đuổi. Điều này đưa đến một số tác động và hệ lụy quan trọng đối với khu vực và Việt Nam.

Đối với khu vực, tác động lớn nhất của việc Trung Quốc vươn lên thành cường quốc biển và mở rộng ảnh hưởng ra biển là làm thay đổi trật tự địa – chính trị khu vực với các hệ lụy và biểu hiện sau: Một là thay đổi cân bằng quyền lực ở khu vực. Tuy trong ngắn hạn và trung hạn các nước trong khu vực có thể điều chỉnh để lấy lại cân bằng nhưng về lâu dài, xu thế cán cân bị lệch có thể gây bất ổn định cho môi trường hòa bình của khu vực, khiến các quốc gia cảm thấy bất an phải gia tăng tiềm lực quốc phòng hoặc liên minh, liên kết để lấy lại trạng thái cân bằng của khu vực.

Hai là cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước lớn, hiệu lực luật pháp quốc tế suy giảm. Thực hiện chiến lược phòng vệ biển gần,Trung Quốc sẽ phải tìm cách “đẩy” Mỹ ra khỏi bờ Tây Thái Bình Dương. Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tất yếu sẽ dễ sinh ra va chạm với các nước lớn khác, làm gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn, ảnh hưởng của chính trị cường quyền, “ngoại giao pháo hạm” sẽ gia tăng, vai trò của các thể chế quốc tế, luật pháp quốc tế và các cơ chế, diễn đàn an ninh khu vực sẽ bị thách thức.

   Ba là gia tăng chi tiêu quốc phòng. Việc Trung Quốc gia tăng nhanh chóng tiềm lực quốc phòng sẽ có tác động dây chuyền làm gia tăng chi tiêu quốc phòng của các nước láng giềng, nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á. Tuy chưa tới mức chạy đua vũ trang, việc gia tăng nhanh chóng chi tiêu quốc phòng ở khu vực cũng báo hiệu các xung đột hoặc sự cố rất dễ xảy ra.

Bốn là đe dọa an ninh, an toàn hàng hải. Trung Quốc sẽ tìm cách bảo vệ và kiểm soát các tuyến hàng hải huyết mạch từ Hoa Đông và Biển Đông qua Malacca đi Trung Đông, thách thức vai trò của Mỹ và Ấn Độ, có thể ảnh hưởng đến tự do và an toàn hàng hải khu vực. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cho thấy trước mắt Trung Quốc có thể sẽ chưa dám thách thức sức mạnh hải quân của Mỹ khi Mỹ không đe dọa nghiêm trọng tới lợi ích quốc gia và các tuyến thương mại huyết mạch trên biển của Trung Quốc. Cùng tồn tại với đổi thủ chính và cùng cạnh tranh để mưu cầu lợi ích khi còn có thể đang là cách mà Trung Quốc triển khai chiến lược cường quốc biển của họ. Tuy nhiên, về lâu dài, Trung Quốc sẽ muốn đẩy Mỹ và các đối thủ khác ra khỏi khu vực Biển Đông. Những hành động của Trung Quốc đang làm ở Biển Đông giống như những gì mà hải quân Mỹ đã làm trong thế kỷ 19 để kiểm soát vùng Caribe và vịnh Mexico, tạo nên địa vị thống trị của Mỹ ở Tây bán cầu và gia tăng mạnh mẽ vị thế của Mỹ là một siêu cường thế giới. Những điều Trung Quốc đang tìm kiếm không phải là để đương đầu với hải quân Mỹ – một cuộc chiến mà Trung Quốc không thể giành chiến thắng hiện nay – mà là gây sức ép nhằm đẩy hải quân Mỹ ra khỏi khu vực. Sức mạnh của hải quân không nằm ở một chiếc tàu chiến đơn lẻ, mà nằm ở hạm đội tàu. Trung Quốc đang phát triển hạm đội mặc dù hiện vẫn còn khoảng cách khá xa so với Mỹ. Trong bối cảnh đó, nguy cơ nảy sinh những tình huống đối đầu là hiện hữu, đe dọa an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông và các vùng biển lân cận.

   Năm là gia tăng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Các tranh chấp lãnh thổ ở khu vực trở nên phức tạp hơn do Trung Quốc sẽ có thiên hướng sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp.

Cùng với đó, việc Trung Quốc tăng cường triển khai chiến lược trở thành cường quốc biển sẽ có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là thương mại, và tăng cường hợp tác biển quốc tế.Việc gia tăng đầu tư cho ngành đóng tàu và các dịch vụ biển giúp giảm chi phí và tạo thuận lợi hóa cho thương mại qua đường biển, giúp thương mại phát triển. Bản thân các ngành kinh tế biển được đầu tư cũng góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa cho các ngành kinh tế quốc nội khác phát triển theo. Khi Trung Quốc và các nước trong khu vực cùng tăng cường năng lực biển thì hợp tác biển sẽ ngày càng phát triển, như hợp tác nghiên cứu khoa học biển, hợp tác phòng chống tội phạm trên biển, hợp tác cùng khai thác, cứu trợ cứu nạn…

   Đối với Việt Nam, ngoài các tác động chung đối với khu vực nói trên, là nước láng giềng cận kề nên ta sẽ phải chịu “sức ép” từ việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trên biển sớm nhất, nhất là sức ép về tranh chấp chủ quyền biển đảo. Điều này hiện nay đã trở nên rõ ràng, buộc Việt Nam phải gấp rút nâng cao năng lực quốc phòng và chấp pháp để tự vệ. Khi chính trị cường quyền ngày càng có ảnh hưởng, vai trò của luật pháp quốc tế và ASEAN, hai công cụ quan trọng của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông cũng sẽ chịu nhiều thách thức, đặt ra những khó khăn không nhỏ cho Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và phát triển đất nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới