Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ lo Nga nắm ưu thế với Tuyến đường biển Bắc

Mỹ lo Nga nắm ưu thế với Tuyến đường biển Bắc

Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ lo ngại về yêu sách của Nga đối với Tuyến đường biển phía Bắc vì nó mang lại cho Nga ưu thế vượt trội Mỹ.

Hôm 6/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tham gia Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 11 của Hội đồng Bắc Cực tại Rovaniemi, Phần Lan.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Mike Pompeo cảnh báo những lo ngại về tuyến đường biển Bắc mà Nga đang thúc đẩy khai thác.

Theo Ngoại trưởng Mỹ, Nga đang mở rộng “nhu cầu bất hợp pháp” trên tuyến đường biển phía Bắc – vốn là một tuyến đường tự nhiên và yêu cầu các quốc gia khác yêu cầu Nga hợp tác sử dụng chung tuyến đường này.

Ngoại trưởng Mỹ cáo buộc Nga dọa dẫm sẽ đánh chìm bất cứ các tàu nào không tuân thủ yêu cầu của Moscow, hàm ý nhắc tới tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, Nga sẵn sàng hỗ trợ cho tất cả các tàu thuyền đi qua Tuyến đường Biển Bắc.

Không quá khó hiểu về những lo ngại của Ngoại trưởng Mỹ.

Tuyến đường biển Bắc chạy dọc bờ biển Bắc Cực của Nga từ Biển Kara đến Eo biển Bering, giúp vận chuyển nhiên liệu, khí tự nhiên hóa lỏng, hàng hóa từ châu Âu sang châu Á theo một hải trình gần hơn tới 9 ngày so với hải trình đi qua Kênh đào Suez.

Một con tàu đi từ Hàn Quốc đến Đức sẽ mất khoảng 34 ngày qua kênh đào Suez nhưng chỉ mất 23 ngày nếu chọn tuyến đường biển Bắc.

Như vậy, tuyến đường biển Bắc có thể coi là một đối thủ đáng gờm của Kênh đào Suez, thậm chí có thể vượt trội hơn do hải trình ngắn hơn dẫu chỉ hoạt động đối với một số tháng mùa hè trong năm.

Theo các nhà phân tích, với đặc điểm là dân cư thưa thớt trên chiều dài đường đi, Tuyến đường biển Bắc ít có khả năng cạnh tranh với tuyến vận chuyển qua kênh đào Suez về vận tải hàng hóa.

Tuy nhiên, nó hoàn toàn vượt trội hơn Kênh đào Suez đối với việc vận chuyển nhiên liệu hóa thạch phục vụ các thị trường đơn lẻ, không có các điểm dừng giữa đường.

Tuyến đường biển Bắc trải dài gần hết chiều dài lãnh thổ Nga và đây là một lợi thế rất lớn mà Nga có đặc quyền sở hữu.

Với lợi thế này, Moscow có quyền thu phí quá cảnh, cung cấp dịch vụ tàu phá băng hộ tống. Ưu thế quân sự cũng củng cố cho sự đảm bảo của Nga đối với sự an toàn của tuyến hàng hải này.

My lo Nga nam uu the voi Tuyen duong bien Bac
Tuyến đường biển Bắc trải dài khắp lãnh thổ Nga.

Đây cũng là một “điểm cộng” đối với tuyến đường biển Bắc, khác xa với các tuyến hàng hải khác như: tình trạng cướp biển gia tăng quanh vùng Sừng Châu Phi, tắc nghẽn nhiều hơn ở eo biển Malacca hay việc có nhiều cuộc tấn công khủng bố hơn ở kênh đào Suez.

Vốn là một tuyến đường biển tự nhiên, Moscow không mất công sức và các tranh chấp địa chính trị, pháp lý để khai thác tuyến đường Biển Bắc như trường hợp của kênh đào Suez.

Trước khi được quốc hữu hóa bởi chính quyền Ai Cập vào năm 1956, kênh Suez nằm trong bàn tay của phương Tây. Nhưng sau đó, Washington đã tận dụng cuộc đối đầu giữa liên quân Anh- Pháp- Israel với Ai Cập, ủng hộ Ai Cập bằng các động thái quân sự và trừng phạt mạnh mẽ vào các nước đồng minh, từ đó, Mỹ có ưu chế địa chính trị với quốc gia kiểm soát hoạt động của kênh đào Suez.

Trước một đối thủ mạnh của kênh đào Suez như tuyến đường biển Bắc, Mỹ không thể bỏ qua lợi ích mà tuyến hàng hải này mang lại cho Nga.

Điều đó cũng lý giải vì sao ông Mike Pompeo lại muốn nhắc tới việc Nga đe dọa các tàu thuyền muốn sử dụng tuyến đường biển Bắc có thể sẽ bị đánh chìm nếu không muốn sử dụng dịch vụ cung cấp an ninh cho họ.

Nga cũng đã nâng cấp và hiện đại hóa các căn cứ quân sự của nước này ở dọc Bắc Cực, đảm bảo các hoạt động an ninh cho tuyến hàng hải, vừa bảo vệ chủ quyền của nước Nga.

Một điều mà Mỹ hết sức chú ý nữa là, Nga sỡ hữu nguồn tài nguyên vô cùng phong phú ở cực Bắc. Nếu tăng cường các tuyến vận tải biển trên tuyến đường biển Bắc thì Nga sẽ có cơ hội thúc đẩy việc bán lượng tài nguyên khổng lồ của họ tại khu vực này ra thế giới.

My lo Nga nam uu the voi Tuyen duong bien Bac
Dự án nhà máy khí hóa lỏng trên băng Yamal của Nga.

Nước này đã xây dựng căn cứ sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng ở Bán đảo Yamal và đã xuất khẩu khí đốt từ năm 2017.

Với tài nguyên thiên nhiên phong phú, lại được hậu thuẫn bởi tuyến đường vận chuyển thuận lợi, sức cạnh tranh của nguồn năng lượng Nga sẽ vượt trội hơn so với Mỹ.

Trong bối cảnh đó, các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ dù có được tung ra mạnh mẽ thế nào cũng sẽ không có hiệu quả.

Điều đáng chú ý nhất là tuyến đường biển Bắc còn giúp các nước Baltic có cơ hội đưa hàng hóa sản phẩm của họ ra thị trường châu Á, đặc biệt là nền kinh tế lớn nhất thế giới như Trung Quốc – một cách mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, càng thúc đẩy hoạt động vận tải trên tuyến đường biển Bắc, các nước Baltic lại càng phải phụ thuộc vào các hoạt động đảm bảo an ninh toàn tuyến của Nga.

Nếu hoạt động của tuyến đường biển Bắc thuận lợi, thu hút sự chú ý của các nước Baltic thì nguồn lợi kinh tế này sẽ khiến họ dần trở nên thiếu sự gắn kết với Washington hay với liên minh quân sự của Mỹ ở châu Âu – NATO.

 
Hoạt động vận tải trên tuyến đường Biển Bắc.

Vốn đang đẩy mạnh hiện diện quân sự ở Baltic và Đông Âu, chắc chắn Mỹ không thể ngồi yên nhìn Nga đưa tuyến vận tải chiến lược của họ thọc sâu vào Baltic và dần dần lôi kéo đi các đồng minh của mình.

Sự lo ngại của Mỹ về tuyến đường biển Bắc của Nga cũng có thể được coi là một cái cớ để Washington thúc đẩy hơn nữa hoạt động quân sự của họ ở các vùng biển quốc tế.

“Chúng tôi đang tổ chức các cuộc tập trận quân sự, tăng cường sự hiện diện của lực lượng, xây dựng lại hạm đội tàu phá băng của chúng tôi, mở rộng tài trợ của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển và tạo ra một vị trí quân sự cấp cao hơn, mới mẻ hơn trong quân đội của chúng ta” – Ngoại trưởng Mike Pompeo phát biểu trước các Bộ trưởng của Hội đồng Bắc Cực.

RELATED ARTICLES

Tin mới