Wednesday, April 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMột số điểm đáng chú ý trong báo cáo thường niên của...

Một số điểm đáng chú ý trong báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ về ảnh hường và chiến lược quân sự TQ hiện nay

Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 02/5 đã công bố Báo cáo đánh giá thường niên về ảnh hưởng và chiến lược phát triển quân sự của Trung Quốc, trong đó cảnh báo về sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Bắc Cực; sự gia tăng số lượng căn cứ quân sự khắp thế giới, để bảo vệ các khoản đầu tư theo BRI, các khả năng TQ có thể tấn công Đài Loan và cáo buộc Trung Quốc đánh cắp bí mật quân sự của Mỹ.

Thứ nhất, cảnh báo về các hoạt động ngày càng sâu rộng của quân đội TQ ở Bắc Cực

Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định rằng “Các hoạt động của Trung Quốc ngày càng sâu rộng hơn ở khu vực Bắc Cực. Điều này có thể mở đường cho sự hiện diện quân sự được tăng cường, bao gồm cả việc triển khai tàu ngầm để ngăn chặn tấn công hạt nhân”, Báo cáo của Lầu Năm Góc lưu ý rằng quân đội Trung Quốc đã biến việc hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm của mình trở thành ưu tiên cao. Cụ thể, hải quân Trung Quốc đã điều hành 04 tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân, 06 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và 50 tàu ngầm tấn công thông thường. Báo cáo dự đoán “Tốc độ tăng trưởng của lực lượng tàu ngầm đã chậm lại và có thể sẽ tăng lên từ 65 đến 70 tàu ngầm vào năm 2020”.

Báo cáo của Lầu Năm Góc lưu ý rằng, Đan Mạch đã bày tỏ lo ngại về sự quan tâm của Trung Quốc đối với Greenland, trong đó có các đề xuất về việc thành lập một trạm nghiên cứu, một trạm vệ tinh mặt đất, nâng cấp các sân bay và mở rộng hoạt động khai thác khoáng sản. Trung Quốc, mặc dù là một quốc gia không thuộc Bắc Cực nhưng ngày càng hoạt động mạnh ở khu vực này và trở thành thành viên quan sát của Hội đồng Bắc Cực vào năm 2013. Điều đó đã gây lo ngại từ các quốc gia Bắc Cực về các mục tiêu chiến lược dài hạn của Trung Quốc, bao gồm cả việc triển khai quân sự trong khu vực. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ tham dự cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực gồm 8 quốc gia ở Rovaniemi, Phần Lan vào ngày 06/5 tới để bàn về việc Trung Quốc gia tăng lợi ích ở Bắc Cực.

Thứ hai, cảnh báo TQ sẽ gia tăng số lượng căn cứ quân sự khắp thế giới, để bảo vệ các khoản đầu tư theo BRI

Lầu Năm Góc báo động Trung Quốc sẽ tăng số căn cứ quân sự khắp thế giới, để bảo vệ khoản đầu tư trong dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đầy tham vọng Một Vành Đai Một Con Đường (BRI) do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng. Bộ Quốc phòng Mỹ lưu ý Trung Quốc có ý lập căn cứ quân sự ở Đông Nam Á, Trung Đông và phía tây Thái Bình Dương, đồng thời lưu ý nỗ lực này có thể bị kiềm chế, nếu các nước cảnh giác trước việc tiếp nhận sự hiện diện lâu dài của quân đội tại nước mình. Trong kế hoạch của Bắc Kinh còn có sự củng cố sự hiện diện của Trung Quốc ở những tổ chức quốc tế, tìm cách thâu tóm các công nghệ tiên tiến, lập sự hiện diện kinh tế mạnh mẽ trên toàn thế giới. Và gồm dàn sức mạnh quân sự Trung Quốc trên bộ, trên biển và trên vũ trụ, theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ. Báo cáo viết: “Lãnh đạo Trung Quốc đang dùng sức mạnh kinh tế, ngoại giao và quân sự để lập sự hiện diện cấp toàn cầu, mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc. Bắc Kinh đặc biệt nhận định Mỹ đang ngày càng có thái độ đối đầu, trong nỗ lực kiềm chế thế lực trỗi dậy của Trung Quốc”. Báo cáo nhấn mạnh: “Những tiến bộ của Trung Quốc ở các dự án như BRI sẽ có thể dẫn đến các căn cứ quân sự ở nước ngoài, vì họ cần bảo vệ an ninh cho các dự án BRI. Trung Quốc sẽ tìm cách lập các căn cứ ở các nước có quan hệ hữu nghị lâu dài và có chung những quan tâm chiến lược tương đồng, ví dụ Pakistan”.

Thứ ba, cảnh báo về các khả năng TQ có thể tấn công Đài Loan

Báo cáo của Lầu Năm Góc đã vạch ra nhiều kịch bản tiềm năng mà Trung Quốc có thể áp dụng, nếu Bắc Kinh quyết dùng sức mạnh quân sự để đánh Đài Loan, gồm một chiến dịch toàn diện “được thiết kể để buộc Đài Loan phải đồng ý đầu hàng để thống nhất, hoặc đối thoại để thống nhất”.Nhưng các nhà phân tích Mỹ xem ra không nghĩ đến triển vọng Trung Quốc tung quân đổ bộ để chiếm Đài Loan. Họ nói cách này có thể vắt kiệt nguồn quân binh PLA và quốc tế sẽ can thiệp. Họ cũng đề cập khả năng PLS tiến hành tấn công tên lửa hạn chế. Báo cáo viết: “Trung Quốc có thể tấn công tên lửa và không kích chính xác vào hệ thống phòng không, các căn cứ không quân, trạm radar, tên lửa, tài sản không gian, và các cơ sở liên lạc nhằm làm suy yếu khả năng phòng vệ của Đài Loan, cô lập lãnh đạo Đài Loan hoặc bẻ quặt ý chí của dân Đài Loan”. Vài năm gần đây, Trung Quốc đã liên tục tung máy bay quân sự và tàu chiến vào các cuộc tập trận quanh Đài Loan, đồng thời cô lập Đài Loan, lôi kéo một số nước cắt quan hệ với Đài Loan. Trung Quốc cũng phản đối việc tàu chiến Mỹ đi qua Eo biển Đài Loan, một hoạt động đã được Mỹ tiến hành 92 chuyến kể từ năm 2007. Khả năng quân sự của Đài Loan rất bé so với sức mạnh quân sự Trung Quốc, và Lầu Năm Góc ghi nhận một cách biệt càng lớn qua từng năm. Báo cáo viết: “Đài Loan đã tuyên bố rằng họ đang làm việc để phát triển các khái niệm và khả năng mới cho chiến tranh không đối xứng”.

Thứ tư, cáo buộc TQ đang đánh cắp bí mật quân sự của Mỹ

Bộ Quốc phòng Mỹ cáo buộc Trung Quốc dùng nhiều cách thức, bao gồm cả sử dụng gián điệp để có được các công nghệ quân sự của nước ngoài. Trung Quốc sử dụng nhiều phương pháp để có được các công nghệ quân sự của nước ngoài, bao gồm đầu tư mua trực tiếp cũng như khai thác các dịch vụ tình báo, xâm nhập hệ thống mạng máy tính và các cách tiếp cận bất hợp pháp khác”, báo cáo của Lầu Năm Góc cho hay. “Trung Quốc cũng có được công nghệ nước ngoài thông qua nhập khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển ở nước ngoài, liên doanh, nghiên cứu và hợp tác học thuật, tuyển dụng nhân tài, hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp và tấn công mạng”. Phía Mỹ cho rằng Trung Quốc đã sử dụng các kỹ thuật này để có được các thiết bị quan trọng, bí mật từ Mỹ, bao gồm các công nghệ chiến tranh hàng không và chống tàu ngầm. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng bị cho là đang sử dụng công dân gốc Hoa sống ở nước ngoài hoạt động như “gián điệp”.

RELATED ARTICLES

Tin mới