Saturday, October 12, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ cảnh báo TQ đang thâu tóm bí mật quân sự nhằm...

Mỹ cảnh báo TQ đang thâu tóm bí mật quân sự nhằm phát triển sức mạnh quân đội

Báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ về năng lực quân sự Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đang tìm cách thâu tóm và ăn cắp bí mật quân sự của nhiều nước nhằm thực hiện tham vọng hiện đại hóa các lực lượng vũ trang để biến quân đội thành một cường quốc toàn cầu.

Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh quân sự

Theo Báo cáo trên, Trung Quốc sử dụng nhiều phương pháp để có được những công nghệ hai công dụng và quân sự nước ngoài, bao gồm đầu tư trực tiếp nước ngoài, trộm cắp qua mạng và khai thác quyền truy cập của các công dân Trung Quốc vào những công nghệ này. Họ cũng khai thác dịch vụ tình báo, xâm nhập máy tính và nhiều cách tiếp cận bất hợp pháp khác; đồng thời cho biết Trung Quốc có được công nghệ nước ngoài thông qua nhập khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển ở nước ngoài (R&D), liên doanh, nghiên cứu và hợp tác học thuật, tuyển dụng nhân tài, tấn công mạng và công nghiệp

Báo cáo trên cho biết, Trung Quốc đã sử dụng những kỹ thuật này để có được các trang thiết bị ở cấp độ quân sự, hai công dụng hoặc nhạy cảm từ Mỹ, trong đó có các công nghệ chiến tranh chống ngầm và hàng không. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang khai thác công dân và người nước ngoài gốc Hoa để thực hiện những ý đồ ăn cắp bí mật quân sự cho chính quyền Bắc Kinh.

Ngoài ra, Báo cáo cũng cho biết một số công nghệ tiên tiến mà Trung Quốc đang phát triển bao gồm tên lửa siêu thanh, những vũ khí di chuyển gấp ít nhất 5 lần âm thanh; ngân sách Quốc phòng Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi trong 10 năm quavà phần lớn số tiền này được chi để tăng cường sức mạnh cho hải quân Trung Quốc.

Theo số liệu thống kê cho thấy, tính đến đầu năm 2018, Hải quân Trung Quốc có 328 tàu. Nước này hiện có gần 350 tàu và lớn hơn Hải quân Mỹ. Trung Quốc là nước đóng tàu lớn nhất thế giới và với tốc độ sản xuất hiện tại có thể sớm đưa vào vận hành 400 tàu. Trung Quốc cũng đưa vào hoạt động gần 3 chiếc tàu ngầm mỗi năm, và trong 2 năm sẽ có hơn 70 chiếc trong hạm đội của mình. Hải quân Trung Quốc cũng vận hành ngày càng nhiều tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu khu trục nhỏ và tàu hộ tống, tất cả đều được trang bị tên lửa hành trình chống tàu tầm xa. Trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2016, Trung Quốc đưa vào hoạt động hơn 30 chiếc tàu hộ tống hiện đại. Hiện tại, Trung Quốc được cho là đang vận hành 4 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN), 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) và 50 tàu ngầm thông thường. Theo dự đoán của Lầu Năm Góc, Trung Quốc sẽ sở hữu 65 – 70 tàu ngầm vào năm 2020. Ngoài ra, dù chỉ có một tàu sân bay đang vận hành là tàu Liêu Ninh nhưng dự kiến sẽ biên chế tàu sân bay tự đóng đầu tiên trong năm nay và chiếc thứ hai vào năm 2022. Với tốc độ hiện tại, Trung Quốc có thể có 430 tàu nổi và 100 tàu ngầm trong vòng 15 năm tới.

Theo cơ quan nghiên cứu RAND của Mỹ, hạm đội của Trung Quốc hiện nay cũng hiện đại hơn, dựa trên các tiêu chuẩn đóng tàu hiện đại. Trong năm 2010, chưa đến 50% tàu Trung Quốc được xếp loại hiện đại; vào năm 2017, hơn 70% là hiện đại. Tàu ngầm diesel của Trung Quốc ngày càng ít tiếng động và thách thức năng lực chống tàu ngầm của Mỹ. Các tên lửa hành trình chống tàu được phóng từ tàu và từ trên không của Trung Quốc có tầm bắn và tàng hình đáng kể và được dẫn đường bởi các công nghệ ngày càng tinh vi.

RAND cho rằng, Hải quân Trung Quốc giờ đây tạo ra một thách thức đáng kể đối với hạm đội tàu nổi của Mỹ. Các tên lửa đạn đạo thông thường tầm trung DF-21C và DF-26 có thể vươn tới căn cứ của Mỹ ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Malaysia và Guam.

Đặc biệt hiện lực lượng này đã sẵn sàng đưa vào trang bị chiếc tàu sân bay tự đóng đàu tiên. Không chỉ tự phát triển vũ khí, Trung Quốc còn không tiền mua vũ khí từ Nga.

Ngoài việc phát triển hải quân, Trung Quốc cũng đang nhanh chóng xây dựng lực lượng Bảo vệ Bờ biển để thực thi các yêu sách của mình tại các đảo tranh chấp trên Biển Đông. Từ năm 2010, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của Trung Quốc đã tăng gấp đôi đội tàu tuần tra lớn của mình và hiện có khoảng 130 tàu, nó đã trở thành lực lượng bảo vệ bờ biển lớn nhất thế giới, tăng khả năng thực hiện đồng thời, mở rộng các hoạt động ở ngoài khơi tại nhiều khu vực tranh chấp. Trung Quốc cũng đang sử dụng Lực lượng Dân quân biển Vũ trang Nhân dân của mình để đạt được các “mục tiêu chính trị” tại Biển Đông. Đây là lực lượng dân thường dự bị, luôn sẵn sàng khi được huy động.

Báo cáo đặc biệt nhấn mạnh đến sự hiện diện ngày càng nhiều của hải quân Trung Quốc tại Bắc Cực. Lầu Năm Góc lưu ý những hoạt động của Trung Quốc bao gồm cả các dự án nghiên cứu dân sự cũng có thể hỗ trợ cho sự hiện diện của quân đội nước này tại Bắc Cực, như việc triển khai tàu ngầm. Đáng chú ý, Báo cáo nhận định Trung Quốc đã cố gắng tăng cường kiểm soát các thực thể và đường thủy tại Biển Đông, nơi có khoảng 70% lượng dầu và 16% lượng khí đốt nhập khẩu tự nhiên của nước này. Ở Biển Đông, Trung Quốc đã tiếp tục quân sự hóa. Tên lửa hành trình  chống hạm và tên lửa đất đối không tầm xa đã được triển khai tới các tiền đồn trên quần đảo Trường Sa. Các máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc cũng cất và hạ  cánh xuống đảo Phú Lâm tại quần đảo Hoàng Sa; đồng thời khẳng định những tên lửa được Trung Quốc triển khai trái phép tới quần đảo Trường Sa năm 2018 là “những hệ thống vũ khí trên đất liền tốt nhất mà Trung Quốc triển khai tới khu vực tranh chấp tại Biển Đông”.

Tuy nhiên, theo chuyên gia John S.Van Oudenaren của tờ National Interest, dù sự phát triển của Quân đội Trung Quốc là thách thức nhưng chưa đủ mạnh đe dọa vị thế của Mỹ. Bất chấp những tiến bộ không thể phủ nhận của Quân đội Trung Quốc, đặc biệt là lực lượng tàu ngầm, nhưng chuyên gia John S.Van Oudenaren cho rằng, chúng không được đánh giá cao bởi công nghệ tàng hình vỏ tàu kém, hệ thống động cơ hạt nhân lạc hậu, dễ bị phát hiện; trong khi hệ thống vũ khí chưa hoàn thiện. Ngoài ra, Hải quân Mỹ còn có ưu thế vượt trội so với Trung Quốc khi đang sở hữu 14 tàu SSBN, 54 tàu SSN và 11 tàu sân bay.

Trung Quốc đánh cắp bí mật quân sự của các nước

Một báo cáo mới đây của Hải quân Mỹ cho biết, tin tặc Trung Quốc đã nhiều lần tấn công Lực lượng Hải quân Mỹ, các nhà thầu quốc phòng và thậm chí các trường đại học nằm trong nền công nghiệp quốc phòng Mỹ. Theo Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein (20/12/2018) cho biết nhóm tin tặc APT 10 đánh cắp thông tin từ hơn 45 công ty ở Mỹ có liên hệ và hợp tác với các cơ quan an ninh nhà nước Trung Quốc. Theo cáo trạng, nhóm tin tặc cũng nhắm vào nhân viên nghĩa vụ quân sự Mỹ để đánh cắp “dữ liệu nhạy cảm bao gồm tên, số an sinh xã hội, ngày sinh, thông tin lương, số điện thoại cá nhân và địa chỉ email của hơn 100.000 lính hải quân”. Ông Rod Rosenstein cho rằng đây rõ ràng là hành vi gian lận, trộm cắp và nó mang lại cho Trung Quốc một lợi thế không công bằng dựa trên sự thiệt hại của các doanh nghiệp và quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế để đổi lấy đặc quyền tham gia hệ thống kinh tế toàn cầu. Ông cũng nói thêm rằng chính phủ Trung Quốc không thể tiếp tục giả vờ không biết chiến dịch đánh cắp bí mật kinh doanh và gọi các hành động này là “xâm lược kinh tế”.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ cùng ngày cho biết họ sẽ tạo một trang web mới để hỗ trợ các công ty Mỹ có thể bị ảnh hưởng. Cáo buộc được đưa ra giữa thời điểm quan hệ Mỹ – Trung đang căng thẳng vì chiến tranh thương mại. Mỹ đã áp thuế với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc và đe dọa sẽ áp thuế bổ sung đối với vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ. Trung Quốc trả đũa bằng việc áp thuế với hàng hóa và dịch vụ Mỹ.

Ngoại trưởng Mike Pompeo cho rằng mối quan hệ với Trung Quốc là “một thách thức” và “tất cả chúng ta cần phải theo dõi mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra cho Mỹ trong thời gian dài. Người Trung Quốc chiếm đoạt tài sản, đánh cắp sở hữu trí tuệ của chúng ta. Đây là rủi ro đối với ngành công nghiệp hàng không, là thách thức đối với nông dân khi bán sản phẩm vào Trung Quốc. Đó là những vấn đề lớn và quan trọng”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Richard Spender cho biết tin tặc Trung Quốc tìm mọi cách lợi dụng lỗ hổng hệ thống an ninh mạng để thu thập được các bí mật quốc gia của Mỹ. Theo ông Richard Spender, Mỹ và các đối tác trong ngành công nghiệp quốc phòng đang bị tin tặc Trung Quốc “vây hãm trên mạng” nhằm xây dựng năng lực quân sự cho Bắc Kinh và làm xói mòn lợi thế của Washington. Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ (12/2018) đã buộc tội 2 công dân Trung Quốc với cáo buộc họ tham gia vào một kế hoạch hack toàn cầu để đánh cắp bí mật kinh doanh như một phần của chiến dịch được cho là của chính phủ Trung Quốc.

Mới đây nhất, trong một loạt các cuộc tấn công xảy ra vào tháng 1 và tháng 2/2019, các tin tặc Trung Quốc đã xâm nhập vào máy tính của một nhà thầu Hải quân và thu thập dữ liệu bí mật liên quan đến vũ khí trang bị tàu ngầm. Cụ thể, kế hoạch chế tạo và bản vẽ của một loại tên lửa chống hạm siêu thanh triển vọng đã rơi vào tay những kẻ xâm nhập. Trước đó, Washington Post dẫn nguồn tin giấu tên cho biết mạng máy tính của một tập đoàn quốc phòng Mỹ đã bị tin tặc Trung Quốc tấn công trong giai đoạn tháng 1-2/2018. Danh sách dữ liệu bị mất gồm 614 GB tài liệu về chương trình “Sea Dragon” và kế hoạch bí mật nhằm phát triển tên lửa siêu thanh cho tàu ngầm Mỹ trước năm 2020. Cơ quan nghiên cứu các dự án phòng thủ tiên tiến (DARPA) của Lầu Năm Góc từng phát triển phương tiện lặn không người lái (UUV) tự động với khả năng chống tàu ngầm mang tên Sea Hunter. Dự án này hoàn thành trùng thời điểm với vụ tấn công của tin tặc Trung Quốc, có khả năng nằm trong cùng một chương trình với Sea Dragon.

Tờ Wall Street Journal dẫn báo cáo của IDefense – một đơn vị tình báo an ninh mạng của tổ chức Accenture Security (Mỹ) – cho hay 27 trường đại học của Mỹ, Canada và Đông Nam Á bị nhóm tin tặc có liên hệ với Trung Quốc tấn công. Theo nghiên cứu sắp được công bố của iDefense, các vụ tấn công mạng từ phía Trung Quốc nhằm ăn cắp bí mật quân sự và kinh tế Mỹ đang ngày một tăng. Các tiết lộ mới nhất của Wall Street Journal điểm tên một số trường đại học lớn của Mỹ, trong đó có Đại học Hawaii, Đại học Washington và Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). IDefense cho rằng báo cáo này phản ánh được mục đích của các chiến dịch tấn công mạng, ít nhất từ thời điểm tháng 4/2017 tới nay. IDefense nói họ xác định các đại học bị tấn công bằng cách rà soát hệ kết nối mạng từ các trường với những máy chủ tại Trung Quốc. Phần lớn các trường đại học bị nhắm đến đều là trung tâm nghiên cứu về kỹ thuật biển, hoặc có đội ngũ nhân viên hiểu biết sâu rộng với các lĩnh vực liên quan. Theo Wall Street Journal, phòng nghiên cứu ứng dụng tại Đại học bang Pennsylvania và Đại học Duke cũng bị tấn công. Cả hai nằm trong số những đối tác nghiên cứu hàng đầu của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Nhóm tin tặc Trung Quốc bị nghi ngờ gây ra các vụ tấn công trên được cho là sở hữu nhiều hãng an ninh và quan chức có quan hệ với Bắc Kinh. Nhóm trên trước đây bị cáo buộc có dính líu tới việc do thám hợp đồng của Hải quân Mỹ và một số nhà thầu phụ. Các hợp đồng này được cho là có chứa thông tin quân sự nhạy cảm, như kế hoạch tên lửa tàu ngầm và dữ liệu bảo trì tàu.

Các hacker Trung Quốc đã gửi nhiều email spear-phishing (một hình thức phishing như độ chi tiết cao hơn) được soạn thảo sao cho người nhận nghĩ rằng chúng đến từ các trường đối tác khác, nhưng thực ra một khi được mở, các email này sẽ thả ra một “kiện hàng” chứa mã độc. Các trường đại học từ trước đến nay thường được xem là những mục tiêu dễ dàng bị tấn công hơn nhiều so với các nhà thầu quân sự Mỹ, bởi máy chủ của họ vẫn có thể chứa khá nhiều nghiên cứu quân sự hữu dụng.

RELATED ARTICLES

Tin mới