Tuesday, April 16, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBáo chí quốc tế chỉ trích lệnh cấm đánh bắt cá đơn...

Báo chí quốc tế chỉ trích lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của TQ ở Biển Đông

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc bắt đầu đơn phương thực thi lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông trong ba tháng rưỡi, bắt đầu từ 12h ngày 1/5 đến 12h ngày 16/8, trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến vùng biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, một phần khu vực Vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough. Báo chí các nước đã chỉ trích mạnh mẽ hành động trên của Trung Quốc.

Các tờ báo lớn như “Express.com.uk” hay “Japan Times” đều phản ánh việc Trung Quốc           đơn phương thực thi lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông. Trong đó chỉ trích các tác động tiêu cực của lệnh cấm này đến người dân các nước khu vực. Đồng thời cũng trích dẫn, đăng tải lại tuyên bố phản đối của Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong đó khẳng định “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”. Một số bài báo cho rằng các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật cần được tiến hành phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và không làm phương hại đến quyền chủ quyền và các quyền tài phán trên biển của các nước có liên quan.

Tờ “Express.com.uk” trích đăng nội dung “Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”.

Từ năm 1999, Trung Quốc hàng năm đều đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, nơi nước này ngang nhiên tuyên bố chủ quyền bằng “đường 9 đoạn” hay “đường lưỡi bò” phi pháp, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các nước trong khu vực. Hành động ngang ngược của Trung Quốc đe dọa cuộc sống của hàng chục triệu người dân các nước trong khu vực Biển Đông. Việc Trung Quốc huy động lực lượng quân sự, cảnh sát biển xuôi đuổi, bắt giữ tàu cá các nước với lý do thực thi “lệnh cấm” trên đã khiến khu vực này trở nên phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ xung đột cao.

Trong khi đó, báo chí Trung Quốc lại tích cực phổ biến cho lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông mà chính quyền nước này đơn phương đưa ra. Các tờ báo của Trung Quốc như “South china morning post”, “Xinhua”… ca ngợi rằng ngư dân Trung Quốc đã tạm dừng đánh bắt cá để bảo vệ các nguồn lợi thủy sản đang bị suy giảm ở các vùng biển, trong đó có Biển Đông. Ngoài ra, việc tàu cá Trung Quốc tạm ngừng hoạt động sẽ giúp tiết kiệm nguồn nhiên liệu, giúp bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên năng lượng. Đây là những lập luận nhằm biện minh cho hành động sai trái của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực trạng tàu cá Trung Quốc đang hủy hoại các vùng biển các nước trên khắp thế giới thì có thể thấy bản chất rõ ràng và phi lý của lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông của Trung Quốc vừa đưa ra.

Lo ngại hành động của Trung Quốc, Tòa án tối cao Philippines hôm 3/5 đã ra lệnh yêu cầu chính phủ và các cơ quan an ninh nước này phải thực thi những công ước quốc tế, luật nội địa để bảo vệ các bãi đá, sinh vật biển trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Philippines ở Biển Đông. Động thái trên được xem là nhằm xoa dịu dư luận từ phía ngư dân Philippines hiện nay khi họ phàn nàn rằng chính quyền nước này không có nhiều bước đi để đối phó hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Tòa án tối cao Philippines cho biết đã phát lệnh chỉ đạo người đứng đầu các bộ chủ chốt, lực lượng tuần duyên, hải quân và cảnh sát nước này thực thi những công ước quốc tế cùng luật nội địa nhằm bảo vệ các bãi đá, sinh vật biển trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Philippines.

RELATED ARTICLES

Tin mới