Saturday, April 20, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCấm đánh bắt cá ở Biển Đông: TQ lại một mình một...

Cấm đánh bắt cá ở Biển Đông: TQ lại một mình một ngựa

Hai mươi năm nay, cứ đến tháng 5 hàng năm, nhân dân thế giới, nhất là nhân dân các nước trong khu vực Đông Nam Á lại chứng kiến một hành động cực kỳ phi lý, ngang ngược của chính quyền Trung Quốc đối với Biển Đông. Thực chất là hành động phi lý và ngang ngược đối với nhân dân các nước Đông Nam Á nói chung, ngư dân các nước sinh sống xung quanh Biển Đông nói riêng. Đó là “lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông” do Trung Quốc đơn phương ban bố và thực hiện.

Đầu tiên, mùa hè năm 1999, Trung Quốc một mình đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá tại Biển Đông, trên một diện tích biển gần như trùng khớp với “đường chín đoạn” vô phi pháp mà họ tuyên bố “chủ quyền”. Trung Quốc đưa ra lý do rất “chính đáng” là sắp đến mùa cá đẻ trứng, cần phải hạn chế hoạt động đánh bắt để duy trì nguồn tài nguyên thủy, hải sản cho Biển Đông, cũng là duy trì nguồn “sinh kế” lâu dài cho ngư dân trong khu vực. Đi kèm với lệnh này là những điều khoản nhằm hạn chế hoạt động đánh bắt của tàu cá các nước tại khu vực Biển Đông.

Đến đầu năm 2014, chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã đơn phương thực hiện “Luật ngư nghiệp của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Theo đó, buộc các tàu cá nước ngoài đi vào vùng biển do tỉnh Hải Nam “quản lý” để đánh bắt cá hoặc thực hiện các hoạt động điều tra tài nguyên ngư nghiệp phải được sự “cho phép” của các cơ quan quản lý có liên quan thuộc chính phủ Trung Quốc. Dựa vào luật trên, nhà chức trách Trung Quốc cho phép các tàu chấp pháp của họ bao gồm các tàu Kiểm Ngư, Hải Giám, Hải Cảnh được tịch thu các sản phẩm đánh bắt được trên biển, ngư cụ và phạt tiền lên đến 500.000 Nhân dân tệ (tương đương gần 83.000 USD) đối với các tàu nước ngoài đi vào vùng biển này. Điều đáng nói là vùng biển mà tỉnh Hải Nam được giao “quản lý” là toàn bộ ¾ diện tích Biển Đông, theo “đường chín đoạn” đã vạch.

Năm 2015, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc lại tiến thêm một bước, đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển tiếp giáp giữa tỉnh Phúc Kiến với tỉnh Quảng Đông, nghĩa là bao gồm toàn bộ vịnh Bắc Bộ và cả bãi cạn Scarborough của Philippin. Lệnh này có hiệu lực từ trưa ngày 16 tháng 5 đến 12 giờ ngày 1 tháng 8 năm 2015. Trong thời gian áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá, Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường sử dụng các tàu chấp pháp để giám sát, tuần tra, bắt giữ và xử lý các hành vi vi phạm. Giống như trước đây, Bắc Kinh cho rằng, lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông là nhằm bảo vệ các nguồn tài nguyên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế về bảo vệ môi trường và môi sinh, rằng Bắc Kinh có trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế thực hiện trọng trách này… Từ đó cho đến nay là đã 20 năm, năm nào Trung Quốc cũng lặp lại cái lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương kể trên. Năm 2019 này, họ ban hành lệnh từ ngày 01 tháng 05 và kéo dài đến ngày 16 tháng 08 mới kết thúc.

Nhìn lại, có ba thời điểm là các năm 1999, 2014 và 2015, chỉ với mỗi hành động cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, Trung Quốc cũng đã từng bước triển khai thực hiện theo đúng cách “tằm ăn dâu”, còn nói theo kiểu học giả nước ngoài là “chiến thuật lát cắt sa-la-mi”. Từ chỗ công bố mơ hồ về phạm vi cấm đánh bắt cá trên biển, đến vạch rõ phạm vi thuộc “chủ quyền” Trung Quốc là hầu như toàn bộ Biển Đông. Từ chỗ chỉ đưa ra các biện pháp là hạn chế đánh bắt đến xử phạt, rồi tiến đến biện pháp cao nhất là bắt giữ nhằm thực hiện “chủ quyền”. Từ chỗ lúc đầu lệnh trên chỉ được chính quyền địa phương là tỉnh Hải Nam ban bố, đến sau này nâng lên cấp độ quốc gia là giao cho Bộ Nông nghiệp ban bố và thực hiện. Từ chỗ lực lượng thực thi chỉ là các tàu Hải giám, Ngư chính thì nay đưa luôn cả lực lượng Hải cảnh vào tham gia. Dư luận khu vực đặt câu hỏi, không biết vài năm nữa, Trung Quốc có đưa nốt lực lượng Hải quân vào tham gia thực hiện lệnh trên ở Biển Đông nữa không.

Dư luận cũng lại đặt câu hỏi: Nếu như Trung Quốc có thực tâm bảo vệ các nguồn tài nguyên biển, bảo vệ môi trường và môi sinh theo đúng quy định của luật pháp quốc tế. Nếu như Trung Quốc, với vai trò, vị thế của một nước lớn trong khu vực tự nhận mình có trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế phải thực hiện trọng trách này. Vậy sao Trung Quốc lại phải đơn phương hành động như thế, sao Trung Quốc không đi đầu phối hợp cùng các quốc gia trong khu vực triển khai thực hiện hành động trên. Việc bảo vệ các nguồn tài nguyên biển, bảo vệ môi trường và môi sinh đâu chỉ là nghĩa vụ và trách nhiệm của riêng Trung Quốc. Vùng biển cần bảo vệ tài nguyên, môi trường, môi sinh đâu chỉ có gói gọn trong vùng biển của Trung Quốc. Tài nguyên biển, trong đó có hàng nghìn, hàng vạn loài tôm, cá, giáp xác, rong rêu, phù du, sinh vật… đâu chỉ có quanh quẩn ở vùng biển thuộc “quyền quản lý” của Trung Quốc, nó rong ruổi khắp cả Biển Đông và rộng hơn là ra cả các đại dương của hành tinh này. Nhẽ ra, Trung Quốc phải chung tay với các nước khác trong khu vực như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei, kể cả Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc nữa để cùng bảo vệ các nguồn tài nguyên biển, bảo vệ môi trường và môi sinh chứ. Há chẳng chính đáng sao.

Thực tâm của Trung Quốc đâu phải là “bảo vệ các nguồn tài nguyên biển, bảo vệ môi trường và môi sinh” mà là “chiếm dụng trên thực tế ở Biển Đông. Trong vấn đề tranh chấp “chủ quyền” toàn bộ đối với Biển Đông, nhìn từ góc độ phía Trung Quốc, họ nhận ra rằng nếu chỉ có “cách mạng đầu lưỡi”, “đánh giặc mồm” không thì chưa đủ, mà cần phải hành động trên thực tế để khẳng định chủ quyền, có nghĩa là phải thi hành chính sách từng bước chiếm dụng trên thực tế ở Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng hiểu vai trò, vị thế “nước lớn đang lên” của họ sẽ bị ảnh hưởng ra sao nếu các hành động đó bị cộng đồng quốc tế phản ứng, lên án, thậm chí có biện pháp chung tay đáp trả. Do đó, phải thực thi hành động chiếm dụng đó sao cho chỉ vừa đủ độ để “răn đe, dằn mặt” các nước có tranh chấp liên quan, nhưng lại chưa đủ mức để cộng đồng quốc tế có lý do phán xét hay “cưỡng chế” những sai trái của Trung Quốc. Lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông là một mũi tên bắn trúng nhiều đích, là biện pháp “nhất cử lưỡng tiện” vì vừa thể hiện được quyền chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển rộng lớn này, vừa thực hiện lý do chính đáng mà ai cũng phải thừa nhận là đúng đắn khi “bảo vệ nguồn lợi thủy, hải sản trên biển”. Các nước, các tổ chức quốc tế không có lý do để trách cứ hay trừng phạt Trung Quốc. Biện pháp này được cho là “Diệu kế”, thi hành ngay, nhưng từng bước, vừa làm vừa nghe ngóng phản ứng của thiên hạ.

Cho nên, không phải chỉ có lệnh không, Trung Quốc còn cho tàu chấp pháp của họ ngày này, đêm khác càn đi quét lại ngang dọc Biển Đông, thực hiện cái gọi là “tuần tra chấp pháp”. Thực chất là ngăn cản, xua đuổi, bắt bớ tàu thuyền và ngư dân các nước đánh bắt thủy, hải sản trên vùng biển mà ngàn đời nay họ vẫn dựa vào để kiếm sống. Thậm chí, những nhân viên công vụ trên các tàu Trung Quốc còn đối xử tàn nhẫn hay hành hung, đánh đập dã man những ngư dân thân cô thế cô, “tay không tấc sắt” trên biển. Thực tế, có nhiều trường hợp ngư dân còn bị tàu thuyền Trung Quốc rượt đuổi, dồn ép khi đang hoạt động trong vùng biển chẳng liên quan gì đến chủ quyền hay quyền quản lý của Trung Quốc, buộc phải chạy vào vùng biển họ tuyên bố chủ quyền để bắt giữ trái phép, vu cho là “xâm phạm chủ quyền lãnh thổ” của họ. Một số dẫn chứng về những hành động trên của phía Trung Quốc đối với tàu thuyền đánh cá và ngư dân các nước đã cho thấy điều này. Ngày 09/06/2015, Cục Hải cảnh Trung Quốc đã bắt giữ 17 ngư dân cùng với hai tàu cá là QB 93694 TS và QB 93480 TS của Việt Nam. Phía Trung Quốc hành hung và ép các ngư dân Việt Nam phải ký vào các văn bản công nhận chủ quyền Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc rồi mới thả số ngư dân trên ra. Chờ đến khi Việt Nam lên tiếng phản đối hay quốc gia hữu quan khác có ý kiến, họ bèn trưng ra “bằng chứng hiển nhiên” đó để bênh vực cho hành động của mình.

Một câu hỏi đáng chú ý nữa được dư luận đặt ra là: Kể từ khi TQ ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông đến nay đã 20 năm, nhưng không thấy có ai vỗ tay cổ vũ, hoan nghênh, ủng hộ. Cũng không thấy có ai tổ chức khảo sát, điều tra, thống kê để đánh giá cái lệnh mà Trung Quốc đơn phương tiến hành trong 20 năm qua đã bảo vệ được bao nhiêu đàn cá, bao nhiêu loài thủy, hải sản; nguồn tài nguyên biển tăng lên hay giảm đi; môi trường và môi sinh biển được làm giàu, làm sạch đến đâu… Điều đó cho thấy, không ai, không nước nào, tổ chức nào đồng tình với cách thức Trung Quốc đang thực hiện ở Biển Đông. Không những thế, người ta còn lên án, phản đối và vạch ra những ý đồ, tham vọng của Trung Quốc đằng sau việc ban hành lệnh này. Tiến sỹ Zachary Abuza người Mỹ, chuyên gia độc lập nghiên cứu về an ninh Đông Nam Á cho rằng, Bắc Kinh đang đi ngược lại những lời nói hoa mỹ của họ tại Biển Đông, ông nói: “Trung Quốc đang lạm dụng quá mức luận điểm nghĩa vụ quốc tế để biện minh cho các hành vi của mình, khi mà mọi hành động của họ đều đang được tiến hành đơn phương. Nếu Trung Quốc thực sự quan ngại về môi trường, hệ sinh thái và nguồn tài nguyên biển, động thái cần thiết và thiết thực nhất lúc này là dừng ngay các hoạt động xây đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Chính những hoạt động xây dựng ở đó mới đang làm tổn hại ghê gớm đối với hệ sinh thái và môi trường biển”. Còn đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á và Việt Nam thì đương nhiên là cả chính phủ lẫn người dân, nhất là ngư dân đều đồng thanh và kiên quyết phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc. Các nước đều khẳng định, lệnh cấm này là một “quyết định vô giá trị”. Bởi một điều rất đơn giản là phạm vi vùng biển Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt vượt quá phạm vi chủ quyền của họ. Trên thực tế, Trung Quốc chỉ có quyền ra lệnh cấm đánh bắt cá trên các vùng biển thuộc chủ quyền của họ, không thể ra lệnh trên các vùng biển thuộc chủ quyền của nước khác. Đặc biệt, Việt Nam lại là quốc gia tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển xung quanh. Đồng thời có bằng chứng pháp lý và lịch sử rõ ràng, tin cậy, không thể chối cãi về chủ quyền đối với hai quần đảo này.

Trong bối cảnh quốc tế hiện nay và sự vận động của xã hội hiện đại, rất nhiều vấn đề, sự việc, thậm chí sự kiện liên quan đến một hay nhiều quốc gia, một hay nhiều cộng đồng người, hoặc cả nhân loại, đòi hỏi phải có sự chung tay gánh vác, chia sẻ của mọi quốc gia, dân tộc tại từng khu vực hay toàn thế giới. Đơn cử như vấn đề biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nạn buôn người… Vì thế, không ai có thể “đơn thương, độc mã” trong giải quyết vấn đề môi trường, sinh thái của Biển Đông được. Đồng nghĩa với việc Trung Quốc đang “một mình một ngựa” thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, chỉ chuốc lấy sự phản ứng, phản đối và lên án coi thường của dư luận và cộng đồng quốc tế, khu vực. Cứ theo cách ban hành lệnh cấm phi pháp này, Trung Quốc có thể sẽ đơn phương thành lập “vùng nhận dạng phòng không” trên Biển Đông. Thứ mà họ đang vô cùng mong đợi có điều kiện, thời cơ thực hiện.

RELATED ARTICLES

Tin mới