Tuesday, April 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMalaysia, Singapore thể hiện quan điểm về “yêu sách chủ quyền” của...

Malaysia, Singapore thể hiện quan điểm về “yêu sách chủ quyền” của TQ và các quy tắc ứng xử chung ở Biển Đông

Phát biểu trước báo giới vừa qua, Ngoại trưởng Malaysia đã chỉ trích mạnh mẽ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và tuyên bố sẽ tìm cách giải quyết những vấn đề thông qua ASEAN, thay vì các hiệp định song phương; trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore cho rằng cần có một sự đồng thuận mạnh mẽ trong việc thực hiện các quy tắc chung về đảm bảo duy trì an ninh hàng hải hiện nay.

Ngoại trưởng Malaysia: Yêu sách của TQ đối với Biển Đông là “quá đáng”

Theo báo chí Malaysia, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah ngày 13/5 cho biết yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông là “quá đáng”. Đất nước ông sẽ tìm cách giải quyết những vấn đề thông qua ASEAN, thay vì các hiệp định song phương. “Chúng tôi muốn nói với Bắc Kinh rằng chúng tôi sẽ thảo luận về Biển Đông ở cấp độ nhóm. Nó có thể không nhất thiết phải cứng nhắc như vậy, nhưng Malaysia có liên quan thì phải nằm trong một nhóm”, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah cho biết thêm.

Tháng 5/2009, Trung Quốc gửi lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc hai công hàm ngoại giao trong đó thể hiện một bản đồ “đường chín đoạn”. Theo hai công hàm này, “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở Biển Đông và các vùng nước liền kề, có quyền chủ quyền và quyền tài phán với các vùng nước liên quan cũng như vùng đáy biển và vùng đất dưới đáy biển”. Bản đồ Trung Quốc đính kèm thể hiện chín đường đứt nét không liền nhau, tạo thành một hình chữ U lớn bao trọn hầu hết Biển Đông. Những đường đứt nét này không có toạ độ và có khoảng cách không đều. Bản đồ không có chú dẫn hay giải thích, thậm chí không có cả tiêu đề. Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng đó chính là khu vực mà Trung Quốc có chủ quyền ở Biển Đông. Lúc đó, cùng với nhiều nước, Bộ Ngoại giao Malaysia cũng đã chỉ trích mạnh mẽ yêu sách trên của Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore: Cần có một sự đồng thuận mạnh mẽ trong việc thực hiện các quy tắc chung về an ninh hàng hải

Phát biểu khai mạc Triển lãm Hàng hải Quốc phòng châu Á (IMDEX Asia 2019) lần thứ 12 tại Singapore ngày 14/5, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại hàng hải đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Theo ông, các quốc gia trong khu vực cần có một sự đồng thuận mạnh mẽ trong việc thực hiện các quy tắc chung về biển nhằm duy trì an ninh hàng hải, trong bối cảnh khu vực đối mặt với những mối đe dọa an ninh hàng hải truyền thống và phi truyền thống. Theo Bộ trưởng Ng Eng Hen, bất chấp những bất ổn toàn cầu, trong đó có tranh chấp thương mại và căng thẳng an ninh, khối lượng thương mại qua biển vẫn ngày càng tăng và dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong thời gian tới. Trong khi đó, các mối đe dọa hàng hải truyền thống vẫn tồn tại như khủng bố hàng hải xuyên quốc gia, cướp biển, buôn bán ma túy, vũ khí và nạn buôn người.

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore cho rằng với mối đe dọa khủng bố từ biển và sự khác biệt trong các quy tắc được các nước áp dụng đối với tự do hàng hải và tài nguyên hàng hải, đòi hỏi cần có sự hợp tác nhiều hơn giữa các chính phủ cũng như lực lượng quân đội các nước. Đối với các tranh chấp ở Biển Đông, Bộ trưởng Ng Eng Hen cho rằng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có thể mở đường cho thỏa thuận về các quy tắc hàng hải quốc tế và phòng ngừa xung đột. Ông Ng Eng Hen nhấn mạnh cùng với các diễn đàn đa phương như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), IMDEX Asia 2019 là cơ hội để tạo niềm tin và tăng cường sự hợp tác giữa các quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong lĩnh vực hàng hải, đặc biệt là trong việc đưa ra các sáng kiến hợp tác giữa lực lượng hải quân trong khu vực nhằm giảm sự hiểu lầm, tránh đụng độ không cần thiết cũng như sự leo thang căng thẳng giữa các bên trên biển.

Hiện nay, Trung Quốc và ASEAN vẫn đang tiến hành đàm phán xây dựng về COC, trong đó đã đạt được thỏa thuận về văn bản dự thảo thương lượng duy nhất làm cơ sở đàm phán COC (8/2018) tại Singapore. Đây được coi là một bước tiến quan trọng hướng tới việc thu hẹp sự khác biệt giữa các bên trong giải quyết vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, trên thực chất quá trình này vẫn chưa đạt được kết quả cụ thể nào do Trung Quốc tìm cách trì hoãn, gây sức ép với các nước trong các điều khoản, đồng thời lôi kéo, chia rẽ quan điểm một số nước ASEAN về COC, như trường hợp của Philippines, Campuchia. Để tránh mũi nhọn của dư luận, Trung Quốc tuyên bố sẽ cùng ASEAN xây dựng xong COC trong vòng 3 năm tới, tức là từ nay đến 2021, song vẫn không tránh khỏi những chỉ trích của khu vực và quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới