Tuesday, April 16, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBáo cáo “Những diễn biến về an ninh và quân sự liên...

Báo cáo “Những diễn biến về an ninh và quân sự liên quan tới Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa 2019”

Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây công bố Báo cáo “Những diễn biến về an ninh và quân sự liên quan tới Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa 2019”, trong đó tiết lộ nhiều thông tin quan trọng liên quan hoạt động quân sự của Trung Quốc.

Báo cáo được Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ về các vấn đề An ninh khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương Randall Schriver công bố với chủ đề chính là “Trung Quốc đang tiếp tục theo đuổi hiện đại hoá quân sự để củng cố quyền lực trong khu vực”. Tài liệu cho rằng, mục đích của Bắc Kinh là hiện đại hoá quân đội đến năm 2035 và trở thành một trong những lực lượng hàng đầu thế giới vào năm 2049. Đánh giá chung, ông Schriver cho rằng, qua báo cáo có thể thấy, “Trung Quốc đang tìm cách làm xói mòn những lợi thế của quân đội Mỹ, tranh giành và duy trì ảnh hưởng của mình ở khu vực cũng như các địa bàn phi truyền thống. Từ đó, Trung Quốc hất cẳng Mỹ, trở thành cường quốc với sức mạnh quân sự hàng đầu khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”. Ngoài ra, Báo cáo cũng cho rằng Trung Quốc đang quan tâm tới một số mục tiêu khác như Biển Hoa Đông, Đài Loan, Biển Đông… cùng các khu vực biên giới trên đất liền của họ.

Tài liệu trên nêu ra bốn trụ cột hình thành nên chiến lược quân sự Trung Quốc, đó là “Kế hoạch đổi mới khoa học và công nghệ quốc gia” cùng các chương trình khác do nhà nước chỉ đạo tập trung và làm chủ các công nghệ lưỡng dụng (dual-use) tiên tiến; Phối hợp giữa dân sự và quân sự trên các lĩnh vực hiện đại hoá phần cứng, giáo dục, nhân sự, đầu tư, hạ tầng và hậu cần; Tận dụng sức ảnh hưởng về quân sự, ngoại giao và kinh tế để thiết lập ưu thế trong khu vực và mở rộng ảnh hưởng trên trường quốc tế; Cùng nhiều hoạt động gây ảnh hưởng quốc tế như cộng đồng truyền thông, văn hoá, doanh nghiệp, hàn lâm và chính sách trên khắp thế giới.

Cũng theo báo cáo, Trung Quốc đang giữ thế phòng thủ với hàng loạt chương trình tham vọng như “Made in China 2025”, ý tưởng “Một vành đai, một con đường” (OBOR)… Ngoài ra, nghiên cứu của Mỹ chỉ ra, Đài Loan vẫn là trung tâm chính trong các kế hoạch đột xuất của PLA. Song, điểm đáng chú ý nhất của báo cáo năm 2019 này đó là nhấn mạnh những nỗ lực mà Trung Quốc đang thực hiện nhằm có được các dữ liệu, thông tin quân sự nhạy cảm từ các cơ sở công nghiệp quốc phòng nước ngoài nhằm chiếm ưu thế quân sự, bào mòn lợi thế quân sự của Mỹ. Chưa kể, Trung Quốc còn đang thử nghiệm hàng loạt hoạt động mạng tại nhiều nơi như Đài Loan. Do đó, Mỹ tiếp tục coi Bắc Kinh là mối đe doạ.

Đặc biệt, trong báo cáo này, lần đầu tiên, Mỹ đưa ra các lưu ý về “trí thông minh quân sự”, giai đoạn tiếp theo của thông tin hoá, ở đó, Bắc Kinh áp dụng trí thông minh nhân tạo (AI) vào các hoạt động quân sự. Chẳng hạn, quân đội Trung Quốc đang phát triển hệ thống tự động kiểm soát trong đó phối hợp các công nghệ mới nổi tiềm năng như AI để củng cố khả năng ra quyết định và nhận biết tình huống.

Ngoài ra, Báo cáo còn cho biết Bắc Kinh đang lên kế hoạch cho những tình huống bất ngờ ở eo biển Đài Loan nhằm răn đe và nếu cần thiết sẽ ép hòn đảo này phải từ bỏ những động thái đòi độc lập. Theo báo cáo, PLA nhiều khả năng cũng đang chuẩn bị cho kịch bản hợp nhất Đài Loan vào đại lục bằng vũ lực, đồng thời ngăn chặn bất kỳ sự can thiệp nào của bên thứ ba. Theo đó, với sự chuẩn bị công khai trên danh nghĩa huấn luyện thường kỳ, Trung Quốc có thể phát động tấn công vào các đảo Đài Loan kiểm soát ở Biển Đông và một số đảo gần hơn, được phòng thủ tốt hơn như Mã Tổ hay Kim Môn. Theo các chuyên gia DIA, quân đội Trung Quốc gần đây đã thành lập hai bộ tư lệnh mới gồm Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược (SSF), tập trung vào các hoạt động không gian, chiến tranh mạng, chiến tranh điện tử, chiến tranh tâm lý cùng Lực lượng Hỗ trợ hậu cần liên quân (JLSF) với mục đích chính là chuẩn bị cho kế hoạch thống nhất Đài Loan bằng biện pháp quân sự.

Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ cần thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Trung Quốc đã nhiều lần điều máy bay và tàu quân sự lượn quanh đảo trong các cuộc diễn tập vài năm qua và tìm cách cô lập Đài Loan, khiến hòn đảo này chỉ còn vài đồng minh ngoại giao. Dù công nhận chính sách “Một Trung Quốc”, Mỹ trên thực tế vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan và thường xuyên cung cấp những vũ khí, khí tài cần thiết để Đài Bắc có thể đảm bảo khả năng phòng thủ. Theo Lầu Năm Góc, Mỹ đã bán cho Đài Loan số vũ khí trị giá hơn 15 tỷ USD từ năm 2010.

Liên quan vấn đề ngân sách quốc phòng, Báo cáo đã chỉ ra rằng Trung Quốc đang tiếp tục hiện đại hóa các lực lượng vũ trang với tham vọng trở thành cường quốc quân sự. Theo báo cáo, Bắc Kinh còn sử dụng gián điệp để đánh cắp công nghệ tiên tiến phục vụ mục đích quân sự. Cụ thể, Trung Quốc được cho là sử dụng nhiều phương pháp để có được các công nghệ quân sự của nước ngoài, như đầu tư trực tiếp, tấn công mạng, khai thác sự tiếp cận công nghệ của công dân Trung Quốc, hoạt động của các cơ quan tình báo, xâm nhập hệ thống mạng máy tính… Nền kinh tế thứ hai thế giới cũng thu thập được công nghệ nước ngoài thông qua nhập khẩu, thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển ở nước ngoài, liên doanh, nghiên cứu, hợp tác học thuật, tuyển mộ nhân tài… Phía Mỹ cho rằng Trung Quốc đã sử dụng những cách thức trên để có được các thiết bị nhạy cảm, dùng được cho mục đích dân sự lẫn quân sự, trong đó có công nghệ chiến tranh trên không và chống tàu ngầm. Đáng chú ý, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford, gần đây cảnh báo các công ty Mỹ làm ăn ở Trung Quốc thường gián tiếp mang lại lợi ích cho quân đội nước chủ nhà. Song song đó, Trung Quốc đang phát triển một số công nghệ tiên tiến như tên lửa, vũ khí siêu thanh với tốc độ di chuyển nhanh ít nhất gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Báo cáo cũng nhấn mạnh ngân sách quốc phòng Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi trong 10 năm qua, phần lớn được dùng để củng cố lực lượng hải quân. Tổng số tàu ngầm của nước này có thể tăng lên 65-70 chiếc vào năm 2020 và Bắc Kinh sẽ có một tàu ngầm tấn công hạt nhân được trang bị tên lửa dẫn đường mới vào giữa những năm 2020. Tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc có khả năng biên chế chính thức vào cuối năm 2019 trong khi tàu sân bay thứ hai tự đóng dự kiến đi hoạt động từ năm 2022. Bắc Kinh cũng đang tăng cường lực lượng tuần duyên để giúp thực thi những tuyên bố chủ quyền phi lý ở biển Đông.

Không dừng lại ở đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Trung Quốc sẽ xây thêm các căn cứ quân sự khắp thế giới để bảo vệ các dự án, hoạt động đầu tư của mình ở nước ngoài. Hiện Bắc Kinh chỉ có một căn cứ quân sự ở nước ngoài tại Djibouti nhưng được cho là đang lên kế hoạch xây thêm các căn cứ quân sự khác. Báo cáo nhận định, “Trung Quốc sẽ tìm cách lập thêm các căn cứ quân sự tại những quốc gia mà họ có quan hệ hữu nghị lâu dài và các lợi ích chiến lược tương đồng”.

Phản ứng trước Báo cáo trên, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng bày tỏ không hài lòng, cho rằng: “Trung Quốc đã thúc giục Mỹ từ bỏ tư duy Chiến tranh lạnh và quan niệm lỗi thời về trò chơi có tổng bằng không, cần phải nhìn nhận khách quan và lý trí hơn về mục đích chiến lược cũng như xây dựng quốc phòng của Trung Quốc, chấm dứt hành động công bố báo cáo mà Bắc Kinh cho là “vô trách nhiệm từ năm này qua năm khác”. Theo ông Cảnh Sảng, tương tự các báo cáo trước đây mà Mỹ đã công bố, tài liệu lần này cũng đưa ra nhiều bình luận trái sự thật về chính sách quốc phòng Trung Quốc, bóp méo mục đích chiến lược, ra sức gieo rắc cái gọi là ‘mối đe doạ từ Trung Quốc’ và “Bắc Kinh kiên quyết phản đối báo cáo này”.

RELATED ARTICLES

Tin mới