Wednesday, April 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnCác tập đoàn công nghệ TQ tháo chạy đi đâu?

Các tập đoàn công nghệ TQ tháo chạy đi đâu?

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến hàng chục tập đoàn công nghệ lên kế hoạch dự phòng cho việc di cư.

Các nhà cung cấp của Apple tìm đường thoát

GoerTek, đơn vị lắp ráp tai nghe AirPods cho Apple tại Trung Quốc mới đây đã xác nhận kế hoạch chuyển bộ phận sản xuất sang Việt Nam để tránh bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại leo thang giữa Washington và Bắc Kinh, theo báo cáo của Nikkei.

Tuy nhiên, quá trình này không hề đơn giản. Nó đòi hỏi sự đồng thuận của các nhà cung cấp vật liệu và linh kiện, bên cạnh việc đạt được thỏa thuận với chính Apple. Trong quá trình chuyển đổi, giá trị các hợp đồng đã ký ban đầu cũng như lịch trình cung ứng linh kiện có thể bị ảnh hưởng mạnh. GoerTek và Apple không đưa ra bất cứ bình luận gì. Thế nhưng quyết định này của công ty đã phần nào phản ánh tình thế khó khăn mà Apple và các nhà cung cấp của họ đang phải đối mặt.

Trước đó, tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần kêu gọi Apple chuyển việc sản xuất linh kiện trở lại Mỹ. Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc không chỉ là công xưởng quan trọng nhất của Apple mà đây còn là thị trường quan trọng, chiếm khoảng 20% doanh thu hàng năm. Bất kỳ sự thay đổi lớn nào cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.

“Apple là mục tiêu rõ ràng nhất nếu Trung Quốc muốn trả đũa các công ty Mỹ”, James Wei, một nhà phân tích tại Hong Kong Investment Consulting cho biết. “Apple và các nhà cung cấp chính của nó, gần như chắc chắn sẽ chịu rủi ro khi cuộc chiến thương mại tiếp tục leo thang”.

AirPods, cùng với Apple Watch và loa thông minh HomePod, ban đầu nằm trong danh sách 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế từ ngày 24/9. Tuy nhiên, các sản phẩm này đã được miễn vào phút cuối cùng. Nhưng nguồn tin trong ngành cho biết nhiều nhà cung cấp đang lo ngại rằng họ có thể gặp khó khăn khi tổng thống Mỹ đe dọa sắp tới sẽ đánh thuế lên số hàng hóa trị giá 267 tỷ USD còn lại của Trung Quốc. Mới đây, ngày 9/10, ông Trump đã nhắc lại lời đe dọa trên nếu chính quyền Bắc Kinh có động thái trả đũa.

Trong khi đó, Cheng Uei Precision Industry, nhà cung cấp bộ sạc và đầu nối cho iPhone cũng như smartphone Android, cho biết đang xem xét việc đưa một số bộ phận sản xuất trở lại Đài Loan và Đông Nam Á.

“Chúng tôi đang nghĩ đến việc tăng công suất tại nhà máy của mình tại Đài Bắc. Nó sẽ không mất nhiều thời gian. Chúng tôi có thể làm điều đó trong một hoặc hai tháng”, chủ tịch công ty T.C. Gou nói. Tập đoàn này cũng đang đánh giá việc thiết lập các cơ sở mới ở Thái Lan, Việt Nam và Philippines.

Tuy nhiên, Gou nói rằng không dễ dàng chuyển toàn bộ quá trình sản xuất khỏi Trung Quốc, bởi một hệ thống chuỗi cung ứng hoàn thiện đã được hình thành tại đó trong nhiều thập kỷ qua. Chính quyền tại các địa phương ở Trung Quốc cũng đang đưa ra nhiều ưu đãi về thuế và chính sách đầu tư nhằm giữ chân các nhà sản xuất ở lại.

Còn Pegatron, đơn vị lắp ráp iPhone lớn thứ hai sau Foxconn, đang đánh giá các địa điểm ở Đài Loan để xây dựng một nhà máy mới. Nơi đây sẽ tạo ra các sản phẩm không phải của Apple nhưng có thể bù đắp phần nào chi phí gia tăng do cuộc chiến thương mại. Ngoài Apple, công ty Đài Loan này cũng sản xuất máy tính xách tay, máy tính bảng, thiết bị mạng, thiết bị điện tử tiêu dùng và các thiết bị Internet of Things cho những khách hàng như Microsoft, Sony và Google.

Nhiều công ty điện tử ở Trung Quốc chuẩn bị phương án dự phòng

Theo Reuters, các chính sách thuế quan mới không chỉ khiến các nhà cung ứng của Apple mà còn nhiều công ty điện tử châu Á khác bị xáo trộn và muốn chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang các nhà máy khác trong khu vực.

Những công ty này bao gồm SK Hynix của Hàn Quốc, Mitsubishi Electric, Toshiba Machine và Komatsu của Nhật Bản. Việc lập kế hoạch đã bắt đầu được thực hiện kể từ tháng 7, khi chính sách thuế có sự thay đổi đầu tiên. Những công ty khác như Compal Electronics (Đài Loan) hay LG Electronics (Hàn Quốc) đang lập kế hoạch dự phòng trong trường hợp cuộc chiến thương mại tiếp tục căng thẳng.

Những phản ứng nhanh chóng này bắt nguồn từ việc nhiều công ty lớn đã có cơ sở ở nhiều quốc gia và có thể di chuyển sản xuất một phần mà không cần xây dựng nhà máy mới. Một số chính phủ, đặc biệt là ở Đài Loan và Thái Lan, đang tích cực khuyến khích các công ty di chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang.

SK Hynix, hãng sản xuất chip nhớ cho máy tính, đang muốn chuyển hệ thống sản phẩm mô-đun DRAM của mình về Hàn Quốc để tránh bị đánh thuế. Toshiba cho biết họ có kế hoạch chuyển bộ phận đúc nhựa sang Nhật Bản hoặc Thái Lan vào tháng 10. Còn Mitsubishi đang trong quá trình chuyển việc sản xuất các loại máy công cụ sang một nhà máy ở Nagoya, Nhật Bản.

Một giám đốc điều hành tại Compal cho biết có thể sử dụng các cơ sở ở Việt Nam, Mexico và Brazil như một lựa chọn thay thế trong tình hình hiện tại. “Sẽ không dễ dàng bởi vì phần lớn hoạt động sản xuất của chúng tôi là ở Trung Quốc. Không một quốc gia nào khác có thể thay thế điều đó vào lúc này”, ông chia sẻ.

Các công ty nhỏ hơn cũng đang tìm kiếm hướng đi mới của riêng mình. Nhà sản xuất thiết bị y tế Hàn Quốc IM Healthcare, có máy lọc không khí trong danh sách sản phẩm của mình, đang nghiên cứu lựa chọn Việt Nam hoặc Hàn Quốc nếu các xung đột thương mại trở nên nghiêm trọng hơn.

Đông Nam Á hưởng lợi

Đông Nam Á là lựa chọn hàng đầu của các công ty Mỹ tại Trung Quốc khi muốn chuyển dịch sản xuất. Nguồn: AmCham China, AmCham Shanghai

Đông Nam Á là lựa chọn hàng đầu của các công ty Mỹ tại Trung Quốc khi muốn chuyển dịch cơ sở sản xuất. Nguồn: AmCham China, AmCham Shanghai

Theo Bloomberg, các quốc gia Đông Nam Á đang tranh thủ cơ hội để trở thành “kẻ chiến thắng” trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Khảo sát được công bố ngày 13/9 của AmCham Trung Quốc và AmCham Thượng Hải cho thấy khoảng một phần ba trong số hơn 430 công ty Mỹ ở Trung Quốc đã hoặc đang xem xét việc di chuyển các cơ sở ra nước ngoài. Đông Nam Á là điểm đến hàng đầu của họ.

Nguyễn Thanh Phương, CEO của tập đoàn sản xuất thiết bị gia dụng Kangaroo, dự báo doanh số bán hàng tăng 10% cho đối tác Mỹ trong nửa cuối năm 2018. Ông cho biết công ty của mình đã nhận được đơn đặt hàng từ các khách hàng Mỹ từng là đối tác của các nhà sản xuất Trung Quốc. “Biểu thuế mới của Mỹ đang giúp các sản phẩm của chúng tôi trở nên cạnh tranh hơn”, ông nói.

Thái Lan cũng hy vọng được hưởng lợi từ việc “dòng chảy công nghệ và đầu tư rời Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại”. Một dự án trị giá 45 tỷ USD đang được Kanit Sangsubhan, Tổng thư ký Văn phòng Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC) của Thái Lan điều phối, nhằm thu hút đầu tư vào đất nước mình.

Koratak Weeradaecha, Giám đốc tài chính của Star Microelectronics Thailand, cũng cho biết đã có sự biến động trong các đơn đặt hàng, với số lượng tăng ít nhất 15% so với năm 2017. Điều này có sự tương quan chặt chẽ với các căng thẳng thương mại đang diễn ra gần đây. “Chúng tôi hy vọng xu hướng rõ ràng hơn vào cuối năm nay”, ông cho biết.

Câu chuyện tương tự diễn ra ở Malaysia. Bộ trưởng Tài chính nước này, ông Lim Guan Eng nói rằng vấn đề lớn nhất hiện nay là làm sao để tăng cường năng lực của đất nước, trong cả lĩnh vực điện tử, sản xuất thép và tự động hóa, nhờ cơ hội này. Là một quốc gia trung lập, Malayssia có thể nhận được lợi ích từ cả hai phía bởi các công ty của cả Trung Quốc và Mỹ đều quan tâm tới việc đầu tư tại đây.

Còn trả lời phỏng vấn với Bloomberg ngày 10/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam có “nhiều cơ hội hơn là thách thức” từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung. Thủ tướng xem đây là cơ hội giúp thúc đẩy Việt Nam hướng tới việc tăng cường các quan hệ thương mại khác và bắt tay vào việc cải cách trong nước để duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh nhiều biến động này.

RELATED ARTICLES

Tin mới