Saturday, April 20, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaPhilippines sở hữu tàu chiến khủng, từng bước tăng cường năng lực...

Philippines sở hữu tàu chiến khủng, từng bước tăng cường năng lực hải quân đối phó với thách thức trên Biển Đông

Tập đoàn Hyundai Heavy Industries của Hàn Quốc (23/5) đã hạ thủy tàu hộ tống mang tên lửa BRP Jose Rizal, một trong 2 chiến hạm hiện đại nhất của Hải quân Philippines.

Tàu chiến BRP Jose Rizal của Philippines

Tàu chiến mới của Philippines

Theo truyền thông Philippines, năm 2016, Manila đặt Hàn Quốc đóng mới 2 tàu chiến Jose Rizal và Antonio Luna với tổng kinh phí 16 tỉ peso (355 triệu USD), cùng hợp đồng cung cấp vũ khí cho 2 tàu trị giá 2 tỉ peso (46 triệu USD). Chiến hạm BRP Jose Rizal dự kiến sẽ bàn giao vào năm 2020, còn chiếc Antonio Luna là vào năm 2021. Hộ tống hạm BRP Jose Rizal thuộc lớp hộ tống hạm Incheon của Hàn Quốc nhưng nhỏ hơn về chiều dài cũng như lượng choán nước. BRP Jose Rizal dài 107 m, ngang rộng nhất 14 m, lượng choán nước đầy tải là 2.600 tấn (tàu hộ tống lớp Incheon có các thông số tương tự lần lượt là 114 m, 14 m, 3.200 tấn).

BRP Jose Rizal trang bị đầy đủ vũ khí từ chống tàu nổi đến tàu ngầm, máy bay. Tàu được trang bị 1 pháo hạm Oto Melara 76 mm, các pháo phòng không cận chiến điều khiển từ xa Aselsan SMASH 30 mm; hệ thống 8 ống phóng thẳng đứng dùng phóng tên lửa phòng không, 2 dàn phóng (4 ống phóng/dàn) tên lửa diệt hạm tương đương loại Harpoon; các ống phóng ngư lôi; thiết bị định vị sóng âm (sonar) dùng dò tìm tàu ngầm đặt ở thân trước của tàu và có thêm loại cơ động kéo phía sau tàu (TASS)…

Tàu trang bị các loại thiết bị điện tử hiện đại như radar dò tìm và khóa mục tiêu trên không và trên biển, các thiết bị quang điện tử và thiết bị chiến tranh điện tử khác. Tàu còn có sân đáp trực thăng với tải trọng tối đa 12 tấn, 2 xuồng cao su để thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt. Loại trực thăng trang bị cho tàu lớp Rizal sẽ là AgustaWestland AW-159 vừa trang bị cho hải quân, có khả năng săn ngầm.

Tàu có thể hoạt động trong điều kiện sóng cấp 7, tức sóng cao 6-9 m. Tàu có tốc độ tối đa 46 km/giờ, hành trình tối đa 4.500 hải lý (8.300 km), hoạt động liên tục 30 ngày, với thủy thủ đoàn và sĩ quan là hơn 100 người.

Tư lệnh Hải quân Philippines, Phó Đô đốc Robert Empedrad cho biết đây sẽ là chiến hạm hùng mạnh nhất của hải quân Philippines khi trang bị các cảm biến cùng vũ khí có khả năng phát hiện và vô hiệu hóa các mối đe dọa từ trên không, trên mặt biển đến dưới lòng biển cũng như khả năng tác chiến điện tử. Theo đó, chiến hạm này được trang bị hệ thống điều hành tác chiến Naval Shield của tập đoàn Hanwha Systems (Hàn Quốc), hệ thống này tích hợp các cảm biến và vũ khí trên tàu để phân tích và đưa ra quyết định về việc đối phó các mối đe dọa nhắm đến con tàu. Hệ thống này có thể phát hiện và theo dõi khoảng 4.000 mục tiêu cùng lúc, được sử dụng trong Hải quân Hàn Quốc, Malaysia và Indonesia.

Người phát ngôn Hải quân PhilippinesJonathan Zata cho biết, hai tàu chiến trên được trang tên lửa sẽ có nhiệm vụ hộ tống 2 tàu vận tải đổ bộ lớp Tarlac của Hải quân Philippines. Hai tàu đổ bộ này do Indonesia đóng, theo chuyển giao công nghệ từ Hàn Quốc, mỗi tàu có lượng choán nước hơn 11.500 tấn.

Lực lượng tàu chiến “già nua” của Philippines

Hải quân Philippines được biết tới là lực lượng lạc hậu nhất khu vực Đông Nam Á với đội tàu già nua, cổ lỗ, nhiều chiếc có tuổi đời lên tới 70 năm. Đặc biệt, hải quân nước này không có lấy một chiếc tàu tên lửa hiện đại, đa phần là tàu pháo kiểu cũ. Mãi tới vài năm gần đây, trước tình hình phức tạp trên biển, Manila mới thúc đẩy việc hiện đại hóa hải quân.

Theo Max Defense, tính đến năm 2017, hải quân Philippines có khoảng 100 tàu, trong đó số tàu chiến chủ lực chỉ 15 chiếc, gồm 3 chiếc lớp Hamilton (tàu tuần tra cũ do Tuần duyên Mỹ bàn giao), 1 tàu hộ tống lớp Cannon, 2 tàu lớp Rizal, 3 tàu lớp Jacinto (Hồng Kông bàn giao từ năm 1997), 5 tàu lớp Malvar, và 1 tàu lớp Cyclone. Chiếc tàu hộ tống lớp Cannon duy nhất là BRP Rajah Humabon (FF-11) có từ thời thế chiến 2, hiện dùng để huấn luyện và tuần tra biển chủ yếu trong khu vực Manila-Subic. Các tàu chiến của Philippines đa số cũ kỹ, 3 chiếc được xem lớn nhất là 3 tàu lớp Hamilton do Tuần duyên Mỹ bàn giao cũng đã trên 50 năm, vũ khí cũng chỉ có pháo 76 mm và pháo 20, 30 mm và nay được chuyển thành tàu tuần tra. Không có tàu nào được trang bị tên lửa diệt hạm. Năm 2017, Philippines được Hàn Quốc viện trợ 1 tàu hộ vệ săn ngầm lớp Pohang đã loại biên, và dự kiến nhận vào giữa năm 2019.

Philippines thời gian qua đã nỗ lực hiện đại hóa hải quân để đối phó các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Philippines đã đặt mua tàu chiến, máy bay, vũ khí… để nâng cấp lực lượng hải quân và lực lượng tuần duyên. Philippines cũng đặt Indonesia đóng 2 tàu vận tải quân sự cỡ lớn lớp Tarlac, bàn giao vào các năm 2016 và 2017. Giai đoạn 2, trong 5 năm tới Philippines sẽ chi tiêu 2,4 tỉ USD mua sắm tàu ngầm, đóng thêm 4 tàu hộ tống và 6 tàu tuần tra đa năng, mua máy bay chiến đấu, trực thăng, UAV, radar… Vừa qua, Nga lên tiếng chào hàng với Philippines loại tàu ngầm Kilo 636 tương tự loại đã cung cấp cho Hải quân Việt Nam.

Tương quan sức mạnh hải quân Philippines – Trung Quốc

Theo một bản báo cáo của Viện Hải quân Mỹ, Hải quân Trung Quốc hiện có 77 tàu chiến mặt nước, hơn 60 tàu ngầm, 55 tàu đổ bộ và khoảng 85 tàu chiến nhỏ có trang bị tên lửa. Trong khi đó, Hải quân Philippines biên chế khoảng 100 tàu các loại nhưng chiếm số đông đều là tàu chiến “cao tuổi”, hỏa lực yếu ớt (không có tàu tên lửa).

Với Trung Quốc, lực lượng nòng cốt để giúp họ thực hiện âm mưu bá quyền ở Biển Đông là Hạm đội Nam Hải. Hiện nay, trong biên chế của Hạm đội Nam Hải có 11 tàu khu trục, hiện đại nhất là 2 tàu khu trục Type 052C, đây được coi là các tàu khu trục Aegis phiên bản Trung Quốc. Trong khi đó, hải quân Philippines không có tàu khu trục nào.

Về khinh hạm, hiện nay Hạm đội Nam Hải có 18 tàu, chưa xét đến các tàu hiện đại như Type 054A, các tàu thế hệ cũ như Type 053H1G và Type 053H3 đang có trong biên chế hạm đội Nam Hải đã vượt trội hoàn toàn về hỏa lực so với các tàu của Philippines. Type 053H3 có lượng giãn nước khoảng 2.250 tấn, được trang bị 1 pháo hạm nòng đôi 100mm, 8 tên lửa chống hạm YJ-83, 8 tên lửa phòng không HQ-7. Trong số 3 tàu khinh hạm của mình, hải quân Philippines có 2 tàu lớp Hamilton, mặc dù có lượng giãn nước hơn 3.250 tấn nhưng hỏa lực mạnh nhất của tàu chỉ là pháo hạm OTO Melara 76mm.

Tình trạng đội tàu hộ tống của hải quân Philippines còn “thảm” hơn khi mà đa phần trong số đó là các tàu chiến từ thời chiến tranh thế giới lần thứ 2, trang bị hỏa lực là pháo hạm điều khiển bằng tay.

Về tàu đổ bộ, Lực lượng tàu vận tải đổ bộ của Hạm đội Nam Hải cũng được ưu tiên trang bị 2 tàu đổ bộ hiện đại nhất Trung Quốc lớp Ngọc Chiêu Type 071 với lượng giãn nước tới 20.000 tấn. Ngoài ra còn có 10 tàu đổ bộ Type 072II lượng giãn nước 4.800 tấn và 4 tàu đổ bộ hạng trung Type 073 giãn nước từ 8.000-1.000 tấn. Trong khi đó, Hải quân Philippines vẫn còn duy trì các tàu đổ bộ tăng (LST) được Mỹ đóng từ thế chiến II.

Trong lực lượng tàu ngầm của Hạm đội Nam Hải hiện nay có khoảng 8 tàu ngầm thế hệ cũ lớp Minh. Chưa kể đến các thế hệ tàu ngầm hiện đại hơn thì những tàu lớp Minh này vẫn đủ sức đe dọa hạm đội hải quân Philippines do hiện nay khả năng chống ngầm của lực lượng này chỉ là con số 0.

Ngoài ra, Trung Quốc hiện đang duy trì tàu sân bay Liêu Ninh. Từng có thông tin Philippines dự định mua lại một chiếc tàu sân bay đã nghỉ hưu Principe de Asturias của Tây Ban Nha để tăng cường tiềm lực hải quân, tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, Tây Ban Nha đã quyết định bán chiếc tàu sân bay này cho Angola.

Hiện nay, Philippines đang thực hiện chương trình hiện đại hóa toàn diện quân đội trong đó có lực lượng hải quân. Một phần trong chương trình đó là việc mua sắm các tàu khinh hạm mới có trang bị tên lửa, tuy nhiên việc mua sắm các tàu này hiện vẫn dậm chân tại chỗ và chưa có bước tiến triển mới. Từng có thông tin Philippines muốn mua khinh hạm tên lửa Maestrale của Italia. Philippines cũng dự định lắp tên lửa chống hạm Harpoon lên tàu chiến lớp Hamilton mua của Mỹ, nhưng cũng giống như dự định lắp tên lửa Harpoon lên tàu chiến “siêu cổ” BRP Rajah Humabon (PF-11) cách đây hơn 10 năm, kế hoạch này vẫn chưa thực hiện. Philippines còn dự định mua 2 tàu đổ bộ cỡ lớn của công ty PT PAL (Indonesia). Đối với một quốc gia bao quanh là biển và vô số đảo, tàu đổ bộ rất cần thiết với hải quân Philippines. Tuy nhiên, sở hữu tàu đổ bộ nhưng đội tàu hộ tống quá yếu thì các tàu đổ bộ này cũng chỉ là món mồi ngon cho đối phương.

Kế hoạch hiện đại hóa hải quân của Philippines

Philippines thừa nhận hiện sở hữu một trong những lực lượng hải quân yếu nhất Đông Nam Á, do đó cần đẩy mạnh đầu tư để đối phó các mối đe dọa an ninh từ bên ngoài, đặc biệt là các động thái quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.

Chuẩn Đô đốc Rommel Jude Ong – Chánh Thanh tra Hải quân Philippines, cảnh báo Trung Quốc có thể sẽ sớm triển khai thêm các máy bay chiến đấu J-11 với tầm hoạt động 1.500km ra quần đảo Trường Sa. Bên cạnh các tên lửa chống hạm và tên lửa phòng không mà Bắc Kinh đã đưa tới 3 thực thể là đá Subi, đá Chữ Thập và đá Vành Khăn, việc triển khai J-11 sẽ đặt toàn bộ lãnh thổ Philippines nằm trong tầm ngắm của Bắc Kinh. Nhận thức được mối đe dọa này, lãnh đạo hải quân Philippines, Phó Đô đốc Robert Empedrad mới đây đã kêu gọi cần phải nâng cao năng lực của Hải quân Philippines để Manila có thể bảo vệ biển đảo của họ. Ông Empedrad cho biết Manila vẫn đang thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường năng lực hàng hải của Philippines. Trong số này có việc sở hữu 5 máy bay TC-90 do Nhật Bản tặng, với tầm hoạt động xa giúp Manila có thể giám sát tốt hơn vùng biển của mình.

Bên cạnh đó, Philippines đã hoàn tất việc mua các hệ thống tên lửa trên tàu đầu tiên từ Israel. Các tên lửa Spike ER sẽ được lắp trên các tàu pháo hạm sản xuất trong nước của Philippines. Ngoài ra, Philippines có thể sẽ tiếp nhận một tàu hộ vệ lớp Pohang do Hàn Quốc đóng vào cuối năm nay; hải quân Philippines sẽ nhận các trực thăng tấn công đổ bộ vào đầu năm 2019; hai trực thăng săn ngầm có mang ngư lôi sẽ được đưa vào hoạt động trong năm tới; trong khi 2 tàu khu trục mang tên lửa dự kiến được đưa vào biên chế trong năm 2020.

Theo cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez, mặc dù việc mua sắm các trang thiết bị được đẩy mạnh, Manila còn nhiều thứ cần thiết phải làm để nâng cao năng lực của hải quân Philippines, giúp bảo vệ hiệu quả lãnh hải quốc gia.

RELATED ARTICLES

Tin mới