Thursday, March 28, 2024
Trang chủĐàm luậnQuan hệ Mỹ- Trung: Của tin còn một chút này ?

Quan hệ Mỹ- Trung: Của tin còn một chút này ?

Quan hệ Mỹ – Trung sẽ tiếp tục xấu đi. Đây là hậu quả tất yếu vì lợi ích quốc gia của hai nước chồng chéo nhau

  1. Các ngón đòn của Mỹ

Cả thế giới đang nín thở theo dõi và chứng kiến sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Bởi lẽ, cả Mỹ và Trung Quốc cùng là hai cường quốc kinh tế, mỗi một nấc thang của cuộc chiến khốc liệt này đều tác động sâu sắc đến kinh tế mỗi quốc gia và toàn cầu.

Ở cuộc chiến này, Mỹ cho rằng, Trung Quốc, bằng nhiều hình thức, đã đánh cắp công nghệ của Mỹ trong nhiều lĩnh vực, trong đó bao hàm cả công nghệ quân sự thuộc hạng tối mật, gây thiệt hại cho Mỹ tới 600 triệu đô la hằng năm; hơn thế nữa, còn đe dọa an ninh nước Mỹ.

Vì lẽ đó, từ đầu năm 2018 tới nay, với sự kẻ cả, trịch thượng của một siêu cường kinh tế, quân sự, Mỹtới tấp tung ra các ngón đòn hiểm, mức độ ngày một dữ dội hơn: áp thuế hàng hóa với phạm vi ngày một mở rộng, từ hơn 30 tỷ đô giá trị hàng hóa, đến nay, Mỹ đã đánh thuế 10%, 25% hơn 6.000 mặt hàng của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ với số tiền thuế lên đến 250 tỷ USD.

Chưa phải là ngưỡng cuối, Nhà trắng đang cân nhắc sẽ tăng mức thuế đối với lượng hàng hóa có trị giá trên 325 tỷ USD. Chính quyền Tổng thống Trump khẳng định: thuế quan là việc cần thiết để bảo vệ an ninh quốc giavà sở hữu trí tuệcủa các doanh nghiệp Mỹ và giảm thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc.

Cùng với vũ khí thuế quan trong chiến tranh thương mại, những ngày gần đây, Mỹ triển khai tấn công Trung Quốc về mặt công nghệ. Tổng thống D. Trump (15-5) đã liệt Tập đoàn công nghệ Huawei vào danh sách cấm mua sản phẩm từ Mỹ.

Huawei là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, đồng thời, là một trong những niềm tự hào của Trung Quốc về mặt công nghệ. Sản phẩm điện thoại của tập đoàn này, với doanh số vượt trên 100 tỷ đô la, đang cạnh tranh trực tiếp với hai gã khổng lồ về điện thoại thông minh là Iphon và Sumsung.  

Trước đó, Mỹ cũng trừng phạt thẳng tay Công ty công nghệ ZTE của Trung Quốc do vi phạm luật bản quyền và “bắt tay” với Iran – nước vốn đang trong danh sách trừng phạt của Mỹ.

Công nghệ không chỉ là công nghệ. Mọi người đều biết, mục tiêu của Tổng thống D. Trump, chủ yếu nhằm mục tiêu hạn chế những bước tiến của Trung Quốc thông qua ngăn chặn các hoạt động chuyển giao công nghệ cho ngành công nghiệp này.

Thị trường Trung Quốc mang lại nhiều lợi nhuận và Bắc Kinh cho phép doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận với yêu cầu nhượng lại công nghệ. Nhưng, từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, ông kiên quyết thực hiện các chính sách chống lại việc Trung Quốc vi phạm, thâu tóm, mua bán bản quyền công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao của Mỹ.

Thông điệp cùng các động thái cụ thể, cứng rắn của Nhà trắng khiến nhiều người buộc phải thay đổi đánh giá ông Trump quản trị đất nước như một ông chủ doanh nghiệp, để thừa nhận, ông thực sự có tầm nhìn của một chính khách lão luyện trong ứng phó mối đe dọa của Trung Quốc đối với Mỹ.

Thậm chí, có người còn khẳng định, ông là người “sửa cái sai” 4 đời tổng thống Mỹ trong 20 năm qua do các tổng thống tiền nhiệm của ông không sớm nhận thấy tham vọng, sự thèm muốn ngôi vị siêu cường số 1 của Trung Quốc, nên không có giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa.

Cùng với chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ, thời gian tới, rất có thể Mỹ sẽ tiến hành cuộc chiến tranh tỷ giá, tiền tệ buộc Trung Quốc không được “trục lợi” thao túng tiền tệ thế giới, đồng thời tiến đến thực hiện cuộc “chiến tranh kinh tế tổng lực”, chống lại toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc.

Thậm chí gần đây, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại căng thẳng như dây đàn, các thượng nghị sĩ Mỹ từ cả hai đảng trong Quốc hội, một lần nữa, sẽ giới thiệu dự thảo thể hiện sự cam kết của Chính phủ Mỹ đối với việc trừng phạt các tổ chức và cá nhân Trung Quốc liên quan tới cái mà họ gọi là hành động “nguy hiểm và bất hợp pháp” của Bắc Kinh trên Biển Đông và Hoa Đông. Nếu dự luật được thông qua, điều đó đồng nghĩa việc Mỹ đã mở thêm một mặt trận nữa nhằm vào đối thủ khó chịu là Trung Quốc.

2. Trung Quốc: Không phải dạng vừa đâu

Trung Quốc đã ngấm đòn ?

Chắc chắn là có. Sau 14 tháng, cuộc chiến thương mại đã khiến nền kinh tế Trung Quốc suy giảm nghiêm trọng. Năm 2018, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc thấp nhất gần 30 năm qua, chỉ đạt mức 6,6% GDP; mức nợ công lên đến 28.000 tỷ USD; đầu tư không hiệu quả; sản xuất dư thừa, hàng hóa tồn đọng và không tiêu thụ được, kế hoạch “Made in China 2025” có nguy cơ bị phá sản.

Tình trạng trên đã buộc Trung Quốc phải thay đổi mô hình tăng trưởng, chấp nhận tăng trưởng chậm để “hạ cánh mềm”, chuyển từ đầu tư lớn, xuất khẩu nhiều sang giảm đầu tư, đẩy mạnh tiêu dùng trong nước,…Suy cho cùng, đó là cách lựa chọn khôn ngoan nhất của Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, là nền kinh tế thứ 2 với quy mô chỉ đứng sau Mỹ, với sức mạnh quân sự ngày càng được tăng cường,Trung Quốc cũng không dễ gì nhìn đối thủ của mình là Mỹ bắt nạt.

Ăn miếng trả miếng, Oasinhton to tiếng, Bắc Kinh cũng cao giọng thách thức. Oasinton hành động, Trung Quốc cũng ra tay tức thời. Mỹ áp thuế hàng hóa đối với hơn 200 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ, Trung Quốc trả đũa ngay, áp thuế tương tự với 110 tỷ USD hàng Mỹ. 

Mỹ tung đòn chiến tranh công nghệ, ông Tập Cận Bình thămCông ty TNHH cổ phần Công nghệ Nam châm vĩnh cửu Jinli Giang Tây tại thành phố Cám Châu, tỉnh Giang Tây. Chuyến đi được thông báo là để tìm hiểu quá trình sản xuất và vận hành của công ty và sự phát triển của ngành công nghiệp đất hiếm ở thành phố Cám Châu, tuy nhiên, trong thời điểm nhạy cảm này, động thái của ông Tập rõ ràng muốn bắn đến Oasinhton thông điệp rằng, Bắc Kinh hoàn toàn có thể ngừng việc xuất khẩu đất hiếm – nguyên liệu được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như sản xuất năng lượng điện gió, xe năng lượng mới và phụ tùng ô tô, điều hòa không khí tiết kiệm năng lượng, thang máy tiết kiệm năng lượng, robot và sản xuất thông minh – như một hành động trả đũa thương mại đối với Mỹ.

Những biện pháp cứng rắn nhằm vào Huawei, hậu quả cũng không chỉ mình Huawei chịu. Ngay cả khi bị loại khỏi thị trường smartphone Tây Âu; ngay cả khi doanh số điện thoại thông minh giảm 23% như dự báo, Huawei vẫn còn đó thị trường nội địa cùng sự ủng hộ của hàng chục triệu khách đang được kích động tinh thần dân tộc ở mức rất cao, cũng như đang vô cùng phẫn nộ với những biện pháp áp đặt trịch thượng của Mỹ.

Và, điều gì cũng có tính 2 mặt. Đòn trừng phạt Huawei không chỉ gây khó khăn nghiêm trọng cho Huawei, nó cũng khiến các công ty công nghệ Mỹ tổn thất. Nên nhớ, năm 2018, các công ty công nghệ Mỹ đã thu về khoảng 11 tỷ USD từ việc bán các linh kiện và dịch vụ phần mềm cho Huawei. Con số này chắc chắn sẽ giảm trong năm nay sau khi Huawei bị đưa vào “danh sách đen” của Washington. Dừng cung cấp dịch vụ từ hệ điều hành Android, Googlesẽ mất một khoản lợi nhuận từ hợp đồng quảng cáo trên các mẫu điện thoại của Huawei. Microsoft khi là đơn vị cung cấp hệ điều hành Windows mã mở cho nhiều mẫu máy của tập đoàn Trung Quốc, cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể cả về doanh số và lợi nhuận…

3. Của tin còn một chút này

Dù Mỹ tung ra các ngón đòn độc, dù Trung Quốc trả đũa rất mạnh mẽ, nhưng cả hai nước đều hiểu rằng: cuộc chiến thương mại, công nghệ, tài chính khốc liệt hiện nay, giữa Mỹ và Trung Quốc, không ai là không thiệt hại, nhất là khi nó được đẩy đến nấc thang cao nhất.

Xét trên bình diện toàn cầu, như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính, cuộc chiến này kéo dài có thể khiến mức tăng trưởng toàn cầu giảm 0,8% trong năm tới.Vì lẽ đó, Mỹ – bên khai hỏa trước, cũng như Trung Quốc, bên trả đòn mạnh mẽ, đều chưa dám nghĩ cuộc chiến sẽ thương mại sẽ đi đến tận cùng, từ đó, không dám loại bỏ thương lượng, đàm phán.

Cuối năm 2018, căng thẳng hạ nhiệt với những nhân nhượng của cả hai bên. Tiếp theo đó là những cuộc đàm phán với mục tiêu đạt đến một thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, tình trạng đối đầu quay trở lại vào ngày 10/5, khi Mỹ nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ hàng Trung Quốc do bế tắc trong đàm phán, và ngay lập tức, ngày 13/5, Bắc Kinh đáp trả bằng cách tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ, có hiệu lực kể từ ngày 1/6.

Nhưng ngay trong thời điểm căng thẳng hiện nay, cả Oasinton lẫn Bắc Kinh, trong ngôn từ, đều không loại bỏ từ “hy vọng”. Cho dù vậy, giới quan sát vẫn hoài nghi vào việc tình hình sẽ sáng sủa lên, bởi thực tế các vòng đàm phán cho thấy, nhữngbất đồng cơ bản về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có lối thoát.

Và, đặc biệt, ai cũng biết, chiến tranh thương mại không chỉ giải quyết vấn đề công bằng thương mại, mà chỉ là cái cớ.

Cuộc đối đầu Mỹ – Trung, về bản chất, là sự cạnh tranh chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc: Mỹ muốn độc tôn vị thế cường quốc số 1 trong thế kỷ 21 nên phải kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc; trong khi đó, Trung Quốc, từ những kết quả thần kỳ trong phát triển kinh tế hơn gần nửa thể kỷ qua, cho rằng, đã đến lúc, ngôi vị của Mỹ phải thuộc về mình.

Điều này thật đúng với như Jonathan Sullivan, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Nottingham nhận định: “Quan hệ Mỹ – Trung sẽ tiếp tục xấu đi. Đây là hậu quả tất yếu vì lợi ích quốc gia của hai nước chồng chéo nhau”; và:“Cuộc chiến thương mại hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ mới là khởi đầu của những căng thẳng sắp tới”.

Của tin còn một chút này. Cạnh tranh chính trị chỉ có thể được giải quyết bởi niềm tin chính trị. Mà giữa Mỹ và Trung Quốc, thời điểm này, thật khó tin bên này hay bên kia dễ dãi đặt niềm tin chính trị vào nhau.

RELATED ARTICLES

Tin mới