Friday, April 19, 2024
Trang chủĐàm luậnTrung Nam Hải đang đau đầu

Trung Nam Hải đang đau đầu

Hải quân Trung Quốc đang chịu nhiều áp lực do phải điều chỉnh kế hoạch ngân sách dành cho lực lượng chủ lực trên biển này. Có hai nguyên nhân khiến cho ngân sách chi cho hải quân bị sụt giảm, đó là donền kinh tế của đất nước bị khủng hoảng và do sự phát triển công nghệ và nhân sự chậm hơn dự kiến.

Mặc dù vậy, mục tiêu hiện đại hóa quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn là ưu tiên hàng đầu. Theo đó những khoản chi phí khổng lồ để chế tạo một thế hệ tàu quân sự mới như tàu sân bay và tàu khu trục vẫn khó có thể dừng lại. Bởi Bắc Kinh vẫn lạc quan khi đánh giá tác động của cuộc chiến thương mại với Mỹ sẽ có thể giải quyết được.

Tuy nhiên, Trung Quốc đang phải xem xét, điều chỉnh lại các kế hoạch đóng tàu của hải quân trước những thách thức kinh tế, kỹ thuật và chiến lược trong và ngoài nước.Mới đây, một nguồn tin quân sự công khai nêu rõ: “Căng thẳng đang leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ nhắc nhở các nhà lãnh đạo Bắc Kinh cần cẩn thận với các khoản chi cho các tàu chiến mới”.

Bắc Kinh đã lên kế hoạch thành lập 4 nhóm tác chiến tàu sân bay vào năm 2030, với 3 nhóm sẵn sàng chiến đấu. Hải quân Trung Quốc hiện có hai tàu sân bay: tàu sân bay Liêu Ninh mua của Ukraine vào năm 1998, hoạt động từ năm 2012 và Tàu sân bay sản xuất nội địa đầu tiên của nước này Type 001A, dựa trên thiết kế của tàu Liêu Ninh.

Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Trung quốc, chi phí cho một tàu sân bay có thể lên đến 7,2 tỉ USD, nếu trong đó bao gồm cả giá của vũ khí công nghệ cao, hệ thống điều khiển, hệ thống liên lạc và máy bay chiến đấu được bổ sung vào chi phí đóng tàu.

Bộ Quốc phòng cũng lưu ý, cần xem xét lại kế hoạch chế tạo 8 khu trục hạm Type 055 thế hệ tiếp theo với lượng giãn nước lên tới gần 12.000 tấn. Đây là chiến hạm lớn nhất thuộc loại tàu này trong hạm đội Trung Quốc. Mỗi chiếc Type 055 tiêu tốn hơn 6 tỉ nhân dân tệ, đắt gấp đôi so với Type 052D, vốn là lực lượng nòng cốt trong hải quân Trung Quốc.

Theo các chuyên gia quân sự, không chỉ chi phí đóng tàu mới cần được xem xét, giảm bớt. Đáng lo ngại là tổ chức vận hành một nhóm tác chiến tàu sân bay trên biển (bao gồm tàu sân bay, ít nhất 2 tàu khu trục, 2 tàu hộ tống, vài tàu ngầm và 1 tàu cung ứng), đây là khoản chi phí vô cùng tốn kém. Trong khi đó việc chi phí bảo trì (kiểm tra định kỳ và sữa chữa 6 tháng một lần) tạo thêm gánh nặng lớn cho ngân sách của hải quân.

Về việc phối hợp tác chiến trên biển, Trung Quốc tham vọng phát triển phi đội máy bay tiên tiến hơn cho tàu đổ bộ trực thăng Type 075B và tàu sân bay Type 002A. Nguồn tin hải quân cho biết, tuy chưa làm chủ các công nghệ hiên đại nhưng các tàu Type 075 dự kiến được trang bị máy bay có thể cất cánh với đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng tương tự máy bay chiến đấu F-35B Mỹ.

Sản xuất các loại máy bay F-35 là chương trình vũ khí đắt đỏ nhất của Mỹ, tổng chi phí dự kiến lên tới 428 tỉ USD. Trong khi đó Nhật Bản dự kiến mua hơn 40 chiếc F-35B, phiên bản cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, cho 2 tàu sân bay đa năng lớp Izumo.

Trên tàu Liêu Ninh và Type 001A được trang bị đường trượt để các máy bay như J-15 có thể cất cánh. Còn tàu sân bay Type 002A sẽ được trang bị hệ thống phóng điện từ. Bước phát triển mới này đòi hỏi quân đội Trung Quốc phải cho ra đời một mẫu máy bay mới – giống với F-18 của Mỹ, để phù hợp với tàu sân bay hiện đại.

Như vậy, Trung Quốc cần từ 10-20 năm để phát triển thế hệ mới máy bay chiến đấu trang bị cho tàu sân bay, có nghĩa là J-15 sẽ là máy bay chủ đạo trong một thời gian, dù nó có các vấn đề về động cơ và kiểm soát bay.

Mặc dù sở hữu nhiều tàu nhưng Trung Quốc vẫn đứng sau Mỹ rất xa, xét về công nghệ phần mềm và phần cứng. Một nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Macquarie ở Sydney (Úc), cho rằng hải quân Trung Quốc phải cân bằng các nhu cầu như thủy quân lục chiến, không quân hải quân và các tàu ngầm.

Hải quân Trung Quốc nói riêng, quân đội nói chung đang tiến lên hiện đại hóa, nhưng những khó khăn về kinh tế, nhất là tác động to lớn của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã giáng đòn nặng nề vào kinh tế Trung Quốc. “Liệu cơm gắp mắm” là câu nói ngườiViệt Nam và Trung quốc hay dùng. Nhưng dừng lại lúc này là thua, trước hết là thua Mỹ trong chiến cuộc bành trướng Biển Đông. Vì thế Trung Nam Hải đang đau đầu!

RELATED ARTICLES

Tin mới