Tuesday, April 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐài Loan sẽ huy động hàng loạt vũ khí “khủng” tham gia...

Đài Loan sẽ huy động hàng loạt vũ khí “khủng” tham gia cuộc tập trận Han Kuang

Từ ngày 27 – 31/5, Đài Loan dự kiến sẽ tổ chức cuộc tập trận Han Kuang 2019 nhằm tăng cường khả năng phối hợp tác chiến giữa các lực lượng và đáp trả hành vi khiêu khích của Trung Quốc.

Máy báy chiến đấu F-16V của Đài Loan

Theo một quan chức giấu tên thuộc Cơ quan Quốc phòng Đài Loan, cuộc tập trận Han Kuang 2019 được đánh giá là sự kiện quân sự lớn nhất từ trước tới nay của Đài Loan và được chia làm hai phần. Phần thứ nhất là cuộc diễn tập trên máy tính diễn ra từ ngày 22 – 26/4. Phần thứ hai là cuộc tập trận bắn đạn thật được tổ chức từ ngày 27 – 31/5.

Trong khi đó, giới truyền thông Đài Loan cho biết, chương trình diễn tập bắn đạn thật có sự tham gia của cả lực lượng lục quân, không quân và hải quân Đài Loan nhằm mô phỏng khả năng phối hợp hành động ngăn chặn các đợt tấn công từ trên không và trên biển của quân đội Trung Quốc. Dự kiện, Đài Loan sẽ huy động một lượng vũ khí hiện đại nhất tham gia cuộc tập trận này, cụ thể:

Máy bay chiến đấu F-16V đầu tiên của Đài Loan do Cơ quan Hợp tác phát triển công nghiệp hàng không vũ trụ (AIDC) cải tiến sẽ tham gia diễn tập ở thị trấn Huatan thuộc hạt Changhua vào ngày 28/5 tới. Được biết, trong năm 2012, Không quân Mỹ đã trao cho Lockheed Martin hợp đồng nâng cấp 145 chiếc F-16A/B Fighting Falcon đang nằm trong biên chế Quân đội Đài Loan. Phiên bản hiện đại hóa này được định danh là F-16V (tên gọi không chính thức là Viper). F-16V ra đời trong bối cảnh Mỹ chịu sức ép từ Trung Quốc không bán cho Đài Loan 66 chiến đấu cơ F-16C/D nhằm thay thế cho F-16A/B trước đó. Năng lực chiến đấu của F-16V được cho là ưu việt hơn đáng kể so với các thế hệ F-16 cũ, kể cả biến thể F-16E/F Block 60 Desert Falcon thiết kế riêng cho Không quân Hoàng gia Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, đây là phiên bản mạnh nhất trước khi F-16V ra đời. Công nghệ cốt lõi mang lại sức mạnh cho Viper nằm ở radar mảng pha quét chủ động (AESA) AN/APG-83. Radar này có độ tin cậy cao hơn nhiều, đi kèm tầm hoạt động xa gấp 2 lần con số 296 km của AN/APG-68 của F-16C/D Block 60. Ngoài ra, các chùm tia điện tử được truyền đi trên nhiều tần số khác nhau sẽ khiến đối phương rất khó phát hiện cũng như thực hiện biện pháp gây nhiễu, giúp máy bay có thể bí mật tung đòn tấn công ở cự ly an toàn. Ngoài khả năng mang tất cả các loại tên lửa, bom tiên tiến nhất, F-16V Viper còn được bổ sung pod ngắm bắn Sniper, nó sẽ tự động phát hiện, theo dõi mục tiêu cũng như cung cấp tọa độ GPS để dẫn đường cho vũ khí tấn công ngoài tầm phòng không điểm. Hầu hết các thiết bị cơ điện trong buồng lái của F-16V đã được thay thế bởi một màn hình hiển thị đa năng do chi nhánh tại Mỹ của Elbit Systems sản xuất. Ngoài ra, những chiếc F-16 Viper của Đài Loan còn có thêm một tính năng đáng lưu tâm khác, đó là nó được nâng cao khả năng tàng hình nhờ lớp phủ radar HAVE GLASS II (RAM). Đây là một công nghệ cao cấp chỉ được Mỹ chia sẻ cho một vài đồng minh thân thiết, máy bay với lớp phủ HAVE GLASS II sẽ giảm được diện tích phản xạ radar đi 20 – 30%, kết hợp cùng radar AESA khiến nó thấy trước và bắn trước kẻ thù. F-16V Viper theo đánh giá có năng lực chiến đấu không thua gì những máy bay chiến đấu thế hệ 4,5 hiện nay như Su-35 của Nga, JAS 39E/F của Thụy Điển hay Eurofighter Typhoon của châu Âu. Không quân Đài Loan đang tích cực đẩy mạnh việc nâng cấp toàn bộ phi đội hơn 100 chiếc F-16A/B lên chuẩn V nhằm có thể đối đầu với không quân Trung Quốc.

Hai tàu hộ vệ lớp Oliver Hazard Perry do Mỹ sản xuất là Ming Chuan (PFG-1112) và Feng Chia (PFG-1115) cũng sẽ cuộc tập trận bắn đạn thật sắp tới. Hai tàu Ming Chuan và Feng Chia được biên chế vào quân đội Đài Loan hồi tháng 11/2018. Oliver Hazard Perry là lớp tàu hộ vệ tên lửa của Hải quân Mỹ, được thiết kế vào giữa thập niên 1970 để thay thế tàu hộ vệ lớp Knox và các khu trục hạm từ Thế chiến II. Tàu hộ vệ tên lửa Oliver Hazard Perry hay còn được gọi là lớp Perry được Hải quân Mỹ đưa vào trang bị từ năm 1977. Nó có lượng giãn nước tối đa khoảng 4.100 tấn và dài 408m với thủy thủ đoàn lên tới 176 người. Hệ thống vũ khí chính trên lớp tàu này gồm hải pháo OTO Melara 76mm như các tàu chiến cùng thời của Mỹ. Tuy nhiên nhằm dành vị trí cho hệ thống tên lửa dẫn đường nên pháo OTO Melara được bố trí sang phía mạn trái của tàu. Trong khi đó phía trước thượng tầng là hệ thống ống phóng tên lửa Mk 13 mang theo các tên lửa hải đối không RIM-66 Standard với tầm bắn hiệu quả lên tới 167km và mỗi chiếc tàu hộ vệ lớp Perry có thể mang theo tới 40 tên lửa loại này. Bên cạnh đó hệ thống ống phóng Mk 13 trên các tàu hộ vệ lớp Perry cũng có thể triển khai tên lửa chống hạm Harpoon hoặc tên lửa hải đối không RIM-24 Tartar. Hệ thống trang thiết bị điện tử trên các tàu hộ vệ lớp Perry không có quá nhiều thay đổi so với các phiên bản đầu tiên với hệ thống radar giám sát AN/SPS-49, AN/SPS-55 và hệ thống điều khiển hỏa lực Mk 92. Bên cạnh đó nó cũng được trang bị hệ thống định vị thủy âm dành cho chống ngầm và hệ thống tác chiến điện tử. Ngoài hệ thống vũ khí trên, tàu hộ vệ lớp Perry hoặc Cheng Kung đều có thể mang theo tới hai trực thăng hải quân SH-60 và chúng được sử dụng cho mục đích trinh sát trên biển hoặc chống ngầm.

Bên cạnh đó, các xe thiết giáp 8 bánh Clouded Leopard trang bị pháo Orbital ATK 30mm Mk44 Bushmaster II.

Trước khi tiến hành bắn đạn thật, hải quân Đài Loan sẽ tiến hành huấn luyện trên biển Hoa Đông từ ngày 20 – 21/5 bao gồm hoạt động cứu hộ khẩn cấp, an ninh cảng, kiểm soát trên không và đào tạo chiến tranh chống ngầm, phòng không cùng với lực lượng lục quân.

Trong những năm gần đây, quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan ngày càng căng thẳng. Bắc Kinh luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ cần thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Trung Quốc đã nhiều lần điều máy bay và tàu quân sự lượn quanh đảo trong các cuộc diễn tập vài năm qua và tìm cách cô lập Đài Loan, khiến hòn đảo này chỉ còn vài đồng minh ngoại giao. Trong khi đó, trái ngược với Trung Quốc, Đài Loan luôn coi mình là một quốc gia có chủ quyền với đồng tiền, hệ thống chính trị, tư pháp riêng, song chưa bao giờ tuyên bố độc lập khỏi Trung Quốc đại lục. Trước sự đe dọa của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn kiên quyết tuyên bố, Đài Loan chưa bao giờ chấp nhận “Nhận thức chung năm 1992”, thực chất cái gọi là “Nhận thức chung năm 1992” chính là “một nước Trung Quốc”, “một quốc gia hai chế độ”. Bà Thái Anh Văn nhấn mạnh thêm “Đài Loan tuyệt đối không chấp nhận ‘một quốc gia hai chế độ’ và đại đa số người Đài Loan đều kiên quyết phản đối một quốc gia hai chế độ”.

RELATED ARTICLES

Tin mới