Thursday, April 25, 2024
Trang chủBiển nóngLo bị cô lập ở khu vực, TQ cử Bộ trưởng Quốc...

Lo bị cô lập ở khu vực, TQ cử Bộ trưởng Quốc phòng sang dự Đối thoại Shangri-La 18 lần đầu tiên sau 8 năm qua

Báo chí, truyền thông Trung Quốc loan báo nước này sẽ cử Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa tới dự và phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 18 năm 2019 tại Singapore từ ngày 31/5 đến ngày 2/6 tới. Đáng chú ý, đây sẽ là lần đầu tiên trong vòng 8 năm qua kể từ năm 2011, Trung Quốc mới cử một bị Bộ trưởng Quốc phòng tham dự diễn đàn uy tín này.

Bộ trưởng Quốc phòng TQ sẽ phát biểu gì tại Shangri-La 18?

Theo lịch nghị sự, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc sẽ đọc diễn văn tại Diễn đàn Shangri-La 18 vào ngày 2/6, lần đầu tiên tính từ năm 2011. Trong một bài phát biểu được nóng lòng trông đợi, giới phân tích nhận định Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phụng Hòa sẽ nói lại nói về vai trò của Trung Quốc tại Ấn Độ – Thái Bình Dương, về “lập trường chính sách hòa bình” của nước này ở khu vực, thậm chí có thể sẽ lặp lại các “tuyên bố”, “yêu sách” về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và đả kích lại việc các nước can dự vào Biển Đông hoặc có các chỉ trích lên án hoạt động của Trung Quốc.

Tại Diễn đàn Shangri-La 17 (1-3/6/2018), Trung tướng Hà Lôi, Phó chủ tịch Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, người dẫn đầu đoàn quan chức Bắc Kinh tham dự Shangri-La 17, đã lập tức phản ứng lại phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis khẳng định “dù sẵn sàng làm việc để có quan hệ đem lại kết quả tốt với Trung Quốc, nhưng Washington phản đối chính sách của Bắc Kinh tại Biển Đông và sẽ quyết liệt nếu cần thiết”. Trang tin Phượng Hoàng dẫn lời trung tướng Hà Lôi: “Những năm gần đây, nhờ Trung Quốc và các nước ASEAN có liên quan cùng nhau nỗ lực, tình hình Biển Đông ổn định, không xảy ra xung đột lớn gì. Với vấn đề quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông, thực sự gây ra chuyện này là quốc gia tiến hành hoạt động điều máy bay, tàu chiến xâm phạm vùng biển và không phận các đảo của Trung Quốc (thực tế là nước này chiếm đóng trái phép)”. Tướng Hà Lôi không nêu đích danh Mỹ. Cùng với quan chức này, một thành viên khác của đoàn quan chức Bắc Kinh là nhà nghiên cứu Triệu Tiểu Trác của Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc cũng ngang nhiên chỉ trích các chiến dịch thể hiện “tự do hàng hải” do Washington thực hiện mới chính là quân sự hóa Biển Đông.

Đúng vào dịp diễn ra Shangri-La 17, Trung Quốc đã cho tiến hành nhiều hoạt động phi pháp, như triển khai tên lửa tầm xa và cho máy bay ném bom H-6K diễn tập cất, hạ cánh trên các thực thể địa lý nằm trong hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Nhằm phản đối những hoạt động này, Mỹ rút lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận chung quốc tế Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) và còn cho hai tàu chiến áp sát một số thực thể địa lý bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis khẳng định Washington sẽ tiếp tục đối phó với những hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông của Trung Quốc, bất chấp cường quốc châu Á phản đối.

Lý do TQ phải cử Bộ trưởng Quốc phòng tới dự Shangri-La 18, thay vì cấp thấp như trước đây?

Nếu thực sự Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc dự Shangri-La 18, thì đây sẽ là lần đầu tiên trong vòng 8 năm qua kể từ năm 2011, Trung Quốc cử một bị Bộ trưởng Quốc phòng tham dự diễn đàn uy tín này. Những năm trước, Trung Quốc chỉ cử đại diện cấp thấp, thường là cấp vụ hoặc thứ trưởng. Năm 2012, Trung tướng Nhậm Hải Tuyền, Viện phó Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc được cử tới tham sự diễn đàn. Sau đó, từ năm 2013 đến năm 2016, dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự Đối thoại Shangri-La thường là một quan chức cấp phó thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Năm 2013 là Phó tham mưu trưởng PLA Thích Kiến Quốc, năm 2014 là Phó tham mưu trưởng PLA Vương Kiến Trung, năm 2015 và 2016 là Phó Tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu Tôn Kiến Quốc. Năm 2017, 2018 Trung Quốc đều chỉ cử Trung tướng Hà Lôi, Phó chủ tịch Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc dẫn đầu đoàn, trong khi các nước lớn tham gia Đối thoại Shangri-La như Mỹ, Pháp đều cử Bộ trưởng Quốc phòng tới diễn đàn. Điều này cho thấy:

Thứ nhất, Trung Quốc đã nhận thấy rằng nước này đang trở nên cô lập, đơn độc trong khu vực và thế giới khi luôn phải hứng chịu những chỉ trích mạnh mẽ về chính sách gia tăng ảnh hưởng, quân sự hóa không có lợi cho hòa bình, hợp tác chung của khu vực và các nước. Nhất là thời gian qua, Trung Quốc bị chỉ trích về việc quân sự hóa ở Biển Đông một cách ngang ngược, trái ngược hoàn toàn với luật pháp quốc tế và lợi ích chung của các nước.

Thứ hai, Shangri-La là một diễn đàn an ninh uy tín từ lâu đã thu hút sự chú của các quan chức cấp cao đến từ các nước, bao gồm sự hiện diện thường xuyên của các Bộ trưởng Quốc phòng. Trung Quốc đã phải coi trọng các diễn đàn an ninh chung của các nước, nơi đòi hỏi sự minh bạch, thiện chí và nỗ lực trong hợp tác giữa các quốc gia. Nhất là trong những vẫn đề nóng hiện nay như tranh chấp Biển Đông, khủng bố cực đoan, tội phạm xuyên quốc gia…

Thứ ba, Trung Quốc có thể đang muốn tranh thủ các diễn đàn chung để lôi kéo các nước, khi mà cuộc chiến căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đang liên tục gia tăng trong năm qua, vì cuộc chiến tranh thương mại, tranh chấp Biển Đông hay vấn đề Eo biển Đài Loan.

Thứ tư, Trung Quốc cũng có thể đang muốn tranh thủ các diễn đàn chung để tăng cường tiếng nói, bao biện cho những chính sách bành trướng hiện nay của nước này ở khu vực. Rõ ràng Trung Quốc đã nhận thức rõ rằng uy tín của nước này đang ngày càng suy giảm, đơn độc nên không thể đứng ngoài mối quan hệ hợp tác chung của các nước. Vào hội nghị năm 2011, ông Lương Quang Liệt khi đó làm trưởng đoàn của Trung Quốc đã phải đối mặt với nhiều chỉ trích của các nước liên quan về thái độ ứng xử của Trung Quốc trên vấn đề biển Đông. Do đó, tránh trường hợp tương tự sang năm sau, Bắc Kinh quyết định hạ cấp quan chức tham gia.

RELATED ARTICLES

Tin mới