Friday, April 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMalaysia ngang ngược “dọa” ngư dân Việt Nam

Malaysia ngang ngược “dọa” ngư dân Việt Nam

Tờ Straits Times (19/5) đưa tin, Chính phủ Malaysia đã chuyển đến Đại sứ quán Việt Nam tại Kuala Lumpur bản “phản đối” tàu đánh cá của Việt Nam “xâm phạm” vùng biển của Malaysia.

Theo thông tin trên, Chính phủ Malaysia “cảnh cáo” sẽ đối xử thẳng tay với ngư dân Việt Nam nếu khai thác thủy sản lậu trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Malaysia. Giám đốc Cảnh sát biển Malaysia Datuk Seri Zulkifli Abu Bakar cho biết, “MMEA sẽ không lơ là trong nhiệm vụ đối phó với các hành động khai thác thủy sản lậu của ngư dân Việt Nam”, đồng thời kêu rằng một số lượng thủy sản đã bị khai thác bất hợp pháp trị giá tới 6 triệu ringits (hay khoảng gần 1,5 triệu đô la). Đó là chưa kể đến sự tàn phá các rạn san hô tại các khu vực ngoài khơi Terengganu, Pahang, Johor, Sarawak và Sabah đóng góp vào sự thất thu của ngành du lịch Malaysia.

Đáng chú ý, tờ Straits Times còn cho rằng chính phủ Malaysia còn đang trù tính cả chuyện gia tăng các sự trừng phạt nhằm đối phó với các vụ khai thác thủy sản lậu.

Thông tin trên diễn ra sau khi tàu tuần của Hải quân Malaysia (11/5) đã bắt giữ một tàu đánh cá của Việt Nam với 14 ngư dân khi đang đánh bắt cá ở vùng biển cách tỉnh Kemaman 130 hải lý về phía Đông Bắc và Cảnh sát biển Malaysia (MMEA) cũng đã bắt giữ một tàu đánh cá Việt Nam khác với 29 ngư dân ở khoảng 80 hải lý ngoài khơi tỉnh Kuching, bang Sarawak. Theo thống kê của Malaysia cho thấy từ năm ngoái đến nay, có hơn 100 vụ tàu cá Việt Nam bị cho là vi phạm vùng biển đặc quyền kinh tế của nước này; tổng cộng có hơn 160 tàu cá và hơn 1200 ngư dân Việt Nam bị phía Malaysia bắt giữ. Nếu kể từ năm 2006 đến đầu Tháng 5/2019, Malaysia bắt giữ 748 tàu cá Việt Nam với hơn 7 ngàn ngư dân bị cáo buộc xâm phạm vùng biển Malaysia, khai thác thủy sản bất hợp pháp. 

Hiện Malaysia đã thành lập một tổ chức đặc nhiệm nhằm đối phó với nạn khai thác thủy sản lậu của các tàu nước ngoài, trong vùng biển đặc quyền kinh tế 200 hải lý của họ trên Biển Đông. Đội đặc nhiệm bao gồm lực lượng của các cơ quan khác nhau từ hải quân, cảnh sát biển hoạt động theo dõi giám sát cả trên mặt nước lẫn từ trên cao của lực lượng không quân.

Đáng chú ý, để đối phó với nạn đánh bắt trộm hải sản trong vùng biển của Malaysia, nước này đã có thông báo cho Đại sứ quán của Việt Nam tại Malaysia một số quy định mới của Chính phủ Malaysia về việc xử lý tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển Malaysia. Nội dung cụ thể như sau: Theo luật pháp của Malaysia, mọi hành vi xâm phạm trái phép vùng biển đều bị bắt giữ, đưa ra tòa, xử phạt hành chính hoặc phạt tù. Đối với các trường hợp đánh cá trộm thì cách xử lý như sau: Cảnh sát biển Hoàng gia Malaysia sẽ đưa tàu đến bắt giữ và đưa đến cảng gần nhất. Sau khi hoàn thiện hồ sơ ban đầu, số ngư dân, ngư cụ sẽ được giao cho cơ quan Thủy sản, sau đó đưa ra tòa xét xử. Hình thức xử phạt đối với ngư dân vi phạm lãnh hải gồm 11 mức: (1) Mức 01 áp dụng cho tài công: nộp phạt đến 100.000 ringgit, tương đương 26.316 USD (Tỷ giá 01 USD = 3,8 ringgit), nếu không có tiền nộp phạt thì bị 06 tháng tù giam trở lên; (2) Từ mức 02 đến mức 07 áp dụng cho ngư dân: ngư dân nào nằm trong khung này thì phải nộp phạt đến 50.000 ringgit, tương đương 13.158 USD, nếu không có tiền nộp, thì chịu 02 tháng tù giam trở lên; (3) Các mức phạt từ 08 đến 11 áp dụng cho người dưới 18 tuổi: ngư dân nào thuộc đối tượng này sẽ chuyển cho Cục Nhập cư để giải quyết cho về sớm. (4) Tịch thu toàn bộ ngư cụ.

Vùng biển Việt Nam là một trong những khu vực có nguồn lợi hải sản phong phú trên thế giới và có tính đa dạng sinh học cao. Theo một số công trình nghiên cứu đã công bố, ở vùng biển Việt Nam có khoảng 2.458 loài cá thuộc 206 họ và nhiều loài hải sản khác ngoài cá, trữ lượng nguồn lợi hải sản biển nước ta ước tính khoảng 4,18 triệu tấn (không tính trữ lượng mực, tôm biển, các loài động vật đáy và rong biển sống ở vùng triều ven bờ). Trữ lượng nguồn lợi hải sản trên toàn vùng biển Việt Nam ước tính gần đây khoảng 5,0 triệu tấn và khả năng khai thác bền vững khoảng trên 2,3 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do Trung Quốc và một số nước tăng cường đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của Việt Nam đã khiến nguồn hải sản gày càng cạn kiệt. Điều này khiến ngư dân gặp khó khăn khi đánh bắt cá trên Biển Đông.

Để bảo vệ ngư dân cũng như bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin và thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết. Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã đề nghị cơ quan chức năng Malaysia giải quyết thỏa đáng các vụ việc liên quan tàu cá Việt nam và đối xử nhân đạo với các ngư dân khi bị bắt giữ.

RELATED ARTICLES

Tin mới