Tuesday, April 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaShangri-La 18: Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn...

Shangri-La 18: Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ở Biển Đông

Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch cho rằng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ảnh hưởng lớn đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời kêu gọi các nước “hành xử gương mẫu” trong quan hệ quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nhận định hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, dòng chảy chính và lợi ích chung của các nước châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải đối mặt với những thách thức an ninh, những vấn đề phức tạp; trong đó có sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước, nhất là các nước lớn. Cho rằng châu Á – Thái Bình Dương có vị trí địa – chiến lược ngày càng cao, sức hút ngày càng tăng thì sự cạnh tranh lợi ích chiến lược ngày càng quyết liệt hơn. Cạnh tranh diễn ra phức tạp với tầm mức cao hơn, cả toàn cầu và khu vực; mở rộng trên nhiều lĩnh vực, cả chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, tài nguyên, môi trường, chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, không gian mạng; liên quan đến cả an ninh truyền thống và phi truyền thống. Nguyên nhân chủ yếu là sự phát triển và thay đổi nhanh chóng về tương quan lực lượng; sự khác biệt về lợi ích chiến lược; sự không nhất quán giữa lời nói và hành động; còn hành xử theo lối chính trị cường quyền, áp đặt, theo đuổi lợi ích vị kỷ, không thừa nhận và tôn trọng lợi ích chính đáng hợp pháp của các nước khác, cũng như lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế…

Theo ông Ngô Xuân Lịch, cạnh tranh là một tồn tại khách quan, là động lực cho phát triển xã hội, cạnh tranh đã, đang và sẽ tiếp tục hiện hữu. Tuy nhiên, cạnh tranh với mục đích khuất phục nhau, giành giật lợi ích của nhau, bao vây kiềm chế nhau sẽ dẫn đến căng thẳng, đối đầu, thậm chí là xung đột và chiến tranh. Điều này đang tiềm ẩn nguy cơ không thể coi thường. Trong thế giới toàn cầu hóa, liên kết ngày càng chặt chẽ, sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng, nếu xung đột xảy ra sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường, không chỉ ảnh hưởng đến các quốc gia trực tiếp liên quan mà còn tác động đến cả khu vực và thế giới. Vấn đề quan trọng là cách thức xử lý cạnh tranh. Dù có khác biệt về lợi ích, nhưng nếu mọi quốc gia đều đặt hòa bình, ổn định lên trên hết thì chúng ta có thể hợp tác, tìm cách thu hẹp khác biệt, xử lý tranh chấp. Ngược lại, nếu áp đặt, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết, thì càng làm cho mâu thuẫn, tranh chấp gia tăng, kéo dài, dẫn đến xung đột. Chúng ta phải cùng nhau quản lí bất ổn, ngăn ngừa từ sớm các vấn đề cạnh tranh có thể dẫn đến xung đột, chiến tranh. Muốn vậy, các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập, chủ quyền, lợi ích chính đáng của mọi quốc gia; không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, cũng như không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình; tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi, xây dựng lòng tin, từng bước giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp. Đó là một quá trình lâu dài, phức tạp, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao và sự chung tay hành động của mọi quốc gia, chứ không thể thụ động chờ đợi. Trước các thách thức an ninh phức tạp thì việc ứng xử và hành động của các nước lớn có vai trò rất quan trọng. Sự không nhất quán và thiếu trách nhiệm của các nước lớn đều gây ra hoài nghi, thậm chí là bất an cho các nước vừa và nhỏ; thay vì làm dịu tình hình lại thổi bùng khác biệt, mâu thuẫn thành điểm nóng, dẫn đến xung đột. Vì vậy, các nước lớn cần gánh vác trách nhiệm cao hơn trong các nỗ lực chung của khu vực, hành xử gương mẫu trong quan hệ quốc tế. Việc các bên liên quan ngồi lại với nhau, đối thoại để cùng tìm giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, bất đồng là hành động tích cực, cần được ủng hộ, cổ vũ.

Về chính sách quốc phòng của Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch khẳng định Việt Nam là quốc gia đã từng trải qua các cuộc chiến tranh, chịu nhiều đau thương, mất mát để giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do, không chỉ cho dân tộc mình mà còn làm tròn nghĩa vụ quốc tế; hơn ai hết, chúng tôi thấu hiểu được giá trị của hòa bình. Việt Nam luôn khát vọng sống trong hòa bình, ổn định, hợp tác, cùng phát triển thịnh vượng. Mục tiêu quốc phòng Việt Nam là bảo vệ độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia – dân tộc, bảo vệ nền hòa bình của đất nước; giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tăng cường quan hệ hợp tác với các nước; tham gia bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh của khu vực và thế giới. Những nội dung đó là định hướng để giải quyết tranh chấp trong không khí hòa bình, với tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng. Những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực cùng các quốc gia trong khu vực và quốc tế xây dựng và thực hiện các cơ chế hợp tác, tham gia các diễn đàn đa phương; tổ chức thành công Hội nghị APEC, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ hai… nhấn mạnh Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động, tích cực đóng góp cho các cơ chế hợp tác đa phương, thúc đẩy hòa bình, hòa giải, ngăn ngừa xung đột. Đó là mục đích và trách nhiệm của Việt Nam khi đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN năm 2020 và ứng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 – 2021. Tinh thần đó thể hiện trong chính sách đối ngoại Việt Nam, mà một trong những văn kiện quan trọng là Sách Trắng quốc phòng. Việt Nam tiếp tục khẳng định rõ tính chất cơ bản của nền quốc phòng hòa bình, tự vệ; nêu rõ những thách thức quốc phòng, an ninh, những điều chỉnh chiến lược, cơ chế lãnh đạo, quản lí quốc phòng, tổ chức quân đội; xây dựng tiềm lực; đồng thời, minh bạch chính sách và khả năng quốc phòng Việt Nam.

Về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định Biển Đông là một trong những khu vực chứa đựng đầy đủ các lĩnh vực cạnh tranh cả về kinh tế, quân sự, ngoại giao…, tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Với vị trí địa – chính trị quan trọng, tiềm năng to lớn về nhiều mặt, nhiều quốc gia có lợi ích chiến lược ở Biển Đông. Nếu chúng ta cùng tuân thủ luật pháp quốc tế, có trách nhiệm và thiện chí, thì Biển Đông sẽ trở thành vùng biển hòa bình hợp tác và phát triển. Việt Nam đánh giá cao những tiến triển trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC); việc sớm xây dựng một COC thực chất, ràng buộc, hiệu quả sẽ góp phần quan trọng duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Việt Nam mong muốn các bên liên quan tăng cường đối thoại, tham vấn, cùng nhau quản lý rủi ro và ngăn ngừa xung đột. Việt Nam đã, đang và sẽ hợp tác với Trung Quốc và các nước có liên quan, kiên trì thúc đẩy giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch tái khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là: Các vấn đề liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương, các vấn đề liên quan đến nhiều nước thì giải quyết đa phương; bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên và lợi ích chung của khu vực. Giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn ở Biển Đông trong không khí hòa bình, với tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng.

Liên quan ASEAN, ông Ngô Xuân Lịch cho rằng khu vực đang có những cơ chế hợp tác khu vực hiệu quả do ASEAN dẫn dắt như: Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và Diễn đàn Biển ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng… và các cơ chế khác như Đối thoại Shangri-La, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh, Hội nghị An ninh quốc tế Mátxcơva…, góp phần quan trọng kiểm soát bất ổn, cạnh tranh, ngăn ngừa xung đột. Được thiết lập năm 2010 tại Hà Nội, ADMM+ là cơ chế hợp tác quốc phòng quan trọng hàng đầu giữa ASEAN và các nước đối tác; là diễn đàn để lãnh đạo quốc phòng các nước thành viên chia sẻ quan điểm, thảo luận về các vấn đề cùng quan tâm, tìm kiếm tiếng nói chung, xây dựng lòng tin, ngăn ngừa xung đột. Đồng thời, là cơ chế để lực lượng quân sự các nước thành viên triển khai hoạt động hợp tác thực chất, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp hành động và hỗ trợ nhau xây dựng năng lực thông qua các Nhóm chuyên gia. Trong gần một thập kỷ qua, ADMM+ đã phát huy vai trò, hiệu quả trong cấu trúc an ninh khu vực đang định hình, gắn kết các thành viên, huy động sức mạnh cộng đồng để đối phó với những thách thức chung, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Vì vậy, việc các nước lớn đề xuất mong muốn tham gia ADMM+ là điều dễ hiểu, phù hợp với xu thế chung, cần được ủng hộ. Là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam mong muốn cùng các quốc gia thành viên ADMM+ xây dựng tầm nhìn tổng thể cho hoạt động hợp tác quốc phòng – an ninh của khu vực trong các thập kỷ tới, để ADMM+ phát huy vai trò ngày càng cao của một cơ chế mở và dung nạp, ngày càng đóng vai trò tích cực, trung tâm đối với những nỗ lực chung bảo đảm môi trường an ninh, hòa bình, ổn định tại châu Á – Thái Bình Dương.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã có cuộc tiếp xúc với Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng các nước New Zealand, Anh, Singapore, Malaysia, Pháp, Mông Cổ. Tại cuộc gặp với Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan, hai bên cho rằng hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong thời gian qua đã đạt được hiệu quả thiết thực, phù hợp với mối quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước, góp phần duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực và trên thế giới. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho biết, Mỹ hoan nghênh tiếng nói của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, ủng hộ Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020. Ông Patrick Shanahan đánh giá cao việc Việt Nam tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc.

Tại cuộc gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng New Zealand Ron Mark, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp, phát huy hơn nữa các lĩnh vực đã đạt được nhiều kết quả, cũng như tìm kiếm khả năng hợp tác trong các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu của hai bên trong thời gian tới như: đào tạo; an ninh mạng, tìm kiếm cứu nạn; tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc.

Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Anh Penny Mordaunt, hai bên hoan nghênh quan hệ hợp tác quốc phòng song phương đang phát triển tốt đẹp, đặc biệt trên lĩnh vực trao đổi đoàn, đào tạo và giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc; nhất trí thời gian tới tăng cường trao đổi đoàn ở các cấp; triển khai hiệu quả các cơ chế đối thoại, hợp tác; tiếp tục hoàn thiện và ký kết các văn bản hợp tác; phối hợp ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương; thúc đẩy việc hợp tác nghiên cứu; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc …

Tại cuộc gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Singapore Ng Eng Heng, hai Bộ trưởng cho rằng, thời gian qua, hai bên đã triển khai hợp tác và đạt được hiệu quả thiết thực trên nhiều lĩnh vực. Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục triển khai các lĩnh vực hợp tác hiện có, hai bên nhất trí thúc đẩy triển khai một số lĩnh vực hợp tác như: trao đổi đoàn, đào tạo, giao lưu sĩ quan trẻ, hợp tác giữa các lực lượng, quân y, cứu hộ cứu nạn, công nghiệp quốc phòng, tham vấn và ủng hộ các sáng kiến của nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong năm Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm 2020.

Tại cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-Doo, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng tiếp tục đóng góp cho tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định Hàn Quốc ủng hộ quan điểm của Việt Nam về việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Hai bộ trưởng cũng nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác song phương trên cơ sở Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt Nam-Hàn Quốc đến năm 2030, trong đó có lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và trao đổi đoàn cấp cao.

Tại cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds, hai bên bày tỏ sự hài lòng về kết quả hợp tác quốc phòng hiệu quả và thiết thực trong thời gian qua, trong đó nổi bật là việc hai bên ký Tuyên bố tầm nhìn chung về thúc đẩy quan hệ quốc phòng Việt Nam-Australia, đồng thời nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực như giáo dục đào tạo, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam cũng đã có các cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Haji Mohamad Sabu, Bộ trưởng Quốc phòng Mông Cổ Enkhbold Nyamaa, Cao uỷ phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini và Bộ trưởng Quốc phòng Canada nhằm trao đổi một số biện pháp thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong thời gian tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới