Tuesday, April 16, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaVấn đề Biển Đông làm nóng Diễn đàn Khu vực ASEAN

Vấn đề Biển Đông làm nóng Diễn đàn Khu vực ASEAN

Tại Hội nghị các quan chức cao cấp ASEAN (SOM) của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), lãnh đạo các nước đã trao đổi nhiều vấn đề tình hình quốc tế và khu vực, trong đó tình hình Biển Đông tiếp tục là một trong những tâm điểm của hội nghị.

Biển Đông “nóng” tại ARF

Tại hội nghị, các nước đánh giá cao hiệu quả của ARF, tiếp tục khẳng định đây là diễn đàn hàng đầu trao đổi về hợp tác an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Với ASEAN ở vị trí trung tâm, ARF đã trở thành một động lực chính trong xây dựng lòng tin giữa các quốc gia trong khu vực thông qua các sáng kiến xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa đa dạng, phong phú.

Hội nghị lần này đã nhất trí với danh mục hơn 20 đề xuất mới cho niên khóa 2019-2020, tập trung các lĩnh vực như cứu trợ thảm họa, chống chủ nghĩa khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, an ninh mạng, chống phổ biến vũ khí hạt nhân và giải trừ quân bị, và gìn giữ hòa bình.

Liên quan vấn đề Biển Đông, nhiều nước nhấn mạnh các nguyên tắc kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Các nước cũng ghi nhận những tiến bộ ASEAN và Trung Quốc đã đạt được trong quá trình thực hiện DOC và mong ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, hiệu quả.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng các quan chức cao cấp ASEAN của Việt Nam (SOM) hoan nghênh kết quả ASEAN và Trung Quốc đạt được trong đàm phán COC; tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những lo ngại về những diễn biến có thể làm xói mòn lòng tin, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường hòa bình, an ninh khu vực. Trong bối cảnh này, các nước cần kiềm chế, tránh các hành động đơn phương, làm xói mòn lòng tin, không quân sự hóa, tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình nhằm duy trì môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC.

Trước đó, tại Hội nghị Tham vấn chung ASEAN (JCM) và Hội nghị Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN, các nước đã trao đổi về dự kiến chương trình hoạt động, chương trình nghị sự và các văn kiện sẽ thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34. Dự kiến dưới chủ đề của năm 2019 về “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững” Lãnh đạo các nước ASEAN sẽ thảo luận về các nội dung chính gồm đẩy mạnh hợp tác và liên kết khu vực, xây dựng Cộng đồng ASEAN, thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với các đối tác và các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Các nước ASEAN đánh giá cao công tác chuẩn bị của nước Chủ tịch Thái Lan tới thời điểm này, khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ đảm bảo cho thành công của Hội nghị. Đánh giá về những tiến triển trong hợp tác ASEAN thời gian qua, các nước ghi nhận và hoan nghênh các kết quả triển khai Chủ đề và ưu tiên của năm, trong đó có việc tổ chức thành công Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về Rác thải biển và Hội nghị đặc biệt các Bộ trưởng ASEAN về Buôn bán động vật hoang dã tại Thái Lan trong tháng 3/2019. Các nước cũng bày tỏ ủng hộ việc đẩy mạnh gắn kết tương hỗ giữa giữa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 với các Mục tiêu của Liên Hợp quốc về phát triển bền vững và nhất trí thúc đẩy xây dựng Lộ trình hợp tác giữa ASEAN và Liên Hợp Quốc vì mục tiêu này. Các quan chức cao cấp ASEAN cũng ghi nhận tiến triển tích cực trong triển khai kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN; ủng hộ việc đẩy mạnh kết nối các sáng kiến kết nối trong khu vực, phát triển bền vững ở các tiểu vùng, trong đó có Mê Công. Các nước cũng nhất trí tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực về tăng cường khả năng phối hợp, điều phối về các vấn đề hợp tác liên lĩnh vực, liên trụ cột trong ASEAN, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban thư ký ASEAN và trông đợi việc đưa vào vận hành hiệu quả Trụ sở mới của Ban thư ký ASEAN trong năm 2019. Các nước tiếp tục khẳng định ASEAN cần giữ vững vai trò trung tâm ở khu vực, thúc đẩy quan hệ cân bằng, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với các Đối tác; ghi nhận và hoan nghênh các đề xuất hợp tác mới của các Đối tác trong khuôn khổ Cấp cao Đông Á (EAS), ASEAN-Mỹ, ASEAN-Ấn Độ, ASEAN-Nga, ASEAN-Nhật Bản; tích cực chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN-Hàn Quốc sẽ diễn ra tại Hàn Quốc vào cuối năm.

Được biết, từ ngày 27 – 31/5, Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN (ASEAN SOM) và các hội nghị liên quan diễn ra tại Bangkok, Thái Lan. Bà Busaya Mathelin, Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan, chủ trì ASEAN SOM, Hội nghị Tham vấn chung (JCM), Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN + 3 (ASEAN SOM +3), Hội nghị Quan chức cấp cao thượng đỉnh Đông Á (EAS SOM), Hội nghị Quan chức cấp cao Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF SOM) và Hội nghị Nhóm công tác Hội đồng điều phối ASEAN lần thứ 7 về việc Đông Timor xin gia giập ASEAN. Chương trình nghị sự chính của các hội nghị trên là chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM 52), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác (PMC) dự kiến diễn ra lần lượt từ ngày 23 – 24/6 và từ 31/7 – 3/8 ở Bangkok, Thái Lan. Các chủ đề dự kiến được đưa ra thảo luận bao gồm việc tăng cường hợp tác xây dựng Cộng đồng ASEAN, đặc biệt vấn đề ưu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Thái Lan là thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự phát triển bền vững. Các hội nghị cũng sẽ thảo luận về phương hướng và biện pháp để tăng cường quan hệ và hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, cũng như trao đổi lập trường về các vấn đề quốc tế và khu vực quan trọng. Đồng thời, Hội nghị nhóm công tác Ban điều hành của Ủy ban khu vực phi vũ khí hạt nhân Đông – Nam Á (SEANWFZ) và Hội nghị quan chức cấp cao Sáng kiến Hạ nguồn sông Mê Công (LMI SOM) và Hội nghị quan chức cấp cao Hợp tác hữu nghị Hạ nguồn Mê Công (FLM SOM) cũng được tổ chức. Hội nghị ASEAN SOM và các hội nghị liên quan thể hiện vai trò của Thái Lan trong thúc đẩy hòa bình và hợp tác kết nối khu vực để hiện thực hóa mục tiêu an ninh, phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế, với tầm nhìn xây dựng một cộng đồng ASEAN hướng tới tương lai, lấy người dân làm trung tâm và không ai bị bỏ lại phía sau.

Vai trò của ASEAN trong việc thúc đẩy giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông

Trong những năm qua, ASEAN đã, đang nổ lực tham gia ngày càng tích cực trong việc giải quyết những căng thẳng tại Biển Đông, góp phần đảm bảo lợi ích chung của toàn khu vực, xây dựng đoàn kết, củng cố lòng tin lẫn nhau trong ASEAN. Vì vậy, ASEAN hiện được coi là một tổ chức trung gian tham gia giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN. Các thỏa thuận giữa các quốc gia ASEAN và Trung Quốc bao gồm các cam kết thông báo cho nhau về bất kỳ động thái quân sự tại khu vực tranh chấp, và tránh xây dựng thêm công trình mới trên các đảo. Trung Quốc và ASEAN cũng đã tiến hành các cuộc đàm phán tạo ra một quy tắc ứng xử nhằm giảm bớt căng thẳng đối với quần đảo tranh chấp, thống nhất DOC. ASEAN và Trung Quốc đã thông qua Khung COC và đang tiến tới đàm phán để đạt được COC ràng buộc về pháp lý.

Tuy nhiên, vai trò của ASEAN trong giải quyết vấn đề Biển Đông còn nhiều hạn chế, sự thiếu nhất quán từ quan điểm đến hành động của một số nước do vấn đề lợi ích quốc gia. Có nhiều ý kiến cho rằng, các hoạt động của ASEAN trên nguyên tắc đồng thuận và thương lượng không đối đầu đang là một điểm yếu chết người. Nguyên tắc này khiến ASEAN thời gian qua bị chia thành ba nhóm chính liên quan tới vấn đề Biển Đông, đó là: các nước tích cực phản đối Trung Quốc: Philippines và Việt Nam; các nước có thái độ trung lập hơn: Singapore, Malaysia và Indonesia và các nước có thái độ đồng thuận với Trung Quốc: Campuchia và Thái Lan. Không những vậy, một vài nước ASEAN vì lợi ích cá nhân vẫn công khai khẳng định “Biển Đông không phải là vấn đề của ASEAN, chỉ là vấn đề song phương” và bảo lưu rằng tranh chấp Biển Đông “nên do các bên liên quan tự dàn xếp”.

Để thúc đẩy giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, ASEAN cần: (1) ASEAN phải tiếp tục tham vấn với Trung Quốc về COC. (2) Trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường xây dựng công trình trên các đảo nhân tạo, ASEAN không nên chỉ giới hạn trong việc đàm phán COC mà cần thúc đẩy việc hình thành Cộng đồng  Chính trị – An ninh ASEAN, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các đối tác chiến lược của khối. (3) ASEAN đóng vai trò quan trọng to lớn trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Nhưng vai trò này chỉ có được khi có sự đoàn kết của các nước thành viên ASEAN trong thống nhất hành động trước thách thức từ phía Trung Quốc. Bởi, khi ASEAN đoàn kết đưa ra lập trường chung, thì tiếng nói của tổ chức khu vực này sẽ có trọng lượng, được lắng nghe, được xem trọng; và ngược lại, nếu ASEAN bị li gián và bị phân hóa, thì tiếng nói của ASEAN sẽ bị suy yếu, bị nước lớn chi phối. (4) ASEAN nhất thiết phải thống nhất hành động. Bởi với khả năng huy động, triệu tập lực lượng dưới lá cờ chung ASEAN, đồng thời dựa vào sự đồng bộ tương đối về lợi ích chính trị (cùng có chủ quyền trên Biển Đông), kinh tế (thế mạnh lúa gạo, nông sản…) và môi trường (sở hữu chung sông Mê Kông), ASEAN mới có thể xây dựng được sức mạnh tập thể nhằm giành lại “thế cân bằng” trước hành động ngang ngược cá lớn nuốt cá bé và bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới