Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐối thoại Shangri-La: Mỹ - Trung gia tăng căng thẳng do tranh...

Đối thoại Shangri-La: Mỹ – Trung gia tăng căng thẳng do tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông

Từ 31/5 – 2/6, đã diễn ra Đối thoại Shangri-La lần thứ 18, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới việc tăng cường hợp tác và đối thoại là chìa khóa để giải quyết các tranh chấp trên biển nói chung và Biển Đông nói riêng.

Đối thoại lần này thu hút số lượng đại biểu đông nhất từ trước đến nay, gồm các quan chức quốc phòng và giới học giả đến từ gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 30 bộ trưởng hoặc thứ trưởng quốc phòng. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã có phát biểu khai mạc, trong đó nhấn mạnh những vai trò tiềm năng mà Singapore cũng như các quốc gia nhỏ khác có thể đóng góp vào việc củng cố trật tự thế giới đa phương.  

Giám đốc điều hành châu Á tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) Tim Huxley cho biết Shangri-La lần thứ 18 có 6 phiên toàn thể bao gồm: Tầm nhìn của Hoa Kỳ về an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; An ninh Triều Tiên: Những bước tiếp theo; Trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á và những thách thức; Trung Quốc và hợp tác an ninh quốc tế; Ngăn ngừa xung đột tại các lĩnh vực có cạnh tranh; Bảo đảm một khu vực tự cường và ổn định. Ngoài ra, diễn đàn còn có 6 phiên họp đồng thời với các chủ đề liên quan đến an ninh hàng hải, phát triển công nghiệp quốc phòng, hợp tác quốc phòng.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cho biết Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang nỗ lực đàm phán để xây dựng hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực này; hùng hồn cho rằng “Trung Quốc chưa bao giờ kích động một cuộc chiến tranh, mâu thuẫn, cướp đất hay xâm lược quốc gia khác. Trung Quốc chưa bao giờ thu lợi từ những nước khác. Chúng tôi cũng không cho phép các nước khác thu lợi từ Trung Quốc hay chia rẽ đất nước này”; cảnh báo Mỹ không được “can thiệp” vào tranh chấp an ninh ở Đài Loan và Biển Đông; nhấn mạnh Bắc Kinh “sẽ chiến đấu đến cùng” nếu bất kỳ người nào cố can thiệp vào quan hệ với Đài Loan, hòn đảo Bắc Kinh xem là một phần lãnh thổ, không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để sáp nhập.

Trong khi đó, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan nhấn mạnh nước này sẽ không bỏ qua hành vi của Trung Quốc ở châu Á; cho rằng Trung Quốc có thể và nên duy trì quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực. Tuy nhiên hành vi làm xói mòn chủ quyền các nước khác và gieo rắc sự ngờ vực về ý định của Trung Quốc phải chấm dứt; khẳng định Mỹ không muốn xảy ra xung đột nhưng khả năng chiến thắng trong các cuộc chiến là sự răn đe tốt nhất. Mỹ muốn đảm bảo không có đối thủ nào tin rằng họ có thể thông qua lực lượng quân sự để thành công trong các mục tiêu chính trị.

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cũng cho rằng sự gia tăng căng thẳng, cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực sẽ đặt ra một thách thức rất lớn cho các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Ng Eng Hen cho rằng các quốc gia cần cởi mở, kết nối và cùng xây dựng một nền kinh tế toàn cầu mở cũng như củng cố sự hợp tác trong khuôn khổ đa phương. Đặc biệt các nước ASEAN cần phải cùng nhau củng cố các cam kết song phương và đa phương, tạo nền tảng xây dựng một kiến trúc an ninh mạnh mẽ cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các đối tác (ADMM-Plus) chính là nền tảng. Bộ trưởng Ng Eng Hen cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc và cho rằng một COC thực chất và hiệu quả sẽ góp phần tăng cường sự tự tin và thúc đẩy ổn định của khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Haji Mohamad Sabu cho rằng trong gần một thập kỷ qua, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Điều này cũng làm thay đổi cán cân quyền lực chính trị, kinh tế và quân sự tại khu vực. Bởi cùng với kinh tế phát triển là một quá trình tăng chi tiêu quân sự. Hiện khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang đối mặt với thách thức về an ninh khi cả hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc tăng cường sự hiện diện tại đây và có những tuyên bố chống chéo về các điểm nóng chiến lược. Theo Bộ trưởng Sabu, hiện khu vực đứng trước 3 thách thức lớn sau: Thứ nhất là sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Thực tế này khiến các nước nhỏ hơn lo ngại bởi sẽ buộc phải đứng về một phía, điều này gây bất bất lợi về mặt phát triển kinh tế và an ninh. Thứ 2 đó là xung đột nội bộ của một nước khiến nước khác bị ảnh hưởng như làn sóng người Rohingya chạy sang các nước láng giềng tị nạn. Theo ông Sabu, đây không còn là vấn đề của riêng Myanmar mà là một thách thức nhân đạo đối với ASEAN nói chung. Sự bất ổn trong khu vực có thể khiến chủ nghĩa cực đoan bạo lực trong khu vực trỗi dậy. Thứ 3 là những thách thức an ninh phi truyền thống và các xu hướng mới nổi. Bạo lực hàng hải, khủng bố và an ninh mạng là những thách thức chính cần được giải quyết phù hợp. Vấn đề bạo lực hàng hải cần đòi hỏi một cách tiếp cận hợp tác hơn giữa các quốc gia. Sự cạnh tranh của các cường quốc làm gia tăng căng thẳng ở tại khu vực Biển Đông. Điều này làm gia tăng khả năng xung đột giữa các tàu hải quân và giữa các máy bay. Theo ông Sabu, Biển Đông nên vẫn là một khu vực hòa bình, hữu nghị và thương mại thay vì một cuộc đối đầu. Về chiến lược quốc phòng của Malaysia, ông Sabu cho biết, nước này theo đuổi hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác nhằm đối mặt với các mối đe dọa chung. Theo ông Sabu, sự thịnh vượng của quốc gia được thiết lập dựa trên mối quan hệ thân thiện với các quốc gia khác và điều này ngày càng phổ biến trong hệ thống đa phương. Theo đó, các quốc gia nên nỗ lực tham gia hợp tác thay vì theo đuổi chủ nghĩa cô lập và hành động đơn phương; đồng thời nhấn mạnh Malaysia sẽ không làm phức tạp trong các vấn đề toàn cầu và vì quan hệ quốc tế thân thiện Malaysia sẽ theo nguyên tắc tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ các nước khác.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Penny Mordaunt cho rằng thế giới hiện nay đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa, từ an ninh tập thể đến tranh chấp thương mại, an ninh thực phẩm, các loại tội phạm có tổ chức, mối đe dọa từ các hoạt động độc hại trên mạng rồi đến mối đe dọa đối với sự ổn định khu vực từ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Bà Mordaunt cho biết, để trở thành một đối tác toàn cầu đáng tin cậy, thì không thể tạm dừng các nhiệm vụ trên và Anh cam kết trở thành đối tác đáng tin cậy cho tất cả các nước. Theo Bộ trưởng quốc phòng Anh, sự tham gia của Anh trong khu vực để hỗ trợ cho các giá trị cơ bản toàn cầu, dân chủ và tôn trọng các quy tắc dựa trên trật tự quốc tế.

Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch khẳng định quan điểm, lập trường của Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp, ngăn ngừa xung đột, đó là trong không khí hòa bình, với tinh thần đối tác và vì trách nhiệm cộng đồng; nhấn mạnh hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, dòng chảy chính và lợi ích chung của các nước. Chính vì vậy, các quốc gia dù lớn hay nhỏ cũng cần phải thể hiện trách nhiệm của mình trong việc giải quyết các bất đồng, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế; cho rằng dù có khác biệt về lợi ích, nhưng nếu mọi quốc gia đều đặt hòa bình, ổn định lên trên hết thì chúng ta có thể hợp tác, tìm cách thu hẹp khác biệt, xử lí tranh chấp. Ngược lại, nếu áp đặt, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết, thì càng làm cho mâu thuẫn, tranh chấp gia tăng, kéo dài, dẫn đến xung đột. Muốn vậy, các bên phải tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi, xây dựng lòng tin, từng bước giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kyeong-Doo, cho biết: Năm 2018, Hàn Quốc và Triều Tiên đã tổ chức 3 hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Hai bên đã xây dựng lòng tin, làm giảm tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Điều này có lợi cho việc phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Từ năm ngoái đến năm nay (2019), có 2 cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. Tổ chức được cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều cũng có sự đóng góp không nhỏ của Hàn Quốc nhưng đáng tiếc hai bên vẫn chưa đạt được sự đồng thuận. Theo ông Kyeong-Doo, vấn đề hòa bình và thịnh vượng cho Triều Tiên có thể đạt được bằng nhiều cách khác nhau nhưng điều quan trọng nhất là để thuyết phục Triều Tiên tin rằng sự thịnh vượng kinh tế chỉ có thể thực hiện được nếu quá trình phi hạt nhân hóa được thực hiện.

Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Mogherini cho rằng một số người đã coi hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Hà Nội là một thất bại, nhưng theo bà, điều đó chứng tỏ rằng cần phải tổ chức các cuộc đàm phán như vậy dựa trên nền tảng vững chắc. Bà cho biết: Bà mình tin tưởng sự tham gia của các cường quốc trong vấn đề Triều Tiên. Hiện Triều Tiên đang chịu nhiều biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất và EU cũng đang nỗ lực để đảm bảo những biện pháp này được duy trì, nhưng các biện pháp trừng phạt cần phải được dừng lại khi các bên đạt được mục tiêu cuối cùng của mình.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya cho biết, chính sách của chính phủ Nhật Bản về quan hệ với Triều Tiên là không thay đổi, tức là tìm cách bình thường hóa quan hệ. Theo ông, Triều Tiên sẽ có tương lai tốt đẹp nếu lựa chọn con đường đúng đắn.

Giới chuyên gia nhận định, Đối thoại Shangri-La được thành lập để thúc đẩy đối thoại, tăng cường niềm tin và trao đổi về các mối quan tâm chung giữa các quốc gia trong khu vực. Nhưng ngày nay nó đã trở thành nơi để Mỹ – Trung “đọ sức” với nhau qua những tầm nhìn chiến lược được trình bày. Bắc Kinh và Washington đều sẽ tận dụng diễn đàn này để thực hiện các mục tiêu của họ trong khu vực.

Mặc dù Đông Nam Á có thể tận dụng cạnh tranh Mỹ – Trung để đạt được lợi ích nhưng một loạt các thách thức khác cũng hạn chế khả năng của họ như những căng thẳng chính trị trong nước và những vấn đề nội bộ của ASEAN. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là xoay xở để tồn tại trong “cơn bão” Mỹ- Trung trong những năm tới nằm ngoài khả năng của các nước Đông Nam Á. Thực tế thì vẫn còn nhiều điều khu vực này có thể thực hiện để định hình sự cạnh tranh này theo hướng tích cực cũng như hạn chế những tác động tiêu cực có thể xảy ra.

Trước tiên, các chính phủ Đông Nam Á nên làm sáng tỏ quan điểm của họ về sự liên quan của khu vực này trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung. Thay vì chỉ nhìn nhận mối quan hệ giữa các nước Đông Nam Á với Mỹ và Trung Quốc theo kiểu chọn phe, nghĩa là ngả về phía nước này và tránh xa nước kia thì cần phải xem xét mối quan hệ này theo một hình lăng trụ đa diện, nghĩa là xác định rõ những tiêu chí có thể hợp tác vì lợi ích phát triển chứ không phải chỉ vì ủng hộ riêng quốc gia nào.

Thứ hai, các nước Đông nam Á nên tăng cường hợp tác với các cường quốc khác ngoài Mỹ và Trung Quốc để đưa ra những giải pháp bao quát hơn trước những thách thức khu vực. Một vấn đề có thể kể tới như cơ sở hạ tầng, Đông Nam Á có thể hợp tác với các quốc gia khác để giải quyết nhu cầu phát triển thực sự của mình thay vì tập trung vào những cuộc tranh luận giữa Mỹ và Trung Quốc về các vấn đề trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.

Thứ ba, các quốc gia trong khu vực phải chủ động trong việc đảm bảo Đông Nam Á vẫn giữ quan điểm trung lập đối với các cuộc thảo luận đang diễn ra trong việc định hình tương lai cấu trúc an ninh khu vực.

Thứ tư, khu vực này phải tăng cường thực hiện các quy định khu vực cũng như quốc tế để đối phó với tranh chấp Mỹ – Trung, thậm chí cả khi 2 nước này không sẵn sàng thực hiện. Thúc đẩy các thể chế mà ASEAN là trung tâm là điều cần thiết đối với trật tự khu vực dựa trên các quy tắc cũng như tầm quan trọng của việc tự do hàng hải ở Biển Đông.

Thứ năm, các nước Đông Nam Á nên tăng cường đoàn kết với nhau, hạn chế những chia rẽ trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung gia tăng.

Thứ sáu, các nước Đông Nam Á nên “tăng khả năng đề kháng” trước những thay đổi trọng tâm của các cường quốc, từ chủ nghĩa bảo hộ gia tăng của Mỹ đến chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới