Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ sẽ trang bị pháo điện từ trên tàu chiến trong năm...

Mỹ sẽ trang bị pháo điện từ trên tàu chiến trong năm 2020 để đối phó với TQ

Hải quân Mỹ (29/5) công bố dự thảo báo cáo Đánh giá tác động môi trường (EIS) tại các thao trường ở Tây Bắc nước này, trong đó đề cập tới kế hoạch thử nghiệm pháo điện từ trong điều kiện thực tế.

Theo đó, khẩu pháo điện từ này sẽ được lắp trên một tàu mặt nước, nhưng tài liệu không cho biết chiến hạm nào được lựa chọn. Khẩu pháo sẽ bắn thử đầu đạn động năng hoặc có chứa chất nổ, nhằm vào mục tiêu trên không và trên biển. Hải quân Mỹ cho biết cuộc bắn thử pháo điện từ đầu tiên dự kiến được tiến hành tại khu vực Đông Bắc Thái Bình Dương, nhưng không thể diễn ra trước tháng 11/2020.       Trước đây, Hải quân Mỹ từng dự định thử pháo điện từ trên biển hồi năm 2016, trong đó tàu vận tải USNS Trenton được sử dụng làm bệ lắp pháo. Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề kỹ thuật và chi phí khiến đợt bắn thử này không được tiến hành, dự án phát triển pháo điện từ cũng đối mặt với nguy cơ đình trệ. Tuy nhiên, quân đội Mỹ gần đây tăng tốc phát triển pháo điện từ, sau khi có nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang thử nghiệm loại vũ khí hiện đại này trên tàu chiến.

Pháo điện từ trường sử dụng năng lượng điện từ trường thay cho thuốc phóng để đẩy viên đạn bay rất xa, có thể phá hủy mục tiêu bằng chính động năng của nó. Về nguyên tắc, pháo điện sử dụng nguyên tắc lực điện từ Lorentz để đẩy viên đạn rời nòng pháo bằng hai khối tụ điện lắp song song. Nhờ nguồn điện tích lũy cực lớn, lực đẩy điện tử của pháo ray điện tạo ra sơ tốc tới 9.000km/giờ (2,5km/giây) cho viên đạn được phóng đi. Viên đạn được ổn định quỹ đạo nhờ 4 cánh lái nhỏ nằm phần đuôi. Với vận tốc gấp vài lần tốc độ âm thanh, nó vượt qua khoảng cách 160km trong vòng vài giây và tấn công mục tiêu định trước bằng khả năng xuyên phá động năng cực lớn. Theo thông tin từ cộng đồng tình báo Mỹ, pháo ray của Trung Quốc có khả năng tấn công một mục tiêu trên khoảng cách 124 dặm (200 km) với tốc độ lên tới 1,6 dặm /s (2,5 km/s). Pháo điện từ trường từ lâu đã là một trong những vũ khí có nguyên lý vật lý mới, là mong muốn của quân đội các quốc gia Nga, Iran và Mỹ do tính hiệu quả về chi phí, các chiến hạm được trang bị một khẩu pháo có tầm bắn của tên lửa có điều khiển, dẫn đường với độ chính xác cao.

So với Mỹ, Trung Quốc dường như đã đạt được thành tựu lớn khi đang lên kế hoạch trang bị pháo điện từ cho mẫu tàu khu trục tối tân như Type-055. Pháo điện từ trường của Trung Quốc xuất hiện trên truyền thông lần đầu tiên năm 2011, được bắt đầu đưa vào thử nghiệm năm 2014. Từ năm 2015 đến 2017, vũ khí nguyên tắc vật lý mới được các nhà khoa học quân sự Trung Quốc tinh chỉnh để mở rộng phạm vi tấn công và tăng cường khả năng phá hủy. Tháng 12/2017, pháo ray điện từ trường được gắn thành công trên một chiến hạm nổi và bắt đầu thử nghiệm trên biển, một kỳ tích mà các cường quốc quân sự, không nước nào đạt được. Các chuyên gia Trung Quốc dự kiến sẽ hoàn thành thử nghiệm trên biển và hoàn thiện thiết kế năm 2023. Theo giới chức tình báo Mỹ, Trung Quốc đang trong giai đoạn thử nghiệm pháp điện từ lắp đặt trên biển. Tàu chiến Trung Quốc được trang bị pháo điện từ có vẻ là tàu đổ bộ tăng Haiyangshan (Type 072 lớp Yuting). Con tàu dài 120m này thường vận chuyển xe tăng và trực thăng thực hiện các hoạt động tác chiến đổ bộ, nó có thể vận chuyển được 4.800 tấn hàng hóa. Tàu được trang bị 3 tổ hợp pháo phòng không 37mm H / PJ76F. Tất cả các tàu đổ bộ 072III đều do nhà máy đóng tàu Zhonghua Thượng Hải sản xuất. Haiyangshan có lẽ là đã được sửa đổi đặc biệt để lắp đặt được hệ thống cung cấp điện và hệ thống làm mát nhằm hỗ trợ vận hành pháo điện từ.

Trong khi đó, Mỹ đã chi hàng trăm triệu dành cho chương trình súng điện từ. Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia của Mỹ năm 2019 có dành 20 triệu USD đầu tư cho chương trình súng điện từ của quân đội Mỹ. Trong khi đó, chuyên gia quân sự Carl Schuster, cựu Giám đốc tại Ủy ban Tình báo Hỗn hợp thuộc Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (Mỹ), khẳng định nếu thông tin trên là chính xác, khẩu súng có thể đã “đi vào hoạt động trong vòng một hoặc hai năm”. Theo hãng tin CNBC, Mỹ dự đoán Trung Quốc sẽ có pháo điện từ sẵn sàng tác chiến vào năm 2025. Theo chuyên gia Andrey Leonkov, Mỹ đang tập trung phát triển pháo điện từ không plasma. Trong một thí nghiệm mới đây, một khẩu pháo điện từ của Mỹ đã bắn thành công một viên đạn nặng 10kg với tốc độ 2,5km/s. Pháo điện từ được cho là có thể định nghĩa lại chiến tranh tương lai. Một vũ khí như thế có thể thay thế tên lửa hành trình hay đạn pháo thông thường ở tầm bắn 300-400km. Thậm chí theo Izvestia, pháo điện tử có thể sử dụng làm vũ khí chống vệ tinh ở quỹ đạo thấp. Giới chức Hải quân Mỹ tuyên bố, việc trang bị pháo ray điện có thể sẽ thay đổi nguyên tắc các cuộc hải chiến trong tương lai. Đây sẽ là vũ khí giúp Mỹ tiếp tục vị trí siêu cường của mình và kiểm soát các đại dương.

Đáng chú ý, giới chuyên gia nhận định Trung Quốc đã đạt được bước tiến quan trọng trong việc nghiên cứu, chế tạo vũ khí hiện đại. Thời gian tới, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ đưa số vũ khí trên, bao gồm cả pháo điện từ đến những vùng biên như Tây Tạng, Tân Cương, Biển Đông, biển Hoa Đông. Tuy nhiên, thời điểm triển khai số vũ khí trên còn là một ẩn số đối với các nước. Theo các tài liệu của giới tình báo Mỹ trong năm 2018 được kênh CNBC tiết lộ, nhiều chuyên gia Mỹ cho rằng Trung Quốc có khả năng lắp đặt súng điện từ trên tàu khu trục từ năm 2025.

Trong bối cảnh Mỹ và cộng đồng quốc tế liên tục chỉ trích các hoạt động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng những hành động trên của Bắc Kinh là đi ngược lại cam kết không quân sự hóa, không chạy đua vũ trang trong khu vực do chính Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra. Nếu Trung Quốc tiếp tục ngoan cố, bất chấp công luận và luật pháp quốc tế để triển khai phi pháp hệ thống vũ khí điện từ ở Biển Đông sẽ là hành động leo thang căng thẳng nguy hiểm, có khả năng châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang và khả năng xảy ra xung đột quân sự trong khu vực. Không những vậy, nếu Trung Quốc đơn phương triển khai hệ thống vũ khí điện từ ra các đảo nhân tạo ở Trường Sa (của Việt Nam, bị Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép) sẽ là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới