Thursday, April 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnSự thận trọng của Mỹ trước TQ ở Đối thoại Shangri-La

Sự thận trọng của Mỹ trước TQ ở Đối thoại Shangri-La

Mỹ có thể không quyết liệt với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông so với thương mại để không làm gia tăng căng thẳng quân sự.

Phát biểu tại Đối thoại Shangri-la tại Singapore hôm 1/6, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho biết mối đe dọa lâu dài lớn nhất đối với lợi ích sống còn của các quốc gia trong khu vực có lẽ đến từ những nước tìm cách phá hoại thay vì duy trì trật tự dựa trên luật lệ. “Nếu xu hướng hành vi này tiếp tục, các thực thể nhân tạo trên toàn cầu có thể trở thành các trạm thu phí, chủ quyền có thể trở thành mục tiêu của kẻ mạnh”, ông Shanahan nói, ám chỉ đến các đảo nhân tạo phi pháp Trung Quốc bồi đắp ở Biển Đông.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh hành vi làm xói mòn chủ quyền các nước khác và gieo rắc sự ngờ vực về ý định của Trung Quốc phải chấm dứt. Mỹ phản đối tầm nhìn hạn hẹp, vi mô về tương lai và ủng hộ trật tự tự do, cởi mở để mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Ông tuyên bố Mỹ sẽ không bỏ qua hành vi của Trung Quốc, cho rằng trong quá khứ mọi người đã tránh bàn đến vấn đề đó.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore, đánh giá phát biểu của Shanahan nhắm đến Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La không quá đanh thép, các lập luận cũng không mới. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa có bài phát biểu khá gay gắt với Mỹ, chỉ trích Mỹ về các vấn đề thương mại, Biển Đông và Đài Loan. Sự xuất hiện của một Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc ở Shangri-La sau 8 năm chỉ cử đại diện cấp thấp cho thấy Bắc Kinh cần “giải tỏa bất mãn, bằng cách phản bác lại các cáo buộc của Washington”.

Tiến sĩ Hiệp cho rằng Mỹ thận trọng hơn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông so với chiến tranh thương mại, khi Washington chưa “quyết liệt” đến mức trừng phạt các hành động của Bắc Kinh trên vùng biển này.

“Căng thẳng ở Biển Đông vẫn âm ỉ, Mỹ cần có tính toán kỹ lưỡng vì vấn đề ở Biển Đông liên quan đến xung đột quân sự”, ông Hiệp nói. 

Cuối tháng 5, một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng của Mỹ đưa ra quốc hội dự luật trừng phạt các hoạt động phi pháp ở Biển Đông. Dự luật yêu cầu chính phủ tịch thu tài sản tại Mỹ, thu hồi hoặc không cấp thị thực cho bất cứ ai tham gia “hoạt động hoặc chính sách đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định” ở Biển Đông.

Nói về định hướng của Mỹ trong xử lý vấn đề Biển Đông, chuyên gia của Viện nghiên cứu Đông Nam Á cho hay Washington sẽ vẫn tiến hành các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở khu vực. “Biển Đông vẫn là một chân kiềng trong cạnh tranh chiến lược của Mỹ với Trung Quốc. Do đó, Washington sẽ tiếp tục duy trì sức ép với Bắc Kinh”, ông Hiệp đánh giá. 

Đồng tình rằng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu xuống thang, Tiến sĩ Chong Ja Ian, Đại học quốc gia Singapore, cho rằng quyền bộ trưởng Shanahan và Bộ trưởng Ngụy có đề cập tới mong muốn giàn xếp những bất đồng, nhưng quan điểm hai bên vẫn còn khác xa. Họ đều coi bên kia là “nguồn cơn của vấn đề”, dường như không sẵn lòng thỏa hiệp về các bất đồng lớn như Biển Đông và Đài Loan.

“Cả Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến bên kia thất vọng thêm. Bắc Kinh sẽ không lùi bước trước Mỹ khi họ coi đó là các vấn đề cốt lõi về chủ quyền và vị thế của mình”, ông Chong nói.

Tiến sĩ Graeme Smith, Đại học quốc gia Australia, cho rằng dù bài phát biểu của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Shanahan “bớt khiêu khích”, các từ ngữ nhắm tới Trung Quốc vẫn cứng rắn. Ông đánh giá hoạt động chính của Mỹ ở Biển Đông vẫn là duy trì tuần tra tự do hàng hải.

Tiến sĩ Stephen Nagy, Đại học Thiên chúa giáo quốc tế, Nhật Bản, cho biết bài phát biểu của ông Shanahan liên quan chặt chẽ với Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà Bộ Quốc phòng Mỹ công bố trước đó một ngày (31/5). Trong chiến lược này, Mỹ nhấn mạnh đến quan hệ lâu dài với khu vực châu Á, chú trọng đến trật tự dựa trên luật lệ. Shanahan cũng củng cố niềm tin của ASEAN và các nước liên quan khác về cam kết của Mỹ ở khu vực.

Nagy gợi ý lãnh đạo Mỹ không nên coi các vấn đề thương mại, an ninh và công nghệ với Trung Quốc chỉ là “công cụ” nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri mà cần coi đó là các vấn đề chiến lược. “Mỹ cùng với các đồng minh và đối tác cần tăng cường đẩy lùi hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông”, Nagy nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới