Monday, September 16, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaThực trạng hoạt động bồi đắp, quân sự hóa tại đá Gaven,...

Thực trạng hoạt động bồi đắp, quân sự hóa tại đá Gaven, Châu Viên và Vành Khăn của TQ hiện nay

Đá Gaven, Châu Viên và Vành Khăn là 3 trong số 7 bãi đá ở quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Những năm qua, với tốc độ và quy mô bồi đắp lớn, Trung Quốc đã nhanh chóng quân sự hóa ba thực thể này, nhằm biến chúng thành những tiền đồn quân sự của nước này ở Biển Đông.

Hình ảnh về hoạt động bồi đắp, quân sự của TQ tại đá Gave, Châu Viên và Vành Khăn. Nguồn: CSIS/AMTI

Hoạt động bồi đắp, quân sự hóa tại đá Gaven

Gaven là một rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa, bị Trung Quốc chiếm từ năm 1988 và đưa quân đồn trú trái phép tại đây từ năm 2003. Hoạt động bồi đắp, xây dựng tại bãi đá bắt đầu từ tháng 3/2014. Hiện nay, phần mở rộng có diện tích 115.000 m2. Theo những nghiên cứu từ Mỹ, bãi đá này đã có kênh tiếp cận, súng phòng không, súng hải quân, thiết bị liên lạc, kiến trúc hỗ trợ xây dựng, tháp phòng thủ, cơ sở quân sự, bãi đáp trực thăng và đê chắn sóng do Trung Quốc muốn mở rộng các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa nhằm biến các đảo trên Biển Đông trở thành một đảo nhân tạo khổng lồ có cả sân bay, cảng biển cho tàu quân sự và dân sự, khu vực dân cư và du lịch.

Theo ước tính, tổng chi phí cho dự án lên đến 5 tỷ USD và cần 10 năm để hoàn thành (tính từ năm 2014). Khi hoàn thành, Trung Quốc hy vọng có thể dựa vào đó để đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền đơn phương và phi lý của mình nhằm độc chiếm Biển Đông. Giới phân tích nhận định mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là nếu không đạt đến mức hợp pháp thì cũng phải kiểm soát được trên thực tế các vùng biển trong khu vực. Việc Bắc Kinh xây dựng cầu cảng và đường băng trên các đảo và bãi đá ở Trường Sa của Việt Nam do Trung Quốc chiếm giữ trái phép, nằm trong một chiến lược lâu dài thực hiện giấc mộng trở thành một cường quốc biển trong tương lai. Đây là đường vươn ra biển lớn của Trung Quốc từ căn cứ Hải Nam xuống Hoàng Sa và Trường Sa, khống chế hoàn toàn Biển Đông.

Hoạt động bồi đắp, quân sự hóa tại đá Châu Viên

Châu Viên là bãi đá nằm ở phía Tây quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1988. Từ năm 2014, Trung Quốc bắt đầu cải tạo ồ ạt bãi đá này và hiện nay quá trình xây dựng vẫn đang tiếp tục. Theo các thông tin công bố, hiện diện tích phần đất nhân tạo trên bãi đá Châu Viên được mở rộng khoảng 120.000 m2, trong đó bao gồm nhiều công trình kiên cố như kênh tiếp cận, đê chắn sóng, bãi đáp trực thăng, các tòa nhà hỗ trợ, cơ sở quân sự, ăng ten liên lạc vệ tinh, radar.

Thời gian đầu, để đẩy nhanh quá trình bồi đắp, Trung Quốc đã điều tàu hút trộn bùn hỗn hợp Thiên Kình của Trung Quốc, vốn được mệnh danh là “quái thú lấp biển” ra đá này. Đây là tàu hút trộn bùn hỗn hợp tự hành lớn nhất châu Á, mỗi giờ có thể hút, trộn được 4.500 m3 hỗn hợp cát và nước biển phun ra nơi xa nhất là ngoài 6.000 m. Với tốt độ hút, trộn như trên, tàu Thiên Kình có thể đã bồi đắp khoảng 10 triệu m2 hỗn hợp cát, đất và nước biển, tương đương 3 lần lượng bê tông dùng xây siêu đập Hoover ở Mỹ.

Đáng chú ý, từ tháng 10/2015, Trung Quốc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 ngọn hải đăng là “Huayang” và “Chigua” tại bãi đá Châu Viên. Phía Trung Quốc cho rằng mục đích của việc xây dựng 2 hải đăng là “cải thiện điều kiện hàng hải và giảm thiểu rủi ro, tai nạn trên Biển Đông” với “chi phí xây 2 ngọn hải đăng là các khoản viện trợ dân sự đầu tiên ở Nam Sa”. Tuy nhiên, các nước đã lên án mạnh mẽ và phản đối việc Trung Quốc xây dựng và đưa vào sử dụng 2 ngọn hải đăng trên.

Hoạt động bồi đắp, quân sự hóa tại đá Vành Khăn

Đá Vành Khăn là vốn một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, nằm cách đảo Sinh Tồn Đông 57 hải lý (105,6 km) về phía Đông và cách đảo Vĩnh Viễn về phía Nam 51 hải lý (94,5 km). Đá có hình dạng tròn với đường kính khoảng 4 hải lý (7,4 km), phần lớn chìm dưới nước và chỉ nổi lên một phần khi thủy triều xuống. Vùng biển (phá) của đá Vành Khăn sâu từ 18,3 đến 29,2m. Trung Quốc cưỡng chiếm đá Vành Khăn từ tháng 2/1995 và kiểm soát đá này cho đến nay.

Năm 2015, Trung Quốc công bố hình ảnh về bản quy hoạch trái phép bãi đá Vành Khăn sau khi Trung Quốc hoàn thành bồi đắp phi pháp tại bãi đá này. Theo đó, bãi Vành Khăn sẽ có tổng diện tích quy hoạch vào khoảng 9,53 km2 và tổng diện tích xây dựng khoảng 6,29 km2 . Như vậy, diện tích bồi đắp của Trung Quốc gấp nhiều lần so với những gì mà bãi đá này vốn có. Thậm chí quy hoạch nhân khẩu tại Vành Khăn khoảng 70.000 người.

Theo quy hoạch, sau khi hoàn thành bồi lắp, Trung Quốc sẽ xây dựng một loạt các dự án trọng điểm như khu thương mại, sòng bạc, khu vui chơi, dự án du lịch… theo hướng lưỡng dụng vừa là văn cứ quân sự chiến lược và đồng thời là trung tâm cảng biển. Trên thực tế, từ nhiều năm trước Trung Quốc đã bắt đầu huy động lực lượng lớn tàu thuyền, thiết bị ra đá Vành Khăn để tiến hành bồi đắp, mở rộng đá này. Năm 2015, Trung Quốc bắt xây một đường băng trên đá này và đến tháng 7/2016 thì một đường băng dài 2.644 m, rộng 55 m này đã hoàn thành. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã xây dựng ngọn hải đăng, kho bãi, các mái che radar, tháp truyền tín hiệu viễn thông, cảng vận chuyển quy mô lớn… trên đá Vành Khăn.Tháng 7/2016, ngay sau khi vừa hoàn thành đường băng dài 2.644m, rộng 55m, Trung Quốc cho máy bay thử nghiệm trên, ngay trước thời điểm Tòa Trọng tài ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông.

Đáng chú ý nhất là vào tháng 5/2018, Trung Quốc đã đưa tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B lắp đặt trên 3 thực thể là đá Chữ Thập, Xu Bi và đá Vành Khăn. Giới quan sát cho rằng Trung Quốc đã triển khai trên các hòn đảo nhân tạo bồi lấp phi pháp, trong đó có đá Vành Khăn rất nhiều hệ thống tên lửa đất đối không SAM (bao gồm HQ-9 với tầm bắn lên tới 200km có thể là cả hệ thống S-400 của Nga) và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất (GLCM). Cùng với hệ thống tên lửa, Trung Quốc đã triển khai hệ thống radar trái phép trên đá Vành Khăn, nhằm tăng cường sự nguy hiểm cho mạng lưới phòng thủ của Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc còn điều máy bay vận tải quân sự Xian Y-7 cất hạ cánh trên đường băng ở đá Vành Khăn. Tiếp đến hôm 30/10/2018, Trung Quốc đã khánh thành và đưa vào sử dụng các trạm khí tượng tại đá trên với mục đích như nước này loan báo là “đảm bảo an toàn hàng hải trên Biển Đông, phục vụ cho việc quan sát khí quyển và mặt đất cơ bản, thiết bị đo chỉ số ô nhiễm không khí, cùng các radar thời tiết, được dùng để theo dõi các chỉ số khí tượng thủy văn” trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam và vùng biển xung quanh khu vực này, đồng thời “cung cấp dữ liệu khí tượng chuẩn xác hơn cho tàu thuyền hoạt động ở khu vực lân cận”.

Hiện nay, Trung Quốc vẫn không ngừng bồi đắp, quân sự hóa 3 thực thể trên bất chấp sự phản đối lên án của dư luận các nước. Hoạt động này tiếp tục khiến tình hình khu vực trở lên căng thẳng, cản trở những nỗ lực chung của các nước trong giải quyết hòa bình các tranh chấp, duy trì ổn định hợp tác trong khu vực. Bộ Ngoại giao Việt Nam và các nước đã nhiều lần phản đối hoạt động cải tạo, bồi đắp và quân sự hóa trên Biển Đông của Trung Quốc. Việt Nam khẳng định “có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS”. Hành động của Trung Quốc đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC), trái với thoả thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, không phù hợp với thoả thuận quan trọng lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được về kiểm soát tốt bất đồng trên biển. Các hành động của Trung Quốc không có lợi cho việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông và xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam và Trung Quốc, cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiện nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới