Monday, November 11, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNgười Philippines đốt cờ Trung Quốc, phê phán ông Duterte “yếu nhược”

Người Philippines đốt cờ Trung Quốc, phê phán ông Duterte “yếu nhược”

Những người biểu tình ở Manila đốt cờ Trung Quốc và chỉ trích Tổng thống Rodrigo Duterte vì phản ứng “yếu nhược” sau vụ tàu Trung Quốc húc đổ tàu ngư dân Philippines và để mặc những người này dưới nước.

Cầm những tấm biển khẩu hiệu ghi “Chấm dứt sự hung hăng của Trung Quốc” và “Trung Quốc hãy bỏ tay khỏi ngư dân Philippines”, khoảng 50 người biểu tình tham gia vào buổi tập trung gọi là “Công lý cho Philippines” tại công viên Rizal. Cuộc biểu tình được tổ chức sau khi công luận nước này tức giận trước những gì bị coi là phản ứng yếu ớt và cố tình làm nhẹ bớt tình hình của ông Duterte trước vụ người Trung Quốc hất tung 22 ngư dân Philippines xuống biển và bỏ mặc họ dưới nước hồi đầu tháng 6.

Người biểu tình đốt 22 lá cờ Trung Quốc, biểu tượng cho 22 ngư dân của chiếc tàu FB Gimver 1 bị tàu Trung Quốc húc đổ. Vụ đụng độ xảy ra khi tàu Philippines đang hoạt động ở Bãi Cỏ Rong, cách bờ 150km, tức là hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Những ngư dân này đã được một tàu đánh cá của Việt Nam đi qua cứu sống toàn bộ.

Sau nhiều ngày dư luận Philippines tỏ ra phẫn nộ với Trung Quốc về vụ việc, Tổng thống Duterte đã phá vỡ im lặng lần đầu tiên vào hôm thứ Hai (17/6), nói rằng đây chỉ là “một sự va chạm”. Ông Duterte thúc giục người Philippines không “làm cho tình hình tệ hơn” và khẳng định lại rằng Philippines không sẵn sàng cho một cuộc chiến chống Trung Quốc và ông đã bác bỏ ý kiến gửi tàu chiến tới khu vực va chạm.

Phát ngôn của ông Duterte đi ngược với tuyên bố của nhiều quan chức Philippines, những người tố cáo Trung Quốc đã “đánh rồi chạy” và đang yêu cầu kiện Trung Quốc ra Liên Hiệp Quốc. Ông Duterte cũng gây tức giận trong công luận Philippines, với nhiều ý kiến cho rằng ông ta đã chứng minh sự ưu tiên của mình là nằm ở quan hệ với Bắc Kinh chứ không phải thường dân Philippines.

Biểu tình được tổ chức bởi một nhóm chống Trung Quốc có tên “Bảo vệ việc làm Philippines”. Người phát ngôn của nhóm này Christian Lloyd Magsoy tố cáo ông Duterte đã làm thất vọng không chỉ trước những ngư dân mà còn “trước người dân Philippines nói chung, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta.”

“Trái với những gì ông Duterte tỏ ra đối với những người phê bình, phát ngôn yếu đuối của ông ta chống lại sự hung hăng và bắt nạt của Trung Quốc đã vạch trần ông ta là một tổng thống thân Trung Quốc, chống người Philippines”.

Nhóm này cáo buộc Tổng thống Duterte đã phản bội công dân Philippines bằng việc cho phép hàng loạt lao động Trung Quốc tay nghề thấp tới đây để làm những công việc mà họ nói đáng ra phải để cho người lao động địa phương thực hiện.

“Trung Quốc không chỉ ăn cắp biểu, đất, tài nguyên và chủ quyền của chúng ta, mà họ từ lâu đã chiếm lấy việc làm của chúng ta. Điều khiến nó tồi tệ hơn là chính phủ của chúng ta dường như cho phép những tội ác chống lại chúng ta xảy ra”, Magsoy nói.

Ramon Beleno III, trưởng khoa khoa học chính trị tại Đại học Ateneo de Davao, nói rằng cuộc biểu tình là sản phẩm của sự bất mãn tích lũy từ lâu, đặc biệt là bất mãn đối với thực tế rằng công việc của họ đã đang bị mất cho người Trung Quốc. Ông nói Manila cần phải giải quyết sự bất mãn này nếu không căng thẳng sẽ tiếp tục dâng cao.

“Trừ khi và cho đến khi có các hành động cụ thể từ chính quyền, tôi nghĩ sự tức giận của người dân sẽ tăng lên”, Beleno nói.

“Người dân bình thường đang nhìn vào vấn đề này như ví dụ của việc Trung Quốc bắt nạt. Họ nghĩ rằng người Trung Quốc không chỉ đang chiếm đoạt ngư trường, mà cả những công việc đáng ra là của người Philippines”.

“Nếu người Trung Quốc nhìn thấy cảnh đốt cờ này, họ có thể dâng lên những cảm xúc tương tự và đó sẽ thành một vấn đề”.

Trong khi đó, đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim kêu gọi một cuộc điều tra đầy đủ về vụ va chạm và kêu gọi sự cần thiết phải có một bộ quy tắc ứng xử trên biển.

RELATED ARTICLES

Tin mới