Monday, November 11, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐàm phán Mỹ - Triều và triển vọng

Đàm phán Mỹ – Triều và triển vọng

Đàm phán Mỹ – Triều Tiên có thể sẽ được nối lại trong vòng 2 tuần nữa sau “cuộc gặp lịch sử” giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un.

Ngày 1.7, truyền thông CHDCND Triều Tiên đồng loạt đề cao “ý nghĩa lịch sử” của cuộc gặp giữa Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) vào chiều 30.6. Hai bên “nhất trí liên lạc trong tương lai” và “nối lại, thúc đẩy các cuộc đối thoại hữu ích cho việc tạo ra đột phá trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và quan hệ song phương”, theo KCNA. Chủ tịch Kim nhấn mạnh chính “quan hệ cá nhân tốt đẹp với Tổng thống Trump đã giúp cho cuộc gặp đầy bất ngờ như thế có thể diễn ra khi chỉ được báo trước một ngày”. “Quan hệ này cũng sẽ tiếp tục tạo ra kết quả tốt đẹp mà những bên khác không thể đoán trước và là sức mạnh bí ẩn giúp vượt qua khó khăn cũng như trở ngại trong tương lai”, KCNA dẫn lời Chủ tịch Kim nhấn mạnh.
 
Sau cuộc gặp, Tổng thống Trump thông báo trong vòng 2 – 3 tuần tới, Washington sẽ lập một nhóm công tác mới do Đặc phái viên về Triều Tiên Stephen Biegun dẫn đầu để nối lại đàm phán, theo Đài KBS. Nhà lãnh đạo Mỹ bày tỏ hy vọng cấm vận nhằm vào Bình Nhưỡng có thể được dỡ bỏ vào một ngày nào đó, nhưng cũng nhấn mạnh ông “không vội đạt thỏa thuận”. Cũng trong hôm qua, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho hay ông hy vọng đàm phán sẽ được nối lại vào giữa tháng 7. Ông cho biết thêm nhóm thương thuyết Triều Tiên sẽ do một quan chức từ Bộ Ngoại giao dẫn đầu nhưng chưa biết chi tiết cụ thể.
Quan hệ này cũng sẽ tiếp tục tạo ra kết quả tốt đẹp mà những bên khác không thể đoán trước và là sức mạnh bí ẩn giúp vượt qua khó khăn cũng như trở ngại trong tương lai
 
Cũng trong ngày 1.7, Bộ Thống nhất Hàn Quốc nhấn mạnh những diễn biến mới là “bước ngoặt” trong quá trình phi hạt nhân hóa, theo Yonhap. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng bày tỏ hy vọng cuộc gặp Mỹ – Triều mới nhất sẽ tạo ra bước tiến trong đàm phán, còn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho hay nước này hoan nghênh kết quả tích cực của cuộc gặp.
Bên cạnh đó, tờ The New York Times dẫn lời giới quan sát nhận định Mỹ có thể sẽ có cách tiếp cận mới để tìm kiếm đột phá trong đàm phán. Cụ thể, Washington sẽ tìm cách ngăn chặn Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển năng lực vũ khí hạt nhân nhưng cũng không yêu cầu giải giới kho vũ khí, được cho là có từ 20 – 60 đầu đạn, và nguyên liệu đã có, ít nhất là trong tương lai gần. Để đạt mục tiêu này, phái đoàn Mỹ sẽ mở rộng đề nghị do Chủ tịch Kim đưa ra trong hội nghị ở Hà Nội. Khi đó, Triều Tiên đề nghị phá hủy cơ sở hạt nhân Yongbyon để đổi lấy dỡ bỏ những lệnh cấm vận nặng nhất nhưng Mỹ không đồng ý vì phần lớn khả năng hạt nhân của Triều Tiên được cho là nằm ngoài cơ sở Yongbyon. Vì vậy, trong các cuộc đàm phán sắp tới, Washington có thể sẽ thuyết phục Bình Nhưỡng đồng ý dỡ bỏ thêm nhiều cơ sở nghiên cứu và thử nghiệm khác để được dỡ bỏ cấm vận. Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo chiến thuật mới này có thể sẽ vấp phải phản đối từ quốc hội Mỹ và có thể là cả một số nước đồng minh vì không yêu cầu Triều Tiên phá hủy số vũ khí đã có cũng đồng nghĩa với công nhận nước này là một quốc gia hạt nhân.
RELATED ARTICLES

Tin mới