Thursday, March 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaKhuôn khổ ASEM: Nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác đa...

Khuôn khổ ASEM: Nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ

Tại cuộc họp các Quan chức cao cấp Châu Á của Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM), giới chức các nước nhất trí ASEM cần phát huy hơn nữa vai trò đi đầu thúc đẩy hợp tác đa phương, đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định tại hai châu lục và trên thế giới, xây dựng cơ chế quản trị toàn cầu hiệu quả, công bằng và dựa trên luật lệ.

Tại Cuộc họp ASEM (6-7/8), giới chức các nước nhất trí, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng thương mại gia tăng, ASEM cần phát huy hơn nữa vai trò đi đầu thúc đẩy hợp tác đa phương, đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định tại hai châu lục và trên thế giới, xây dựng cơ chế quản trị toàn cầu hiệu quả, công bằng và dựa trên luật lệ. Không những vậy, quan chức các nước cũng đề cao vai trò quan trọng của ASEM trong việc tăng cường hợp tác Á – Âu nhằm ứng phó các thách thức toàn cầu, nhất là biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và bao trùm, chống chủ nghĩa khủng bố, an ninh mạng… Theo đó, các thành viên châu Á ủng hộ đề xuất của Liên minh châu Âu (EU) về chủ đề của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 14 là “Châu Á và Châu Âu: Cùng hợp tác vì chủ nghĩa đa phương hiệu quả”.

Các thành viên châu Á cũng chia sẻ quan điểm cần nâng cao hiệu quả và tính thiết thực của hợp tác ASEM, trong đó chú trọng triển khai 5 lĩnh vực ưu tiên về kết nối, gồm kết nối bền vững, kết nối thương mại và đầu tư, kết nối số, kết nối con người, kết nối nhằm ứng phó với các thách thức an ninh, đồng thời đẩy mạnh hợp tác trong những lĩnh vực phù hợp với quan tâm chung như nâng cao quyền năng phụ nữ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao… Các thành viên châu Á nhất trí cần đề xuất các sáng kiến chung, dài hạn và các biện pháp cải cách cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa tính thiết thực của hợp tác ASEM.

Liên quan vấn đề Biển Đông, nhiều thành viên ASEM bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình phức tạp tại Biển Đông làm gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định khu vực, đề nghị cần tôn trọng luật pháp quốc tế, tăng cường đối thoại, hợp tác ASEM nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, nhất là tại Biển Đông.

Phát biểu tại Cuộc họp, Trưởng quan chức cao cấp ASEM của Việt Nam Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh ASEM là cơ chế đối thoại quan trọng hàng đầu giữa châu Á và châu Âu, hơn bao giờ hết, ASEM cần phát huy vai trò đi đầu thúc đẩy hợp tác đa phương, giải quyết kịp thời các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, xây dựng lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế và các chuẩn mực chung. Về vai trò của ASEM trong thúc đẩy hợp tác đa phương và duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, bà Nguyễn Minh Hằng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến nghiêm trọng gần đây tại Biển Đông, nhất là các hành động đơn phương đã làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực. Bà đề nghị các thành viên ASEM cần thực hiện cam kết và tiếp tục nỗ lực nhằm duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS 1982).

Đây là cuộc họp của 21 Quan chức cao cấp châu Á nhằm trao đổi về nâng cao vai trò của ASEM trong tình hình mới và tăng cường phối hợp châu Á hướng tới chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 14 sẽ được tổ chức tại thành phố Madrid, Tây Ban Nha vào ngày 15 – 16/12/2019.

Được biết, tháng 3/1996, Tiến trình Hợp tác Á-Âu (Asia-Europe Meeting – gọi tắt là ASEM) được chính thức thành lập theo sáng kiến của Singapore và Pháp, và dưới sự ủng hộ tích cực của ASEAN. Đây là diễn đàn đối thoại phi chính thức giữa các Nguyên thủ và Người đứng đầu Chính phủ của các nước thành viên ASEM. Số lượng thành viên của ASEM tăng từ 26 (từ năm 1996) lên 39 thành viên (tại ASEM 5, Hà Nội, năm 2004) và 45 thành viên hiện nay. Đến nay, vai trò cùa ASEM trên thế giới ngày càng tăng, chiếm 58% dân số thế giới, gần 60 % tổng kim ngạch thương mại thế giới và khoảng 50% GDP toàn cầu. ASEM hoạt động nhằm tạo dựng “một mối quan hệ đối tác mới toàn diện giữa Á – Âu vì sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn” và “tạo ra sự hiểu biết sâu sắc hơn giữa nhân dân hai châu lục và thiết lập đối thoại chặt chẽ giữa các đối tác bình đẳng”, “duy trì và tăng cường hòa bình và ổn định cũng như phát huy các điều kiện cần thiết cho sự phát triển kinh tế và xã hội bền vững”.

Nguyên tắc hoạt động của ASEM dựa trên một số định hướng như Đối tác bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi; ASEM là một tiến trình mở và tiệm tiến, không chính thức nên không nhất thiết phải thể chế hóa; Quyết định trên cơ sở đồng thuận chứ không ký kết hay bỏ phiếu; Tăng cường nhận thức và hiểu biết lẫn nhau thông qua một tiến trình đối thoại và tiến tới hợp tác trong việc xác định các ưu tiên cho các hoạt động phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau; Triển khai cả 3 lĩnh vực hợp tác chủ yếu với sự thúc đẩy đồng đều – tăng cường đối thoại chính trị, thúc đẩy hợp tác kinh tế và đẩy tới hợp tác trong các lĩnh vực khác; Việc mở rộng thành viên được thực hiện trên cơ sở nhất trí chung của các Vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ.

Cấp quyết định chính sách là Hội nghị Cấp cao, gồm các vị đứng đầu Nhà nước hoặc Chính phủ của các nước ASEM, Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu và Tổng Thư ký ASEAN, họp hai năm một lần, luân phiên Á-Âu. Quyết định phương hướng hoạt động, kết nạp thành viên mới; thông qua các vấn đề lớn và dài hạn, cũng như các lĩnh vực ưu tiên trong từng giai đoạn. Về cơ chế hoạt động: Bộ trưởng Ngoại giao và Trưởng Quan chức cao cấp ngoại giao (SOM) là kênh điều phối chung toàn bộ các hoạt động. Bộ trưởng kinh tế, tài chính, văn hóa và cấp thứ trưởng điều phối trong các lĩnh vực này. Các Bộ trưởng khác (môi trường, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, di cư, lao động…) nhóm họp khi cần thiết .

Trong những năm gần đây, Việt Nam là một trong những thành viên nổi bật và tích cực trong ASEM. Triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế và khu vực, Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập ASEM, luôn phát huy vai trò chủ động tham gia hợp tác Á-Âu trên cả 3 lĩnh vực: đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế và hợp tác khác. Bên cạnh việc hoàn thành tốt vai trò điều phối viên châu Á trong ASEM từ năm 2000 đến 2004, đóng góp lớn nhất của Việt Nam là tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEM 5 (Hà Nội, 10/2004). Không những vậy, việc tham gia ASEM tạo thêm điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp tục triển khai chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, hỗ trợ cho quan hệ song phương, đẩy mạnh ngoại giao đa phương; tranh thủ khả năng hợp tác thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, trao đổi văn hóa đào tạo, giáo dục phục vụ các yêu cầu phát triển đất nước. Đồng thời, tham gia với tư cách một thành viên bình đẳng, Việt Nam có cơ hội cùng xây dựng luật chơi chung của cả Á-Âu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở hai khu vực và trên thế giới; từ đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam.

Việt Nam đã đưa ra 10 sáng kiến và đồng tác giả 15 sáng kiến khác (trong đó, 14 sáng kiến đã được triển khai), tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực văn hoá, y tế, giao thông vận tải, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thay đổi khí hậu, khoa học-công nghệ, du lịch, kinh tế.Việt Nam cũng đã tổ chức hàng loạt hoạt động quan trọng, đặc biệt là Hội nghị Cấp cao ASEM 5 (2004); Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế lần thứ 3 (2001), gần đây nhất là Diễn đàn chính sách an ninh năng lượng (4/2008), Diễn đàn Du lịch ASEM (9/2008). Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần 9 (25-26/5/2009); Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEM (5/2009); Cuộc họp các Quan chức cao cấp về Phối hợp các hoạt động văn hoá nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh ASEM (2009); Diễn đàn cấp Tổng Vụ trưởng về An ninh lương thực (2009); Hội thảo cấp Tổng Vụ trưởng về Trao đổi kinh nghiệm về sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu và các bệnh mới nổi (2009); Hội nghị Bộ trưởng Văn hoá ASEM (2012)…

Trong lĩnh vực chính trị, đóng góp lớn nhất của Việt Nam phải kể đến là những nỗ lực chuẩn bị và tổ chức thành công Cấp cao ASEM 5, đưa ra những quyết định mở ra hướng mới cho hợp tác ASEM, đẩy mạnh hợp tác về kinh tế và văn hoá, Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò tích cực của nước chủ nhà, chủ động dàn xếp điều hòa lợi ích giữa các thành viên ASEM, giải quyết tốt vấn đề mở rộng thành viên của Mi-an-ma, góp phần quan trọng duy trì sự phát triển của tiến trình, đoàn kết trong khối các nước ASEAN. Trong lĩnh vực hợp tác kinh tế- tài chính, Việt Nam đã thúc đẩy Hội nghị ASEM 5 thông qua “Tuyên bố Hà Nội về tăng cường hợp tác kinh tế ASEM chặt chẽ hơn”. Đây là văn kiện có tính định hướng hợp tác kinh tế ASEM. Việc ta tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Á-Âu lần thứ 9 liền kề với Cấp cao ASEM 5, một mặt góp phần thúc đẩy kênh đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ, thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp đối với ASEM; mặt khác tạo khuôn mẫu cho tổ chức các Diễn đàn doanh nghiệp về sau. Trong lĩnh vực tài chính, đến năm 2006 (thời điểm kết thúc), các Bộ ngành của Việt Nam đã tranh thủ Quỹ Tín thác ASEM (ATF) trợ giúp triển khai có hiệu quả 21 dự án với giá trị gần 13,35 triệu đô la trên các lĩnh vực cải cách hệ thống tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp, xóa đói giảm nghèo và cải cách hệ thống an sinh xã hội, được đánh giá cao. Hợp tác trong các lĩnh vực mới như doanh nghiệp nhỏ và vừa, an ninh lương thực cũng ghi đậm dấu ấn vai trò tích cực của Việt Nam, thể hiện rõ nhất ở sáng kiến của ta về tổ chức “Diễn đàn ASEM lần thứ nhất về an ninh lương thực”…

Về hợp tác về văn hóa, Việt Nam đã tích cực tham dự và triển khai nhiều hoạt động trong khuôn khổ ASEM, như chủ động đề xuất sáng kiến “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong các nước ASEM” (Pháp đồng tác giả) được Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ hai (Luân Đôn, 4/1998) thông qua. Với vai trò điều phối của Việt Nam, Hội nghị ASEM 5 đã thông qua tuyên bố ASEM về Đối thoại giữa các nền văn hóa – văn minh, tạo khuôn khổ pháp lý đẩy mạnh hợp tác Á-Âu trong lĩnh vực văn hóa. Đặc biệt, tại Cấp cao ASEM 7 vừa qua, ta đã đưa ra sáng kiến về “Phối hợp các hoạt động văn hoá nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh ASEM” thể hiện đóng góp tích cực của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác văn hoá Á-Âu, được các thành viên hoan nghênh.

RELATED ARTICLES

Tin mới