Saturday, November 2, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ đang sử dụng biện pháp “xâm lược mềm” trên Biển Đông

TQ đang sử dụng biện pháp “xâm lược mềm” trên Biển Đông

Khi triển khai bất kỳ động thái nào trong Biển Đông, Trung Quốc thường tính toán nhằm vào nhiều mục đích khác nhau: mục đích ngắn hạn, mang tính chiến thuật; mục đích lâu dài, mang tính chiến lược.

1. Tàu Hải Dương Địa lý 08 là mũi tấn công chủ lực của cuộc “xâm lược mềm”?

Để đánh giá chính xác về động thái Trung Quốc huy động tàu Hải Dương Địa chất 8, cùng với nhiều tàu hộ tống vũ trang, tiến hành các hoạt động phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính từ đầu tháng 7/2019 đến nay, chúng ta nên xem xét về bản chất hoạt động của nhóm tàu này. Theo tôi, nếu xâu chuỗi tất cả các động thái đã được triển khai tại khu vực này trong thời gian trước đây, nhất là giai đoạn sau khi đã dùng vũ lực chiếm 6 thực thể ở phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988, thì có thể thấy rằng Trung Quốc đã và đang vận dụng “sức mạnh mềm” để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông thông qua việc sử dụng sức mạnh về kinh tế, khoa học kỹ thuật, truyền thông, ngoại giao, pháp lý… Dù không có tiếng súng, tiếng bom đạn; không thấy cảnh khói lửa binh đao, nhưng “xâm lược mềm” vẫn hết sức nguy hiểm, đáng sợ, bởi vì, kẻ gây chiến sẽ “không đánh mà thắng”.

Với Việt Nam, Trung Quốc dùng mọi biện pháp buộc Việt Nam phải đối phó trên nhiều mặt trận. Năm 2014, hạ đặt giàn khoan HD981 trái phép, xây dựng đường băng ở đảo Gạc Ma, điều giàn khoan Nam Hải 09 đến cửa vịnh Bắc Bộ… Có thể thấy rằng, sau khi dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1956, 1974 và 06 thực thể tại quần đảo Trường Sa năm 1988, Trung Quốc đang tận dụng mọi lợi thế về tài chính, quân sự, kĩ thuật, kinh tế để triển khai cuộc “xâm lược mềm”, bằng chiến thuật “gặm nhấm”, “cháo nóng húp vòng quanh” đối với các bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông, như những gì đã xảy ra ở Đá Vành Khăn năm 1995, bãi cạn Scarborough 2012, Bãi Cỏ Mây,…với nhiều thủ đoạn nhằm tăng cường sự hiện diện trên thực tế trong phạm vi yêu sách “đường lưỡi bò”. Thậm chí, Bắc Kinh còn tìm cách mở rộng hoạt động phi pháp này bằng cách huy động lực lượng tàu thuyền đến hoạt động tại khu vực bãi cạn James cách bờ biển Malaysia chỉ khoảng 80 km, Bãi Cỏ Rong ở phía Đông quần đảo Trường Sa, cách Philippines dưới 200 hải lý và gần đây, tiếp tục điều động các phương tiện tiến hành thăm dò địa chấn tại khu vực bãi cạn Tư Chính cách bờ biển Việt Nam dưới 200 hải lý, hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Tất cả những hoạt động nói trên là những mũi tiến công được Trung Quốc tính toán để triển khai cuộc “xâm lược mềm” cực kỳ nguy hiểm để tiến vào “tử huyệt” của những quốc gia mà họ coi là những “đối thủ đáng gờm” có khả năng cản trở bước tiến của họ xuống Biển Đông.

2. Mục tiêu của mũi tiên công chủ lực mang tên HD 8:

Khi triển khai bất kỳ động thái nào trong Biển Đông, Trung Quốc thường tính toán nhằm vào nhiều mục đích khác nhau: mục đích ngắn hạn, mang tính chiến thuật; mục đích lâu dài, mang tính chiến lược. Tuy nhiên, khác với những động thái trước đây, hoạt động của nhóm tàu HD 8 ở khu vực bãi Tư Chính, theo tôi, mục đích chính của Trung Quốc là:

– Về pháp lý, tìm cách tạo ra tình huống “sự đã rồi”, với sự hiện diện thường xuyên của các phương tiện thăm dò khai thác tài nguyên dầu khí tại khu vực này để buộc Việt Nam, quốc gia luôn chủ trương giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tránh đối đầu, xung đột, buộc phải chấp nhận chủ trương “cùng khai thác” với Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam chấp nhận đây là “khu vực tranh chấp”, hoàn toàn có lợi cho Trung Quốc.

– Về kinh tế, Trung Quốc đang gây sức ép để buộc mọi hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở khu vực này bị đình đốn. Các công ty của nước ngoài đang khai thác dầu khí ở đây sẽ phải rút lui để tránh những rủi ro do có thể xẩy ra xung đột, chiến tranh. Rõ ràng, có thể thấy được mục đích kinh tế của Trung Quốc trong bối cảnh này. Họ muốn khai thác dầu khí, tài nguyên khoáng sản và thậm chí làm giảm sức phát triển kinh tế của các quốc gia trong khu vực để dễ bề thao túng, điều khiển…Hơn nữa, với “mũi tấn công mềm” này, Trung Quốc đã vi phạm không chỉ các quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia ven Biển Đông, mà còn của các quốc gia liên quan khác ngoài khu vực được Luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982 đã quy định rõ ràng, đang có hiệu lực. Với động thái này, nếu không kịp thời lên án mạnh mẽ và ngăn chặn kịp thời sẽ tạo ra tiền lệ xấu về cách ứng xử dựa vào sức mạnh, bất chấp Công lý và đạo lý trong quan hệ quốc tế ở thời đại văn minh, tiến bộ hiện nay; gây bất ổn về chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng, có tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng kinh tế của các quốc gia liên quan. Điều nghiêm trọng hơn, nếu không kiểm soát được sẽ đẩy nhân loại vào những cuộc xung đột, chiến tranh hủy diệt, tàn khốc.

3. Ngăn cản mũi tiến công chủ lực của cuộc “xâm lược mềm” bằng cách gì?

Hiện nay, trong dư luận có ý kiến cho rằng lãnh đạo Việt Nam vẫn còn “sợ” Trung Quốc nên không dám sử dụng lực lượng quân đội để ngăn chặn những hoạt động vi phạm “chủ quyền biển đảo” của mình; không huy động dân chúng xuống đường biểu tình phản đối, trái lại còn tìm cách ngăn cấm, cho nên người dân đang tỏ thái độ bất hợp tác, thậm chí quay lưng lại với chính quyền…

Thiết nghĩ, đó là những luồng dư luận cần được xem xét đánh giá một cách nghiêm túc, không thể xem thường. Bởi vì, nó có liên quan không chỉ đến cá nhân lãnh đạo đất nước, mà còn truyền thống, nhân cách của người Việt Nam mỗi khi quốc gia hữu sự, lâm nguy. Vì vậy, tôi xin được bình luận 2 nội dung liên quan sau đây:

Thứ nhất: Vấn đề sử dụng lực lượng quân đội trong việc bảo vệ và quản lý các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia:

Xin được nhắc lại sự kiện lịch sử Vịnh Bắc Bộ diễn ra cách đây hơn nửa thế kỷ.

Ngày 2/8/1964, tàu khu trục USS Maddox, trong khi thực hiện tuần tra vào sâu trong vùng nội thủy của Việt Nam được phân định bởi kinh tuyến 108o03’13’’ (theo Công ước Pháp và nhà Thanh năm 1887). Theo đó, tàu khu trục USS Maddox đã vi phạm vùng biển thuộc chủ quyền hoàn toàn, đầy đủ và tuyệt đối của Việt Nam, vì vậy, lực lượng Hải quân Việt Nam đã lệnh cho 3 tàu phóng ngư lôi thuộc Đoàn tàu phóng ngư lôi 135 ra ứng chiến. Theo giới bình luận quân sự, mặc dù thua kém về vũ khí trang thiết bị, nhưng các chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi 1 máy bay của Hải quân Mỹ, đánh bị thương tàu Maddox, buộc tàu Mỹ phải tháo chạy ra “vùng biển quốc tế”. Sự kiện vịnh Bắc Bộ 1964 cho thấy:

– Nếu bất kỳ kẻ nào xâm phạm vào vùng nội thủy, lãnh hải (là lãnh thổ biển thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển), nếu không được phép và không tuân thủ pháp luật Việt Nam, đều bị coi là kẻ xâm lược, đều phải bị trừng phạt bằng sức mạnh quân sự. Hành xử của lực lượng Hải quân Việt Nam vào thời điểm đó là hoàn toàn chính đáng và phù hợp với quy định của Luật pháp quốc tế đương thời.

Mặc dù yếu hơn Hải quân Mỹ rất nhiều lần, nhưng điều đó không ngăn cản được cách đáp trả mạnh mẽ và đúng pháp luật của Hải quân Việt Nam anh hùng. Đó là chân lý, là lẽ sống của người Việt Nam. Người Việt Nam không sợ kẻ thù xâm lược, dù hùng mạnh đến đâu; chỉ sợ hành động của mình không tuân thủ luật pháp quốc tế, không hợp lòng người, chủ quan, khinh địch, phiêu lưu mạo hiểm, chỉ nhằm thỏa mãn cảm xúc nhất thời…

Từ sự kiện vịnh Bắc Bộ năm 1964 có thể lý giải về lập trường và phương thức ứng xử của các cơ quan quản lý và lực lượng thực thi nhiệm vụ của Việt Nam đối với những vi phạm của nhóm tàu HD 8 đang ở trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với nhiều ý kiến đánh giá rằng về lập trường và cách ứng xử của Việt Nam đối với các hoạt động của nhóm tàu HD8 thời gian gần đây là mạnh mẽ, rõ ràng, chủ động, nhưng không kém phần khôn khéo, mềm dẻo, linh hoạt; đúng với những thủ tục pháp lý mà UNCLOS 1982 đã quy định. Bởi vì, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa không phải là lãnh thổ biển của quốc gia ven biển, không phải là vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia. Quốc gia ven biển chỉ có quyền xử lý mọi vi phạm thông qua hoạt động của các lực lượng chấp pháp trên biển và phải được xét xử thông qua các cơ quan tài phán theo đúng thủ tục pháp lý đã được UNCLOS 1982 quy định rất chặt chẽ.

Thứ 2: Đối với ý kiến, trước những hoạt động phi pháp của nhóm tàu HD8, không thấy biểu tình, bạo động của dân chúng, phải chăng là người dân đã quay lưng lại với chính quyền, thờ ơ với vận nước?

Đây cũng là một thực tế đáng được lý giải một cách thật sự cầu thị, nghiêm túc, khách quan. Theo nhìn nhận của tôi, đúng là hiện nay, có một thực tế đáng lo ngại là tệ nạn tham ô, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, trình độ yếu kém trong quản lý kinh tế xã hội…của nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả những cán bộ lãnh đạo các cấp, đã làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; thậm chí có hiện tượng người dân thờ ơ, không quan tâm đến chính sự quốc gia, chỉ vì miếng cơm manh áo thường nhật…Chính vì vậy mới xuất hiện “người đốt lò vĩ đại”, mới có phong trào học tập, làm theo “tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”…

Tuy nhiên, thực trạng nói trên có khả năng dập tắt ngọn lửa yêu nước, thương nòi luôn luôn rực sáng trong mỗi con dân Đất Việt hay không lại là một chuyện hoàn toàn khác. Lịch sử trường tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam đã chứng minh rằng người Việt Nam chưa bao giờ chịu khuất phục trước bất kỳ kẻ nào dám xâm phạm đến sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Họ chưa bao giờ thờ ơ, quay lưng lại với vận nước lâm nguy bởi thù trong giặc ngoài. Đó là đạo lý, nhân cách là truyền thống vẻ vang, sáng ngời của người Việt Nam mà không một thế lực nào có thể phủ nhận hoặc cố tình xúc phạm. Vì vậy, thật là sai lầm khi khẳng định rằng trong thời gian xẩy ra sự kiện bãi Tư Chính, nhân dân Việt Nam đã tỏ ra thờ ơ, không quan tâm đến quốc gia đại sự, thậm chí đã quay lưng lại với chính quyền, hành xử theo triết lý sống tiêu cực “mặc kệ nó”. Sở dĩ người dân không biểu tình, bạo động, không manh động phá phách các cơ sở sản xuất kinh doanh liên quan đến người Trung Quốc như thời gian trước đây, theo tôi, có thể thấy rằng sự lên tiếng của người dân đã có chuyển biến tích cực, từ phong trào mang tính “tự phát” sang “tự giác”. Đó là thành công của công tác tuyên truyền giáo dục của Việt Nam và đặc biệt là sự chủ động trong định hướng đấu tranh trên tất cả các mặt trận khi xảy ra các hoạt động của nhóm tàu khảo sát HD 8 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Không ai có thể xuyên tạc và phủ nhận một sự thật là lập trường và cách hành xử của lãnh đạo đất nước, của các cơ quan quản lý nhà nước, các lực lượng chấp pháp Việt Nam trong thời gian qua là rất kiên quyết, đúng mức cần thiết, rõ ràng, chính xác; nhưng không kém phần khôn khéo, mềm dẻo, linh hoạt đúng như nhận định của nhiều học giả quốc tế và bà con Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài. Đặc biệt, lập trường và cách ứng xử đó đã được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam thể hiện một cách chủ động và đúng lúc tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 tại Bangkok, với nội dung tuyên bố không thể có điều gì phải bàn cãi.

Nội dung tuyên bố nói trên cho thấy lập trường pháp lý và chủ trương chính trị của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, rõ ràng, thể hiện thiện chí của một quốc gia thành viên có trách nhiệm của UNCLOS1982.

Cho đến nay, dư luận đồng tình và đánh giá cao những biện pháp đấu tranh ngoại giao và phương thức ứng xử trên thực tế của các lượng chấp pháp của Việt Nam khi phát hiện những hoạt động phi pháp của nhóm tàu HD 8.

Căn cứ vào tính chất, mức độ và phạm vi xẩy ra vi phạm và xuất phát từ thiện chí, tinh thần trách nhiệm của Việt Nam trước Cộng đồng khu vực và quốc tế, Cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam đã cân nhắc một cách thận trọng trước khi áp dụng những hình thức đấu tranh chính trị, pháp lý, truyền thông thích hợp, khá mạnh mẽ và đúng thủ tục pháp lý hiện hành. Nội dung các văn kiện ngoại giao theo chúng tôi cũng đã phản ánh đầy đủ lập trường nói trên của Việt Nam. Tuy nhiên, có thể vì lý do nào đó, chúng không nhất thiết phải được công bố công khai. Đó là một thực tế thông thường trong cách ứng xử giữa các quốc gia trong quan hệ quốc tế. Dù công bố hay không, giá trị pháp lý vẫn không thay đổi.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho biết: “Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam”.

Sau khi đã công khai yêu cầu Trung Quốc rút các tàu vi phạm tại vùng biển của mình, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục vi phạm thì Việt Nam nên sử dụng hình thức đấu tranh cao hơn. Trước hết, Việt Nam nên xúc tiến việc thu thập hồ sơ, bằng chứng có liên quan đến các vi phạm của Trung Quốc, như tọa độ nơi xảy ra vi phạm, các bằng chứng về việc thăm dò, nghiên cứu, các hoạt động gây hấn của các tàu vũ trang Trung Quốc… để lập hồ sơ pháp lý cho những bước đấu tranh ngoại giao, pháp lý tiếp theo. Việt Nam có thể gửi lên các tổ chức liên quan của Liên Hợp Quốc, đưa vụ việc ra các Cơ quan Tài phán Quốc tế. Trên thực địa, các lực lượng chấp pháp cần cảnh giác, kiềm chế, hành xử theo đúng thủ tục pháp lý hiện hành; không mắc bẫy khiêu khích để họ kiếm cớ gây đụng độ vũ trang, gây bất ổn, làm ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác dầu khí hợp pháp của Việt Nam. Tuy nhiên, điều này không hạn chế các lực lượng chấp pháp trên biển thực thi quyền tự vệ chính đáng của mình trong trường hợp bị tấn công trước, nhất là đối phương đã gây rối, phá hoại sự an toàn đối với các giàn khoan dầu. Hy vọng rằng các lực lượng chấp pháp của Việt Nam không buộc phải sử dụng quyền tự vệ chính đáng.

RELATED ARTICLES

Tin mới