Saturday, November 2, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNgoại trưởng Nhật Bản quan ngại về tình hình nghiêm trọng ở...

Ngoại trưởng Nhật Bản quan ngại về tình hình nghiêm trọng ở Biển Đông

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono (27/8) cho biết Biển Đông là tuyến đường biển quan trọng đối với Nhật Bản và nhiều quốc gia khác, nó liên quan trực tiếp tới sự ổn định và hòa bình của khu vực; khẳng định phản đối bất cứ hành động nào làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.

Theo đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết, “Biển Đông là tuyến đường biển quan trọng đối với Nhật Bản và nhiều quốc gia khác, và có liên quan trực tiếp tới sự ổn định và hòa bình của khu vực. Cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản, quan tâm sâu sắc tới tình hình trên Biển Đông. Nhật Bản phản đối bất cứ hành động của nước nào làm gia tăng căng thẳng trong vùng biển này”. Ông Taro Kono cũng cho rằng “cộng đồng quốc tế cần phản đối bất cứ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và bất cứ hành động nghiêm trọng mang tính cưỡng ép của bất cứ quốc gia nào; đồng thời đề nghị tất cả các bên liên quan cần phi quân sự hóa các cơ sở hoặc thực thể trên Biển Đông, và bất cứ tranh chấp nào cũng cần phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS)”; nhấn manh “chúng ta cần tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và bất cứ nơi nào khác”.

Trước đó, Trong cuộc họp giữa Ngoại trưởng của Nhật Bản và các nước ASEAN (1/8), hai bên nhấn mạnh các bên cùng chia sẻ lo ngại về tình hình Biển Đông. Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đánh giá tình hình Biển Đông “đang xấu đi qua từng năm” và Nhật Bản chia sẻ những lo ngại của ASEAN; đề nghị các bên liên quan cần đảm bảo tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp, kêu gọi phi quân sự hóa vùng biển trong khu vực; khẳng định Tokyo muốn cùng hiệp hội khu vực thúc đẩy một tầm nhìn khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở, dựa trên luật pháp. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng của Nhật Bản Kono và Ngoại trưởng các nước ASEAN cũng thống nhất duy trì lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên. Ông Kono cũng mong muốn ASEAN tăng cường hợp tác thúc đẩy đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên. Tuy nhiên, trong cuộc họp với các nước ASEAN, Ngoại trưởng của Nhật Bản không chỉ đích danh Trung Quốc khi nhắc đến nguyên nhân làm tình hình Biển Đông ngày càng xấu đi. Giới truyền thông nhận định, đây có thể là thông điệp mới của Nhật Bản muốn gửi tới Trung Quốc. Theo đó, Nhật Bản sẽ hạn chế tối đa lên án, chỉ trích các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, Hoa Đông nhằm cải thiện quan hệ song phương. Tuy nhiên, Trung Quốc cần phải đảm bảo rằng không xâm phạm lợi ích cốt lõi, cũng như an ninh quốc gia của Nhật Bản.

Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã, đang tích cực đóng góp vào việc bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và thúc đẩy giải quyết hòa bình, theo luật quốc tế các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Việc Nhật Bản tăng cường các biện pháp đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực là do Tokyo có lợi ích thiết thực, mang tính sống còn ở Biển Đông. Nhật Bản là một nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và có vùng biển giáp với Biển Đông, vì vậy sự ổn định về môi trường chính trị, an ninh và quốc phòng trong khu vực Biển Đông có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp đến sự ổn định và phát triển kinh tế của Nhật Bản. Lãnh đạo Nhật đã nhiều lần nhấn mạnh quyết tâm đảm bảo trật tự hòa bình không để xảy ra xung đột leo thang toàn khu vực. Một khi xung đột xảy ra ở Biển Đông, nhiều khả năng nhiều nước sẽ bị kéo vào cuộc chiến gây bất ổn toàn bộ khu vực, làm tắc nghẽn tuyến giao thông hàng hải ảnh hưởng đến môi trường an ninh và phát triển kinh tế của Nhật Bản. Nhật cho rằng tranh chấp Biển Đông hiện nay đã không còn đơn thuần là tranh chấp lãnh thổ giữa ASEAN và Trung Quốc mà đã chuyển thành vấn đề an ninh cho toàn khu vực mà Nhật Bản và Mỹ cũng như các nước khác đều phải can dự. Không những vậy, , Biển Đông có tuyến đường biển vận tải hàng hóa quan trọng bậc nhất đối với Nhật Bản; hiện có khoảng 42% hàng hóa của Nhật Bản, chủ yếu là nguyên liệu dầu mỏ, than đá, quặng… đi qua Biển Đông. Nếu tuyến đường giao thông hàng hải qua Biển Đông bị tắc nghẽn sẽ gây thiệt hại lớn đối với nền kinh tế Nhật Bản.

Kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe tái đắc cử (26/12/2012), Nhật Bản đã tích cực thể hiện vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định ở Biển Đông, góp phần thúc đẩy các nước hành xử thượng tôn pháp luật và giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông một cách hòa bình, dựa trên pháp luật. Chính phủ Nhật Bản cho rằng tự do hàng hải là quyền cơ bản khi các tàu thuyền được qua lại vô hại ở những vùng biển theo quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Nhật Bản không thay đổi quan điểm, chính sách trong việc đảm bảo tàu thuyền được quyền qua lại vô hại, không bị ngăn cản, kiểm soát ở Biển Đông; kiên quyết phản đối các hoạt động đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực; phản đối các nước sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để kiểm soát hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông; kêu gọi các nước liên quan, nhất là Trung Quốc cần giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình như đàm phán ngoại giao, hòa giải với sự trợ giúp của bên thứ ba hoặc trọng tài quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới