Việc Nga và Ấn Độ nhất trí mở tuyến đường chiến lược có 1 phần đi qua Biển Đông liệu có phải nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc trong khu vực?
Nga – Ấn Độ cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc ở Biển Đông?
Ấn Độ đang thách thức ảnh hưởng của Trung Quốc ở Biển Đông khi hợp tác với các quốc gia trong khu vực, trong đó có Nga bằng việc nhất trí xây dựng một tuyến đường biển mà một phần của tuyến đường đó sẽ đi qua Biển Đông.
Theo một biên bản ghi nhớ mà Nga và Ấn Độ – hai đồng minh an ninh truyền thống đã ký kết với nhau tại diễn đàn kinh tế khu vực tuần trước, một tuyến đường biển Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ mở rộng từ thành phố cảng Vladivostok ở vùng Viễn Đông của Nga tới Chennai nằm trên Vịnh Bengal ở phía đông Ấn Độ.
Tuyến vận chuyển này sẽ có một đoạn đi qua Biển Đông – khu vực vẫn đang “nóng” những tranh cãi về chủ quyền giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng nhiều năm qua.
Trong một tuyên bố chung được đưa ra tại diễn đàn kinh tế ở Vladivostok, Nga, ngoài hợp tác tại tuyến đường biển này, Ấn Độ và Nga cũng tăng cường các hoạt động quân sự và hợp tác trong lĩnh vực công nghệ. Quan hệ đối tác này có thể “bao gồm việc thiết lập sự hợp tác chung, cùng nhau sản xuất các thiết bị quân sự, các phụ tùng và bộ phận thay thế cũng như cải thiện hệ thống dịch vụ hậu mãi (after sales services)”.
Tuyên bố nhằm khẳng định sự hợp tác quân sự rộng rãi hơn giữa Nga và Ấn Độ được đưa ra chỉ 1 năm sau khi New Delhi đồng ý mua hệ thống tên lửa đất đối không S-400 do Moscow sản xuất.
“Điều này cho thấy sự hợp tác của Ấn Độ với Nga hiện nay đã tiến tới một giai đoạn đáng kể. Trong khi Nga đang tìm kiếm cơ hội mở rộng ảnh hưởng ở châu Á, sự hợp tác với Ấn Độ, ở một mức độ nào đó, có thể giúp Moscow đối phó với ảnh hưởng của Bắc Kinh tại khu vực này”, chuyên gia Hu Zhiyong tại Viện Quan hệ Quốc tế thuốc Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải nhận định.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết tuyến đường biển sắp mở phù hợp với chính sách “Hành động phương Đông” của nước này nhằm làm sâu sắc mối quan hệ về kinh tế và chính trị giữa New Delhi với các quốc gia Đông Nam Á.
Với hơn 55% hoạt động thương mại đi qua Biển Đông – tuyến đường biển quan trọng ở châu Á và Eo biển Malacca, Ấn Độ – nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới và lớn thứ 3 châu Á phải đối mặt với những đe dọa chiến lược ở Biển Đông khi những tranh chấp lãnh thổ trong khu vực này vẫn chưa được giải quyết.
Trung Quốc, với những tuyên bố chủ quyền phi lý đã bác bỏ việc các đối tác bên ngoài khai thác dầu và nguồn dự trữ khí tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Nước này cũng triển khai các tàu phi quân sự nhằm làm gián đoạn hoạt động khai thác dầu khí nước ngoài trong khu vực.
Căng thẳng khu vực leo thang ở Biển Đông khi gần đây, nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc đã có các hoạt động vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.
Các nhà phân tích cho biết động thái này có thể là một phần nỗ lực của Bắc Kinh nhằm ngăn cản các hoạt động khai thác dầu khí chung giữa Việt Nam và công ty năng lượng Rosneft của Nga.
“New Delhi lo ngại về động thái mới và các tuyên bố lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông”, học giả Rajeev Ranjan Chaturvedy tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore đánh giá.
“Những lợi ích ngày càng tăng của Ấn Độ tại Biển Đông cũng thể hiện qua sự nhận thức của New Delhi trên tất cả các lĩnh vực về lợi ích hàng hải và sự theo dõi sát sao những diễn biến khu vực có thể ảnh hưởng tới lợi ích của quốc gia này”, chuyên gia Chaturvedy cho biết thêm.
Sự hợp tác “định mệnh” Nga – Ấn Độ
Ngày 5/9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã khẳng định rằng: Nga và Ấn Độ sẽ bắt đầu một kỷ nguyên hợp tác mới tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương nhằm khiến khu vực này “cởi mở và tự do” giữa bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động quân sự ở khu vực chiến lược này.
Sau Hội nghị Thượng đỉnh thường niên giữa Ấn Độ và Nga vừa diễn ra ở Vladivostok tuần qua, các nhà quan sát đặt ra những câu hỏi về các lợi ích sâu sa đằng sau sự hợp tác của 2 quốc gia này.
Nga và Ấn Độ đã, đang và sẽ có nhiều lý do để tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa với nhau.
Trước tiên, rõ ràng cả Nga và Ấn Độ đều nhận thấy hai bên dường như xảy ra rất ít các vấn đề chính trị. Gần đây, Bộ trưởng Các vấn đề Đối ngoại của Ấn Độ S. Jaishankar đã chỉ ra rằng quan hệ Nga – Ấn vẫn là một nhân tố tương đối ổn định trong quan hệ quốc tế kể từ Chiến tranh Lạnh.
Thứ hai, 2 nước này cũng đang tăng cường hợp tác kinh tế chặt chẽ với nhau, điển hình là việc gần đây Thủ tướng Narendra Modi đã tham gia Diễn đàn Kinh tế phương Đông như một khách mời chính nhằm thúc đẩy sự đầu tư của các doanh nghiệp Ấn Độ vào vùng Viễn Đông của Nga. Là một phần trong hiệp định hợp tác, Ấn Độ hứa sẽ cung cấp cho Nga một khoản vay “chưa từng có tiền lệ” lên tới 1 tỷ USD nhằm phát triển vùng viễn đông giàu tài nguyên của nước này.
Thứ ba và cũng là quan trọng nhất, thực tế cho thấy cả Ấn Độ và Nga đều có lợi ích chung trong việc giảm sự phụ thuộc và Mỹ và Trung Quốc đối với những vấn đề có tầm quan trọng trong khu vực. Trong khi Ấn Độ đang bị Mỹ “lôi kéo” nhằm tăng cường quan hệ đối tác quân sự qua nhiều sáng kiến khác nhau, chẳng hạn như Quad thì sự gắn kết chiến lược gần đây của Nga với Trung Quốc cũng không đảm bảo sẽ dài lâu.
Vì vậy hợp tác Nga – Ấn giống như một kết quả đã được định trước. Cả New Delhi và Moscow đều có thể có những lợi ích lớn từ sự hợp tác này trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh gia tăng căng thẳng địa chính trị ở “mặt trận châu Á”. Trong khi Trung Quốc không có dấu hiệu gì sẽ giảm sự hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương thì Mỹ vẫn tiếp tục kêu gọi các quốc gia “cùng chí hướng” theo dõi các động thái của Bắc Kinh.
Cũng tại khu vực này, Nga và Ấn Độ đều có một chiến lược riêng để thực hiện những toan tính của mình. Nếu như New Delhi muốn tránh tác động của sự đối đầu địa chính trị Mỹ-Trung thì Moscow ấp ủ một chiến lược “hấp dẫn” dưới hình thức của Diễn đàn Kinh tế phương Đông nhằm xây dựng mối quan hệ chiến lược với các nước châu Á để hạn chế sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang tìm cách đa dạng hóa các sự lựa chọn ngoài việc tham gia vào sáng kiến của Mỹ, đồng thời ưu tiên hướng tiếp cận dựa trên đánh giá về nhiều bên liên quan. Điều này cũng được Nga thực hiện để phù hợp với các lợi ích của mình bởi Moscow hiểu rằng tốt hơn là không nên “đặt tất cả trứng vào giỏ” của Trung Quốc. Nga đang xem xét đến việc mở rộng quan hệ với các nước châu Á khác như Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia thay vì chỉ dựa vào Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến Viễn Đông, Trung Á và châu Á nói chung.
Sự hợp tác của Ấn Độ và Nga đã phản ánh những thực tế địa chính trị mới trong môi trường quốc tế đa cực và đa lợi ích. Tuy nhiên, giữa bối cảnh đối đầu Mỹ – Trung vẫn chưa “hạ nhiệt”, Nga – Ấn sẽ cần hành động nhiều hơn để duy trì sự hợp tác này một cách lâu dài và thực tế. Mối quan hệ này, nếu có thể được thúc đẩy ngày càng chặt chẽ hơn thì nó không chỉ nâng quan hệ song phương giữa hai nước lên một mức độ mới mà còn đem đến những kỳ vọng về việc các vấn đề trong khu vực sẽ được giải quyết hiệu quả.