Tuesday, April 23, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNợ TQ chồng chất, Pakistan “hãm phanh” dự án Vành đai và...

Nợ TQ chồng chất, Pakistan “hãm phanh” dự án Vành đai và Con đường

Khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài và nỗ lực cân bằng mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, Pakistan đang phải trì hoãn tiến độ các dự án Vành đai Con đường tỷ đô của Bắc Kinh.

Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) được khởi động từ năm 2014 nhằm xây dựng mối liên kết giữa Khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc với thành phố cảng Gwadar ở phía nam Pakistan. Tổng giá trị của dự án ước tính khoảng 60 tỷ USD.

Theo Hassan Daud Butt, giám đốc dự án CPEC của chính phủ Pakistan, nhiều dự án trong Giai đoạn 1, bao gồm các dự án nâng cấp cảng Gwadar, nhà máy điện và đường bộ vẫn chưa hoàn thành, mặc dù chính quyền tiền nhiệm đã đưa ra hạn chót là năm 2018.

Ngoài ra, các dự án trong Giai đoạn 2, bao gồm xây dựng các đặc khu kinh tế và các khu công nghiệp, cũng không có tiến triển. Trong khi đó, thời hạn đề ra theo kế hoạch ban đầu để các đặc khu này đi vào hoạt động là năm 2020.

Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại gần đây với Nikkei Asian Review, ông Butt không đề cập lý do dẫn tới sự chậm trễ của các dự án. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định chính quyền Pakistan đang theo đuổi cách tiếp cận chậm chạp đối với các dự án trong khuôn khổ Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan.

“Không thể có bất kỳ tiến triển nào với Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc biết rằng CPEC đang bị trì hoãn ở thời điểm hiện tại. Mỹ không muốn thấy tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tăng lên… do vậy, việc kiểm soát nền kinh tế của chúng ta đang nằm trong tay Mỹ và các thể chế có liên quan tới Mỹ như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới”, Kaiser Bengali, nhà kinh tế học và là cựu cố vấn chính sách cho chính quyền tỉnh Sindh (Pakistan), nhận định.

Theo Nikkei, Pakistan đã bỏ hết hầu hết trứng vào một giỏ Trung Quốc. Đầu tư của Trung Quốc vào CPEC đã dẫn tới việc nhập khẩu đáng kể các trang thiết bị và nguyên vật liệu từ Trung Quốc, làm tăng thâm hụt và nợ nước ngoài của Pakistan.

Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được công bố hồi tháng 7, tổng nợ công nước ngoài của Pakistan ở mức 85,7 tỷ USD hồi tháng 3 và 1/4 trong số này là nợ Trung Quốc. Trong khi đó, dựa trên mức tính toán lớn hơn, Ngân hàng nhà nước Pakistan xác định tổng số nợ công của nước này khoảng 106 tỷ USD.

Nhập khẩu và nợ công tăng cao khiến dự trữ ngoại hối của Pakistan sụt giảm đáng kể từ năm ngoái. Theo Ngân hàng nhà nước Pakistan, nước này đã vay nước ngoài 16 tỷ USD trong năm tài khóa 2018-2019 để tránh cạn kiệt dự trữ ngoại hối, trong đó 42%, tương đương 6,7 tỷ USD, là vay của Trung Quốc. Ngoài ra, chính quyền Pakistan cũng tìm cách tiếp cận IMF và được phê chuẩn khoản vay 6 tỷ USD hồi tháng 7.

Các khoản nợ khổng lồ buộc Pakistan phải giảm tốc độ thực hiện các dự án mới. Một ví dụ là dự án hiện đại hóa đường sắt Mainline-1 trị giá 8,5 tỷ USD. Đây là dự án thuộc Giai đoạn 1 của CPEC.

Nợ Trung Quốc chồng chất, Pakistan “hãm phanh” dự án Vành đai và Con đường - 2

 

Ayesha Siddiqa, nhà bình luận chính trị và là nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi thuộc Đại học London, chỉ ra một yếu tố khác phía sau chính sách triển khai dự án chậm chạp của chính quyền Pakistan, đó là lực lượng quân sự của nước này.

“Ngày càng nhiều bài viết được công bố chỉ trích CPEC. Hai năm trước đây, không tờ báo nào dám đăng bất kỳ bài viết nào chỉ trích CPEC như vậy”, bà Siddiqa cho biết.

Quân đội Pakistan từ lâu đã được xem là lực lượng có vai trò ngang bằng với chính quyền trong việc hoạch định chính sách tại nước này.

“Việc bật đèn xanh (cho các bài viết chỉ trích CPEC) là vì quân đội muốn làm chậm lại các dự án này”, bà Siddiqa cho biết thêm.

Công chúng Pakistan cũng ngày càng hoài nghi và công khai phản đối các dự án CPEC.

“Vấn đề này cần được lưu ý. Cộng đồng doanh nghiệp Pakistan chưa được tham gia đầy đủ vào các dự án chung với các nhà đầu tư Trung Quốc”, một doanh nhân cho biết.

“CPEC mang lại lợi ích cho Pakistan vì chúng ta cần đầu tư cho sự phát triển kinh tế và sự ổn định. Nhưng để so sánh, tôi nghĩ Trung Quốc hưởng lợi nhiều hơn Pakistan”, Tashfeen Farooqi, một người nội trợ ở thành phố Karachi, nhận định.

Shahbaz Rana, nhà báo tài chính Shahbaz ở thủ đô Islamabad, cũng đồng tình với quan điểm trên.

“Mặc dù các nút thắt về năng lượng của Pakistan đã được tháo gỡ nhờ các dự án điện của CPEC nhưng về lâu dài, Trung Quốc vẫn được hưởng nhiều lợi ích hơn so với Pakistan”, ông Rana cho biết.

Tình trạng bạo lực nhằm vào các công nhân Trung Quốc ở Pakistan, chẳng hạn cuộc tấn công gần đây do lực lượng nổi dậy Baloch tiến hành nhằm vào một khách sạn hạng sang ở Gwadar, cũng làm dấy lên tranh cãi về khả năng thành công của CPEC.

Trong khi đó, các chuyên gia nhận định quyết tâm rút quân khỏi Afghanistan của Tổng thống Mỹ Donald Trump là cơ hội để Pakistan cải thiện mối quan hệ với Washington. Vì Mỹ phản đối CPEC, nên Pakistan dường như đã đồng ý thực hiện một số điều chỉnh nhất định để xoa dịu lo ngại của Washington.

“Pakistan về cơ bản đang cố gắng cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ”, Kamran Yousaf, phóng viên phụ trách đối ngoại tại Islamabad, nhận định.

RELATED ARTICLES

Tin mới