Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaẤn Độ - Malaysia: Diễn tập hàng hải, tăng cường năng lực...

Ấn Độ – Malaysia: Diễn tập hàng hải, tăng cường năng lực tác chiến trên Biển Đông

Hải quân Ấn Độ và Hải quân Hoàng gia Malaysia (12-16/9) đã tổ chức diễn tập hải quân ở Biển Đông, nhằm tăng cường năng lực tác chiến trên biển và giao lưu phối hợp giữa hải quân hai nước.

Theo đó, Hải quân Ấn Độ đã điều khu trục hạm tàng hình INS Sahyadri và hộ vệ hạm săn ngầm INS Kiltan tham gia diễn tập với tàu tuần tra KD Kelantan của Hải quân Hoàng gia Malaysia. Cuộc tập trận trên diễn ra từ 12-16/9; khu vực tập trận nằm ở Biển Đông, gần cảng Kota Kinabalu của Malaysia và sẽ tập trung vào vấn đề an ninh hàng hải. Được biết, đây là sự kiện thường kỳ diễn ra mỗi hai năm giữa lực lượng hải quân hai nước. 

Chỉ huy Lực lượng Tàu ngầm Malaysia, Đô đốc Baharudin bin Wan Md No khẳng định cuộc diễn tập 2019 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác quốc phòng Ấn Độ – Malaysia; nhấn mạnh hai nước đều chia sẻ “một sự cam kết và niềm tin không gì lay chuyển được vào hòa bình, ổn định khu vực, tôn trọng luật pháp quốc tế”, khẳng định “nếu có bất kỳ diễn biến tiêu cực nào xảy ra, các lực lượng quân sự đều có thể hoạt động hiệu quả”. 

Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ thời thủ tướng Narenda Modi, vai trò của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông ngày càng được đề cao. Trên cơ sở chính sách “Hành động hướng Đông” (AEP) và sáng kiến chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Ấn Độ đã từng bước tăng cường can dự vào vấn đề Biển Đông đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia khu vực trong lĩnh vực hàng hải. Mặc dù còn tồn tại những hạn chế trong cách tiếp cận, sự can dự của Ấn Độ góp phần làm đa dạng hóa lựa chọn hợp tác cho các quốc gia yêu sách nhỏ ở khu vực trong vấn đề Biển Đông.

Nền kinh tế Ấn Độ có mối liên kết chặt chẽ với khu vực. Biển Đông là vùng biển nửa kín và là đường kết nối tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trên 55% hoạt động thương mại Ấn Độ đi qua vùng biển này. Mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Ấn Độ và các quốc gia ASEAN ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đối với AEP, mối quan hệ giữa Ấn Độ và các quốc gia ASEAN đóng vai trò như chất xúc tác và là động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Thương mại song phương đã tăng từ 2,4 tỉ USD năm 1990 lên tới 58,6 tỉ USD năm 2015, chiếm khoảng 2,6 % tổng kim ngạch thương mại của ASEAN, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của ASEAN. Bên cạnh lợi ích giao thương biển, lợi ích của Ấn Độ còn được thể hiện qua hoạt động khai thác tài nguyên dầu khí, đặc biệt là với Việt Nam. Ấn Độ đã tiến hành các dự án khai thác chung năng lượng xa bờ ở Biển Đông với Việt Nam từ cuối thập niên 80. Tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước ONGC Videsh Limited (OVL) đã hợp tác với PetroVietnam và British Petroleum, bắt đầu khai thác ở Biển Đông vào năm 1992 và 1993, phát hiện được mỏ khí Lan Đỏ và Lan Tây, ước tính có trữ lượng khoảng 58 tỉ mét khối, và có thể khai thác khoảng 3 tỉ mét khối khí đốt một năm. Hiện tại, hai nước đang tiếp tục các dự án khai thác tài nguyên dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam khi quyết định gia hạn hợp đồng khai thác dầu khí ở Biển Đông. Việt Nam đã gia hạn quyền khai thác dầu khí giữa Petrovietnam và công ty ONGC Videsh của Ấn Độ tại lô 128 ở Biển Đông thêm 2 năm và cho phép khai thác ở một lô khác.

Khi lợi ích kinh tế ở khu vực ngày càng mở rộng, các hoạt động an ninh của Ấn Độ ở Biển Đông buộc phải bắt kịp để bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình tại đây. Mục tiêu về an ninh của Ấn Độ là duy trì một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, tự do hàng hải, hàng không, thương mại không bị cản trở. Điều này được các quan chức cấp cao Ấn Độ liên tục khẳng định tại các diễn đàn song phương, đa phương, tuyên bố song phương cũng như trong Thông cáo báo chí của Ấn Độ về Phán quyết Tòa Trọng tài về Biển Đông. Thông cáo khẳng định:“Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, thương mại không bị cản trở, dựa trên các nguyên tắc luật quốc tế như đã được nêu trong UNCLOS….Giao thương đường biển qua Biển Đông là điều thiết yếu đối với hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển. Là Bên tham gia UNCLOS, Ấn Độ kêu gọi tất cả các bên thể hiện tinh thần tuân thủ tuyệt đối UNCLOS, Công ước thiết lập nên trật tự pháp lý quốc tế cho các vùng biển và đại dương”.

Trên khía cạnh cạnh tranh địa chiến lược, trong tính toán của Ấn Độ, Ấn Độ Dương và Biển Đông có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca (một số đảo của Ấn Độ chỉ cách eo biển Malacca khoảng 145km). Do đó, việc Biển Đông nằm dưới sự kiểm soát của bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ gây ra những mối lo ngại lớn cho Ấn Độ.

Để đảm bảo những lợi ích của mình tại Biển Đông, mục tiêu bao trùm của Ấn Độ là tự do hàng hải và hàng không, giao thương không bị cản trở; giải quyết hòa bình tranh chấp, phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, duy trì hòa bình, ổn định khu vực; và Tôn trọng luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).

Hướng tới mục tiêu này, Ấn Độ trước mắt sẽ muốn ngăn chặn sự hung hăng cũng như những hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông của Trung Quốc. Mối quan ngại này chủ yếu xuất phát từ việc Trung Quốc gia tăng hành vi cải tạo đảo cũng như hoạt động tuần tra trên biển ngày càng quyết đoán. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng hy vọng Mỹ và các đồng minh Đông Á sử dụng đến những chiến lược quân sự ôn hòa hơn trong việc đối đầu với Trung Quốc. Đây có lẽ là lý do Ấn Độ không tham gia hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ, tập trận song phương, đa phương có sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông. Ấn Độ mong muốn tất cả các bên giải quyết hòa bình tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế, tuân thủ DOC, tiến tới hoàn thành COC mang tính ràng buộc pháp lý. Trong trung và dài hạn, Ấn Độ hợp tác tăng cường khả năng hoạt động trên biển cho các nước Đông Nam Á để cân bằng sức mạnh, tăng cường hiện diện và phát biểu tại các diễn đàn đa phương khu vực, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với ba quốc gia chủ chốt là Mỹ, Nhật Bản và Australia. Điều này sẽ giúp Ấn Độ phục vụ mục tiêu lớn hơn là tạo sự ổn định, cân bằng ở Biển Đông nói riêng và hệ thống chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương nói chung. Đối với khu vực, trên cơ sở chính sách “Hành động hướng Đông”, Ấn Độ chủ động tăng cường các mối quan hệ hợp tác về kinh tế, chính trị, quốc phòng; tham gia các cơ chế đa phương khu vực.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích ở Biển Đông, các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ cũng tính đến các yếu tố quan trọng khác liên quan đến nhân tố Trung Quốc như vị trí địa lý (có đường biên giới chung gần 3.500km), mối quan hệ thương mại (Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của Ấn Độ) cũng như truyền thống trong chính sách đối ngoại (độc lập, không liên minh, liên kết). Vì vậy, cách tiếp cận của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông tương đối mềm mỏng, gián tiếp, tránh đối đầu trực diện với Trung Quốc. Theo đó, trên cơ sở AEP, Ấn Độ chủ yếu phối hợp, hợp tác với các quốc gia khu vực, đặc biệt là với Việt Nam, Indonesia, tích cực nêu vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn song phương và đa phương. Lĩnh vực hợp tác chính là nâng cao năng lực biển, tăng cường năng lực cho các quốc gia, tuần tra chung, tập trận chung (ở các khu vực khác như eo biển Malaccar), phối hợp phát biểu trên các diễn đàn đa phương, và các dự án kết nối cơ sở hạ tầng.

Đáng chú ý, những năm gần đây, mối quan hệ hợp tác trên biển giữa Ấn Độ và Malaysia vẫn đang được thúc đẩy, dù không nổi bật như với Việt Nam hay Indonesia. Vào tháng 7/2016, trong chuyến thăm Ấn Độ của Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Malaysia, hai bên đã quyết định tăng cường mở rộng hợp tác biển giữa Ấn Độ và Malaysia. Một năm sau, trong chuyến thăm của Thủ tướng khi đó là ông Najib Razak tới Ấn Độ, Công ty phát triển Cảng Adani và Đặc khu kinh tế (APSEZ) đã đề xuất hợp tác với đối tác Malaysia phát triển cảng Carey gần Kuala Lumpur. Trong khi đó, hải quân Ấn Độ vẫn đều đặn thực hiện các chuyến viếng thăm tàu quân sự tới Malaysia. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nazia tới Ấn Độ hồi tháng 4/2017, Thủ tướng Ấn Độ đã tái khẳng định mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước trên các lĩnh vực: huấn luyện và nâng cao năng lực; bảo dưỡng trang thiết bị quân sự; an ninh biển; đối phó với thảm họa thiên nhiên. Không những vậy, trong chuyến thăm, Ấn Độ và Malaysia cũng ra tuyên bố chung kêu gọi các nước giải quyết tranh chấp Biển Đông với sự kiềm chế khi tiến hành các hoạt động và tránh các hành động đơn phương có thể làm tăng căng thẳng. Hai nước cũng đề nghị các bên tranh chấp không đi đến việc đưa ra những lời đe dọa; nhấn mạnh các bên cần phải thể hiện sự tôn trọng cao nhất đối với UNCLOS.

RELATED ARTICLES

Tin mới