Friday, April 19, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiDựa thế TQ để phá vòng kiềm tỏa, Iran cần thận trọng...

Dựa thế TQ để phá vòng kiềm tỏa, Iran cần thận trọng trước mối họa khó lường: “Chơi dao có ngày đứt tay”?

Thắt chặt mối quan hệ với Trung Quốc đồng nghĩa với việc Iran sẽ khép lại cánh cửa với phương Tây và buộc phải tham gia lâu dài những chương trình mang lại lợi ích của Trung Quốc.

Đối tác chiến lược

Khi đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế lớn gây ra bởi cấm vận của Mỹ, Iran sẽ sớm phải thay đổi chính sách và bắt tay với Trung Quốc nhiều hơn trên nhiều lĩnh vực. Gần đây, Iran đã bổ sung thêm một số điều trong hiệp ước đối tác chiến lược 25 năm kí kết với Bắc Kinh vào năm 2016. Có thể thấy, Tehran đã thực sự quay trở lại chính sách Hướng Đông của nước này.

Được coi là một quốc gia then chốt trong sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc, Iran đã được Bắc Kinh tín nhiệm vì vị trí chiến lược và nguồn năng lượng dồi dào. Nhưng khi cấm vận kinh tế tại Iran được gỡ bỏ nhờ vào thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) vào năm 2015, Iran lại mong muốn hợp tác kinh tế toàn cầu hơn là chỉ với Trung Quốc.

Thay vì theo đuổi chính sách đối ngoại hướng đông vào thời điểm đó, Tehran duy trì thế cân bằng giữa các chương trình hợp tác. Tuy nhiên, từ sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào tháng 5/2018, châu Âu gặp nhiều khó khăn trong việc đàm phán với Iran. Tháng trước, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị để bổ sung một số điều trong thỏa thuận hợp tác toàn diện 25 năm giữa hai nước.

Không ai nắm rõ chi tiết về những khoản hợp tác và thông tin này cũng không được công khai trước công chúng. Trung Quốc cũng chưa từng công bố toàn bộ các điều khoản của thỏa thuận Vành đai Con đường với các quốc gia khác.

Tuy nhiên, theo các báo cáo mới, những khoản đầu tư ban đầu sẽ được thực hiện trong 5 năm đầu với 280 tỉ USD được đổ vào các ngành hóa dầu của Iran và 120 tỉ USD khác được đầu tư cho cải tiến giao thông vận tải và cơ sở sản xuất, lọc dầu. Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu dầu của Iran – với mức giá ưu đãi – và sẽ giúp phát triển cảng Chabahar của Iran.

Với kế hoạch thúc đẩy giao dịch thương mại song phương đạt 600 tỉ USD trong khoảng thời gian 10 năm, Bắc Kinh sẽ tăng cường đầu tư vào những ngành then chốt cho kinh tế Iran như năng lượng và giao thông.

Trung Quốc đã có sự hiện diện rõ rệt tại Iran, cung cấp khoản vay trị giá 10 tỉ USD cho các công ty Trung Quốc để thực hiện các dự án, bao gồm cơ sở hạ tầng đường sắt, các con đập, nhà máy điện. Một số dự án đã hoàn thành hoặc đang trong giai đoạn thi công.

Bằng việc tham gia phát triển ba dự án năng lượng lớn nhất Iran, Trung Quốc đã thay thế vai trò của các hãng năng lượng phương Tây tại Iran.

Mua dầu mỏ và khí đốt với mức giá ưu đãi bằng đồng Nhân dân tệ (NDT) và các loại tiền tệ khác, Trung Quốc cũng được hoãn thanh toán tới 2 năm. Theo tỉ giá quy đổi hiện tại, Trung Quốc có thể được giảm tới 32% khi mua sản phẩm của Iran. Các công ty Trung Quốc cũng sẽ được ưu tiên trong mọi dự án hóa dầu, dù là về mặt công nghệ, hệ thống hay nhân sự.

“Đặc biệt hơn cả, thỏa thuận cũng cho phép 5.000 nhân viên an ninh Trung Quốc tới Iran để bảo vệ các dự án của Trung Quốc. Ngoài ra, có thể sẽ có thêm nhân sự và nguyên liệu để đảm bảo hoạt động vận chuyển dầu, khí đốt và nguồn cung cấp hóa chất từ Iran tới Trung Quốc ở bất kì nơi nào cần thiết, bao gồm thông qua Vịnh Ba Tư,” một nguồn tin Iran tiết lộ cho tạp chí Petroleum Economist.

Theo sáng kiến Vành đai Con đường, thành phố Tabriz sẽ trở thành một điểm quan trọng nối tiếp các tuyến đường cung cấp dầu mỏ và kết nối thành phố Urumqi ở Tân Cương (Trung Quốc) tới Tehran.

Lợi và hại

Tờ Al-Monitor cho rằng, có những điểm lợi thế và bất lợi đối với Iran khi hợp tác cùng Trung Quốc.

Đầu tiên, có thể thấy lợi ích rõ ràng nhất là Iran sẽ có ít nhất 2 phiếu trong số 5 phiếu của thành viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để thoát khỏi lệnh cấm vận của Mỹ. Moskva vẫn ủng hộ Bắc Kinh trong mối quan hệ đối tác chiến lược này.

Thứ hai, Iran có thể tăng cường sản xuất dầu mỏ và khí đốt từ ba mỏ chính và tạo ra ảnh hưởng lớn tới thị trường năng lượng thế giới. Nhờ vào những lợi ích mới, Iran có thể trở lại và “lợi hại gấp nhiều lần” trước đây.

Thứ ba, Trung Quốc có thể tăng cường nhập khẩu dầu mỏ Iran và giúp Tehran thoát khỏi khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ khó có thể bù đắp khoảng trống kinh tế mà các công ty phương Tây để lại sau khi cấm vận kinh tế bắt đầu có hiệu lực. Một số công ty dầu mỏ Trung Quốc như Sinopec và China National Petroleum đã tới Iran.

Bên cạnh đó, có một số điểm bất lợi cho Iran khi phụ thuộc vào Trung Quốc.

Đầu tiên, Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của cả Iran và khối các nước Ả Rập. Điều này sẽ khiến nền công nghiệp năng lượng ở Trung Đông phát triển mạnh bởi Ả Rập Saudi và các nước Ả Rập khác cũng đã hướng đông nhiều hơn trong thời gian gần đây. Trung Quốc và các nền kinh tế châu Á vẫn phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng từ Trung Đông trong khi Mỹ có thể tự cung cấp còn EU đang thực hiện những chính sách lớn để giảm phác thải cacbon.

Không chỉ có vậy, giao dịch giữa Trung Quốc và các nước Ả Rập đã đạt 244,3 tỉ USD vào năm 2018, trong khi các công ty Trung Quốc kí kết hợp đồng xây dựng trị giá 35.6 tỉ USD với các nước Ả Rập với nguồn đầu tư trực tiếp vào khoảng 1.2 tỉ USD. Do đó, sau khi kết thúc thỏa thuận đối tác 25 năm, Iran sẽ phải “sống chung” cùng các đối thủ Ả Rập và cả hai phía đều sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc.

Thứ hai, Trung Quốc có thể sẽ trì hoãn việc đưa Iran vào Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) cho tới khi cấm vận được dỡ bỏ bởi Bắc Kinh vẫn tuân thủ theo JCPOA.

Kể cả khi Iran vào SCO, Trung Quốc cũng sẽ phải chấp thuận cả Ả Rập Saudi và Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) giữa lúc cuộc mâu thuẫn giữa các thành viên như Ấn Độ và Pakistan đã khiến diễn đàn này gặp nhiều khó khăn.

Cuối cùng, thắt chặt mối quan hệ với Trung Quốc đồng nghĩa với việc Iran sẽ khép lại cánh cửa với phương Tây, buộc Tehran phải tham gia lâu dài trong những chương trình mang lại lợi ích của Trung Quốc.

Cam kết với Trung Quốc sẽ hạn chế năng lực thương mại của Iran trong thời gian dài. Trong khi đó, mặc dù Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Tehran, Trung Quốc vẫn có giao dịch thương mại hàng năm trị giá 650 tỉ USD với Mỹ và EU vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.

Mặc cho cấm vận của Mỹ, Trung Quốc tiếp tục mua dầu của Iran, nhưng khối lượng đã ít hơn nhiều so với năm ngoái. Vì vậy, mặc dù Tehran sẽ phải tiếp tục phụ thuộc vào Bắc Kinh, nhưng điều ngược lại sẽ không xảy ra.

Có thể thấy, chính sách Hướng Đông sẽ không dễ dàng đối với Iran. Phụ thuộc vào bất kì quốc gia nào để nhận được sự ủng hộ về an ninh và kinh tế cũng sẽ khiến Tehran suy yếu dù cho việc đó có thể giúp giải quyết những vấn đề hiện thời, tăng cường thương mại và củng cố nền kinh tế Iran. Trước khi kí kết quan hệ đối tác chiến lược 25 năm với Trung Quốc, Iran cần suy nghĩ thấu đáo hơn.

RELATED ARTICLES

Tin mới