Saturday, April 20, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTừ đàm phán COC đến vụ việc ở bãi Tư Chính, càng...

Từ đàm phán COC đến vụ việc ở bãi Tư Chính, càng lộ rõ ý đồ thôn tính Biển Đông của TQ

Trong suốt 15 năm kể từ khi ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, các nước ASEAN đã nhiều lần đề nghị Trung Quốc tiến hành đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), song Trung Quốc đều khước từ để tranh thủ củng cố chỗ đứng của họ ở Biển Đông thông qua việc chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines năm 2012, rồi tiến hành mở rộng bồi đắp các cấu trúc ở Biển Đông thành những đảo nhân tạo và bố trí tên lửa, vũ khí, trang thiết bị quân sự biến những chúng thành những đồn điền quân sự của Trung Quốc hòng khống chế Biển Đông.

 

Sau khi cơ bản hoàn tất việc quân sự hóa Biển Đông, từ năm 2017, Trung Quốc chủ động đề xuất đàm phán về COC. Thậm chí còn tỏ ra sốt sắng, muốn nhanh chóng thúc đẩy ký kết COC, đưa ra thời hạn hoàn thành đàm phán COC trong vòng 3 năm. Tháng 11/2018, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đưa ra ý kiến này trong Hội nghị ASEAN – TQ vào tháng 11/2018.

Nhiều nhà phân tích đã chỉ ra rằng trước đây Trung Quốc trì hoãn COC để “câu giờ” cho việc xây dựng đảo nhân tạo. Bây giờ công việc đó đã xong, Trung Quốc thúc đẩy việc xây dựng bộ Quy tắc ứng xử này. Phân tích về điều này, Giáo sư James Kraska, chuyên gia cao cấp về luật và chính sách biển tại Trung tâm Nghiên cứu luật quốc tế Stockton, Đại học Hải chiến Mỹ, cho rằng Trung Quốc đã trì hoãn tiến trình đàm phán COC để xây dựng lực lượng; “Bắc Kinh xem COC như một chiến thuật câu giờ, kéo dài thời gian đàm phán ròng rã 17 năm qua. Trong ngần ấy thời gian, Trung Quốc xây dựng kiên cố vị thế lẫn sức mạnh”.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc hôm 31/7/2018 ở Bangkok, Thái Lan, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị còn cho rằng COC “nhất định” sẽ đạt được đồng thuận trước thời hạn ba năm tới. Vì sao Trung Quốc lại sốt sắng đẩy nhanh đàm phán COC vào lúc này? Nguyên nhân là: (i) Trung Quốc đã thiết lập được chỗ đứng vững chắc trên Biển Đông sau khi lập ra các đồn điền quân sự trên các cấu trúc ở Biển Đông, họ muốn có COC để “hợp pháp hóa” điều này; (ii) Trước việc Mỹ và các nước ngày càng quan tâm và can dự sâu thêm vào Biển Đông để ngăn chặn chủ nghĩa bá quyền Bắc Kinh, Trung Quốc muốn có COC để đẩy Mỹ và các nước ngoài khu vực ra khỏi Biển Đông với luận điệu “Trung Quốc và ASEAN đã giải quyết ổn thỏa vấn đề Biển Đông”; (iii) Đưa ra thời hạn hoàn thành COC để thúc ép các nước ASEAN chấp nhận những nội dung có lợi cho Trung Quốc trong COC.

Đặc biệt, các nước đang hết sức bất bình trước việc Trung Quốc yêu cầu các nước ASEAN đưa vào COC nội dung ngăn cản các nước ASEAN hợp tác với các nước ngoài khu vực ở Biển Đông. Họ yêu cầu nếu các nước ASEAN hợp tác hay diễn tập quân sự với bên ngoài phải được sự đồng ý của Trung Quốc. Với yêu sách ngang ngược này, Trung Quốc đã biến Biển Đông thành “ao nhà” của họ. Đương nhiên, các nước ASEAN, nhất là các nước ven Biển Đông không thể chấp nhận yêu sách phi lý này của Trung Quốc. Tuy nhiên, đòi đưa nội dung này vào COC lộ rõ ý đồ độc chiếm, thôn tính Biển Đông của Trung Quốc.

Cùng với việc thúc ép các nước ASEAN đẩy nhanh tiến trình đàm phán về COC, Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động xâm lấn ở Biển Đông nhằm tạo ra một thực trạng mới, biến các khu vực không tranh chấp thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa các nước thành vùng tranh chấp. Việc họ cho tàu chiến, tàu khảo sát đi vào sâu vùng biển của Philippines, thậm chí đi vào lãnh hải, cách bờ biển Philippines chỉ vài hải lý hay việc các tàu hải cảnh, tàu chấp pháp Trung Quốc ngăn cản hoạt động dầu khí của Malaysia trong vùng biển của Malaysia là những minh chứng cụ thể cho hành vi gây hấn ngày càng leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đặc biệt, việc từ đầu tháng 7/2019, tàu Hải Dương 08 cùng nhiều tàu hải cảnh, tàu cá dân binh Trung Quốc xâm lấn khu vực bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam (có lúc vào chỉ cách bờ biển Việt Nam trên 100 hải lý) và đe dọa uy hiếp các hoạt động dầu khí lâu nay của Việt Nam càng thể hiện rõ ý đồ thôn tính Biển Đông của Trung Quốc.

Một số nhà phân tích đánh giá những hành động gây rối trên thực địa của Trung Quốc ở Biển Đông gần đây là nhằm tạo ưu thế trên bàn đàm phán COC. Trung Quốc đã kết hợp một cách đồng bộ đàm phán và hành động trên thực địa nhằm buộc các nước phải chấp nhận yêu sách của Trung Quốc. Trong đàm phán COC, Trung Quốc đòi đưa vào nội dung loại bỏ các nước ngoài khu vực ra khỏi Biển Đông; còn trên thực địa họ dùng các tàu chấp pháp cỡ lớn ngăn cản hoạt động hợp tác dầu khí của các nước ven Biển Đông với các nước khác, đồng thời triển khai các hoạt động khảo sát bất hợp pháp.

Các nước đã có phản ứng mạnh mẽ trước mưu đồ của Bắc Kinh đòi loại bỏ các nước ra khỏi Biển Đông trong đàm phán COC với ASEAN, nhiều nước đã lên tiếng yêu cầu COC phải tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc vể Luật biển 1982, trong đó đề cao việc tôn trọng quyền và lợi ích của các nước ven biển và các nước không có biển trong việc sử dụng các vùng biển; ngăn cấm một quốc gia độc chiếm các vùng biển.

Mặt khác, thấy rõ mưu toan độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc qua các hành vi cưỡng ép leo thang đối với các nước ven Biển Đông gần đây, nhất là việc liên tiếp cho nhóm tàu Hải Dương 08 khảo sát bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, uy hiếp hoạt động dầu khí lâu năm của Việt Nam suốt từ đầu tháng 7/2019 đến nay, nhiều nước đã lên tiếng phản đối hành vi hiếu chiến của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông.

Qua những phân tích trên đây, chúng ta càng thấy rõ hơn ý đồ bành trướng, độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc; đồng thời thấy được nguyên nhân vì sao Trung Quốc tỏ ra chủ động thúc đẩy đàm phán COC cùng với việc gia tăng các hoạt động xâm lấn trên vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước ven Biển Đông. Các nước ASEAN cần hết sức tỉnh táo trong đàm phán COC, tránh rơi vào “cái bẫy” của Trung Quốc.

Tin rằng Mỹ và các nước khác không thể để Trung Quốc hoành hành, khống chế Biển Đông. Họ sẽ đứng về phía các nước ven Biển Đông để chống lại các hành vi ngang ngược của Trung Quốc để duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Hành động của Trung Quốc sẽ là “gậy ông đập lưng ông” mà thôi.

RELATED ARTICLES

Tin mới