Friday, April 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaLàm rõ tính chất pháp lý của khu vực Bãi Tư Chính

Làm rõ tính chất pháp lý của khu vực Bãi Tư Chính

Trong suốt hơn 2 tháng qua kể từ đầu tháng 7/2019, Trung Quốc cho tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 08 và nhiều tàu hải cảnh, tàu dân quân biển quần thảo ở khu vực bãi Tư Chính. Nhiều nhà nghiên cứu, nhà phân tích và luật gia đã lên tiếng chỉ trích hành vi này của Trung Quốc. Trong bài viết này, chúng ta cùng phân tích tính chất pháp lý của khu vực bãi Tư Chính để làm sáng tỏ những hành vi ngang ngược của Trung Quốc.

Một điều có thể khẳng định là khu vực mà tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 08 của Trung Quốc hoạt động từ đầu tháng 7 nằm hoàn toàn trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, được xác định trên cơ sở Điều 57 và Điều 76 của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Đây hoàn toàn không phải là khu vực chồng lấn hoặc có tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. UNCLOS quy định rõ ràng rằng nếu quốc gia ven biển không thăm dò hay khai thác tài nguyên ở các vùng này thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động này nếu không được phép của quốc gia ven biển.

Kể từ đầu tháng 7/2019 đến nay, Việt Nam đã nhiều lần phản đối Bắc Kinh qua đường ngoại giao và phát biểu công khai của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối hành vi xâm lấn của Trung Quốc và yêu cầu rút tàu. Hoạt động của tàu Địa chất Hải Dương 08 và các tàu chấp pháp, tàu dân quân biển của Trung Quốc, bất chấp sự phản đối của phía Việt Nam, đã vi phạm nghiêm trọng quy định của UNCLOS và luật pháp Việt Nam liên quan đến quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên UNCLOS nên có nghĩa vụ thực hiện các điều khoản của Công ước.

Một số chuyên gia luật quốc tế Trung Quốc sử dụng một đoạn trong lời mở đầu của UNCLOS là “các vấn đề không quy định trong Công ước sẽ tiếp tục được xử lý bằng các quy tắc và nguyên tắc của pháp luật quốc tế chung” để biện minh cho yêu sách mập mờ của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, các vấn đề về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, đặc biệt là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa đều đã được UNCLOS quy định rõ ràng trong Điều 57 và Điều 76. Phải chăng các chuyên gia luật Trung Quốc giả vờ “ngộ nhận” để lấp liếm cho các hành vi ngang ngược của họ?

Lâu nay, Trung Quốc yêu sách vùng biển theo“đường lưỡi bò” ở Biển Đông do một tư nhân Trung Quốc tự vẽ ra năm 1947 và sau này Trung Quốc đính bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” kèm theo công hàm gửi lên Liên hợp quốc năm 2009. Trung Quốc cho rằng khu vực bãi Tư Chính nằm trong “đường lưỡi bò” nên là “vùng biển của Trung Quốc”.

“Đường lưỡi bò” với những nét vẽ đứt khúc thay đổi thất thường (lúc đầu là 11 đoạn, sau lại có 9 đoạn rồi lại 10 đoạn và gần đây một số chuyên gia Trung Quốc vẽ thành 1 đoạn liền); không có tọa độ rõ ràng và bị cộng đồng quốc tế phản đối. Trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực đã ra phán quyết khẳng định không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại vùng biển trong “đường lưỡi bò”. Do vậy, Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để đòi yêu sách đối với khu vực bãi Tư Chính.

Sau phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài, Trung Quốc đưa ra một khái niệm yêu sách mới “Tứ Sa” (bao gồm bốn nhóm đảo: “Đông Sa” (quần đảo Pratas), “Tây Sa” (quần đảo Hoàng Sa), “Nam Sa” (quần đảo Trường Sa) và “Trung Sa” (bãi Macclesfield); đồng thời, cũng đòi hỏi quyền được hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (gần như toàn bộ Biển Đông) xung quanh bốn khu vực quần đảo này.

Gần đây, trả lời câu hỏi liên quan đến vụ việc ở bãi Tư Chính từ đầu tháng 7/2019, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra luận điệu khu vực mà tàu Hải Dương 08 hoạt động thuộc vùng biển của Trung Quốc tính từ quần đào Trường Sa là xuất phát từ khái niệm “Tứ Sa” nói trên. Với cách lập luận này Trung Quốc hy vọng có thể giải thích một cách mơ hồ, mập mờ theo UNCLOS. Tuy nhiên, luận điệu này của Trung Quốc hoàn toàn trái với các quy định của UNCLOS vì quần đảo Trường Sa không phải là một quốc gia quần đảo nên không thể vẽ đường cơ sở xung quanh quần đảo này để rồi đòi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa riêng.

Hơn thế nữa, phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông đã khẳng định các thực thể thuộc Trường Sa, bao gồm Ba Bình (cấu trúc có diện tích lớn nhất thuộc Trường Sa, hiện do Đài Loan chiếm đóng) không đủ điều kiện để được coi là 1 đảo theo Điều 121 của UNCLOS vì vậy các cấu trúc thuộc Trường Sa chỉ có tối đa 12 hải lý lãnh hải, không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Như vậy, phán quyết này cũng đã bác bỏ hoàn toàn yêu sách của Trung Quốc đối với khu vực bãi Tư Chính.

Qua đó, có thể khẳng định khu vực bãi Tư Chính hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam và không có sự chồng lấn với bất cứ quốc gia nào. Một số luật gia có ý kiến cho rằng việc đường cơ sở phía Nam Biển Đông của Việt Nam với điểm cơ sở là đảo Phú Quý và Côn Đảo nằm quá xa bờ không phù hợp với UNCLOS, tuy nhiên họ cũng cho rằng kể cả khi Việt Nam điều chỉnh điểm cơ sở vào sát bờ biển phía Nam thì bản thân đảo Phú Quý và Côn Đảo hoàn toàn đủ điều kiện có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa riêng và như vậy vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán không bị thu hẹp

Tóm lại, xét từ bất cứ góc độ nào khu vực bãi Tư Chính đều hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, không liên quan gì đến quần đảo Trường Sa như Trung Quốc viện dẫn để bao biện cho các hành vi sai trái vi phạm luật pháp quốc tế, UNCLOS và phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài.

Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao UNCLOS 1982, ngày 12/9/2019, trả lời câu hỏi của phóng viên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã đưa ra những lập luận pháp lý của Việt Nam đối với khu vực mà nhóm tàu Hải Dương 08 đang gây hấn, khẳng định: “Mọi hoạt động kinh tế biển của Việt Nam, trong đó có hoạt động dầu khí, đều được triển khai trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hoàn toàn thuộc Việt Nam, được xác định từ lãnh thổ đất liền, theo đúng quy định của UNCLOS 1982 mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên”; “UNCLOS 1982 đã xác định rõ phạm vi, và là cơ sở pháp lý duy nhất để các quốc gia xác định quyền hưởng các vùng biển của mình”; “Những yêu sách bất hợp pháp, không phù hợp với UNCLOS 1982 không thể là cơ sở để khẳng định rằng có tồn tại các vùng biển tranh chấp hay chồng lấn. Các hành vi cản trở các hoạt động dầu khí của Việt Nam trên vùng biển của Việt Nam là sự vi phạm luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982”.

Mỹ là quốc gia rất thận trọng trong việc đưa ra quan điểm liên quan đến các vấn đề pháp lý. Các chuyên gia của Mỹ cũng đã nghiên cứu rất kỹ về tính chất pháp lý của khu vực bãi Tư Chính trước khi có các phát biểu chính thức về hành động của Trung Quốc ở khu vực này. Việc Bộ Ngoại giao và nhiều Nghị sĩ, quan chức Mỹ phát biểu lên án Trung Quốc xâm phạm khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam, coi đây là hành động cưỡng chế, bắt nạt các nước rõ ràng cho thấy Mỹ đã thừa nhận khu vực Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam phù hợp với quy định của UNCLOS.

Nhiều nước khác Ấn Độ, Nhật, Úc, Anh, Pháp, Đức và EU… cũng đều lên tiếng phê phán hành vi của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, yêu cầu tôn trọng các quyền lợi chính đáng của các nước ven biển và tuân thủ phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài. Điều này cho thấy, khu vực bãi Tư Chính thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được thừa nhận rộng rãi trong cộng đồng quốc tế.

Không có bất cứ một quốc gia nào lên tiếng bênh vực cho hành vi của Trung Quốc ở khu vực bãi Tư Chính, thậm chí ngay cả các học giả, luật gia Trung Quốc cũng không đưa ra được bất cứ cơ sở pháp lý nào để biện hộ cho hành vi sai trái của họ ở khu vực bãi Tư Chính.

Những người cầm quyền ở Bắc Kinh đã bất chấp tất cả từ luật pháp quốc tế đến ý kiến của các nước và cộng đồng quốc tiếp tục lấn sâu vào con đường bành trướng, bá quyền của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi Đại Hán thì làm sao họ có thể thực hiện được cái “Giấc mộng Trung Hoa” mà ông Tập Cận Bình đề ra.

Trong hơn 2 tháng qua, nhóm tàu Hải Dương 08 của họ ngang ngược tiến hành khảo sát ở khu vực bãi Tư Chính cũng không thể thay đổi được tính chất pháp lý của khu vực bãi Tư Chính và họ cũng không thể thực hiện được mưu đồ biến khu vực hoàn toàn không có tranh chấp thành khu vực tranh chấp bởi lẽ quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính đã được luật pháp quốc tế bảo vệ, được quốc tế công nhận. Điều này là không thể đảo ngược được cho dù Bắc Kinh có trăm phương nghìn kế.

Chân lý và lẽ phải luôn là trường tồn và bất diệt.

RELATED ARTICLES

Tin mới