Wednesday, April 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaViệt Nam - Ấn Độ: Tôn trọng luật pháp quốc tế ở...

Việt Nam – Ấn Độ: Tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông

Trong buổi tiếp Đại sứ Ấn Độ Pranay Verma, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (20/9) khẳng định ủng hộ Chính sách hướng Đông của Ấn Độ, đánh giá cao quan điểm, lập trường của Ấn Độ về Biển Đông, nhất là việc tôn trọng luật pháp quốc tế.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao; duy trì hiệu quả các cơ chế hợp tác như Ủy ban Hỗn hợp, tham khảo chính trị và đối thoại chính sách quốc phòng; tăng cường tiếp xúc, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương; khẳng định ủng hộ Chính sách hướng Đông của Ấn Độ, đánh giá cao quan điểm, lập trường của Ấn Độ về Biển Đông, nhất là việc tôn trọng luật pháp quốc tế. Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, quan hệ song phương đang phát triển tích cực trên các lĩnh vực, đặc biệt hai bên sẽ hiện thực hóa mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỷ USD vào năm 2020.

Cảm ơn Phó Thủ tướng đã dành thời gian tiếp, Đại sứ Pranay Verma  khẳng định sẽ nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, góp phần đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển; đồng thời chúc mừng Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cho rằng đây là cơ hội để Ấn Độ tăng cường hợp tác với Việt Nam nói riêng và với ASEAN nói chung.

Trước đó, trả lời phỏng vấn giới truyền thông, Đại sứ Pranay Verma cho biết, Ấn Độ và Việt Nam có mối quan hệ truyền thống rất tốt đẹp với tư cách là những quốc gia độc lập. Chúng ta đã cùng giúp đỡ nhau vượt qua những giai đoạn khó khăn, đồng thời hỗ trợ nhau trong quá trình xây dựng đất nước. Mối quan hệ hữu nghị và hợp tác này thường xuyên được khẳng định, đặt biệt là khi hai nước nâng tầm quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” trong chuyến thăm của Thủ Tướng Narendra Modi đến Việt Nam vào tháng 9/2016. Điều này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước và khiến mối quan hệ này trở nên ngày càng mạnh mẽ hơn. Nếu chỉ tính riêng đến số lần lãnh đạo cấp cao hai nước viếng thăm lẫn nhau trong vài năm qua thì bạn sẽ thấy được khái niệm về đà phát triển đáng kinh ngạc trong mối quan hệ của hai nước chúng ta, và mỗi chuyến thăm này càng thúc đẩy hơn nữa phạm vi và chất lượng của hợp tác giữa hai bên. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Ấn Độ được thể hiện trên nhiều lĩnh vực hợp tác phong phú – từ hợp tác chính trị, đến kinh tế và đối tác phát triển, quốc phòng an ninh và các trao đổi văn hóa cũng như giao lưu nhân dân. Điều này thể hiện những cam kết của chúng ta trong việc xây dựng một mối quan hệ lâu dài, với quan điểm chiến lược, dựa trên tầm nhìn chung và những quan tâm đồng nhất đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực mà chúng ta đang sống. Ngày nay, Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong chính sách Hành Động Hướng Đông của Ấn Độ và là đối tác chủ chốt trong Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Đại sứ Prayna Verma tuyên bố, lập trường của Ấn Độ về vấn đề Biển Đông là nhất quán và đã được nêu ra trong một vài dịp mà gần đây nhất là trong tuyên bố của người phát ngôn của Bộ ngoại giao Ấn Độ vào tuần trước. Theo đó, Biển Đông là một phần của mối quan tâm toàn cầu. Ấn Độ vì thế cũng có mối quan tâm gắn liền với hòa bình và ổn định của khu vực này. Ấn Độ ủng hộ mạnh mẽ cho tự do hàng hải vào hàng không cũng như hoạt động thương mại hợp pháp trong những vùng biển quốc tế theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về luật biển của Liên hiệp quốc. Ấn Độ cũng tin tưởng rằng bất kỳ sự khác biệt nào cũng phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, dựa trên sự tôn trọng các quy trình hợp pháp và ngoại giao, không sử dụng đe dọa và vũ lực. Tôi cũng muốn nói thêm rằng Ấn Độ sẵn sàng hợp tác với đối tác quốc tế để duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Về việc hợp tác dầu khí giữa hai nước, Đại sứ Prayna Verma cho rằng ít khả năng Ấn Độ sẽ dừng các hoạt động hợp tác với Việt Nam trên lĩnh vực năng lượng, bởi đó là hợp tác dài hạn giữa hai nước. Chúng tôi cam kết duy trì hợp tác năng lượng với Việt nam trong tương lai.

Đáng chú ý, liên quan việc Trung Quốc điều nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar (29/8) đã lên tiếng chỉ trích hành động trên của Trung Quốc. Theo đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar nêu rõ: “Biển Đông là một phần chung của toàn cầu. Do vậy, Ấn Độ dành mối quan tâm sâu sắc đến hoà bình và ổn định của khu vực. Ấn Độ quyết tâm ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp trong các vùng biển quốc tế, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS”. Ngoài ra, ông Raveesh Kumar cũng nhấn mạnh rằng, mâu thuẫn giữa các bên liên quan cần phải được giải quyết một cách hoà bình, dựa trên sự tôn trọng các quy trình pháp lý và ngoại giao, tránh đe doạ và sử dụng vũ lực. Trước đó, trong cuộc gặp bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 tại Bangkok, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S.Jaishankar và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trao đổi, nhất trí lập trường chung về Biển Đông. Tại cuộc gặp, hai bên cho rằng quan hệ hai nước đang phát triển rất tốt đẹp và nhất trí các biện pháp thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Ấn Độ, tăng cường các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư, nông nghiệp, y tế, hàng không, quốc phòng, an ninh; thúc đẩy hợp tác trên các diễn đàn đa phương, nhất là trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam và trong dịp Việt Nam và Ấn Độ cùng giữ cương vị Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ấn Độ bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác về dầu khí với Việt Nam trên Biển Đông. Hai bên khẳng định lập trường chung về Biển Đông cam kết duy trì hoà bình, ổn định, tự do và an ninh hàng hải, giải quyết các vấn đề trên biển bằng biện pháp hoà bình phù hợp với UNCLOS.

RELATED ARTICLES

Tin mới