Thursday, April 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaViệt Nam yêu cầu TQ chấm dứt các hành động phi pháp...

Việt Nam yêu cầu TQ chấm dứt các hành động phi pháp trên Biển Đông

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam (20/9) đề nghị Trung Quốc tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam, không để tiếp diễn tình hình phức tạp trên Biển Đông.

Nhân dịp dự lễ khai mạc Hội chợ và Hội nghị thượng đỉnh thương mại – đầu tư Trung Quốc – ASEAN (CAEXPO và CABIS) lần thứ 16, tại Nam Ninh (Trung Quốc), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã hội đàm với Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Hàn Chính và Bí thư Khu ủy Quảng Tây Lộc Tâm Xã.

Trong cuộc gặp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện với Trung Quốc; đề nghị Chính phủ hai nước ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường giao lưu, hợp tác cùng có lợi giữa các địa phương biên giới; cũng đề nghị Trung Quốc áp dụng biện pháp nhằm giảm nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc cũng như giải quyết thỏa đáng những vấn đề tồn tại trong các dự án có sự tham gia của doanh nghiệp Trung Quốc mà dư luận Việt Nam quan tâm. Ngoài ra, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đánh giá tích cực những tiến triển mới trong hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc; khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng có lợi giữa các địa phương hai nước, đặc biệt là địa phương biên giới; mong muốn Quảng Tây phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương Việt Nam triển khai hiệu quả các cơ chế hiện có, đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi trong lĩnh vực kinh tế – thương mại, văn hóa, du lịch, giáo dục, quản lý biên giới, góp phần phát triển kinh tế khu vực biên giới hai nước. Về vấn đề Biển Đông, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ lập trường của Việt Nam, đề nghị Trung Quốc tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam, không để tiếp diễn tình hình phức tạp trên Biển Đông.

Phó thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính, Bí thư Khu ủy Quảng Tây Lộc Tâm Xã hoan nghênh Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dự CAEXPO, CABIS lần thứ 16; khẳng định cọi trọng phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Việt Nam. Phó thủ tướng Hàn Chính bày tỏ quan tâm đối với ý kiến của Việt Nam về vấn đề nhập siêu, xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc và các vấn đề liên quan đến việc triển khai một số dự án lớn tại Việt Nam, đề nghị cơ quan chức năng hai bên tiếp tục trao đổi, điều phối, cùng Việt Nam mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực.

Được biết, Hội chợ và Hội nghị thượng đỉnh thương mại – đầu tư Trung Quốc – ASEAN là một trong 10 hội chợ triển lãm hàng đầu của Trung Quốc, được tổ chức định kỳ thường niên tại thành phố Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc từ năm 2004. Trải qua 15 kỳ tổ chức thành công, CAEXPO và CABIS đã trở thành sự kiện quan trọng, là điểm hẹn cho các doanh nghiệp trong khu vực và là biểu tượng cho thành công trong hợp tác kinh tế thương mại ASEAN – Trung Quốc.

Trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng (12/9) phản đối tàu Trung Quốc có hành vi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông, cụ thể: Theo các cơ quan chức năng của Việt Nam, nhóm tàu Hải Dương 08 của Trung Quốc tiếp tục vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bà Lê Thị Thu Hằng cũng khẳng định Việt Nam kiên quyết phản đối hoạt động của nhóm tàu Trung Quốc, đồng thời nêu quan điểm rõ ràng yêu cầu Trung Quốc lập tức rút nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 ra khỏi EEZ và thềm lục địa Việt Nam; kiên quyết phản đối việc nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của mình, được xác định phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Việt Nam cũng đã nêu quan điểm về những ảnh hưởng tiêu cực do hoạt động vi phạm của nhóm tàu Hải Dương 8 đến quan hệ hữu nghị giữa hai nước, hoà bình và an ninh, ổn định ở Biển Đông cũng như khu vực. Vì những lý do đó, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm nghiêm trọng này và rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển Việt Nam.

The bà Hằng, khu vực mà nhóm tàu Trung Quốc xâm phạm là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của UNCLOS 1982. Về hai lần xâm phạm EEZ và thềm lục địa Việt Nam trước đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam. Đồng thời, các lực lượng chức năng của Việt Nam vẫn đang tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế. Theo Bộ Ngoại giao, Việt Nam cũng khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và quốc tế.

Về phát ngôn gần đây của phía Trung Quốc liên quan đến hoạt động kinh tế của Việt Nam trên vùng biển của mình, Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán là mọi hoạt động kinh tế biển của Việt Nam, trong đó có hoạt động dầu khí, đều được triển khai trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hoàn toàn thuộc Việt Nam, được xác định từ lãnh thổ đất liền, theo đúng quy định của UNCLOS 1982 mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. UNCLOS 1982 xác định rõ phạm vi và là cơ sở pháp lý duy nhất để các quốc gia xác định quyền hưởng các vùng biển của mình. Điều này đã được các quốc gia tuân thủ, thừa nhận bởi các thực tiễn xét xử cũng như sự đồng tình rộng rãi của các luật gia có uy tín quốc tế. Do đó, không nước nào có thể đưa ra các yêu sách về các vùng biển ở khu vực Biển Đông vượt quá những giới hạn về mặt địa lý và nội dung được quy định trong UNCLOS 1982. Những yêu sách bất hợp pháp, không phù hợp với UNCLOS 1982, không thể là cơ sở để khẳng định rằng có tồn tại các vùng biển tranh chấp hay chồng lấn. Các hành vi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên vùng biển của mình như nêu trên là sự vi phạm luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982. Việt Nam cũng khẳng định lại lập trường của mình đối với vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Ngoài Việt Nam, nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, EU… đã lên tiếng phản đối các hành động làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đều ra thông cáo chỉ trích Trung Quốc can thiệp hoạt động dầu khí lâu đời của Việt Nam ở Biển Đông, làm suy yếu hòa bình, an ninh khu vực và vi phạm các quy tắc quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới