Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHành động đa phương phản đối hành vi ngang ngược của TQ...

Hành động đa phương phản đối hành vi ngang ngược của TQ ở Biển Đông

Trong cuộc họp báo ngày 18/09/2019 tại Bắc Kinh, Người Phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã lớn tiếng đưa ra các biện minh và vu cáo Việt Nam. Sau khi nhắc lại cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa)” và “quyền chủ quyền và quyền tài phán trên vùng biển lân cận là Vạn An Than (Bãi Tư Chính) thuộc quần đảo Nam Sa”, ông Cảnh Sảngvu cáo “kể từ tháng 05/2019, phía Việt Nam đã tiến hành khoan dầu khí đơn phương tại vùng biển Vạn An Than của Trung Quốc, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của Trung Quốc”. Ông ta còn ngỗ ngược đòi Việt Nam “chấm dứt ngay các hoạt động xâm phạm đơn phương của mình để khôi phục sự yên tĩnh cho vùng biển liên quan”.

Luận điệu nói trên của Trung Quốc đã lập tức làm dấy lên sự bất bình từ giới chuyên gia, cho rằng Trung Quốc đã công khai biện minh cho những hành động vi phạm luật quốc tế. Các ý kiến đã đả kích mạnh mẽ phát biểu ngỗ ngược của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc đã ngang nhiên chà đạp lên luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) và Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông; đồng thời kêu gọi quốc tế thông qua các biện pháp đa phương để ngăn chặn hành vi của Trung Quốc. Nhiều ý kiến cho rằng, Mỹcần từ bỏ thái độ trung lập cố hữu và có những biện pháp cụ thể để chống lại các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngay trong ngày 18/09/2019, Giáo sư Ryan Martinson thuộc trường Hải Chiến Mỹđã viết trên mạng Twitter “chính quyền Mỹ có thể và nên chọn phe trong vụ này vì đây không phải là vấn đề chủ quyền các đảo mà là quyền của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye năm 2016 đã giải thích rõ điều đó”.

Cũng trong ngày 18/09 trên Twitter, ông Mike Mazarr, chuyên gia nghiên cứu chính trị học cấp cao tại trung tâm tham vấn Mỹ Rand Corporation – chuyên trách các vấn đề quốc phòng Mỹ và an ninh Đông Á, cho rằng lập trường không đứng về bên nào của Mỹ trong vấn đề Biển Đông “thực sự là một hạn chế”; kêu gọi chính quyền Washington cần phải “gửi đi những thông điệp đa phương mạnh mẽ cho thấy là các hành vi ép buộc không thể chấp nhận được và thực hiện các bước có ý nghĩa để hỗ trợ Việt Nam”, đồng thời cho rằng Mỹ nên sử dụng sức mạnh của mình để giúp những nước khác đứng lên bảo vệ chủ quyền và khiến cho các hành vi ép buộc phải trả giá đắt.

Lâu nay, khi nói về Biển Đông, Mỹ và nhiều nước nhấn mạnh việc “không đứng về bên nào trong tranh chấp về chủ quyền”. Nhưng những hành vi của Trung Quốc ở khu vực bãi Tư Chính từ đầu tháng 7/2019 đến nay hoàn toàn không phải là vấn đề về chủ quyền mà là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS mà Trung Quốc là thành viên. Thực tế, Mỹ đã có những phát biểu rất mạnh mẽ lên án hành vi của Trung Quốc bắt nạt, cưỡng chế Việt Nam ở khu vực Tư Chính. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng như vậy là chưa đủ mà Mỹ cần phải có hành động cụ thể trên thực địa để buộc Trung Quốc phải trả giá cho hành động ngang ngược của họ.

Trước đó, cuối tháng 8/2019, bất bình về hành vi xâm lấn của Trung Quốc ở khu vực bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam (EEZ), ba nước lớn nhất Âu châu là Anh, Pháp và Đức đã lần đầu tiên cùng đưa ra một Tuyên bố chung bày tỏ“quan ngại về tình hình ở Biển Đông, vốn có thể dẫn đến mất an ninh và căng thẳng trong khu vực”. Anh, Pháp, Đức phản ứng mạnh mẽ vậy xuất phát từ mấy nguyên nhân sau:

Một là, do Trung Quốc trong những tháng vừa qua không chỉ xâm phạm vào EEZ của Việt Nam mà còn có các hành vi xâm lấn EEZ các nước khác (Malaysia, Philippines), ngày càng bất chấp luật pháp quốc tế. Anh, Pháp, Đức đều là những bên đã ký kết vào UNCLOS và là những nước luôn đề cao thượng tôn pháp luật nên họ phải lên tiếng bảo vệ luật pháp quốc tế. Nếu không Trung Quốc sẽ tiếp tục làm tới.

Hai là, Anh, Pháp, Đức có quan hệ thương mại rất lớn ở châu Á thông qua con đường hàng hải trên Biển Đông. Cả 3 nước đều có lợi ích lớn trong việc duy trì tự do, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Nếu Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, lợi ích của họ sẽ bị đe dọa, do vậy cả 3 nước này đều phản đối những hành vi của Trung Quốc hòng khống chế Biển Đông.

Ba là, trước đây Anh, Pháp, Đức cho rằng để Mỹ đương đầu với Trung Quốc trên Biển Đông để bảo vệ tự do hàng hải và hàng không là đủ rồi, nhưng bây giờ họ thấy rằng một mình Mỹ không đủ để đối chọi với Bắc Kinh, thậm chí Trung Quốc ngày càng lớn tiếng cáo buộc, đổ lỗi cho Mỹ. Anh, Pháp, Đức đều là đồng minh của Mỹ nên cần chung tay với Mỹ để ngăn chặn Trung Quốc.

Bốn là, cả Anh, Pháp, Đức đều nhận thức rõ vấn đề Biển Đông không chỉ là giữa các nước Đông Nam Á với Trung Quốc hay giữa Mỹ với Trung Quốc, mà là vấn đề quốc tế. Việc Trung Quốc cưỡng ép các nước ven Biển Đông không hợp tác với các nước thứ 3 ngoài khu vực là điều không thể chấp nhận được nên ba nước này phải chung tay hành động.

Năm là, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng và phức tạp, căng thẳng gia tăng trên Biển Đông do hành vi gây hấn của Trung Quốc. Anh, Pháp và Đức sốt sắng muốn chứng tỏ họ không chỉ là những đối tác thương mại thụ động và rằng họ vẫn hiện diện trong khu vực. Cho đến vài năm trước đây, các nước châu Âu muốn giữ vai trò khiêm tốn về các vấn đề an ninh khu vực ở Đông Á, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, họ cảm thấy có một sự khẩn cấp khiến họ phải can dự. Anh, Pháp, Đức là 3 nước lớn nhất ở Châu Âu, việc họ đi đầu phản đối các hành vi xâm lấn của Trung Quốc sẽ là động lực thúc đẩy các nước châu Âu khác cùng hành động.

Sáu là, việc can dự sâu thêm vào vấn đề Biển Đông giúp cho Anh, Pháp, Đức không chỉ giúp tăng vai trò vị thế của họ ở khu vực Đông Nam Á nói riêng và Châu Á – Thái Bình Dương nói chung mà còn giúp họ có nhiều đòn bẩy hơn trong quan hệ với các nước lớn khác Mỹ, Trung Quốc, Nga trêncác vấn đề địa chính trị ở gần châu Âu.

Với việc tham gia sâu sát hơn vào tình hình Biển Đông, các quốc gia Anh, Pháp, Đức đang dẫn dắt EU làm việc cùng nhau để hỗ trợ các giải pháp đa phương cho các vấn đề liên quan đến hòa bình, ổn định, duy trì tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không và tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Trước các hành động ngày càng hiếu chiến của Trung Quốc, năm 2018, trong khi Pháp đưa chiến hạm tấn công Dixmude và một tàu khu trục đến gần quần đảo Trường Sa thì Anh đã đưa tàu của Hải quân Hoàng gia Anh đến sát quần đảo Hoàng Sa. Đầu năm 2019, Mỹ và Anh đã tiến hành tập trận hải quân chung ở Biển Đông. Những hoạt động này thể hiện sự quyết tâm của ba nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Anh, Pháp, Mỹ) trong việc ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Việc vào cuộc của ba nước lớn châu Âu trong vấn đề Biển Đông dễ dàng được đón nhận hơn so với can dự của Mỹ bởi lẽ quan hệ giữa Mỹ với các nước ven Biển Đông, nhất là với Việt Nam luôn là một vấn đề nhạy cảm đối với Trung Quốc còn quan hệ giữa các nước Châu Âu với các nước ven Biển Đông, kể cả hợp tác quân sự thì Trung Quốc khó có khả năng phản đối hơn.

Với những hành vi ngang ngược ngày càng leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông, chỉ có hành động đa phương với một nỗ lực chung của cả cộng đồng quốc tế mới có thể ngăn chặn được. Ý kiến của các nhà phân tích, nhà nghiên cứu cần được Chính phủ các nước liên quan lắng nghe để cùng hành động với một mục tiêu chung là bảo vệ những giá trị của luật pháp quốc tế.

Tin rằng những phát biểu ngỗ ngược hôm 18/9/2019 của đại diện Trung Quốc sẽ là chất xúc tác gắn kết các nước trong một nỗ lực chung ngăn chặn Trung Quốc thôn tính, độc chiếm Biển Đông, bảo vệ một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó các nước ven Biển Đông đều có quyền thực hiện những quyền lợi của mình mà UNCLOS cho phép.

RELATED ARTICLES

Tin mới