Friday, March 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaThời điểm nhạy cảm, Philippines tập trận “tái chiếm đảo” nhằm gửi...

Thời điểm nhạy cảm, Philippines tập trận “tái chiếm đảo” nhằm gửi thông điệp cứng rắn tới TQ

Trong bối cảnh tình hình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đang có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là việc Trung Quốc tăng cường điều tàu chiến, tàu chấp pháp và tàu khảo sát hoạt động trái phép trong khu vực, Thủy quân lục chiến Philippines (21/9) tập trận “tái chiếm đảo” tại vùng biển ngoài khơi vịnh Subic nhằm gửi thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc.

Người phát ngôn quân đội Philippines Đại tá Noel Detoyato khẳng định cuộc tập trận “chỉ là một kịch bản huấn luyện và không hướng đến bất kỳ sự cố hay khu vực cụ thể nào” và “những khu vực huấn luyện này được sử dụng trong một thời gian dài vì gần các doanh trại hải quân và khu vực chuyên dụng của Philippines”.

Trong khi đó, Người chỉ huy lực lượng đổ bộ, Trung tá Henry Espinosa (21/9) mô tả đây là cuộc huấn luyện lịch sử vì đó là lần đầu tiên lực lượng lính thủy đánh bộ Philippines sử dụng 8 phương tiện tấn công đổ bộ (AAV) mới mua. Trước đó, trong một thời gian dài, họ huấn luyện song phương với các đối tác Mỹ, sử dụng AAV Mỹ. Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, cuộc tập trận nằm trong nỗ lực tăng cường năng lực phòng thủ trước quân đội nước ngoài và những lực lượng thù địch khác của Philippines.

Các AAV mới là một trong những giao dịch mua thiết bị quân sự lớn cuối cùng của cựu tổng thống Benigno Aquino trước khi ông từ chức năm 2016. Công ty Hàn Quốc Samsung Techwin (sau đổi tên thành Hanwha Techwin) là đơn vị thắng thầu bán 8 xe KAAV7A1 với giá 2,42 tỷ peso (46,4 triệu USD) cho Philippines. KAAV7A1 được trang bị súng phóng lựu tự động 40mm, súng máy cỡ nòng 50 mm và súng phóng lựu khói, gắn trên tháp pháo; trang bị hệ thống thông tin liên lạc hiện đại có khả năng tương tác với các thiết bị vô tuyến AFP; lưới ngụy trang, đèn tìm kiếm, kính tiềm vọng; tổ lái AAV có 3 người và có khả năng mang theo 21 binh sĩ được trang bị đầy đủ.

Trong những năm gần đây, để chuẩn bị sẵn sàng đối phó với các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, Philippines đã nhiều lần phối hợp tổ chức tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo với Mỹ và Nhật Bản. Cụ thể:

Hải quân Mỹ và Philippines (9/4/2019) đã tập trận mô phỏng việc tái chiếm sân bay trên đảo Lubang, nằm sát biển. Theo các quan chức Philippines, cuộc tập mô phỏng tình huống một cường quốc nước ngoài đã giành quyền kiểm soát một hòn đảo ở Philippines, chiếm sân bay trên đảo. Liên quân Mỹ – Philippines sẽ tái chiếm sân bay và giành lại quyền kiểm soát toàn bộ đảo. Chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Mỹ Christopher Bolz cho biết, “nếu Philippines có bất kỳ hòn đảo nào bị nước ngoài chiếm đóng, thì đây chắc chắn là một đợt thử nghiệm có thể sử dụng trong tương lai. Tôi nghĩ rằng kịch bản này rất thực tế, đặc biệt là đối với quốc đảo như Philippines”. Trước đó, Hải quân Mỹ và Hải quân Philippines (30/6/2014) cũng đã tập trận đổ bộ ngoài khơi bờ biển tỉnh Zambales. Cuộc tập trận diễn ra tại một bãi biển hoang vắng trên đảo Luzon, cách bãi cạn Scarborough trên biển Đông khoảng 220 km. Đây là bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines và đã bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 2012. Tư lệnh hạm đội Philippines Jaime Bernardino cho biết, đây là một phần trong cuộc tập trận thường niên CARAT giữa quân đội Mỹ và Philippines với sự tham gia của 1.000 binh sĩ hai nước và năm tàu chiến, bao gồm một tàu khu trục tên lửa Mỹ. Đáng chú ý, Mỹ và Philippines (25/4/2012) cũng đã diễn tập chiếm lại một hòn đảo trong khu vực vùng biển tranh chấp với Trung Quốc. Cuộc tập trận nằm trong chương trình tập trận thường niên CARAT giữa Mỹ và Philippines này diễn ra tại bờ biển đảo Palawan. Trung tá Rommel Abrau, Chỉ huy lực lượng đặc nhiệm đổ bộ của lính thủy đánh bộ Philippines cho biết, cuộc tập trận này không nhằm vào Trung Quốc, hay bất cứ nước nào, đây là cuộc diễn tập đã được lên kế hoạch từ trước nhằm tăng cường khả năng của quân đội Philippines. Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng, cuộc diễn tập làm tăng nguy cơ đối đầu giữa hai nước vốn đang căng thẳng do tranh chấp trên biển Đông.

Tương tự các nước, Trung Quốc cũng nhiều lần tổ chức tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo với quy mô lớn. Hạm đội Nam Hải Trung Quốc mới đây đã điều nhiều tàu chiến tham gia tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo phi pháp ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo tờ Đông Phương của Trung Quốc, tham gia huấn luyện trên có 2 hạm tàu đổ bộ Type 071 và 3 tàu đổ bộ đệm khí cao tốc type 726. Chiếc tàu đổ bộ Type 071 đầu tiên hạ thủy năm 2006, năm 2007 chạy thử và biên chế vào Hạm đội Nam Hải. Giống như các tàu khu trục Type 052C và hộ vệ 054A, nó được thiết kế kiểu dáng tàng hình. Hiện nay trong biên chế Hải quân Trung Quốc có 6 chiếc tàu đổ bộ Type 071, trong đó có 4 chiếc thuộc biên chế Hạm đội Nam Hải là: 987 (Ngũ Chỉ Sơn), 989 (Trường Bạch Sơn), 998 (Côn Luân Sơn) và 999 (Tỉnh Cương Sơn); 2 chiếc thuộc Hạm đội Đông Hải là 988 (Nghi Mông Sơn) và 980 (Long Hổ Sơn). Type 071 dài 210m, rộng 28m, mớn nước 7m, lượng giãn nước 25 ngàn tấn, tốc độ cao nhất 25 hải lý/h, hành trình xa nhất 6000 hải lý. Nó có thể chở theo 900 quân với trang bị đầy đủ (2 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ); trang bị 1 pháo hạm 76mm, 4 pháo phòng không tầm gần 6 nòng cải tiến từ loại AK-630, 4 dàn hỏa tiễn bắn mỗi bẫy 18 nòng Type 726-4, một số súng phòng không 12,7mm, súng trường 7,62mm và 4 máy bay trực thăng vũ trang Zh-8. Ngoài ra, mỗi tàu đổ bộ tổng hợp Type 071 có thể chở 3 tàu (xuồng) đổ bộ đệm khí Type 726 và 15 đến 20 xe tăng, xe thiết giáp. Trong khi đó, tàu đổ bộ đệm khí Type 726 (Type 726 LCAC), NATO gọi là “Yuyi class”, dài 30m, rộng 16m, sử dụng 2 động cơ diezen QC-70 công suất 7.000 mã lực; trang bị 2 pháo 14,5mm và 2 đại liên cỡ nòng 7,62mm. Với lượng giãn nước 160 tấn, nó có tải trọng lớn nhất 60 tấn, có thể chở theo 1 xe tăng chủ lực Type ZTZ-96, Type 99A hoặc 2 xe bọc thép chở quân BD-05, hoặc 80 lính đổ bộ; tốc độ lớn nhất đạt tới 80 hải lý/h. Hiện Hải quân Trung Quốc có trong biên chế 10 con tàu đổ bộ cao tốc này, trong đó 6 chiếc thuộc biên chế Hạm đội Nam Hải, 4 chiếc thuộc Hạm đội Đông Hải. Ngoài ra còn 10 chiếc khác đang được đóng tại nhà máy Giang Nam. Với ưu thế tốc độ cao, phù hợp với mọi loại địa hình bãi đổ bộ, các tàu đổ bộ này có thể nhanh chóng gác bãi để các chiến xa và lính thủy đánh bộ bất ngờ tiến công đánh chiếm đảo, bãi. Các chuyên gia quân sự cho rằng, sử dụng loại tàu đổ bộ đệm khí cao tốc này có thể rút ngắn rất nhiều thời gian so với phương pháp đổ bộ truyền thống trước đây.

Trước đó, Hải quân Trung Quốc (4/2017) tập trận đổ bộ chiếm đảo Biển Đông. Theo đó, Trung Quốc đã điều 2 chiến hạm lưỡng thê đổ bộ Tỉnh Cương Sơn và Côn Lôn Sơn chở theo nhiều trực thăng và tàu đổ bộ đệm khí ra Biển Đông tập trận bắn đạn thật xuyên ngày đêm liên tục trong vài ngày để kiểm tra khả năng tác chiến thực tế của Hạm đội Nam Hải. Cuộc tập trận này có nhiều khoa mục, bao gồm công – thủ 3 chiều, đổ bộ chiếm đảo bằng tàu đệm khí, cất hạ cánh đồng loạt trực thăng vũ trang, đổ bộ đường không và tất cả nội dung đều sử dụng đạn thật, tên lửa thật. Trung Quốc và Nga (12-20/9/2016) tiến hành cuộc tập trận chung ở Biển Đông, ngoài khơi tỉnh Quảng Đông. Cuộc tập trận hàng năm giữa quân đội Trung Quốc và Nga là hoạt động hàng hải chung lớn nhất giữa hai nước được tiến hành định kỳ từ năm 2012. Theo hải quân Trung Quốc, tham gia cuộc tập trận mang tên Joint Sea-2016 lần này có các tàu chiến mặt nước, tàu ngầm, máy bay, trực thăng và lính thủy đánh bộ. Phần lớn lực lượng Trung Quốc tham gia tập trận trực thuộc hạm đội Nam Hải. Trong các lần tập trận chung trước, hạm đội Bắc Hải và hạm đội Đông Hải mới là nòng cốt tham gia. Về phía Nga, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga điều một đội tàu 5 chiếc tham gia cuộc tập trận chung với Trung Quốc, gồm 2 khu trục hạm chống tàu ngầm, tàu đổ bộ cỡ lớn, tàu kéo và tàu chở dầu. Trung Quốc và Nga thực hiện các khoa mục như bắn đạn thật, đổ bộ chiếm đảo và các hoạt động quốc phòng khác. Đặc biệt, đáng chú ý là khoa mục đổ bộ chiếm đảo được thực hiện trong cuộc tập trận lần này rất “nhạy cảm” khi tình hình Biển Đông, nơi cuộc tập trận diễn ra, đang căng thẳng. Hạm đội Nam Hải Trung Quốc (8/2016) cho tàu đệm khí Zubr tập trận đánh chiếm đảo tầm xa ở Biển Đông. Trang tin Hải quân Trung Quốc cho biết, Hạm đội Nam Hải lần đầu tiên tổ chức cho các tàu đổ bộ đệm khí mới tiến hành diễn tập đổ bộ tập kích cực ly xa trong thời gian 4 ngày. Nhiều tàu đổ bộ đệm khí mới đã tiến hành đột kích tốc độ cao, tạo ra những con sóng lớn ở “vùng nước sâu trên Biển Đông”. Theo thông lệ diễn tập tác chiến đổ bộ trước đây, tàu đệm khí chủ yếu đảm đương nhiệm vụ đột kích vận chuyển lực lượng đổ bộ trong vài hải lý cuối cùng của tác chiến đổ bộ. Trong cuộc diễn tập lần này, Hạm đội Nam Hải phá vỡ hình thức tác chiến đổ bộ thông thường, loại bỏ mô hình tư duy việc sử dụng tàu đổ bộ đệm khí chỉ giới hạn ở “vượt qua km cuối cùng của tác chiến đổ bộ”, lần đầu tiên tổ chức cho tàu đổ bộ đệm khí tiến hành đổ bộ đột kích tập kích vài trăm hải lý. Theo các chuyên gia quân sự Trung Quốc, các tàu đổ bộ đệm khí tiến hành diễn tập đổ bộ cự ly xa như vậy là một thách thức không nhỏ, đã kiểm tra tối đa khả năng điều khiển và chỉ huy hiệp đồng của binh sĩ, đã kiểm tra tối đa tính năng kỹ chiến thuật các loại của trang bị, đã tiếp tục mở rộng chức năng tác chiến cho tàu đổ bộ đệm khí mới. Báo chí Trung Quốc không hề tiết lộ địa điểm tập trận cụ thể, nhưng việc đưa tin như trên làm cho dư luận suy đoán có thể cuộc tập trận này đã tổ chức ở khu vực các đảo đá trên Biển Đông. Nếu thực sự như vậy đây là một cuộc tập trận bất hợp pháp và một lời cảnh báo về mối đe dọa trên biển cho các nước xung quanh Biển Đông. Không những vậy, 3 hạm đội lớn Hải quân Trung Quốc (11/2015) tụ tập ở Biển Đông lần lượt tập trận tự chủ đối kháng khoa mục săn ngầm, ngoài ra, Hạm đội Nam Hải còn diễn tập đổ bộ đánh chiếm đảo phi pháp. Theo đó, từ ngày 17-19/11/2015, cả 3 hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc gồm Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Nam Hải đã tụ tập ở Biển Đông tiến hành tập trận săn ngầm và đổ bộ quy mô lớn. Tham gia diễn tập gồm có các tàu khu trục, tàu hộ vệ, máy bay trực thăng hải quân và tàu ngầm mới thuộc 3 hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc. Trong đó có sự tham gia của tàu khu trục tên lửa Trường Xuân số hiệu 150 Type 052C của Hạm đội Đông Hải; 2 tàu hộ vệ Type 054 A (tàu Hành Dương số hiệu 568 và tàu Ngọc Lâm số hiệu 569) và tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn số hiệu 071 thuộc về Hạm đội Nam Hải… Những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng đầu tư vào chế tạo tàu đổ bộ mới, hơn nữa còn có các trang bị mới như tàu đổ bộ đệm khí Zubr (mua của Ukraine và tự chế tạo theo giấy phép), năng lực đổ bộ không ngừng được tăng cường thông qua các hoạt động huấn luyện cường độ lớn. Trước đây, Hải quân Trung Quốc hoàn toàn không quen với đổ bộ lập thể, để có được năng lực tác chiến trên phương diện này thì phải dựa vào huấn luyện. Đáng chú ý là, từ động thái diễn tập thực tế và qua phân tích của các chuyên gia, Hải quân Trung Quốc đang tăng cường năng lực tác chiến liên hợp, tức là có sự phối hợp hiệp đồng tác chiến giữa các hạm đội, các lực lượng khác nhau, điều này đã thể hiện rõ trong cuộc diễn tập lần này. Trung Quốc (7/2015) cũng tập trận đổ bộ phi pháp quy mô lớn ở Biển Đông. Theo CCTV, cuộc tập trận nói trên có sự tham gia của một lữ đoàn đổ bộ đường không, lực lượng lính thủy đánh bộ, lực lượng đổ bộ đường thủy và các đơn vị trực thăng không quân. Truyền thông Trung Quốc còn đưa tin rằng tàu đệm khí đổ bộ lớp Bison cũng lần đầu tiên được triển khai trong cuộc tập trận này. Đây là loại tàu đổ bộ có thể mang theo 3 xe tăng hạng nặng, hoặc 10 xe bọc thép với 140 binh sỹ. Hạm đội Nam Hải (6/3/2013) tập trận chiếm đảo trên Biển Đông. Tham gia cuộc tập trận này có một biên đội tàu lưỡng thê đổ bộ do tàu Cảnh Cương Sơn chỉ huy. Số lượng tàu chiến, binh lính cũng như vũ khí trang bị, thời gian và địa điểm cụ thể diễn ra cuộc tập trận không được tiết lộ. Giới truyền thông Trung Quốc cho biết, tàu Cảnh Cương Sơn cơ động đến một vùng biển trên Biển Đông được xác định trước, chia quân thành 3 cánh dùng xuồng cao tốc…. nhanh chóng đổ bộ và đánh chiếm đảo “bị địch chiếm đóng”. Dưới mặt biển, xuồng cao tốc và xe tăng lội nước chở theo lính thủy quân lục chiến đổ bộ chiếm đảo từ 3 hướng. Trên bầu trời, trực thăng hải quân vận chuyển lính đặc nhiệm thủy quân lục chiến đổ bộ đường không phía sau lưng phòng ngự của đối phương.

Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa; nhấn mạnh duy trì hòa bình ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước trong và ngoài khu vực; tuyên bố việc Trung Quốc tập trận trên Biển Đông một lần nữa xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); tái khẳng định Việt Nam phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm, chấm dứt ngay và không có những hành động đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông hay làm gia tăng căng thẳng tại khu vực này.

RELATED ARTICLES

Tin mới