Friday, March 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaViệt Nam - Hàn Quốc thúc đẩy quan hệ song phương, trao...

Việt Nam – Hàn Quốc thúc đẩy quan hệ song phương, trao đổi về vấn đề Biển Đông

Từ 25-29/9, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã thăm Hàn Quốc nhằm thúc đẩy quan hệ song phương; khẳng định Việt Nam luôn coi Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn chào xã giao Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee San.

Trong chuyến thăm, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã chào xã giao Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee San, gặp Chủ tịch Đảng Dân chủ đồng hành Hàn Quốc Lee Hae Chan và Chủ tịch Hội đồng Kinh tế, Xã hội và Lao động Hàn Quốc Moon Seong Hyeon.

Tại các cuộc gặp, ông Trần Thanh Mẫn đã chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của Hàn Quốc và bày tỏ sự vui mừng khi thấy mối quan hệ hai nước đang phát triển rất tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, nhất là sau khi thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác hợp tác chiến lược vào năm 2009; nhấn mạnh Việt Nam luôn coi Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, mong muốn Hàn Quốc tiếp tục quan tâm, ủng hộ việc phát triển quan hệ hai nước ngày càng mở rộng và hiệu quả, tiếp tục hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc, nhất là phụ nữ Việt Nam kết hôn với công dân Hàn Quốc, hòa nhập tốt vào xã hội Hàn Quốc, trở thành cầu nối cho tình hữu nghị hai nước; mong muốn hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác đạt mục tiêu 100 tỷ USD thương mại song phương vào năm 2020; tăng cường cả về lượng và chất đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam trong các lĩnh vực Việt Nam cần và Hàn Quốc có thế mạnh với nhiều hình thức đa dạng; khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng tăng cường quan hệ với Đảng Dân chủ đồng hành Hàn Quốc và Chính phủ Hàn Quốc;

Về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, ông Trần Thanh Mẫn cho biết Việt Nam nhất quán ủng hộ hòa bình, ổn định, phi hạt nhân hóa và giải quyết các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình, thông qua đối thoại, thương lượng và khẳng định trong khả năng của mình, Việt Nam sẽ đóng góp tích cực vào tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc cho rằng quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc không phải là quan hệ thông thường mà là quan hệ rất đặc biệt như anh em trong nhà, đồng thời nhấn mạnh chính sách Hướng Nam mới của chính quyền Hàn Quốc hiện nay coi trọng quan hệ với ASEAN, trong đó có Việt Nam; cảm ơn Việt Nam về những đóng góp tích cực vào tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Về vấn đề Biển Đông, ông Trần Thanh Mẫn cũng bày tỏ mong muốn Hàn Quốc tiếp tục quan tâm, tích cực ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN trong việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do và an toàn hàng hải ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất.

Tuy không liên quan trực tiếp đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, song hòa bình, ổn định ở khu vực có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Hàn Quốc. Những năm gần đây, Hàn Quốc đã tích cực thúc đẩy giải quyết hòa bìinh tranh chấp Biển Đông dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Với những lợi ích, cơ hội và nghĩa vụ trong việc gìn giữ sự ổn định của khu vực, Hàn Quốc đã đóng vai trò nhất định trong vấn đề Biển Đông, thông qua việc góp tiếng nói trong các nỗ lực chung của quốc tế để giải quyết các tranh chấp và giảm bớt căng thẳng. Giới chuyên gia cho rằng trong chiến lược phát triển chung của mình, Hàn Quốc tin rằng cách tốt nhất để duy trì hoà bình, hợp tác ở khu vực là tìm thấy quyền lợi chung, tham gia vào các cuộc đối thoại và tin tưởng xây dựng mối quan hệ với các quốc gia hơn là việc chia rẽ. Đồng thời nhu cầu giảm thiểu sự nghi ngờ và phê phán lẫn nhau từ cả hai bên là rất lớn. Trên cơ sở đó, Hàn Quốc đã đưa ra những chính sách và quan điểm của mình tại Biển Đông.

Thứ nhất, quan điểm của lãnh đạo Hàn Quốc về Biển Đông cũng tương đồng với quan điểm của các quốc gia khác là Nhật Bản, Mỹ, Australia. Đó là cần đảm bảo tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông, không chấp nhận bất kỳ hành vi độc chiếm Biển Đông của bất kỳ quốc gia nào. Điều này được Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc, ông Cho Tae-Yong nhắc đến trong cuộc hội đàm với Mỹ và Nhật Bản vào ngày 16/4/2015 tại Mỹ. Quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kwang Il trong một phát biểu của mình đã nhấn mạnh hoà bình và ổn định trong khu vực có ý nghĩa với Hàn Quốc. Hàn Quốc đồng thời kêu gọi áp dụng các khuôn khổ pháp lý hiện hành cho phép “bảo đảm quyền tự do hàng hải và ổn định” trong khu vực. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng ủng hộ gần như mọi sáng kiến hoà bình của các quốc gia trong khu vực, nhất là của ASEAN và Nhật Bản về vấn đề Biển Đông. Có nhiều cách lý do được đưa ra để lý giải cách tiếp cận này. Trước hết là vì lợi ích về kinh tế. Chỉ cần không xảy ra xung đột, sẽ không có bất cứ gián đoạn nào trên con đường giao thương chính trên biển của Hàn Quốc mà Biển Đông là một huyết mạch quan trọng. Ngoài ra, Hàn Quốc nhận thấy rằng cần nhiều sự ủng hộ hơn nữa trong vấn đề Bắc Triều Tiên trong khi các lựa chọn “siêu cường”, tuy vẫn nằm trong danh sách ưu tiên nhưng luôn có những rủi ro khó đoán. Liên minh Mỹ-Nhật đang chuyển biến và có những động thái thay đổi mang tính cấu trúc, sự trỗi dậy của Trung Quốc vẫn không có dấu hiệu tiên đoán trước được. Vì thế đầu tư vào mạng lưới an ninh khu vực như một giải pháp song hành. Đầu tư này đồng nghĩa với việc cần tạo thêm sự ủng hộ và cam kết. Sẽ không có thêm quốc gia nào đứng về phía Hàn Quốc khi không nhận thấy sự hiện diện của nước này hay bản thân họ không nhận được lợi ích nào từ Hàn Quốc.

Thứ hai, Hàn Quốc vẫn đang thận trọng, cả về mặt ngôn từ, lẫn hành động, trong đó thường xuyên tham gia vào các cuộc họp đa phương trong các khuôn khổ kiến trúc khu vực của ASEAN. Trong các tuyên bố của mình, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã lên tiếng ủng hộ thực thi Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) mặc dù sự thể hiện ủng hộ này còn mang tính chung chung, nếu không nói là khá “kiệm lời” so với phát biểu nhiều phê bình và chỉ trích của các quốc gia khác về các tác nhân đang làm thay đổi thực trạng hiện có của khu vực. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã công khai ủng hộ Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và cả việc cần xúc tiến đàm phán và kết thúc COC. Dựa trên sự ủng hội này, những hành động thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hay đơn phương khiêu khích làm phức tạp hơn tình hình tranh chấp cần được Hàn Quốc phản đối – cả đa phương, lẫn song phương, cả công khai, lẫn trong các trao đổi nội bộ với các nước liên quan. Chính sách của Hàn Quốc tại Biển Đông phụ thuộc nhiều vào góc nhìn lợi ích của quốc gia này trong bức tranh chung đại chiến lược đang thay đổi. Vì thế cũng dễ hiểu khi Hàn Quốc tỏ ra thận trọng với từng bước đi của mình tại Biển Đông để vừa duy trì lợi ích của mình trong mối quan hệ với Mỹ, Trung. Nhưng các bước quá thận trọng như hiện nay rõ ràng đang chậm hơn những gì diễn ra hằng ngày trên thực địa tại Biển Đông và trong chuyển động an ninh chiến lược của các cường quốc.

Thứ ba, về hành động, một số chuyển biến có thể ghi nhận trong thời gian vừa qua. Đó là việc Hàn Quốc tăng cường hợp tác quốc phòng với Philippines trong giai đoạn Manila với Băc Kinh đang kéo dài các căng thẳng tại Biển Đông. Đây có thể xem như một động thái ngầm ủng hộ Philippines tại Biển Đông. Mặc dù phía Trung Quốc phản đối, chính phủ Seoul vẫn quyết định cung ứng các thiết bị quân sự và vũ khí cho Manila. Vào tháng 6/2014, Hàn Quốc đã quyết định tặng tàu chiến lớp Pohang cho Philippines. Trước đó, Manila cũng đã nhận được 1 tàu đổ bộ cùng 16 xuồng cao su từ phía Hàn Quốc. Hàn Quốc nhìn chung đã đưa ra những tín hiệu thể hiện sự ủng hộ của mình trong vấn đề tranh chấp tại Biển Đông, mặc dầu chưa được mạnh mẽ như người láng giềng Nhật Bản.

Nhìn chung, từ khi lên cầm quyền đến nay, Chính quyền của Tổng thống Mon Jea-in đã tích cực can dự vào tranh chấp Biển Đông, song cũng cân bằng lợi ích và ảnh hưởng từ Mỹ và Trung Quốc. Theo đó, Chính quyền của Tổng thống Mon Jea-in tăng cường hợp tác quốc phòng với ASEAN, phản đối quân sự hóa ở Biển Đông, ủng hộ duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Trong các tuyên bố, Hàn Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, an toàn và tự do hàng hải, cùng nhận thức phải giải quyết hòa bình các tranh chấp liên quan theo nguyên tắc của luật pháp quốc tế, thực hiện hiệu quả và toàn diện Tuyên bố các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (COC). Đáng chú ý, trong chuyến thăm Việt Nam (2018), Brunei, Malaysia và Campuchia (3/2019), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đã chia sẻ mối quan tâm của khu vực đối với vấn đề Biển Đông khi kêu gọi các bên liên quan cần kiềm chế, tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS; cần thực hiện hiệu quả và toàn diện DOC, thúc đẩy sớm ký COC hiệu quả, nhằm giữ gìn hòa bình, ổn định và tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài mà các bên đều có thể chấp nhận được.

RELATED ARTICLES

Tin mới