Tuesday, April 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mới'Gáo nước lạnh' có thể khiến đàm phán Mỹ - Triều đổ...

‘Gáo nước lạnh’ có thể khiến đàm phán Mỹ – Triều đổ bể

Việc Bình Nhưỡng muốn lợi ích tối đa mà không cần nhượng bộ nhiều khả năng đã dội “gáo nước lạnh” cuộc thảo luận với Mỹ tại Stockholm. 

Nỗ lực đạt thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục gặp trở ngại sau khi Triều Tiên tuyên bố cuộc họp cấp chuyên viên giữa hai nước tại Stockholm, Thụy Điển hôm 5/10 đã đổ bể.

Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Kim Myong-gil cho biết quá trình thảo luận “không như kỳ vọng” bởi “Mỹ không chịu từ bỏ thái độ cũ”. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên sau đó cho biết Bình Nhưỡng “không muốn tổ chức các cuộc đàm phán khủng khiếp giống như cuộc thảo luận vừa qua, trừ khi Washington có những biện pháp cụ thể nhằm chấm dứt chính sách thù địch”.

Tờ WSJ đã gọi những đòi hỏi này của Triều Tiên là “gáo nước lạnh” dội thẳng vào nỗ lực đàm phán phi hạt nhân hóa của Mỹ, khiến cuộc thảo luận cấp làm việc đầu tiên giữa hai nước kể từ tháng 2 năm ngoái tới nay kết thúc chóng vánh mà không mang lại kết quả.

Ngay sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố họ “đã đưa ra những ý tưởng sáng tạo và có cuộc thảo luận tốt với các đối tác Triều Tiên”, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cáo buộc chính quyền Tổng thống Donald Trump đang “dắt mũi dư luận”, đồng thời cảnh báo nếu Mỹ không thay đổi cách tiếp cận trước cuối năm thì quan hệ giữa hai nước “có thể kết thúc ngay lập tức”.

Kim Dong-yub, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông ở Seoul, Hàn Quốc, cho rằng quá trình đàm phán “có khả năng đã lung lay ngay từ đầu do hai bên đều tìm cách thu được quá nhiều, nhưng lại muốn bỏ ra quá ít”.

Một số chuyên gia cho rằng “gáo nước lạnh” này là một phần trong chiến thuật “bên miệng hố chiến tranh” mà Triều Tiên áp dụng nhằm gây sức ép trở lại với Mỹ. Chiến thuật này đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng đẩy tình hình đến mức căng thẳng nhằm cố gắng đạt lợi ích tối đa, sau đó hạ nhiệt trước khi gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, một khả năng khác được đưa ra là các cuộc đàm phán Mỹ – Triều thực sự đang bên bờ vực sụp đổ.

“Đây có thể là dấu hiệu đầu tiên cho hồi kết của tình thế hòa hoãn giữa hai nước kể từ hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim ở Singapore, hoặc chỉ là một chướng ngại vật khác sau một loạt cuộc đàm phán. Mọi chuyện hoàn toàn chưa rõ ràng”, Joel Wit, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện là chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Stimson, nhận định.

Trước khi cuộc đàm phán kéo dài 8 giờ rưỡi hôm 5/10 diễn ra, quan điểm của hai bên về phạm vi và thời gian phi hạt nhân hóa được cho là vẫn còn khoảng cách lớn.

Tổng thống Trump đã nâng cao kỳ vọng bằng cách tuyên bố đang xem xét một phương pháp theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa mới hồi tháng 9. Quyết định sa thải cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, người có quan điểm “diều hâu” về Triều Tiên, cũng dẫn tới suy đoán về sự thay đổi trong cách tiếp cận vấn đề của chính phủ Mỹ.

Mặc dù vậy, việc phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán được đánh giá không dễ dàng. Gary Samore, giáo sư tại Đại học Brandeis, bang Massachusetts, Mỹ, cho rằng sự đổ bể của vòng đàm phán cấp chuyên viên này là “có thể dự đoán được”. Ngoài lý do Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa hiểu ý nhau, ông nhận định “Kim Jong-un thích thỏa thuận trực tiếp với Trump hơn”, nói thêm rằng Bình Nhưỡng “thích tạo kịch tính lớn bằng cách phá vỡ các cuộc thảo luận”.

“Triều Tiên muốn người khác nghĩ rằng nguyên nhân của sự bế tắc là do Mỹ không linh hoạt. Họ có khả năng muốn Washington trở lại đàm phán với quan điểm thiện chí hơn, hoặc thậm chí buộc Tổng thống Trump tham gia một hội nghị thượng đỉnh để cứu vãn quan hệ ngoại giao”, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Mintaro Oba nhận định, bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của Samore.

Trump nhiều lần khẳng định ông không vội đạt được thỏa thuận và các lệnh trừng phạt Triều Tiên sẽ không thay đổi nếu mục tiêu này chưa hoàn thành, đồng thời nhấn mạnh Bình Nhưỡng đã ngừng thử vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại Athens, Hy Lạp hôm 5/10. Ảnh: AP.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại Athens, Hy Lạp hôm 5/10. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, một số cựu quan chức cho rằng tuyên bố “đàm phán tốt đẹp” của Bộ Ngoại giao Mỹ sau cuộc họp tại Stockholm có thể bị Bình Nhưỡng coi là dấu hiệu cho thấy Washington đang quá nhiệt tình với thỏa thuận.

“Bình luận đó là dấu hiệu rõ ràng cho việc Washington đang lo lắng phải kéo dài thế giằng co với Bình Nhưỡng”, Soo Kim, chuyên gia về Triều Tiên tại tổ chức tư vấn RAND Corp, nhận định, nói thêm rằng hai bên khó có thể đạt được thỏa thuận hợp lý và tương xứng trong hoàn cảnh hiện nay.

Hơn một thập kỷ qua, Triều Tiên nhiều lần “dùng dằng” trong đàm phán, với hy vọng đạt được những lợi ích chiến lược bằng cách tạo ra khủng hoảng, chấp nhận “đánh cược lớn” vì mục tiêu nhận được nhượng bộ tối đa, chuyên gia Lee Sung-yoon tại Đại học Tufts, bang Massachusetts, cho biết.

“Trong khi người Mỹ thiết tha quá mức với việc đạt được một thỏa thuận, phía Triều Tiên tiếp tục kéo dài thời gian và gia tăng mối đe dọa. Lần này Bình Nhưỡng đã ở trên cơ”, Lee nhận định.

Vipin Narang, chuyên gia hạt nhân tại Viện Công nghệ Massachusetts, bổ sung rằng Triều Tiên cũng đang dành thời gian để tiếp tục cải thiện năng lực tên lửa và vũ khí hạt nhân, đồng thời suy tính tới khả năng được công nhận là cường quốc hạt nhân.

“Nếu điều này chính xác, chiến lược tốt nhất cho Triều Tiên là dập tắt hy vọng về một thỏa thuận mang tính viễn tưởng trong tương lai, đồng thời tránh đề cập tới những thỏa thuận mang tính thực tế”, Narang giải thích.

Một số ý kiến khác cho rằng cuộc đàm phán đổ bể ở Stockholm còn có thể trở thành cái cớ để chính quyền Kim Jong-un tiến hành thêm nhiều cuộc thử nghiệm vũ khí. Triều Tiên hôm 2/10 phóng thành công tên lửa đạn đạo Pukguksong-3 ở vùng biển ngoài khơi vịnh Wonsan, đánh dấu vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm đầu tiên của nước này trong ba năm qua, đồng thời là vụ phóng tên lửa thứ 9 của Triều Tiên kể từ khi Trump – Kim bất ngờ gặp mặt tại biên giới liên Triều hồi tháng 6.

RELATED ARTICLES

Tin mới