Tuesday, April 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaÝ nghĩa của việc Mỹ gia hạn hiệp ước sử dụng căn...

Ý nghĩa của việc Mỹ gia hạn hiệp ước sử dụng căn cứ quân sự ở Singapore

Ngày 23/09/2019, tại New York – Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã ký gia hạn Hiệp ước quốc phòng quan trọng cho phép các lực lượng Mỹ sử dụng các căn cứ không quân và hải quân của Singapore đến năm 2035 (kéo dài thời hạn thêm 15 năm nữa).

Bản ghi nhớ quốc phòng đầu tiên giữa Mỹ và Singapore được Thủ tướng Lý Quang Diệu và Phó Tổng thống Mỹ Dan Quayle ký năm 1990 và sau đó được gia hạn thêm 15 năm vào năm 2005. Bản ghi nhớ là một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, cho phép sử dụng các thiết bị của Mỹ tại Singapore, giúp củng cố sự hiện diện an ninh của Mỹ tại khu vực này trong gần 30 năm qua.

Thỏa thuận này tạo điều kiện cho các lực lượng Mỹ tiếp cận các căn cứ không quân và hải quân Singapore; các đơn vị hữu quan của Singapore thực hiện hỗ trợ hậu cần cho binh sĩ, máy bay và tàu của Mỹ. Theo thỏa thuận này, Mỹ đã luân phiên triển khai máy bay chiến đấu để tập trận, tiếp nhiên liệu và bảo trì, cũng như triển khai các tàu chiến đấu ven bờ của Hải quân Mỹ (LCS) tới Singapore từ năm 2013 và máy bay P-8 Poseidon kể từ năm 2015.

Việc ký gia hạn Bản ghi nhớ không chỉ phản ánh sự hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng giữa Mỹ và Singapore rất tốt gần 30 năm qua mà còn có ý nghĩa lớn đối với khu vực, nhất là trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp do Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông và gia tăng sức ép, cưỡng bức các nước ven Biển Đông nhằm thực hiện mục tiêu khống chế, độc chiếm Biển Đông.

Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều thông tin liên quan việc Mỹ đưa tàu chiến đấu ven bờ USS Gabrielle Giffords đến neo đậu thường xuyên ở Singapore thể hiện rõ quyết tâm của Mỹ trong việc thực hiện các cam kết ở khu vực Đông Nam Á và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Điều này cho thấy Mỹ và Singapore đã vận dụng một cách sáng tạo những nội dung trong Bản ghi nhớ được ký 30 năm trước để làm sâu sắc hơn hợp tác quân sự giữa hai bên.

Theo nguồn tin của Hải quân Mỹ, tàu USS Gabrielle Giffords sẽ tiến hành chiến dịch đảm bảo an ninh hàng hải và duy trì sự hiện diện hải quân ở khu vực. Một số nhà phân tích cho rằng động thái này của Mỹ là “thông điệp quan trọng” cho Trung Quốc và có thể “thay đổi cục diện” tại vùng biển Tây Thái Bình Dương; trước việc Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông, điều này sẽ giúp Mỹ cân bằng cán cân quyền lực ở Biển Đông và Thái Bình Dương. Sự hiện diện quân sự mạnh mẽ hơn của Mỹ trong khu vực buộc Trung Quốc phải hoạt động dè chừng ở Biển Đông.

Singapore không phải là bên tranh chấp ở Biển Đông, nhưng Singapore là trung tâm cảng biển lớn ở khu vực có lợi ích rất lớn trong việc duy trì hòa bình ổn định và tự do, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Do vậy, Singapore có điểm đồng rất lớn với Mỹ, nước luôn bảo vệ quyền tự do hành hải trên các đại dương, bao gồm ở Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Singapore cho rằng Mỹ có vai trò hết sức quan trọng đối với khu vực và luôn ủng hộ sự hiện diện của Mỹ ở khu vực.

Sau khi cơ bản hoàn thành việc quân sự hóa Biển Đông thông qua việc biến các cấu trúc mà Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông thành các căn cứ quân sự, hành động gây hấn của Trung Quốc đối với các nước ven Biển Đông chuyển sang một giai đoạn mới với việc Trung Quốc gia tăng sức ép, cưỡng chế, xâm lấn vùng biển của các nước ven Biển Đông hòng biến những vùng biển hoàn toàn không tranh chấp của các nước ven Biển Đông thành những khu vực tranh chấp để đòi “cùng khai thác”.

Các hoạt động bất hợp pháp, gây hấn của các tàu Trung Quốc trong vùng biển các nước Malaysia, Philippines từ đầu năm 2019 đến nay, nhất là các hành vi xâm lấn của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 08 ở khu vực bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam từ đầu tháng 7/2019 cho thấy Trung Quốc đang trà đạp lên luật pháp quốc tế, bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế.

Để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc, Mỹ đang tích cực, chủ động thúc đẩy chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương tự do, rộng mở với nòng cốt là “Bộ Tứ”, Biển Đông là một trọng tâm của chiến lược này và quan hệ hợp tác quân sự giữa Mỹ và Singapore trong khuôn khổ Bản ghi nhớ vừa được lãnh đạo cao nhất của hai nước ký gia hạn được xem là một nhân tố quan trọng để Mỹ triển khai trong thời gian tới. Theo đánh giá của Tổng thống Trump tại lễ ký kết thì đây là một bản ghi nhớ rất mạnh mẽ về hợp tác quốc phòng.

Với cách tiếp cận đó, việc Mỹ và Singapore ký kéo dài thời hạn của Bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng thêm 15 năm không chỉ có ý nghĩa đối với 2 nước mà còn đóng vai trò quan trọng đối với khu vực Biển Đông nhất là đối với các nước nhỏ như Việt Nam, Philippines, Malaysia đang bị Trung Quốc uy hiếp, cưỡng bức, gây hấn.

Tiếp theo việc Mỹ cùng các nước ASEAN lần đầu tiên tiến hành diễn tập chung ở Biển Đông hồi đầu tháng 9/2019, việc gia hạn Bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng Mỹ – Singapore là nhân tố hết sức quan trọng để ngăn chặn Trung Quốc khống chế, độc chiếm Biển Đông. Bản ghi nhớ sẽ giúp Singapore nâng cao vai trò của mình trong bảo vệ hòa bình, ổn định, duy trì tự do, an ninh an toàn hàng hải, hàngkhông ở Biển Đông theo tinh thần thượng tôn pháp luật.

RELATED ARTICLES

Tin mới