Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ - Triều nối lại đàm phán hạt nhân: Tiến triển tích...

Mỹ – Triều nối lại đàm phán hạt nhân: Tiến triển tích cực cho hòa bình, ổn định trong khu vực

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui cho biết hai nước đã nhất trí tiến hành các cuộc tiếp xúc sơ bộ vào ngày 4/10, sau đó sẽ là các cuộc đàm phán cấp chuyên viên vào ngày 5/10. Tuy nhiên, quan chức Triều Tiên không tiết lộ địa điểm sẽ diễn ra cuộc gặp.

Theo thông tin trên, Mỹ và Triều Tiên đã nhất trí tiến hành các cuộc tiếp xúc sơ bộ vào ngày 4/10, sau đó sẽ là các cuộc đàm phán cấp chuyên viên vào ngày 5/10. Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui cho biết, bà hy vọng các cuộc đàm phán cấp chuyên viên lần này sẽ thúc đẩy các tiến triển tích cực trong quan hệ Mỹ-Triều; đồng thời khẳng định các đại diện phía Triều Tiên đã sẵn sàng đối thoại với Mỹ, tuy nhiên không nói rõ các cuộc đàm phán sẽ diễn ra ở đâu. Trước đó, phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Đại sứ Triều Tiên tại Liên hiệp quốc Kim Song nói rằng, đã đến lúc Washington phải chia sẻ các đề xuất về đàm phán. Ông Kim Song cũng đã kêu gọi thực hiện đầy đủ tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau cuộc gặp đầu tiên tại Singapore vào tháng 6/2018.

Phản ứng trước thông tin trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus (1/10) cũng xác nhận và cho biết: “Tôi có thể khẳng định rằng quan chức Mỹ và Triều Tiên có kế hoạch gặp nhau trong tuần tới”, song không cung cấp thêm thông tin chi tiết về cuộc gặp này. Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết rất hoan nghênh việc nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều và mong hai bên sẽ đạt được tiến triển. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho hay, Bộ này sẽ tập trung sức mạnh ngoại giao của Seoul vào nỗ lực giúp tiến trình phi hạt nhân hóa này đạt tiến triển thực sự, trong đó, có việc phối hợp chặt chẽ với phía Mỹ để đáp ứng yêu cầu của Triều Tiên về “phương thức tính toán mới” và những đảm bảo an ninh. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU, 2/10) cho rằng Mỹ và Tiều Tiên sớm tiến hành các cuộc đối thoại mới; nhấn mạnh EU mong đợi Mỹ và Triều Tiên nối lại các cuộc đối thoại cấp chuyên viên trong thời gian tới, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với nỗ lực quốc tế nhằm tìm kiếm giải pháp cho hòa bình và an ninh lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.

Một số chuyên gia nhận định động thái chủ động lần này cho thấy Bình Nhưỡng đang tranh thủ cơ hội nhằm đạt được kết quả tốt nhất có thể. Giáo sư Yang Moo-jin thuộc Đại học Triều Tiên học (Hàn Quốc) nhận định, năm 2019 sắp kết thúc, ông Kim Jong-un đang cố đẩy nhanh tiến độ đàm phán hạt nhân. Sang năm 2020, Mỹ sẽ diễn ra bầu cử Tổng thống, trong khi Hàn Quốc sẽ bầu cử Quốc hội. Chiến lược của ông Kim Jong-un có thể sẽ thúc đẩy một Hội nghị thượng đỉnh lần ba trước hai kỳ bầu cử này để tránh bị kết quả của chúng ảnh hưởng.

Kế hoạch đàm phán cấp chuyên viên là đã được nhắc tới từ sau cuộc gặp ngắn giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại làng đình chiến Panmunjom hồi cuối tháng 6/2019 nhân chuyến thăm Hàn Quốc của ông Trump. Tuy nhiên, kế hoạch này bị trì hoãn do Mỹ – Hàn tiến hành tập trận chung, bị Triều Tiên lên án mạnh mẽ.

Được biết, đàm phán hạt nhân Mỹ – Triều đã bế tắc kể từ cuộc gặp giữa Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tại Hà Nội tháng 2/2019. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho: Trong 2 ngày hội đàm, các lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ đã có các cuộc thảo luận nghiêm túc… Mục tiêu của hội nghị Thượng đỉnh lần hai là xây dựng lòng tin, cùng giải quyết các thách thức, trở ngại còn lại sau hội nghị thượng đỉnh ở Singapore và đưa ra những đề xuất giúp đem lại kết quả tốt đẹp. Các lệnh cấm vận hiện nay đang gây tổn hại một phần đến nền kinh tế và cuộc sống của dân thường ở Triều Tiên. Chúng tôi đã đưa ra một đề xuất thực tế. Nếu Mỹ dỡ bỏ một số lệnh cấm vận đã làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân chúng tôi, chúng tôi sẽ ngay lập tức và vĩnh viễn tháo dỡ các cơ sở hạt nhân, cả làm giàu uranium và plutonium ở khu vực Yongbyon, trước sự chứng kiến của các chuyên gia Mỹ và các chuyên gia kỹ thuật đến từ những quốc gia khác. Chúng tôi không đề nghị dỡ bỏ mọi lệnh cấm vận, mà chỉ một phần các lệnh cấm vận đó. Hiện có tổng cộng 11 lệnh cấm vận của Mỹ chống Triều Tiên, nhưng chúng tôi chỉ đề xuất gỡ bỏ 5 nghị quyết cấm vận mà Liên hợp quốc đã thông qua trong năm 2016 và 2017, căn cứ vào những gì chúng tôi đã thực hiện và mức độ tin tưởng đã đạt được giữa Triều Tiên và Mỹ. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên, đó là một “đề xuất thực tế”. Song, phía Mỹ “không sẵn sàng chấp nhận đề xuất của chúng tôi”. Washington đòi thêm một biện pháp nữa ngoài việc giải giáp cơ sở Yongbyon và điều đó là quá nhiều đối với Bình Nhưỡng. Ông Ri thông tin thêm, Triều Tiên cũng đề xuất các bảo đảm bằng văn bản về việc vĩnh viễn dừng các hoạt động thử nghiệm hạt nhân và tên lửa tầm xa. Ngoài ra, phía Triều Tiên yêu cầu giảm cấm vận vì tin Mỹ hiện vẫn chưa sẵn sàng đưa ra các bảo đảm an ninh cho nước này; đồng thời khẳng định “các đề xuất của chúng tôi chưa bao giờ thay đổi dù Mỹ đề nghị tái đàm phán trong tương lai”.

Tại cuộc họp báo diễn ra trước khi rời Hà Nội, Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ – Triều Tiên thấy đây chưa phải thời điểm để ký kết thỏa thuận nào. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh các cuộc thảo luận với Chủ tịch Kim Jong-un “diễn ra trong không khí thân thiện và không ai ra về trong giận dữ”. Trong khi đó, trả lời trên kênh truyền hình Fox News, ông John Bolton nhấn mạnh: “Tôi không cho rằng kết quả của Hội nghị thượng đỉnh là thất bại”. Ông Bolton cho rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump không có được những cam kết của Triều Tiên về giải trừ hạt nhân nên được coi là “thành công xét trên khía cạnh là nhà lãnh đạo Mỹ đang bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích quốc gia”.

RELATED ARTICLES

Tin mới