Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhilippines muốn cùng Nga khai thác dầu khí ở Biển Đông

Philippines muốn cùng Nga khai thác dầu khí ở Biển Đông

Philippines hy vọng Nga trở thành đối tác khai thác dầu khí ở Biển Đông, nhưng các nhà quan sát nói rằng Tổng thống Rodrigo Duterte cũng phải chú ý quan hệ Trung – Nga đang thân thiết nên Moscow không muốn làm mất lòng Bắc Kinh.

 

Trong một động thái có thể làm phức tạp thêm tình hình ở một trong những tuyến đường thủy bận rộn và giàu tài nguyên nhất thế giới, Tổng thống Philippines đã mời tập đoàn dầu khí nhà nước Rosneft của Nga cân nhắc về một thỏa thuận thăm dò dầu khí Biển Đông.

Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), lời mời được đưa ra trong chuyến thăm Nga của ông Duterte vào tuần trước khi ông gặp các lãnh đạo của Rosneft, trong đó có giám đốc điều hành Igor Sechin.

“Tổng thống đã mời Rosneft, đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực dầu khí Nga đầu tư vào Philippines, nhất là mảng dầu khí. Tổng thống đảm bảo với các lãnh đạo Rosneft rằng sự đầu tư của họ ở Philippines là an toàn, và ông sẽ không dung thứ cho nạn quan liêu tham nhũng”, Salvador S. Panelo, người phát ngôn kiêm cố vấn pháp lý của tổng thống Duterte cho biết hôm thứ Năm (3/10).

Trước đó, Đại sứ Philippines tại Nga, ông Carlos Sorreta nói rằng các công ty năng lượng Nga quan tâm đến khai thác dầu khí ở Philippines, và bất kỳ thỏa thuận nào với Nga sẽ không gây tổn thất cho quyền lợi của Manila tại Biển Đông.

 Trang tin điện tử Rappler.com dẫn lời ông Sorreta: “Họ sẵn sàng tuân thủ luật pháp của chúng ta. Họ không đòi chủ quyền. Nếu họ đến thì đấy hoàn toàn là sự công nhận chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và quyền khai thác tài nguyên của chúng ta”.

Kể từ tháng Bảy, vai trò của các công ty dầu khí Nga ở Biển Đông đã thu hút sự chú ý quốc tế. Tàu Trung Quốc và Việt Nam đối đầu khi tàu khảo sát Trung Quốc Hải Dương 8 (Haiyang Dizhi 8) đến bờ biển Việt Nam, tàu Trung Quốc cản trở hoạt động của giàn khoan dầu của Việt Nam và Rosneft gần Bãi Tư Chính, rạn san hô mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền.

Cũng theo SCMP, là đối tác với Trung Quốc, Nga giữ vị thế trung lập trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Tổng thống Vladimir Putin công khai đứng về phía Trung Quốc, đặt dấu hỏi về giá trị của phán quyết năm 2006 của Tòa án trọng tài Hague ở Hà Lan ủng hộ chủ quyền của Philippines cho phép Manila toàn quyền khai thác nguồn tài nguyên dầu khí.

Bắc Kinh cảnh báo Việt Nam từ bỏ các dự án thăm dò với các công ty nước ngoài mà họ nói rằng đe dọa chủ quyền Trung Quốc. Dưới áp lực của Bắc Kinh từ năm ngoái, Hà Nội đã ngừng khoan dầu khí với đối tác Tây Ban Nha là công ty Repsol. Theo SCMP, có suy đoán rằng, Việt Nam vận dụng chiến lược hợp tác với các cường quốc như Nga về dầu khí Biển Đông nhằm đối trọng với Bắc Kinh.

Chuyên gia Đông Nam Á Zhang Mingliang đến từ Đại học Tế Nam, Quảng Châu nói rằng: “Trung Quốc sẽ không đối xử với dự án thăm dò dầu khí của Nga giống như cách họ đối xử với công ty Tây Ban Nha”. Ông Zhang cho rằng, các cuộc tuần tra của tàu Hải Dương 8 và các tàu Trung Quốc gần các hoạt động của Rosneft có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang theo dõi Nga trong khu vực.

 Còn Artyom Lukin, phó giáo sư tại Đại học Liên bang Viễn Đông, Vladivostok, Nga, nói rằng, các quan chức chính phủ Nga, Rosneft và Gazprom (hai công ty năng lượng hàng đầu đều có dự án liên doanh với Việt Nam) đều kín tiếng về hoạt động của họ ở vùng biển Việt Nam: “Điều đó cho thấy Moscow có vài quyền lợi ở Biển Đông, nên họ sẽ nỗ lực bảo vệ, thậm chí điều đó khiến Bắc Kinh khó chịu”.

Nhưng ông Lukin cũng nghi ngờ liệu Nga có muốn phá hỏng quan hệ với Trung Quốc hay không: “Dù là một điểm bất đồng giữa Bắc Kinh và Moscow, hoạt động của các công ty Nga ở Biển Đông không thể gây bất ổn cho mối quan hệ chiến lược Nga – Trung vốn rất quan trọng, và Moscow – Bắc Kinh đều cần hỗ trợ nhau ở những vấn đề lớn hơn”.

RELATED ARTICLES

Tin mới