Friday, April 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaViệt Nam - Campuchia: Tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết...

Việt Nam – Campuchia: Tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết theo luật quốc tế

Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, hai bên nhắc lại lập trường của ASEAN về Biển Đông nêu tại các tuyên bố chung gần đây, đặc biệt là Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52); cho rằng tình hình căng thẳng hiện nay ở Biển Đông cần phải sớm được giải quyết một cách hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

Chuyến thăm gắn kết tình hữu nghị truyền thống

Từ 4-5/10, Thủ tướng Campuchia thăm chính thức Việt Nam. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam – Campuchia tiếp tục có những phát triển tốt đẹp. Hai nước khẳng định chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ, trong đó ưu tiên cao trong việc gìn giữ, vun đắp và phát triển mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài với Campuchia.

Trong thời gian thăm, Thủ tướng Hun Sen đã hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, chào xã giao Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thủ tướng Hun Sen đã cùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam – Campuchia.

Phát biểu sau cuộc hội đàm, hai Thủ tướng khẳng định, quan hệ Việt Nam và Campuchia là quan hệ anh em gắn kết, bền chặt không thể tách rời. Hai nước đã từng kề vai sát cánh, cùng hy sinh xương máu đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân mỗi nước, đó là tài sản quý báu mà cả hai nước cùng quyết tâm gìn giữ và không ngừng nuôi dưỡng, truyền cảm hứng cho các thế hệ con cháu mai sau. Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia cũng ghi nhận những bước phát triển tích cực, thực chất của quan hệ hai nước thời gian qua, đặc biệt là tăng trưởng trong lĩnh vực thương mại, du lịch; thảo luận và đạt đồng thuận cao về phương hướng thúc đẩy hợp tác hai nước trong thời gian tới. Hai Thủ tướng nhất trí không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ hai nước theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, trên tinh thần tin cậy, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi. Hai bên nhất trí làm sâu sắc quan hệ chính trị thông qua tăng cường các chuyến thăm, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao và các cấp, phát huy hiệu quả các cơ chế đối thoại, hợp tác song phương; tăng cường trao đổi về các vấn đề an ninh chiến lược, phối hợp chặt chẽ nhằm bảo vệ vững chắc môi trường hòa bình, an ninh và ổn định của mỗi nước; kiên định nguyên tắc không cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào sử dụng lãnh thổ nước này để gây phương hại đến an ninh của nước kia. Hai bên nhất trí cho rằng, là hai nước láng giềng, Việt Nam và Campuchia hội tụ những tiềm năng, lợi thế to lớn để thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư song phương. Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, đặc biệt là kết nối các tuyến giao thông đường bộ, đường sông, kết nối điện năng, du lịch, tài chính, ngân hàng…; triển khai mạnh mẽ các biện pháp xúc tiến thương mại, đầu tư; phối hợp xây dựng khung chính sách thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mở rộng đầu tư, kinh doanh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong tam giác Việt Nam – Campuchia – Lào, sử dụng bền vững sông Mekong hướng tới phát triển bền vững. Hai lãnh đạo khẳng định quyết tâm phối hợp xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ, phát huy vai trò trung tâm của khu vực. Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia cũng nhất trí dành sự quan tâm thỏa đáng cho cộng đồng gốc Việt ở Campuchia có cuộc sống ổn định, đóng góp vào sự phát triển của Campuchia.

Thủ tướng Hun Sen, với tư cách cá nhân và đại diện cho nhân dân Campuchia, gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Việt Nam vì đã hỗ trợ Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot cũng như sự giúp đỡ trong quá trình phát triển từ trước đến nay; khẳng định “tất cả những gì Campuchia có ngày hôm nay sẽ không có được nếu không có sự giúp đỡ trong sáng của quân đội và nhân dân Việt Nam”. Ngoài ra, Thủ tướng Hun Sen biết hai nước sẽ hợp tác để tổ chức thành công các sự kiện trong năm 2020 khi Việt Nam làm chủ tịch ASEAN và Campuchia tổ chức hội nghị về Tiểu vùng Mekong mở rộng.

Trong chuyến thăm, hai nước đã ký kết 7 văn bản quan, gồm: Hiệp định viện trợ triển khai dự án Nhà làm việc của Ban Thư ký Quốc hội Campuchia; Hiệp định viện trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng một số hạng mục thuộc dự án Trung tâm dịch vụ điều trị cai nghiện ma túy tự nguyện, dựa vào cộng đồng tại tỉnh Preah Sihanouk, Campuchia; Bản ghi nhớ về hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan; Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại; Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới; Bản ghi nhớ về tiến độ xây dựng và kế hoạch bàn giao Chợ biên giới kiểu mẫu tại xã Đa, tỉnh Tbong Khmum, Campuchia; Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực điện năng. Ngoài ra, Việt Nam và Campuchia cũng đã ký 2 văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả 84% công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền; nhấn mạnh đây là sự kiện chính trị hết sức quan trọng, đánh dấu một dấu mốc lịch sử trong tiến trình giải quyết biên giới giữa hai nước, là nền tảng để hai bên tiến tới hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững giữa hai nước.

Về các vấn đề khu vực và quốc tế, hai nhà lãnh đạo nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực; khẳng định phối hợp chặt chẽ nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN, giữ vững những nguyên tắc của ASEAN, củng cố đoàn kết, tự cường và đề cao vai trò trung tâm của ASEAN; thúc đẩy hợp tác Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam và Tiểu vùng Mê Công mở rộng nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công, hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Trước mắt, hai nước sẽ phối hợp chặt chẽ trong năm 2020 khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và Campuchia đăng cai Hội nghị Cấp cao ASEM.

Việt Nam và Campuchia nhất trí lập trường chung trong vấn đề Biển Đông

Liên quan tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Việt Nam và Campuchia nhắc lại lập trường của ASEAN về Biển Đông nêu tại các tuyên bố chung gần đây, đặc biệt là Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) ngày 31/7/2019 tại Bangkok, Thái Lan; cho rằng tình hình căng thẳng hiện nay ở Biển Đông cần phải sớm được giải quyết một cách hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Trước đây, Campuchia đã vì lợi ích của mình, từng bước thay đổi lập trường, thái độ trong vấn đề Biển Đông; “ngầm” ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua đàm phán song phương trực tiếp giữa các nước liên quan. Mới đây, khi Trung Quốc ngang nhiên đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào hoạt động trái phép trong vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam, Người phát ngôn Chính phủ Campuchia Phay Siphan (29/7) ngang nhiên cho rằng “người ngoài” không nên can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Ông Phay Siphan nhận xét “tình hình hiện nay ở Biển Đông là ổn định, nhưng có thể sẽ còn căng thẳng nếu tiếp tục có sự can thiệp từ bên ngoài”; cho rằng “những người bên ngoài khu vực không nên tiếp tục khuấy động rắc rối ở Biển Đông dưới danh nghĩa tự do hàng hải”, đồng thời nhận định “bất kỳ sự can thiệp nào từ bên thứ ba hoặc người ngoài sẽ không chỉ ảnh hưởng đến nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước ASEAN, mà còn khơi dậy đối đầu trên Biển Đông”. Theo ông Phay Siphan, “Campuchia mong muốn tất cả các bên có liên quan trực tiếp đến các bất đồng ở biển Đông kiềm chế và tiếp tục giải quyết tranh chấp bằng đối thoại hòa bình. Cho đến nay, Trung Quốc và ASEAN đã đạt được tiến triển ổn định trong đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC), và chúng tôi khuyến khích tất cả các bên tiếp tục đối thoại hòa bình vì sự hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực”.

Ngoài ra, một trong những ví dụ điển hình về tuyên bố, hành động của Campuchia ủng hộ quan điểm sai trái của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông là việc nước này nhiều lần ngăn chặn ASEAN ra các tuyên bố chung chỉ trích hành động phi pháp của Trugn Quốc. Trong đó, năm 2016, cộng đồng quốc tế phải gọi Campuchia là “đồng minh trung thành của Trung Quốc là Campuchia”đã ngăn khối ASEAN đạt đồng thuận về vấn đề Biển Đông sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague bác yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với vùng biển này. Tại cuộc họp trên, chỉ duy nhất Campuchia hiện đang cản đường trong việc ra tuyên bố chung về Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới