Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaDu lịch biển: Chiêu trò củng cố yêu sách chủ quyền của...

Du lịch biển: Chiêu trò củng cố yêu sách chủ quyền của các nước ven Biển Đông

Cùng với việc củng cố hồ sơ pháp lý và hoạt động trên thực địa, một số nước tồn tại tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cũng tích cực đẩy mạnh hoạt động du lịch biển nhằm tuyên truyền về yêu sách “chủ quyền” cũng như củng cố chứng cứ về quyền quản lý trên thực địa.

Tàu du lịch của Philippines

Trung Quốc là nước đẩy mạnh hoạt động du lịch phi pháp trên Biển Đông

Những năm gần đây, Trung Quốc thông qua việc hậu thuẫn cho các doanh nghiệp tổ chức các tour du lịch trái phép tới quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam để tìm cách củng cố yêu sách chủ quyền phi pháp đối với vùng biển này. Từ tháng 4/2013, Cục Hải dương nhà nước Trung Quốc đã công bố Chương trình phát triển hàng hải quốc gia theo Kế hoạch 5 năm lần thứ 12, trong đó đề cập đến việc phát triển du lịch ở Biển Đông. Đây là văn bản chính thức đầu tiên của Trung Quốc thể hiện chủ trương phát triển “du lịch yêu nước” ở Biển Đông của chính phủ Trung Quốc. Đến tháng 12/2016, Trung Quốc tiếp tục cho công bố “Chương trình phát triển du lịch” theo “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13”, nhằm định hướng phát triển du lịch trong giai đoạn 2016 – 2020, trong đó ý đồ nguy hiểm của Trung Quốc là muốn phát triển du lịch tại Tam Sa, từng bước thúc đẩy mô hình du lịch biển hướng ra Biển Đông. Trên cơ sở đó, đến năm 2016, chính quyền tỉnh Hải Nam đã công bố “Quy hoạch phát triển du lịch tổng thể nhằm kết nối Hải Nam với Hoàng Sa. Với ngân sách từ tỉnh Hải Nam, chính quyền của “thành phố Tam Sa” đã xây dựng “Kế hoạch hành động thúc đẩy du lịch Tam Sa”, trong đó đề xuất mở cửa sân bay quân sự trên đảo Phú Lâm cho các chuyến bay dân sự, phục vụ du lịch biển. Tháng 3/2017, chính quyền tỉnh Hải Nam tiếp tục công bố “Kế hoạch phát triển du lịch toàn vùng của tỉnh Hải Nam giai đoạn 2016 – 2020”, với ý đồ phát triển du lịch tàu thuyền để khai thác du lịch tại Tam Sa, qua đó thúc đẩy mô hình du lịch biển mới, ưu tiên các tour ra Hoàng Sa và hướng tới Trường Sa đến năm 2020.

Thực hiện chủ trương của chính quyền Trung Quốc, vào tháng 4/2013, Công ty Vận tải eo biển Nam Hải đã tổ chức chuyến du lịch đầu tiên đưa du khách từ đảo Hải Nam đến một số địa điểm ở Hoàng Sa. Theo thống kê của phía Trung Quốc, từ năm 2013 đến nay các doanh nghiệp Trung Quốc đã đưa khoảng 100.000 du khách đến Hoàng Sa. Số lượng khách “du lịch yêu nước” tăng nhanh cùng với quá trình phát triển cơ sở hạ tầng ở Hoàng Sa, nhất là sau khi Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển ra phán quyết về vụ kiện của Philippines (7/2016). Năm 2016, số khách Trung Quốc du lịch đến Hoàng Sa tăng gần 50%.

Theo các chuyên gia quốc tế, việc tổ chức hoạt động “du lịch yêu nước” nằm trong chính sách tổng thể của Trung Quốc nhằm thực thi “chủ quyền” ở Biển Đông. Trung Quốc muốn tăng cường khẳng định chủ quyền và quyền kiểm soát trên thực tế ở Biển Đông, không chỉ bao gồm phương diện hạ tầng, quân sự mà còn trên lĩnh vực dân sự và sự hiện diện của người dân. Phản bác các chỉ trích của các nước bên ngoài và cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay và hậu thuẫn cho các tuyên bố tuyên truyền của Trung Quốc rằng tình hình Biển Đông đang phát triển hòa bình, hợp tác. Về lâu dài, nếu các chủ thể quốc tế sử dụng các kết cấu hạ tầng dân sự và dịch vụ của Trung Quốc ở Biển Đông thì Trung Quốc có thể coi đó là cơ sở để khẳng định sự hiện diện hợp pháp, cũng như chủ quyền của họ tại khu vực này. Trung Quốc muốn tăng cường sự ủng hộ của người dân và tích cực tuyên truyền về chính sách của Nhà nước trong vấn đề biển đảo.

Đáng chú ý, truyền thông Trung Quốc cũng tích cực tham gia cổ súy hoạt động du lịch để tuyên truyền vấn đề chủ quyền. Thời báo Hoàn Cầu cho rằng việc hợp tác phát triển du lịch như một biện pháp giữ gìn hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Để cổ súy cho du lịch trái phép trên Biển Đông, thời báo Hoàn Cầu viết rằng việc phát triển du lịch biển còn giúp tránh được việc tàn phá sinh thái biển do hoạt động đánh bắt cá trái phép gây nên, giúp bảo vệ các rạn san hô và các nguồn tài nguyên khác khỏi sự tàn phá của con người. Sau khi dẫn giải dài dòng về những gì đã diễn ra và những “lợi ích” của hợp tác du lịch trên Biển Đông , cuối cùng báo Hoàn Cầu cũng lộ rõ chủ ý của bài báo là nhằm bao che cho việc mở rộng phát triển tuyến du lịch trái phép ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo báo Hoàn Cầu, việc mở cửa du lịch trên quần đảo Hoàng Sa và phát triển tài nguyên du lịch trên cái gọi là thành phố Tam Sa được đánh giá cao trong việc xây dựng đảo du lịch quốc tế. Báo Hoàn Cầu ngang nhiên viết rằng: phát triển du lịch trên quần đảo Hoàng Sa cũng là dịp để Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Ngoài ra, truyền thông Trung Quốc cũng tích cực tán phát các thông tin liên quan và phát biểu của giới lãnh đạo liên quan vấn đề du lịch phi pháp ở Biển Đông.

Đằng sau những hành động phi pháp trên của Trung Quốc là nhằm phục vụ các ý đồ chính trị: Thứ nhất, Trung Quốc muốn tìm cách độc chiếm Biển Đông. Đài RFI của Pháp cho rằng Trung Quốc đang dùng mọi phương tiện để thực hiện tham vọng bành trướng lãnh thổ ở Biển Đông. Khi thường xuyên đưa du khách tới Hoàng Sa, Trung Quốc muốn củng cố đòi hỏi chủ quyền, khẳng định Trung Quốc quản lý tuyệt đối toàn bộ vùng này. Thứ hai, Trung Quốc muốn củng cố yêu sách chủ quyền phi pháp ở Hoàng Sa. Bằng các hành động trên, Bắc Kinh đang muốn chứng minh rằng Trung Quốc “đã thực hiện việc xác lập và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa một cách liên tục và hòa bình”. Thứ ba, tuyên truyền việc Trung Quốc có “chủ quyền” không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa, nhằm tìm kiếm sự đồng thuận của người dân trong nước và cộng đồng quốc tế. Thứ tư, Trung Quốc muốn thông qua các hoạt động du lịch trái phép tới Hoàng Sa để đẩy mạnh “lòng yêu nước”, chủ nghĩa dân tộc của người dân lên cao nhằm hướng lái dư luận trong nước trước một số vấn đề nhạy cảm trong nước.

Philippines đang nối tiếp Trung Quốc, thúc đẩy hoạt động du lịch trên biển

Manila là một trong những nước có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch biển. Với 7.000 hòn đảo, mỗi đảo cách nhau chỉ chưa đầy 2 km, Philippines đang nỗ lực để mở rộng thị phần trong ngành du lịch tàu biển của châu Á. Không những vậy, theo số liệu thống kê của Philippines, Manila có 7,2 triệu du khách ghé thăm trong năm 2018 và đón 4,85 triệu người chỉ trong 7 tháng đầu năm 2019. Dự kiến, Manila sẽ đón 12 triệu cho đến cuối năm 2022. Ngoài ra, du lịch hiện chiếm 13,4% số lượng việc làm tại Philippines trong năm 2018 và ước tính sẽ đạt 14,4% trong năm 2022.

Trong những năm gần đây, lượng khách du lịch ở Philippines chủ yếu tập trung vào du lịch biển. Điều này đã thúc đẩy khả năng tập trung và nhân rộng hiệu quả kinh tế. Tại một chương trình về thương mại gần đây, quan chức chính phủ và đại diện các hãng du thuyền lớn đã bàn bạc về việc thêm tên Philippines vào các điểm đến tại châu Á kể từ năm 2020. Chiến lược phát triển du lịch tàu biển của Philippines tập trung vào Manila, Boracay và Puerto Princesa. Ngoài ra, nhiều địa điểm tiềm năng khác tại khu vực phía bắc Luzon, hòn đảo chính của Philippines, cũng được nhắm đến. Điển hình, cảng Salomague tại tỉnh Ilocos Sur được dự tính khai trương trong tháng này sẽ đón du thuyền Spectrum of the Seas của Công ty tàu biển Hoàng gia Caribbean vào tháng 12. Spectrum of the Seas là du thuyền lớn nhất châu Á của công ty này, có sức chứa 5.000 du khách với 16 tầng, đi kèm hàng trăm dịch vụ ăn uống, vui chơi và giải trí. Tiếp đến, Philippines sẽ mở hẳn một cảng biển dành riêng cho du thuyền từ tháng 4/2021 tại Trung tâm du thuyền Solaire, Manila.

Trước những điều kiện thuận lợi về địa lý và cơ sở vật chất, Philippines cũng đang dự tính thúc đẩy, mở rộng hoạt động du lịch ra một số đảo, đá do nước này đang chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (23/7) từng cho biết, Philippines đang lên kế hoạch tái xây dựng hoặc sửa chữa đường băng ở Pagasa (đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam); nhấn mạnh trong tương lai, Manila “sẽ xây thêm các công trình phục vụ cho quân đội ở đó và có thể là cả một số khách sạn cho người Philippines tới đó du lịch”.

Đảo Thị Tứ nằm cách bờ biển Philippines gần nhất là 280 hải lý. Hòn đảo rộng gần 37 ha, có quân đội đồn trú và một vài hộ dân sinh sống nhờ vào trợ cấp chính phủ. Philippines đang cho xây một gờ dốc trên bờ biển để dễ vận chuyển vật liệu xây dựng và thiết bị hạng nặng vào đảo. Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền phi pháp đối với Thị Tứ. Tháng 12 năm ngoái, gần 100 tàu Trung Quốc đã áp sát đảo Thị Tứ như một phần nỗ lực gây sức ép, buộc Philippines ngừng hoạt động cải tạo trái phép trên đảo này.

Trước các hoạt động du lịch trái phép ở Biển Đông, Bộ ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng khẳng định Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việc các nước xây dựng, đưa vào sử dụng trái phép các công trình trên các đá, bãi, tại khu vực quần đảo Trường Sa hoặc tổ chức du lịch ra quần đảo Hoàng Sa đều xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Những hành động phi pháp như vậy không thể thay đổi sự thực về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Đồng thời, Bộ ngoại giao Việt Nam yêu cầu các nước liên quan chấm dứt ngay các các hoạt động sai trái và không để tái diễn các hành động tương tự, nghiêm túc tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới