Friday, April 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaChính trị hóa và triệt để lợi dụng giải trí để tuyên...

Chính trị hóa và triệt để lợi dụng giải trí để tuyên truyền cho các “yêu sách chủ quyền” phi pháp của TQ ngày càng tinh vi, nguy hiểm

Liên tiếp các vụ việc cho thấy Trung Quốc đang triệt để sử dụng các loại hình tuyên truyền thông qua phim ảnh, truyền hình, văn hóa phẩm đến các trò chơi để lồng ghép các yêu sách, tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Đây là chiêu trò đã được Bắc Kinh sử dụng nhiều năm nay, song hai năm trở lại đây sự tinh vi và mức độ nguy hiểm của Trung Quốc đã gia tăng rất nhiều.

Trung Quốc luôn nuôi tham vọng độc chiếm Biển Đông và trong những năm gần đây đã công khai tham vọng này bằng việc công bố yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp bao trùm gần 90% diện tích Biển Đông cũng như đẩy mạnh việc cải tạo trái phép các bãi đá trong khu vực thành các đảo nhân tạo làm căn cứ để hiện thực hóa điều này. Cùng với những hành động sai trái nói trên, giới chức Trung Quốc cũng đã có những bước chuẩn bị hết sức tinh vi để truyền bá những thông điệp sai trái về yêu sách chủ quyền của nước này ra khắp thế giới với mục tiêu từng bước thay đổi quan điểm của cộng đồng quốc tế trong vấn đề này. Từ năm 2015, trước những quan ngại của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới về những hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Giới chức Trung Quốc đã liên tục đẩy mạnh việc tuyên truyền về cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông bất chấp phản ứng quyết liệt của cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, EU, Nhật Bản, Ấn Độ… và các nước trong khu vực.

Để thực hiện mục tiêu trên, Trung Quốc đã đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền, thông qua cài cắm hết sức tinh vi và bất cứ lúc nào có thể hình ảnh đường lưỡi bò”. Đây là một phần trong kế hoạch tuyên truyền tổng thể của Trung Quốc. Một mặt, Bắc Kinh theo dõi và phản đối bất kỳ bản đồ nào không nói Đài Loan hay Hong Kong thuộc Trung Quốc, hoặc không chứa “đường lưỡi bò”. Một mặt, với thế mạnh may mặc, sản xuất thiết bị văn phòng phẩm bán khắp thế giới, Trung Quốc tích cực đẩy “đường lưỡi bò” vươn khắp toàn cầu.

Thứ nhất, về phim ảnh, truyền hình, gần đây nhất, phải nói đến là thông tin về việc bộ phim “Everest – Người tuyết bé nhỏ” (Abominable) do DreamWorks Animation Studio (Mỹ) và Pearl Studio (Trung Quốc) đồng sản xuất có tới 2 đoạn và 4 cảnh phim xuất hiện hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến cộng đồng quốc tế phản ứng gay gắt. Tại Việt Nam, bộ phim này sau đó đã bị thu hồi và dừng chiếu. Tại Philippines, dư luận phản đối cũng tương tự như ở Việt Nam và cơ quan chức năng đã phải cắt bỏ các phần nội dung có hình ảnh “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Pearl Studio thuộc sở hữu của China Media Capital, một tập đoàn lớn của Trung Quốc được thành lập với mục tiêu gây dựng “đế chế truyền thông toàn cầu” để “quảng bá những giá trị Trung Quốc ra khắp thế giới”. China Media Capital từng nhận được khoản đầu tư lên tới 1,5 tỷ USD từ các tập đoàn lớn của Trung Quốc như Alibaba và Tecent để hiện thực hóa mục tiêu này. Đây không phải là lần đầu tiên “đường lưỡi bò” xuất hiện trên các sản phẩm văn hóa, thể thao, giải trí mang tính toàn cầu. Trước đó gần 1 tuần, cộng đồng mạng quốc tế đã phát hiện hình ảnh “đường lưỡi bò” xuất hiện trên một đồ họa của kênh thể thao hàng đầu thế giới ESPN giới thiệu về lãnh thổ Trung Quốc trong chương trình SportCenter.

Trước đó hồi năm 2018, dư luận phẫn nộ khi Trung Quốc công chiếu bộ phim “Biệt đội Biển Đỏ”, trong đó kết thúc phim đã ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông bằng sức mạnh quân sự. Bộ phim này sau đó cũng đã bị dừng chiếu tại nhiều nước. Hay trong tháng 9 vừa qua, Trung Quốc đã cho trình chiếu 7 tập phim tài liệu về Biển Đông trên sóng truyền hình quốc gia, trong đó tập trung tuyên truyền về các “yêu sách” và “luận cứ” về chủ quyền Biển Đông theo cách mà Bắc Kinh dựng lên. Nhìn chung thủ đoạn của Trung Quốc đối với loại hình này là cài ghép một cách tinh vi nhằm tránh những phản ứng từ dư luận các nước để đạt doanh thu đồng thời vẫn được lưu hành. Đây sẽ là những thứ mà sau đó Trung Quốc sẽ đưa ra để biện minh cho việc cộng đồng thừa nhận “chủ quyền” của nước này ở Biển Đông.

Thứ hai, về các thể loại trò chơi và văn hóa phẩm khác. Trong các trò chơi ảo phát hành của Trung Quốc, người chơi không khó để phát hiện ra các hình ảnh bản đồ về “đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn”. Mới đây, Ngày 16/10, nhà phát hành trò chơi “Âm Dương Sư” đã đóng cửa game này vì có nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. “Chúng tôi phải thông báo ngừng phát hành “Âm Dương Sư” do trưa ngày 16/10, bản cập nhật mới nhất của trò chơi xuất hiện bản đồ đường lưỡi bò, vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam”, đại diện công ty Dịch vụ phần mềm Bình Minh, đơn vị phát hành trò chơi tại Việt Nam, xác nhận. Âm Dương Sư (Onmyoji) là game online do công ty NetEase (Trung Quốc) phát triển và được Công ty Bình Minh phát hành tại Việt Nam từ tháng 1/2018. Game thuộc thể loại nhập vai với nhân vật là một thầy phép người Nhật Bản. Năm 2012, Công ty VNG cũng từng đóng cửa trò chơi “Chinh Đồ” sau khi game cập nhật bản đồ mới, vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Năm 2018, trên 2 trang mạng có tên là Shopee và dochoigiaoducsom.com (“Đồ chơi giáo dục sớm”) đã chào bán bộ đồ chơi “Bản đồ cắm cờ thế giới” có sử dụng bản đồ “đường lưỡi bò”. Nguy hiểm hơn là việc chú thích ghi rõ biển Đông là “Nam Hải” theo cách của Trung Quốc. Quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng bị thể hiện dưới cái tên “Nam Sa quần đảo”. Thời gian trước, “đường lưỡi bò” cũng được thể hiện trên một số thiết bị học tập như cặp, sách, tập viết có xuất xứ từ Trung Quốc.

Tóm lại, yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là hoàn toàn phi pháp và đã bị Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) hôm 12/7/2016 ra phán quyết bác bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, bất chấp luật pháp và công luận quốc tế, Trung Quốc vẫn quyết không từ bỏ yêu sách này. Rõ ràng những “đường lưỡi bò” ấy xuất hiện không xuất phát từ những cá nhân, mà đó là một mưu đồ lớn Trung Quốc đang cố tận dụng nhiều kênh, nhiều cách để thực hiện. Do vậy, cộng đồng quốc tế và các nước có liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông cần phối hợp và có tiếng nói chung trong việc phát hiện những truyền bá thông tin sai trái về cái gọi là “chủ quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông” để có phản ứng thích hợp và kịp thời để ngăn chặn hành vi này của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới